Lê Diễn Đức
“Ổn định” Việt Nam?
Bản tin của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI (Radio France Internationale) ngày 07/07/2007 đã trích dẫn nguồn tin của hãng thông tấn AP, thuật lại lời một sĩ quan công an quận Phú Nhuận, xác nhận tin tức biểu tình diễn ra từ 22 tháng 6 năm 2007 đến nay tại Sài Gòn của người dân 9 tỉnh thành miền Nam. Họ đã kéo đến Văn phòng II của Quốc Hội Việt Nam, chăng biểu ngữ, dựng lều cố thủ, phản đối nạn tham nhũng của quan chức các địa phương và đòi bồi thường đất đai bị cướp đoạt.
“Ổn định” Việt Nam?
Bản tin của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI (Radio France Internationale) ngày 07/07/2007 đã trích dẫn nguồn tin của hãng thông tấn AP, thuật lại lời một sĩ quan công an quận Phú Nhuận, xác nhận tin tức biểu tình diễn ra từ 22 tháng 6 năm 2007 đến nay tại Sài Gòn của người dân 9 tỉnh thành miền Nam. Họ đã kéo đến Văn phòng II của Quốc Hội Việt Nam, chăng biểu ngữ, dựng lều cố thủ, phản đối nạn tham nhũng của quan chức các địa phương và đòi bồi thường đất đai bị cướp đoạt.
Dân Bến Tre chịu đựng đói khát, mưa gió để đòi lại “đất sắt thành đồng”
Nguồn:hohuong20042000
Như vậy là sự gan lỳ, chịu đựng đói khát, mưa gió để đòi quyền sống công bằng và chính đáng của bà con đã làm chính quyền không thể cứ giả mù, giả điếc và 600 tờ báo đảng cùng mấy kênh truyền hình bị há miệng mắc quai, cứ mãi mãi im thin thít như thịt nấu đông!
Tuổi Trẻ, (tờ báo mà giới thạo tin trong nước đồn rằng được cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt bảo hộ, che chở), bị quần chúng lên án ê chề, đã tự thấy không thể không lên tiếng, dù rất yếu ớt và né tránh thực tế. Họ chỉ dám đưa tin vắn tắt, chủ yếu về việc chính quyền đang phải đối phó ra sao. Còn không một chữ nào về các dữ kiện như chính quyền cho công an phong toả, cách ly người biểu tình với những người hảo tâm muốn đến giúp đỡ, tiếp tế đồ ăn thức uống và nhà nước đã ngầm tung ra mạng lưới đặc tình, mật vụ (đóng vai xe ôm, sửa xe gắn máy) xua đuổi quần chúng vì sợ đến lấy tin.
Mọi hành xử bội bạc, bất nhân của nhà cầm quyền đều vô hiệu. Cả nước và dư luận quốc tế trong mấy ngày qua biết rất rõ. Không bức tường nào ngăn được sự thật và tiếng nói lương tri của con người.
Nói về cuộc biểu tình của hàng trăm người dân, đặc biệt của nông dân tỉnh Tiền Giang, một căn cứ địa cách mạng thời chiến tranh của đảng cộng sản Việt Nam với nhiều bà mẹ anh hùng, liệt sĩ, xảy ra liên tiếp nhiều ngày ngay giữa thành phố Sài Gòn, RFI cũng nhấn mạnh rằng, “chưa có tờ báo nào trong nước loan tin”. Mãi đến ngày 07/07, tờ Tuổi Trẻ mới cho hay, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải giải quyết khiếu kiện của nhân dân địa phương, không để họ đi lên Sài Gòn.
Cũng theo Tuổi Trẻ, phó Tổng thanh tra chính phủ Mai Quốc Bình đã được cử về Tiền Giang chỉ đạo các quan chức địa phương để giải quyết khiếu kiện.
Lãnh đạo Tiền Giang đã thuyết phục được một số người quay về nhưng vẫn còn khoảng 70 đến 80 người ở lại bám trụ. Được biết, những người ở lại cho rằng, khiếu kiện không phải chỉ mới đưa ra vào lúc này mà hàng chồng đơn kêu cứu của bà con đã được các quan chức biết rất rõ từ nhiều năm nay nhưng bị vứt vào sọt rác. Bà con không muốn mình tiếp tục bị lừa phỉnh, dụ dỗ rồi đâu lại vào đó.
Một phó Tổng thanh tra Chính phủ khác là Lê Tiến Hào đã nói rằng, nhà nước sẽ phải giải quyết khiếu nại của 140 người dân khác của tỉnh Bình Thuận cũng đang “bám trụ” ở thủ đô Hà Nội.
RFI nhận xét rằng, những vụ tập trung, biểu tình trước các cơ quan đảng và nhà nước để khiếu nại về tình trạng đất đai, nhà cửa bị các quan chức địa phương chiếm đoạt bất công đã “trở nên quen thuộc trong những năm gần đây”, nhưng dường như “đây là lần đầu tiên, một cuộc biểu tình đã kéo dài như thế”.
Các cuộc biểu tình mới chỉ là hành động tự phát của bà con nông dân. Nếu như họ có tổ chức và được hỗ trợ mạnh mẽ về tinh thần và vật chất của toàn xã hội, của cộng đồng người Việt hải ngoại bằng những việc làm cụ thể với tinh thần đùm bọc và chia sẻ chân tình, chắc chắn sẽ làm Ba Đình điên đầu. Đại đa số quần chúng có nhân tâm không ai nỡ bàng quan và vô tình trước nỗi oan ức, thống khổ của những người nghèo đã từng một thời bao bọc, nuôi nấng các vị lãnh đạo đảng và nhà nước trong khó khăn, gian khổ, thậm chí đổi cả mạng sống, để cho họ được ngồi chệm chễ trên ngai vàng ngày hôm nay và trơ trẽn hiện nguyên hình những tên lừa đảo, phản trắc.
“Ổn định” Trung Nam Hải?
Trong khi đó, tại nước láng giềng phương Bắc của Việt Nam, người dân cũng đang tranh đấu với chính quyền càng ngày càng quyết liệt hơn, kể cả những cuộc biểu tình đụng độ với cảnh sát, đốt phá các cơ sở của nhà nước.
Theo RFI, Bắc Kinh vừa ra chỉ thị cho các chính quyền địa phương phải lưu tâm đến tình trạng mà họ gọi là “bất ổn xã hội” và phải tìm ra nguyên nhân làm cho quần chúng phẫn nộ để giải quyết. Nếu thất bại, cán bộ, nhân viên nhà nước sẽ không thăng chức. Theo hãng AFP, chính Tân Hoa Xã (Xinhua) đã đưa tin này trong ngày 07/07/2007, như là “một dấu hiệu phản ảnh sự lo ngại của Trung Ương”.
Cùng ngày, một cuộc họp về vấn đề nông thôn được diễn ra tại Bắc Kinh. Âu Dương Tùng, quan chức cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc đặc trách về vấn đề nhân sự cũng đã tuyên bố rằng, “các viên chức nào không đảm bảo được sự ổn định ở nông thôn sẽ không được thăng chức”.
Thứ trưởng công an Lưu Kim Quốc ra lệnh cho công an địa phương phải tiến hành các cuộc thanh tra, có thể kéo dài cả tháng, để tìm hiểu nguyên nhân và quy mô của cái gọi là “sự cố tập thể” và tình trạng bất ổn trật tự xã hội tại nông thôn.
Chính phủ Trung Quốc sử dụng cụm từ “sự cố tập thể” để chỉ những vụ bạo loạn và những cuộc tập hợp của quần chúng biểu tình, phản đối nhà nước.
Lưu Kim Quốc nêu ra các vụ tội phạm chạy trốn hay băng đảng hoành hành, cũng như những vụ đánh cắp nguyên liệu sản xuất; nạn làm hàng giả mạo; bắt cóc, buôn bán trẻ em và phụ nữ; buôn lậu ma tuý, chất nổ và súng ống.
Hãng thông tấn Ba Lan PAP, trong ngày 04/07 và 05/07/2007 đã đăng tin, trước sự phẫn nộ dữ dội của dư luận Trung Quốc và thế giới, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bắt giam 60 người liên quan tới xì-căng-đan cưỡng bức trẻ em làm nô lệ lao động tại các lò gạch ở một số tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên, hầu hết báo chí và phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải tin tức về sự kiện này.
Trẻ em được bán đến các lò gạch với giá 60 USD mỗi người, phải lao động 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, thường xuyên bị đói, bị đánh đập mà không có ai kiểm soát.
12 người đã ra hầu Toà tại tỉnh Shanxi trong ngày 05/07/2007. Một trong những chủ lò gạch tên là Wang Bingbing, cùng với sếp bảo vệ Heng Tinghan và nhân viên trong nhóm của y. Được biết Wang là con trai của một lãnh đạo đảng cao cấp của địa phương. Còn Heng bị xử tội đã dùng xẻng đánh chết một em trai rồi giấu xác.
Chính phủ Trung Quốc đã biệt phái một lực lượng đặc biệt điều tra tình trạng lao động tại các lò gạch, cho đến 5/07/2007 đã giải thoát 600 người bị bắt làm nô lệ, trong đó có 50 trẻ em vị thành niên. Không thấy chính quyền nói gì đến bồi thường thiệt hại cho những người này hoặc họ sẽ được nhận một đãi ngộ nào đó của nhà nước, khả dĩ để phục hồi sức khoẻ và trở về gia đình với đời sống bình thường.
Bất mãn của dân chúng Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong tầng lớp lao động nghèo bị gạt ra lề xã hội trong bối cảnh kinh tế thị trường bùng nổ, con người mất hết nhân tính khi chạy theo sức hút của đồng tiền, còn nhà nước thì làm ngơ, hầu như chẳng hề có chính sách đáng kể nào để cải thiện đời sống công nhân và nông dân. Bên cạnh đó, nạn “phép vua thua lệ làng” và tham nhũng triệt tiêu mọi hành động ngăn chặn của các cơ quan tư pháp trước bất công xã hội.
Dân Trung Quốc biểu tình (trên 74.000 vụ với hơn 3,8 triệu người tham gia năm 2006)
Nguồn: chinadigitaltimes.net
Theo RFI, con số mới nhất mà chính quyền Trung Nam Hải đưa ra, trong năm 2005 đã có “85.000 sự cố tập thể”, tăng hơn 6% so với 2004, tăng hơn 50% so với 2003. Con số thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.
Nông dân Trung Quốc đang phải gánh trên vai những hậu quả nghiêm trọng của cuộc cách mạng “mèo nào cũng tốt, miễn bắt được chuột”. Đập Tam Hiệp xây lên năm ngoái cùng với sự phô trương khánh thành nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới, ngốn hàng chục tỷ đô la đầu tư, đang huỷ diệt nguồn nước. Từ cách xa nhiều cây số người ta có thể ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên do cây cỏ và rong rêu tự hoại mà không có biện pháp xử lý kỹ thuật khi cho nước ngập.
Trong khi đó, thiên tai thường xuyên càng làm tình trạng sống của 800 triệu người ở nông thôn chật vật hơn. Thu nhập của họ, tính bình quân, mỗi ngày chưa được 1 đô la.
Theo hãng thống tấn Ba Lan PAP ngày 08/07/2007, lũ lụt trong mấy ngày qua tại tỉnh Sychuan đã làm thiệt hại khoảng 3 tỷ Yuan (tương đương 400 triệu đô la), ít nhất 26 người chết, đe doạ trực tiếp cuộc sống của 42 triệu người và 7,2 triệu người đang bị mất nguồn nước uống. Đã cơ cực lại càng thêm cơ cực.
Kết
Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều có chung một nhận định rằng, những vụ bạo loạn của dân chúng (Trung Quốc và Việt Nam) bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng thường xuyên là các trường hợp đất đai của dân chúng bị các quan chức tham nhũng chiếm đoạt, vấn đề môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, nạn ăn hối lộ tiếp tay cho giới mafia và tư bản đỏ đầu cơ trục lợi hoặc là các vụ công dân bị đàn áp mạnh tay bởi chính quyền địa phương.
Xem ra, cả Trung Quốc và Việt Nam tuyên truyền rằng, do hoàn cảnh văn hoá, lịch sử Á đông và dân trí còn thấp nên phải duy trì hệ thống cai trị độc đảng để giữ ổn định xã hội cho mục tiêu phát triển kinh tế là hoàn toàn không thuyết phục, hay đúng hơn, đây là lối nguỵ biện sáo mòn, rẻ tiền và trâng tráo. Làm sao có thể ổn định trong một xã hội đầy rẫy bất công, suy đồi về đạo đức truyền thống?
Loài người đã chứng minh câu ngạn ngữ: “Con giun xéo mãi cũng quằn”. Những kẻ mệnh danh là "đầy tớ của nhân dân", sống bằng tiền thu thuế của dân và bòn rút tài sản của dân, đang thi nhau đè đầu, cưỡi lên cổ Ông Chủ Nhân Dân, chắc chắn sẽ có ngày phải trả giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét