Âu Dương Thệ
Những bối cảnh đặc biệt trong chuyến đi của Nguyễn Minh Triết
Chuyến đi Mĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (NMT) đã được thỏa thuận giữa hai bên vào tháng 11 năm trước khi TT Bush thăm VN để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuy nhiên, chuyến đi này đã diễn ra không thuận buồm xuôi gió; ngược lại, chuyến đi đã bị các trận cuồng phong chính trị từ nhiều hướng tấn công…Từ đầu năm nay phe bảo thủ độc tài trong Bộ chính trị (BCT) đã cho bắt hàng loạt nhiều nhà đối kháng ở trong nước, trong đó có cả những chuyên viên trẻ tuổi được cảm tình của chính giới Mĩ. Họ muốn thử phản ứng của chính phủ Bush.
Sau một thời gian cân nhắc, TT Bush đã có một phản ứng rất ngoạn mục. Vào cuối tháng 5 vừa qua TT Bush, PTT Cheney, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Hoa kì đã mời 4 đại diện người Việt trong cộng đồng người Việt ở Mĩ tới nói chuyện ngay trong phòng làm việc của TT. Đồng thời CP Mĩ còn viết thư cho ông Đỗ Nam Hải, một người dân chủ trẻ tuổi ở trong nước, mời sang Mĩ tham gia cuộc nói chuyện này …Đây là một hành động chính trị ngoại lệ chưa có từ trước tới nay. Vì trong số 4 người được mời có hai người đại diện cho hai chính đảng đã bị chế độ kết án là đại diện các tổ chức „khủng bố“.
Cung cách tiếp đón một cách bất thường và cách nói nửa đóng nửa mở của TT Bush trong cuộc gặp có tính cách lịch sử này cho thấy, TT Bush đã coi thường nhóm lãnh đạo CSVN. Đứng về phương diện ngoại giao thì đây là một cái „bạt tai chính trị“ rất mạnh của Hoa kì.
Nhưng rất đáng lưu ý, đối với bên ngoài nhóm lãnh đạo đã phản ứng rất yếu ớt và nhẫn nhục. Môt mặt họ bắt báo chí phải im hơi lặng tiếng không được đưa tin việc TT Bush tiếp 4 đại diện của cộng đồng VN ở Mĩ…Mặt khác, họ vẫn tìm mọi cách để chuyến đi của NMT không bị huỷ và cũng không bị hoãn như một số dư luận đã đoán già đóan non!
Tại sao Hà nội (HN) đã phải nhẫn nhục như vậy?
Các quan sát viên theo dõi thì thấy, sự chịu đựng và „nhẫn nhục“ rất lớn của nhóm cầm đầu chế hộ HN là có những tính toán. Mặc dầu đã bị „tát tai“ công khai, nhưng họ vẫn cử Chủ tịch nước, trên nguyên tắc là người đứng đầu của Nhà nước CSVN, đi Mĩ cầu viện. Cho nên câu hỏi được đặt ra là, những động cơ nào, các lí do gì đã khiến nhóm cầm đầu HN phải nhún nhường và nhịn nhục đến thế, sự nhịn nhục đến mức làm mất cả tư cách của người lãnh đạo và mất thể diện quốc gia?
Nếu theo dõi nội tình của chế độ này thì quyết định vẫn để ô. Triết sang thăm Mĩ vào lúc này không phải là phía những người cấp tiến trong ĐCS thắng thế, nhưng phải nói đây là quyết định chung được đại đa số trong BCT đồng ý, kể cả những phần tử bảo thủ. Vì ngoài mục tiêu chiến lược trước mắt là „ổn định chính trị“ trong nước bằng cách đàn áp những người đối kháng, họ còn chủ trương sách lược đối ngoại tìm một thế lực quốc tế đủ mạnh để cản sức ép ngày càng lớn của Bắc kinh. Cả hai sách lược này đều có mục đích chính, là bằng mọi cách và mọi giá, cố trụ để kéo dài chế độ càng lâu càng tốt để bảo vệ quyền- tiền !
Trong sách lược đối ngoại, lúc này họ cần tới ảnh hưởng và sức mạnh của Mĩ tại VN và ĐNA để làm lực cản đối với Trung hoa (TH) đang ngày càng lớn mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Bởi vì, muốn giữ tăng trưởng kinh tế cao 8% hàng năm thì VN phải có nguồn điện lực rất lớn. 1/6 điện lực của VN đang phải nhập cảng từ TH. Điều này rất nguy hiểm. Mặt khác, tuy TH là đối tác thương mại lớn nhất của VN nhưng lại là một đối tác bất lợi nhất cho VN. Thêm vào đó Bắc kinh (BK) còn gây sức ép rất lớn với Hà nội trong Vịnh Bắc bộ và Biển đông. Thí dụ mới nhất là vài hôm trước công ti sản xuất dầu hỏa lớn BP của Anh vì áp lực của Bắc kinh đã phải ngưng việc tìm kiếm đầu khí ở quần đảo Trường sa.
Vì thế, một trọng tâm chính chuyến thăm Mĩ của ông Triết là lãnh vực kinh tế thương mại. Ưu tiên của Hà nội là mong Mĩ giúp đầu tư lập nhà máy nhiệt điện và giúp kĩ thuật trong việc lập nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở VN. Nếu dựa vào Mĩ để lập nhà máy điện nguyên tử thì HN có thể tránh được áp lực của BK và không bị dư luận quốc tế nghi ngờ và phản đối như trường hợp của Bắc Hàn và Iran hiện nay!
Liệu NMT có đạt được kết quả không và phải đối phó với những chống đối từ phía nào?
Trong lịch sử ngoại giao của chế độ CSVN từ 1945 tới nay, ít nhất đã có hai lần họ đã „nuốt hận“ để thực hiện mục tiêu chiến lược cứu vãn chế độ. Lần thứ nhất là ngày 14.9.1946 sau mấy tháng đàm phán ở Paris không có kết quả đang đêm HCM đã phải đến gõ cửa nhà riêng của bộ trưởng thuộc địa Pháp Marius Moutet để xin kí bản Tạm ước. Mục đích của bản tạm ước này là để chính quyền còn non của HCM có đủ thì giờ thanh toán những nhân vật và đoàn thể không CS lúc đó. Lần thứ hai là vào đầu tháng 9.1990, họ đã nhịn nhục, bất kể tới quốc thể, khi Đỗ Mười kéo cả đoàn gồm Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng bí mật sang Thành đô (Trung hoa) xin cầu hòa với Bắc kinh, khi Liên xô gần sụp đổ.
Liệu lần thứ ba này nhịn nhục để cử NMT sang Washington nhờ đối thủ cũ giúp, kết quả như thế nào thì phải đợi ít ngày nữa. Trong ngoại giao thì bao giờ cũng có đi có lại. Có tin là Hà nội đã đặt cả tỉ Dollars để mua máy bay Boeing của Mĩ. Do nhu cầu chiến lược, TT Bush cũng muốn mở rộng thế lực ở VN và ĐNA để ngăn chặn ảnh hưởng đang lên của Bắc kinh.
Nhưng NMT sẽ phải đối phó rất lớn vế chính trị. Quốc hội, nhiều nghị sĩ và dân biểu Hoa kì đã công khai kết án các biện pháp chà đạp nhân quyền và đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN.
Đặc biệt nữa, ông Triết còn phải đối phó với làn sóng vô cùng bất mãn của cộng đồng VN ở Mĩ. Mặc dù trong bài phỏng vấn của Việt tấn xã về chuyến đi Mĩ , NMT đã dành cả 1/3 bài để vừa ve vãn vừa dọa nạt.
Nhưng các cuộc biểu tình lớn sẽ diễn ra tại những nơi ông Triết và phái đoàn tới để tố cáo những tội ác của chế độ độc tài toàn trị đã giam cầm nhiều người dân chủ và tu sĩ. NMT sẽ chứng kiến tinh thần đấu tranh dân chủ của những người Việt cho nhân quyền và dân chủ đa nguyên.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét