Thứ Ba, 19 tháng 6, 2007
Tạ Ơn
Bất cứ quốc gia nào cũng có thời kỳ dựng nước và giữ nước. Dựng nước đã khó, giữ nước lại càng khó hơn. Dựng nước bằng mồ hôi nhưng giữ nước lại bằng máu. Trong phim “The Patriot”, nói về chàng Benjamin Martin vì thù nhà đứng lên thống lãnh đám quân ô hợp (militia), phối hợp với Continental Army đánh đuổi quân đế quốc Anh để giữ độc lập (1775-1783). Sau khi đánh bại quân đội Anh, đoàn quân ô hợp trở về quê chứng kiến cảnh điêu tàn. Vườn tược tan hoang, nhà cửa thiêu hủy, vợ chết con mất. Tất cả phải xây dựng lại từ đầu nhưng trong lòng họ vẫn tự hào vì đã giữ vững được độc lập của đất nước thuở mới khai sinh.
Cuộc chiến nào cũng thế, phải trả bằng một giá máu và nước mắt. Nhiều người đã nằm xuống, phải hy sinh chính mạng sống của họ để bảo đảm an sinh cho những thế hệ tiếp nối. Quốc gia nào cũng có ngày để tưởng nhớ đến những vị anh hùng đó – Ngày Chiến Sĩ Trận Vong (Memorial’s Day). Còn những người sống sót sau một cuộc chiến tương tàn thì sao, chúng ta cũng phải ghi nhận công ơn của họ – Ngày Cựu Chiến Binh (Veteran’s Day). Chính họ đã hy sinh một phần đời người, hoặc một phần thân thể cho cuộc chiến để bảo vệ sự trường tồn của đất nước.
Trong Thế Chiến I, gần 4 triệu rưỡi lính Mỹ cầm súng thì đã có 126,000 người tử thương, số còn lại là cựu chiến binh. Thế Chiến II, nước Mỹ chiến đấu bên cạnh quân đội Đồng Minh chống lại phe Trục, kết quả 291 nghìn lính Mỹ bị tử thương trên mặt trận và khoảng 115 nghìn chết vì những lý do khác. Với số người tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào cuộc chiến lên đến 16 triệu, nếu trừ đi số thương vong, số còn lại cũng là cựu chiến binh. Thế hệ “baby boomer” (1946-1964) không hay biết thế giới vừa may mắn thoát được họa diệt chủng của phát-xít. Chiến tranh Cao-ly (1950-1953), ngoài số lính tử thương là 23,300 người, cũng có hàng trăm nghìn người sống sót trở về từ chiến trận. Rồi cuộc chiến Việt Nam (1959-1975) với hơn triệu binh lính Mỹ đến tham chiến, đã có hơn 58,000 người mạng vong và như thế con số cựu chiến binh Việt Nam lên đến cả triệu. Máu xương của những chiến sĩ đã anh dũng đổ ra với mục đích cổ võ tư tưởng dân chủ tự do. Mỗi năm có một ngày để mọi công dân trong một nước nhớ đến công ơn của họ.
Số phận của những cựu chiến binh ở Hoa-kỳ thật may mắn. Nếu tính con số của 3 cuộc chiến: Thế Chiến 2, Cao-ly, và Việt Nam thì con số cựu chiến binh lên đến mười mấy triệu. Họ được hưởng những tiêu chuẩn đặc biệt về học vấn, việc làm, y tế...v..v. Hiệp Hội Cựu Chiến Binh thành lập năm 1944 (American Veterans of World War II, Korea, and Vietnam, AMVETS), được Tổng thống Truman phê chuẩn năm 1947, bao gồm các cựu quân nhân từ ba cuộc chiến kể trên, (dĩ nhiên, đầu tiên chỉ có cựu chiến binh Thế Chiến 2, theo thời gian gia nhập thêm cuộc chiến Cao-ly, và Việt Nam sau đó). Với một hiệp hội như thế, họ đứng ra tranh đấu quyền lợi, nâng đỡ lẫn nhau để bảo đảm có một cuộc sống thăng bằng như mọi người khác.
Ít ra xã hội đã trả công phần nào cho những người cựu chiến binh vì không thể lấy lại được con mắt đã mù vì miểng đạn, không thể lấy lại đôi chân bị cưa cụt vì đạp phải mìn, cũng không thể lấy lại đôi tay bị cắt cụt vì đạn pháo. Nhưng dù sao những người cựu chiến binh Mỹ vẫn còn may mắn hơn số phận của nhiều chiến binh khác. Những cựu chiến binh người Việt. Họ là những nạn nhân còn sót lại trong cuộc chiến Việt Nam mà chúng ta không thể không nói đến. Trước hết, họ chiến đấu kiên cường để bảo vệ tổ quốc khỏi rơi vào tay Cộng sản. Sau nữa, họ chiến đấu bền bỉ vì lý tưởng tự do. Ngày 30 tháng 4, 1975, miền Nam sụp đổ vì một lý do nào đó mà kẻ viết bài này chưa đủ kiến thức để kết luận. Đến bây giờ, sau hơn 30 năm lưu lạc, đã có một số nhận định về nguyên nhân của sự thất trận ngỡ ngàng – cho cả hai bên, bên thua cũng như bên thắng. Cho dù vì bất cứ một nguyên nhân nào đi chăng nữa, nội tại hay ngoại cảnh, xa hay gần, ta hay người, chúng ta đã mất đi một cơ hội (vĩnh viễn?) mừng ngày Cựu Chiến Binh trên quê hương. Trước 75, đã có ngày tưởng niệm Các Chiến Sĩ Trận Vong nhưng vẫn chưa có ngày ghi ơn những chiến sĩ còn sống sót vì cuộc chiến đang tiếp diễn. Rồi đất nước rơi vào tay bọn đỏ vô thần, để lại gần triệu binh lính hoang mang với một chế độ sắt máu về chính trị, không tưởng về kinh tế.
Và một cuộc trả thù tàn bạo xảy ra trên khắp đất nước miền Nam. Cuộc trả thù không mang tính chất “tắm máu” nhưng là một sự trả thù khủng khiếp, dã man với mỹ từ “cải tạo”. Nó đày đọa tinh thần của những quân nhân kém may mắn không chạy kịp, hoặc không muốn đào thoát vào những ngày cuối cùng. Họ ở lại kiên cường chiến đấu mặc dù lịch sử đã bước qua giờ thứ 25. Tôi đã thấy tận mắt những anh lính Dù cầm súng len lỏi trên những con đường ở Bình Triệu vào giờ thứ 29, 30 gì đó, hiên ngang bắn vào quân thù. Anh bị một băng đạn sau lưng và ngã gục. Máu nhuộm đỏ trên mảnh đất quê hương.
Ngày 30 tháng 4, sau khi nghe tiếng súng nổ thật gần ở chợ Bến thành, tôi lái xe từ bến Chương Dương chạy ngược lại đường Tự do, sang Hồng thập Tự, đến ngã tư Lê văn Duyệt và chứng kiến đoàn quân xe tăng T-54 của cộng quân di từ xa lộ vào. Sau 25 năm, tôi vẫn còn nhớ tâm trạng hãi hùng khi thấy lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam được cắm trên đầu xe tăng. Tôi không biết nhiều về cộng sản, mặc dù gia đình tôi di cư để trốn họa đỏ năm 1954. Thế hệ của tôi, thế hệ được cha mẹ bồng bế dắt díu vào miền Nam, khi vừa trưởng thành thì mất nước. Những người lớn có nói đến cộng sản, nói đến lý do bỏ vườn tược ruộng nương để ra đi tay trắng nhưng chúng tôi không cảm nhận được những kinh nghiệm xương máu mà thế hệ cha ông tôi đã kinh qua. Nhưng chúng tôi cũng biết được không thể để cộng sản tràn vào miền Nam vì đó là ngày tận thế cuả 17 triệu con dân. Vậy mà tôi thấy chúng đi ngang nhiên trên đường Hồng thập Tự. Tôi nhớ lại lời tiên đoán của cha tôi, về một cáo chung của dân Việt. Tôi rùng mình thật sự.
Chạy ngược về phía ngã tư Bảy Hiền, tôi chứng kiến những người lính buông súng vừa đi bộ, vừa cởi áo lính, chỉ còn chiếc áo thun trắng trên người. Tôi chợt nghĩ đến vành khăn tang trắng toát. Vành khăn đã thắt lên đầu bao nhiêu thiếu phụ mất chồng trên chiến trường; vải sô trắng khoác vội vào người những đứa trẻ thơ. Ngày mai đi nhận xác chồng, quay đi để thấy mình không là mình. Bây giờ, những người lính thiểu não bước đi như những bóng ma. Có thể, gia đình họ còn kẹt lại ở miền Trung, ở miền Tây chưa biết tin tức sống chết thế nào. Họ cầm súng, theo đoàn quân tử thủ thủ đô và tôi không biết họ đang bước về hướng Sàigòn để gặp ai? để làm gì? Đứng bên lề đường vào buổi trưa nắng gắt ngày hôm đó, tôi thấy lòng ngậm ngùi hơn bao giờ.
Đó chính là những Cựu Chiến Binh. Nếu chúng ta thắng, chắc chắn sẽ có một ngày vinh danh họ, một ngày ôn lại những chiến công hiển hách không kể xiết, một ngày có người ở thế hệ thời hậu chiến đại diện đứng lên cúi đầu nói hai tiếng tạ ơn. Lịch sử đã không chiều lòng người. Tiền đồ đã rơi vào tay những người cộng sản. Họ, sau khi cưỡng chiếm miền Nam đã xây dựng một đất nước thế nào? Niềm tin tự hào “chiến thắng giặc Mỹ sẽ xây dựng bằng mười ngày nay” mà họ cố ý gieo vào đầu óc những thanh niên lớn lên ở miền Bắc một cách có hệ thống từ năm 1960 đã thực hiện đến đâu?
Thủ tướng Churchill có nói một câu bất hủ: “Chế độ tư bản bất công khi tạo ra giai cấp giàu nghèo còn chế độ cộng sản lại công bình khi phân chia đều sự nghèo khó.” Tội cho ông Churchill, ông nói câu này dựa trên lý thuyết của Mác và thực tế của dân Nga nhưng ông lại không sống thọ để chứng kiến bọn cộng sản Việt nam phân chia ra hai giai cấp rõ rệt, chẳng khác gì chế độ tư bản: “giai cấp thống trị nắm hết mọi tư liệu sản xuất và giai cấp bị trị gồm đại đa số nhân dân.” Cũng câu nói kinh điển này, họ kêu gọi nhân dân vùng lên để dành lại tư liệu sản xuất, làm chủ lấy cuộc đời mình. Hỡi ôi, tội cho đám dân đen nhẹ dạ, họ đổ máu xương dành lại tư liệu sản xuất để dâng lên cho những ông vua khoác áo đỏ, có răng nanh như một loại hồ tinh, độc ác còn gấp trăm lần những tên Việt gian thời phong kiến, tàn nhẫn còn hơn những tay trùm tư bản. Hoá ra họ áp dụng đúng lõi cốt của chế độ phong kiến và chế độ tư bản. Có lẽ nước Việt Nam là nước có nhiều người nghèo nhất thế giới hiện nay nhưng chắc chắn không thiếu những ông vua con ở đó đang vung tay tiêu xài ngang nhiên như một tay triệu phú, nếu không nói là tỷ phú. Con cháu họ đi du học chuẩn bị để lên kế ngôi như triều đại cha truyền con nối thời phong kiến, chế độ mà họ miệt thị lên án gắt gao.
Cả một thế hệ bị băng hoại trong chiến tranh đã đành, vì thui chột về kiến thức, vì được hun đúc trong tư tưởng hận thù; đến thời hậu chiến, hơn 30 năm, tầng lớp thanh thiếu niên cũng chẳng hơn gì. Họ mất niềm tin, kiến thức căn bản thiếu trầm trọng, trong khi những tệ đoan xã hội thì họ lại theo kịp, nếu không nói hơn, đà tiến hoá của những nước Tây phương. Không nên trách họ, mà hãy trách những kẻ trong tay đang nắm những “tư liệu sản xuất” và xử dụng triệt để công cụ “chuyên chính vô sản”. Một người bình thường, có chút lương tri, nhìn đám dân đen quá khổ cực ít ra cũng nhỏ một giọt nước mắt thương xót. Mà họ có phải ai xa lạ đâu, chính là những người đã nghe theo chính sách của đảng, hy sinh xương máu để tạo nên ngai vàng cho họ ngày hôm nay. Không cần có lòng từ tâm vĩ đại, chỉ cần chút da vàng máu đỏ thôi, đã phải thấy xót xa cho thân phận con người và cố làm một cái gì đó cho dân cho nước chứ không thể ngồi thản nhiên vung vãi tiền bạc qua những buổi “nhất dạ đế vương” thâu đêm suốt sáng. Hoá ra, làm người cộng sản cần phải có lòng ác độc, phải có cái thản nhiên “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.” Cái độc ác từ thời cải cách ruộng đất đã được biến đổi, ghế gớm hơn, khủng khiếp hơn và triền miên hành hạ dân Việt. Người ta đã rùng mình vì lòng độc ác trong thời cải cách:
Nước tôi có Đặng Xuân Khu,
Đâm chết thằng chú bỏ tù thằng cha
(Đặng Xuân Khu, biệt hiệu Trường Chinh đã đấu tố
cha mẹ mình đến chết để làm gương cho cả nước noi theo)
nhưng người ta phải ngậm ngùi và ghê tởm trước sự thản nhiên của những ông vua tư bản đỏ thời hậu chiến. Xét cho cùng, chính chế độ, xã hội đã tạo ra những kẻ không có lương tri như vậy. Cái lý thuyết này chẳng lạ gì khi quan Đại-phu Án Anh đã nêu lên từ thời Đông Châu Liệt Quốc. Chuyện kể như thế này:
Án Anh, người nước Tề phụng mệnh vua Tề sang sứ nước Sở. Vua Sở, Sở Linh Vương muốn làm nhục ông nên bày kế dẫn một tù nhân đến trước triều đình.
Sở Linh Vương hỏi:
- Tù nhân đó ở đâu? Phạm tội gì?
Có người thưa:
- Tên này vốn là người nước Tề, can tội trộm.
Sở Linh Vương nhếch môi nhìn Án Anh hỏi:
- Dễ thường người nước Tề hay đi ăn trộm lắm sao?
Án Anh thưa:
- Tôi trộm nghe nói quýt xứ Giang-nam đem trồng xứ Giang-bắc, dù quýt ngọt cũng hoá ra chua. Đó là tại phong thổ không giống nhau. Nay người nước Tề khi ở Tề không ăn trộm, mà lúc đến ngụ nơi nước Sở lại sinh ăn trộm, đó cũng tại phong thổ cả.
Ngoài tài đối đáp của Án Anh, ông đã chứng minh một điểm bất di bất dịch, chính phong thổ đã ảnh hưởng đến tính nết của con người. Phong thổ chính là tình trạng địa lý, môi trường và những điều kiện khách quan xã hội nơi con người sinh sống và chúng ảnh hưởng trực tiếp đến nếp suy nghĩ của mỗi người. Thầy Tăng Sâm lúc còn nhỏ đã vẽ mặt hát nghêu ngao như phường chèo vì mẹ con sống gần rạp diễn tuồng. Thầy lại tập tành buôn bán khi sống gần chợ búa. Mẹ thầy dọn đến gần trường học và thầy đã trở thành một nhà hiền triết. Xem đó, môi trường xã hội thế nào thì con người sẽ trở nên như thế. Môi trường tốt sẽ tạo ra con người tốt và ngược lại. Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy là thế. Mãi đến đầu thế kẻ 19, Émile Durkheim (1859-1917) – nhà xã hội học Pháp nổi tiếng– lại xác quyết một lần nữa qua câu nói: “Con người là sản phẩm của xã hội.” Đông và Tây đã gặp nhau khi nói về ảnh hưởng của phong thổ, của xã hội. Xã hội cộng sản tàn ác, quỷ quyệt, và nham hiểm chắc chắn sẽ tạo nên những con người không có lương tri vì chính những kẻ không tim này là sản phẩm của chế độ dã man nhất trong lịch sử nhân loại.
Nhìn lại suốt 30 năm qua, hơn 80 triệu đồng bào sống lầm than cơ cực; không đủ miếng cơm, manh áo, không có lấy một ngày an vui thì thời gian từ 1954 đến 1975 là quãng thời gian vàng son, ngọt lịm. Mỗi khi nhớ lại, mấy ai mà không chép miệng thở dài luyến tiếc. Những thế hệ sau này, nghe cha ông kể lại những vui buồn trong khoảng thời gian đó thường thấy bắt đầu bằng hai chữ huyền thoại như chuyện cổ tích: ngày xưa…
Cái ngày xưa đó mãi mãi nằm yên trong tâm tưởng của người dân miền Nam và mỗi khi nhớ lại, tạ ơn Thượng đế đã ban cho những tháng ngày an vui. Trong 21 năm (1954-1975), tính ra được 7665 ngày bình an chính là nhờ công lao của những chiến sĩ vô danh đã nằm xuống, của những cựu chiến binh còn sống sót. Cho dù ngày vui qua mau nhưng hãy bằng lòng vì chúng ta vẫn may mắn hơn hàng triệu đồng bào ở miền Bắc, triền miên sống trong cơn ác mộng từ năm 1945, không có lấy một ngày vui.
Bây giờ cũng chưa muộn khi ngước nhìn những người lính Việt Nam Cộng Hòa và thốt lên hai chữ tạ ơn.
Sơn Nghị
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét