Hoàn Nguyên
Mục đích của giáo dục là huấn luyện, đào tạo con người và ngay cả loài vật để có khả năng làm một công việc được chỉ định. Bài viết này chỉ bàn đến giáo dục con người và hệ quả của nó.
Giáo dục bao gồm trí dục, đức dục và thể dục. Một hệ thống giáo dục tương đối được chấp nhận cần có cả ba điều trên. Giáo dục ở các nước tiên tiến thì hệ thống trường học phải có phòng học tiện nghi, phòng vệ sinh sạch sẽ và nơi tập thể dục như sân quần vợt, hồ bơi và sân bóng. Quan trọng nhất là kiến thức và đạo đức của thầy cô giáo.
Trí Dục – Chúng ta hãy bàn luận về trí dục và so sánh trí dục ở Việt Nam và các nước tiên tiến.
Trí dục bao gồm các kiến thức khoa học như toán, sinh ngữ, sinh vật học, vật lý học, hoá học và các môn học về khoa học nhân văn như lịch sử, địa lý, triết học, văn chương, hội họa, âm nhạc, chính trị học v.v...
Đa số học sinh Việt Nam rất siêng học và thông minh khi có cơ hội được đi học. Học sinh Việt Nam học khoa học không thua kém học sinh ở các nước tiên tiến nhưng tại sao nền khoa học ở Việt Nam lại phát triển chậm chạp và chỉ mong bắt kịp các nước láng giềng ở Đông Nam Á? Câu trả lời là hệ thống giáo dục Việt Nam thiếu hiệu quả và thiếu người lãnh đạo tài giỏi, chính quyền không chú trọng hay cố tình không hiểu sự quan trọng của giáo dục.
Trường học thì thiếu phương tiện thực nghiệm như phòng thí nghiệm. Chương trình học thì quá chú trọng vào lối học từ chương (thuộc lòng) mà không có cơ hội thực tập các ứng dụng khoa học. Vì không được thực hành nên đưa đến tình trạng thiếu thảo luận giữa các học sinh và đặt câu hỏi với thầy cô. Chính sự thảo luận sẽ giúp cả lớp cùng nhau suy nghĩ. Nhiều người cùng suy nghĩ sẽ giúp giải quyết vấn đề toàn diện và đa phương hơn.
Khi các thầy cô giáo được đào tạo trong môi trường thiếu thực nghiệm thì chính họ cũng không đủ kiến thức để hướng dẫn học sinh. Không có thực nghiệm, các học sinh sẽ mau chóng quên đi những định lý khoa học.
Tại sao trường học ở Việt Nam thiếu phòng thí nghiệm?
Có hai nhân tố căn bản là tài chánh và nhân sự.
Người lãnh đạo thiếu kiến thức khoa học thực dụng sẽ không biết mua những gì và khi mua thì có thể sai. Tài chánh thì tập trung quá nhiều để nuôi công an và không lo cho giáo dục.
Hãy nói về khoa học nhân văn và nhất là môn học chính trị và lịch sử. Chính hai môn học này đã tàn phá sáng tạo trong giới trẻ, gây lòng hận thù và làm kém cỏi đi các môn khoa học như toán, vật lý, hóa học, v.v… Tại sao?
Chúng ta chỉ có 12 giờ để làm việc trong một ngày. Nếu phải đọc sách, bàn cãi và viết luận văn về các đề tài chính trị vô ích như chủ nghĩa Mác-Lê hết hai giờ mỗi ngày chẳng hạn thì các học sinh đã mất hai giờ để học chuyện vô ích thay vì dành số giờ đấy để học chuyện có ích hay được nghỉ ngơi. Đó là cái hại truớc mắt.
Học lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản và tư tuởng Hồ Chí Minh lại có cái hại dài lâu rất đáng sợ. Chủ nghĩa Cộng sản là đấu tranh giai cấp và tố cáo lẫn nhau để được hưởng bổng lộc và được chấp nhận trong guồng máy Cộng sản. Đấu tranh giai cấp làm cho con người sợ hãi và nghi kỵ nhau sẽ đưa đến suy nghĩ và hành động thiếu tính trung thực, gây ra hậu quả là con người không dám phát biểu ý kiến.
Thí dụ trong các buổi họp bàn về đường lối phát triển giáo dục hay phát triển quốc gia, thường có một ủy viên chính trị và anh ta khơi mào là chúng ta bàn chuyện phát triển giáo dục nhưng phải theo tư tưởng Hồ Chí Minh (HCM). Các vị khác tuy biết rằng HCM chẳng có tư tưởng gì nhưng không ai dám nói lên sự thật. Tại sao họ sợ mà không dám nói? Chỉ vì từ lúc còn ở tiểu học và trung học, họ đã từng học chính trị đấu tranh giai cấp và biết hậu quả khi nói lên sự thật là sẽ mất quyền lợi và bị tù tội. Thế là chính trị đã khoá tư tưởng của những người khác trong cái hộp bé tí xíu là tư tưởng HCM.
Học Chủ nghĩa Cộng sản sẽ gây mầm thù hận các quốc gia tư bản trong giới học sinh. Nhưng với các du học sinh từ VN qua các nước tư bản, họ được sống tự do và tiếp nhận nền văn minh khoa học và đời sống đầy nhân bản. Do đó các du sinh có tầm nhìn bao quát hơn về đất nước Việt Nam và so sánh để biết là họ đã bị những bài học chính trị, lịch sử lừa đảo, người lừa đảo họ lại chính là những vị thầy kính yêu của họ. Những vị thầy này lại bị chính cái đảng Cộng sản lừa dối.
Đức Dục – Trí dục như trái tim, chân tay của cơ thể, thể dục là sức mạnh của chân tay của cơ bắp và đức dục chính là khối óc để điều hành cơ thể, nơi ban mệnh lệnh cho chân tay, nơi phân tích tốt, xấu và phân biệt thiện, ác. Đức dục chính là linh hồn của dân tộc, là mạng lưới vô hình kết chặt công dân của một quốc gia và giúp xây dựng tinh thần dân tộc. Đó là tinh thần chống ngoại xâm, bảo tồn văn hóa, gìn giữ thuần phong mỹ tục…
Đức dục bắt đầu từ lúc đứa trẻ lên 2 tuổi khi biết quan sát và bắt chước. Đức dục là di sản văn hoá lâu đời của dân tộc và nó được thấm nhuần chậm chạp nhưng chắc chắn vào trí óc mỗi người.
Đức dục bao gồm giáo dục tại học đường, giáo dục tại nhà, giáo dục từ tôn giáo và từ môi trường xã hội chung quanh.
Nhìn lại lịch sử VN, quân Mông Cổ (quân Nguyên) dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn và người cháu là Hốt Tất Liệt sau khi chiếm Đông Âu, Trung Đông, Nga và chiếm trọn Trung Hoa. Quân Mông Cổ đem 500 ngàn quân thiện chiến để xâm lăng một quốc gia nhỏ bé là Đại Việt (Việt Nam). Quân Mông Cổ đã bị Đức Trần Hưng Đạo lãnh đạo binh sĩ đánh cho tan tành. Dân nước Đại Việt vào các năm 1258, 1285, 1288 đã 3 lần đánh bại Mông Cổ qua các trận đánh lớn ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp và Bạch Đằng. Tại sao dân tộc Việt nhỏ bé mà có sức mạnh như vậy?
Đó chính là sức mạnh từ đức dục. Nó là một mạng lưới vô hình kết hợp được từ người nông dân quê mùa quanh năm chỉ biết ruộng vườn cho đến tướng lãnh, binh lính và cả nhà vua.
Những người Cộng sản luôn cho rằng Hồ Chí Minh (HCM) đã dùng đạo đức cách mạng Cộng sản mà kêu gọi được dân chúng chống Pháp. Thực ra đảng Cộng sản chỉ mới thành lập được vài năm trong thời chống Pháp nên nền móng đạo đức Cộng sản chưa được tượng hình trong lòng người dân lúc bấy giờ. Chính cái tinh thần dân tộc trong trí óc, trong tâm hồn của người dân Việt đã giúp toàn dân một lần nữa đứng lên chống ngoại xâm.
Thể Dục – Có bao nhiêu trường trung học ở Việt Nam có các phòng tập thể dục? Khi tôi gọi một đứa cháu ốm yếu và khuyên cháu nên chạy bộ để có chút ít thể thao và giữ gìn sức khoẻ, cháu tôi trả lời đâu có chỗ mà chạy! Thể dục là xa xỉ phẩm đối với đại đa số người dân Việt Nam khi mà làm việc cả ngày chỉ đủ tiền mua một trái banh quần vợt.
Kết Luận – Nền giáo dục Việt Nam nếu muốn khá thì phải ngưng ngay dạy các em nhỏ cái mà người Cộng sản gọi là đạo đức cách mạng. Đảng phải bớt đi ngân sách nuôi công an và gia tăng ngân sách giáo dục để các học sinh có phòng thí nghiệm mà thực tập. Dạy lịch sử thì phải trung thực, chứ đừng ngụy tạo như câu chuyện anh hùng Lê Văn Tám tự tẩm xăng và làm cây đuốc sống để đốt phá kho xăng kẻ địch.
Đừng sùng bái lãnh tụ một cách mù quáng mà biến các lãnh tụ thối nát thành anh hùng dân tộc vì khi đổ bể ra thì bị tác dụng ngược và nhất là phải tốn khá nhiều tiền một cách vô ích để tiếp tục dấu nhẹm điều gian dối và ngăn chận sự thật.
Nhà nước hiện đang tốn tiền xây tường lửa và tiền nuôi một đội ngũ công an mạng để ngăn chận thông tin, nuôi công an địa phương để bịt miệng dân. Những chi phí đó mà dồn vô giáo dục thì trí dục và thể dục phải vượt trội.
Đức dục thì nên phát triển tôn giáo và dạy nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Hãy để các nhà chân tu giúp đỡ giáo huấn người dân sống có đạo đức thì gia đình tốt đẹp và đưa đến xã hội tốt đẹp.
Trí dục và thể dục thì yếu kém, đức dục đầy sai lầm thì đảng chính là bọn phản động đang tàn phá quê hương đất nước và phân hoá dân tộc bằng nền giáo dục Mác-Lê.
Thứ Ba, 19 tháng 6, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét