Hoàng Tứ Duy
Tôi biết Lê Quốc Quân khi anh còn hợp tác với Ngân Hàng Thế Giới. Anh Quân là luật sư ở Hà Nội có công ty tư vấn mang tên Giải Pháp Viêt Nam. Anh cố vấn cho các định chế quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Á Châu. Mặc dù công việc chính của tôi tại Ngân Hàng Thế Giới không trực tiếp liên quan đến những vấn đề mà Luật sư Quân phụ trách nhưng tôi đã nghe tên anh và đọc một số bản phúc trình anh soạn. Anh chuyên về vấn đề xóa đói giảm nghèo. Đối với những người trong ngành, Lê Quốc Quân là chuyên viên có nhiều uy tín.
Tôi rất vui khi nghe tin Lê Quốc Quân sang Washington, D.C. vào tháng 9 năm 2006 để dự chương trình học bổng nghiên cứu sinh của cơ quan NED (National Endowment for Democracy). NED là cơ quan do Tổng thống Ronald Reagan thành lập vào năm 1983. Ngân sách của NED do Quốc Hội Hoa Kỳ cung cấp. Do viễn kiến của Tổng Thống Reagan và một vị thứ nhì là Dân biểu Dante Fascell để hình thành một cơ quan cổ võ dân chủ trên khắp thế giới nên chương trình học bổng này mang tên là “Reagan-Fascell”. Trong suốt lịch sử hoạt động, cơ quan NED đã nhận rất nhiều nghiên cứu sinh. Những người này thường đến từ các quốc gia vừa mới chuyển tiếp sang thể chế dân chủ như Ba Lan, Ukraine hoặc các nước “độc tài nhẹ” như Singapore, Iran và Venezuela. Lê Quốc Quân là người đầu tiên từ Việt Nam được nhận vào chương trình Reagan-Fascell của NED, vì khả năng của Luật sư Quân và sự quan tâm của Hoa Kỳ đến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Lê Quốc Quân tự học tiếng Anh ở Việt Nam và chưa từng rời khỏi Đông Nam Á một lần nào. Nhưng anh nói được tiếng Anh khá chuẩn, không thua nhiều người Việt đã sống ở Hoa Kỳ 15-20 năm. Theo anh tâm sự thì lúc ở Hoa Kỳ, trong những giờ rảnh anh hay ngồi ở một công viên trên đại lộ Pennsylvania cách Toà Bạch Ốc vài blocks chăm chỉ đọc các bài bình luận trong tạp chí Foreign Affairs, tài liệu của CIVICUS và cuốn sách như “The Case For Democracy” của Natan Sharansky.
Quân say mê đọc sách là điều không lạ gì, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là niềm vui sướng của anh mỗi khi ngồi viết. Có một lần tôi hỏi:
– Nè, hôm nay ông làm gì vậy?
– Tôi ngồi nhà viết cảm nghĩ, cực kỳ sướng!
– Tại sao?
– Vì ở Việt Nam mỗi lần viết một bài phải gửi liền hay xoá đi. Mình không cảm thấy yên tâm trình bày những suy nghĩ.
Theo Quân, nhiều người cầm bút trong nước khó có những tác phẩm thật trau chuốt vì họ không có thể viết một tác phẩm qua nhiều ngày tháng. Viết xong thì phải gửi liền vào một email account hay diễn đàn như Đàn Chim Việt, BBC để đăng. Mặc dù các giới hạn về tự do ngôn luận ở Việt Nam là điều tôi đã biết rõ nhưng đến khi nghe anh Quân tỏ vẻ cực kỳ sung sướng khi được thoải mái viết lách tôi mới cảm được mức độ nghẹt thở.
Từ vài năm qua một nhóm bạn ở vùng Washington, D.C. thường tụ họp ở nhà tôi vào đêm giao thừa Tết ta. Chúng tôi phần lớn sống xa gia đình nên cố tìm lại không khí Tết truyền thống. Năm này chúng tôi mời gia đình Lê Quốc Quân qua nhà đêm giao thừa... ngày 17 tháng 2. Anh Quân nói với tôi là nhầm rồi, ngày 17 là mồng một Tết. Tôi cảm thấy hơi quê. Không lẽ mình tính lộn ngày sao? Sau khi trao đổi qua lại tôi mới biết thế ra là Bắc Việt đổi lịch hồi năm 1968 và vì vậy ngày ăn Tết của người Việt hải ngoại (theo lịch của Tàu và Việt Nam Cộng Hoà) có lúc khác với những người sống trong nước (theo lịch của Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam). Nhưng đó chỉ là một ngăn cách nhỏ giữa người Việt trong và ngoài nước…
Trong tiệc Tết này tôi cầm miếng bánh chưng ngồi nghe anh Quân và một người bạn khác, Frances Hoàng, trao đổi về luật pháp. Hai người cùng tuổi. Một người là luật sư Việt Nam, người kia là luật sư Mỹ gốc Việt. Hai anh so sánh luật pháp hai quốc gia, rồi tình trạng kém dân quyền ở Việt Nam. Luật sư Quân trình bày hăng say và thuyết phục. Gần đây khi nghe tin anh Quân bị bắt, Frances nói nhớ hoài bản lãnh và sự can đảm của Quân. Và đây là nhận định của một người có kinh nghiệm chứng kiến hai đặc tính này. Frances tốt nghiệp trường võ bị West Point, từng là sĩ quan quận đội Hoa Kỳ, tốt nghiệp Ts Luật khoa và hiện là Associate Counsel trong White House.
Lớn lên tại Mỹ, tôi và các bạn Việt Nam cùng lứa tuổi thường pha tiếng Anh vào tiếng Việt khi nói chuyện. Mỗi khi tiếp xúc với anh Quân là dịp để tập dợt tiếng Việt và chứng kiến các đặc tính rất là Việt Nam của anh. Lê Quốc Quân mê thơ Trần Trung Đạo. Mặc dù nhiều website của Trần Trung Đạo bị cấm ở Việt Nam nhưng nhiều người trẻ trong nước cũng biết đến tác phẩm của nhà thơ này. Có khi anh Quân gọi phone cho tôi... chỉ để đọc cho tôi vài bài thơ của Trần Trung Đạo. Rồi anh Quân cao hứng đọc tiếp bài thơ anh mới sáng tác.
Lê Quốc Quân là người có niềm tự hào dân tộc. Tên công ty của anh là “Giải pháp Việt Nam” và anh tán thành quan niệm về “Việt Nam mới”. Gặp những người Mỹ anh chia sẻ những gì tốt về con người và quê hương Việt Nam. Anh chị Quân có bé gái 5 tuổi tên là An-Hà. Anh chị gửi An-Hà học trường công gần nhà. Tôi coi video anh Quân thâu khi đến trường của An-Hà tổ chức sinh nhật cho bé. Thấy lớp học của An-Hà trông thật buồn cười. Vì sống trong Washington, D.C. nên trong lớp toàn là da đen, chỉ lẫn vào một đứa bé da vàng... Dù mới sống ở Hoa Kỳ vài tháng hai bố mẹ rất thoải mái trong mọi môi trường và giống như đóng vai trò “đại sứ”, đi đâu cũng giải thích về văn hóa và nếp sống người Việt.
Anh Quân cũng là người rất tự hào về quê quán của mình. Tên của bé gái là chữ kép của Nghệ An và Hà Tĩnh, quê của bố và mẹ.
Chính vì bặt thiệp và trong sáng, Lê Quốc Quân được nhiều người mến phục tại Washington, D.C.. Trong chính giới Hoa Kỳ và các tổ chức phi chính phủ, anh có nhiều bạn từ Bộ Ngoại Giao đến Quốc Hội và các tổ chức nhân quyền. Cho nên khi anh về lại Việt Nam và đột ngột bị bắt bốn ngày sau vào ngày 8 tháng 3 năm 2007, đã có sự phản đối mạnh mẽ từ phía chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan nhân quyền. Những người biết Lê Quốc Quân không thể hình dung anh là một tội phạm. Họ thấy rõ ở anh hình ảnh một trí thức trẻ, một con người ái quốc.
Trong lá thư gửi chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết, ba nhân vật cao cấp của Hoa Kỳ (Thượng Nghị Sĩ John McCain, Cựu Ngoại Trưởng Madeleine Albright, và Chủ Tịch NED Vin Weber) đã viết:
Trong quá trình huấn luyện tại NED, luật sư Lê Quốc Quân đã tiến hành dự án nghiên cứu độc lập về xã hội công dân, và ông đã chiếm được cảm tình của nhiều người bởi tinh thần chính trực, lòng say mê phục vụ người nghèo và sự tận tụy của ông đối với sự phát triển của Việt Nam… Chúng tôi không thể diễn tả hết về nỗi quan tâm sâu sắc của chúng tôi đối với việc luật sư Quân bị bắt giữ. Hành động bắt giữ luật sư Quân là một đám mây đen che phủ hình ảnh quốc gia Việt Nam và mối quan hệ giữa hai quốc gia của chúng ta. Chúng tôi xin kêu gọi qúy vị hãy tiến hành những thủ tục cần thiết để sớm trả tự do cho luật sư Quân.
Nhà cầm quyền CSVN tính toán gì đây khi bắt Lê Quốc Quân? Trong lúc họ muốn chứng tỏ với thế giới rằng CHXHCNVN không phải là quốc gia đáng quan tâm (country of particular concern) thì họ trù dập một luật sư nghiên cứu về xã hội dân sự và dân chủ.
Trước khi chia tay ở Washington, D.C., tôi có hỏi anh Quân, khi theo học tại NED, anh nghĩ sao nếu bị công an làm khó khi trở về trong nước:
– Ông có sợ về Việt Nam không?
– Không! Tôi rất muốn về. Cách đối xử của nhà nước cũng sẽ là yếu tố quyết định con đường tôi đi.
Lê Quốc Quân hiện đang bị giam tại trại B14 ở xã Thanh Liệt, Hà Nội. Gia đình chưa được tiếp xúc với anh. Tuy Luật sư Lê Quốc Quân đang bị CSVN cô lập và trấn áp, nhưng với những gì mà tôi biết về anh sau mấy tháng gần gũi tại Washington, D.C., tôi tin chắc là CSVN không thể khuất phục được tinh thần đấu tranh cho lý tưởng tự do dân chủ của Lê Quốc Quân. Anh là một kẻ sĩ của thời đại, dám dấn thân cho lý tưởng của mình. Tư cách của anh đã làm cho cơ quan NED và nhiều chính khách như Thượng Nghị Sĩ John McCain, Cựu Ngoại Trưởng Madeleine Albright, phải lên tiếng đặt vấn đề với Hà Nội cho thấy là tên tuổi của anh đang được đề cao trong giới quyền lực Hoa Kỳ, trong cộng đồng người Việt hải ngoại và ngay chính trong lòng đất nưóc.
Thứ Ba, 19 tháng 6, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét