Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

Làm báo kiểu Hà Nội

“… chỉ có các phóng viên cuả phía Việt Nam thì dường như bị hỏng tai hết cả, hay không hiểu tiếng Mỹ …”

ĐƯA TIN MỘT CHIỀU

Làng báo nhà nước cộng sản Việt Nam đã để lại nước Mỹ hình ảnh tồi tệ nhất cuả họ sau chuyến viếng thăm 5 ngày cuả Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết. Họ không những chỉ nói một nửa sự thật mà còn ngụy tạo tin để đánh lừa dư luận.

Thứ nhất, taị Nữu Ước ngày 18-6, chặng dừng chân đầu tiên cuả Triết, những phóng viên được tháp tùng đã tường thuật không thiếu một chữ lời phủ nhân để đánh lừa dư luận cuả Triết nói rằng ở Việt Nam “không hề có chuyện bắt bớ, xét xử vì lý do bất đồng chính kiến….Những người này vi phạm pháp luật Việt Nam và phải được xử lý theo pháp luật Việt Nam. Họ hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác, lên kế hoạch lật đổ chế độ. Hành động như vậy không thể chấp nhận được".

Các báo này cũng đề cao tuyến bố có sắp đặt trước cuả Triết nhằm vào người Việt tị nạn sống tại Hoa Kỳ, theo đó, kề từ ngày 1/9 (2007), người Việt về nước không cần phải thị thực sổ thông hành và thân nhân cuả các quân nhân VNCH tử trận chôn tại Nghĩa trang Quân đội ở Thủ Đức nay có thể tự do đến chăm nom, sửa sang vì nay Nghĩa trang này đã được chuyển quyền quản lý từ Bộ Quốc phòng sang cho tỉnh Bình Dương.

Nhưng những phóng viên viết bài đã quên rằng chế độ không chỉ bắt giam những người lính VNCH còn sống từ sau ngày 30-4-1975 mà đã “bỏ tù” cả những người chết chôn ở Nghĩa trang này từ 32 năm qua !

Những tờ báo không có người được phép đi theo thì hoặc đã đăng lại bài tường thuật cuả báo có phóng viên gửi đi, hay in “nguyên con” bài viết một chiều cuả Thông tấn Xã Việt Nam mà không hề có lời phản bác. Trong khi các đài phát thanh, hay thông tấn quốc tế viết về các hoạt động cuả Triết ở Nữu Ước, đã không quên đề cập đến những lời lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận cuả các tổ chức nhân quyền, tôn giáo, báo chí, chính phủ và các dân biều, nghị sĩ Mỹ, nhất là đối với các vụ bắt giam những người bất đồng chính kiến từ đầu năm đến nay.

Thứ hai, chủ trương đề cao “Việt kiều” và “rào trước đón sau “ để chỉ viết về những điều tốt cuả chuyến đi còn phản ảnh trong bài Bình luận cuả báo Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền cuả trung ương đảng trong số ra ngày 18-6-07. Báo này viết: “Một nhân tố quan trọng trong việc phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là hơn 1,5 triệu kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ðảng và Nhà nước ta có chính sách nhất quán coi Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời, luôn đánh giá cao tấm lòng hướng về Tổ quốc và những đóng góp cuả kiều bào vào sự nghiệp phát triển đất nước. Chính phủ Hoa Kỳ công nhận sự đóng góp cuả Việt kiều đối với sự phát triển kinh tế cuả Hoa Kỳ. Chuyến thăm cuả Chủ tịch nước sẽ chuyển thông điệp hòa hợp dân tộc tới cộng đồng Việt kiều một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn.”

“Việt Nam và Hoa Kỳ có những điểm khác nhau về thể chế, cơ cấu kinh tế, xã hội, trình độ phát triển, ở cách xa nhau nửa vòng quả đất. Do thiếu thông tin, nên một bộ phận nhỏ người Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ thiếu thiện cảm với Việt Nam. Một số bất đồng, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, là rất nhỏ so với lợi ích chung cuả cả hai nước và cần được giải quyết thông qua đối thoại.”

“Xu thế ủng hộ Việt Nam vẫn là chủ đạo, phát triển quan hệ kinh tế - thương mại là trung tâm trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Trước khi rời Việt Nam ông Triết cũng đã lạc quan nói với hãng thông tấn nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN): “Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang tiến triển tích cực, các mặt hợp tác phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đem lại nhiều kết quả thiết thực đáp ứng lợi ích và nguyện vọng cuả nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi sẽ trao đổi với Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tính hiệu quả và ổn định cuả quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tôi sẽ gặp những người dân Hoa Kỳ cũng như người Việt Nam đang sinh sống ở Hoa Kỳ để góp phần thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tăng cường sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa hai dân tộc. Tôi cũng sẽ gặp gỡ lãnh đạo giới doanh nghiệp Hoa Kỳ và khuyến khích họ làm ăn nhiều hơn nữa với Việt Nam…”

“…Tuy hai bên vẫn còn một số bất đồng, nhất là vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhưng tôi tin rằng những khác biệt này là rất nhỏ so với lợi ích chung cuả hai nước và cần được giải quyết thông qua đối thoại. Với nỗ lực và thiện chí cuả cả hai bên, tôi tin rằng quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới, phục vụ lợi ích cuả hai dân tộc, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á.”
Về mục tiêu kinh tế-thương mại thì ông Triết đã đạt được. Liên lạc mậu dịch giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tăng từ 4 tỉ Mỹ kim hiện nay có thể lên đến khoảng 10 tỉ Mỹ kim sau chuyến đi cuả Triết. Nhưng về mặt chính trị thì ông Triết đã ra về tay không, nhất là trong giấc mơ “tăng cường sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa hai dân tộc”.

Bởi vì chính phủ Mỹ không coi chuyến viếng thăm cuả ông Triết là “cuộc thăm viêng cuả một quốc khách” (state visit) mà chỉ là cuộc thăm, tuy chính thức, nhưng bình thường là làm việc mà người Mỹ gọi là “working visit”, nên không có các nghi lễ dành cho quốc khách như có đội quân danh dự dàn chào, 21 tiếng súng đại bác mừng, chào cờ hai quốc gia tại Tòa Bạch Ốc, dự tiệc cuả Tổng thống Bush khoản đãi hay được mời đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội, không có Thông cáo chung (Final Comunique) vv…

Báo chí Mỹ cũng chỉ coi sự có mặt cuả ông Triết và phái đoàn Việt Nam ở Mỹ là “low profile”, không quan trọng bằng tin chiến sự ở Iraq, tình hình chính trị Do Thái-Palestinian, Ba Tư (Iran) hay vấn đề Luật Di dân cuả Nước Mỹ đang gặp khó khăn tại Quốc hội.

Thậm chí trong bản tin đầu giờ ngày 22-6 -07 cuả đài phát thanh CBS, phóng viên cuả đài này tại Tòa Bạch Ốc đã không loan tin về nội dung cuộc thăm Bạch Ốc cuả Nguyễn Minh Triết mà ngược lại đã có bài tường thuật chi tiết về cuộc biểu tình chống ông Triết bên ngoài Tòa Bạch Ốc cuả khoảng 2000 người Việt Nam. Các đài truyền hình Mỹ cũng “bỏ qua” chuyện cuả Triết, ngoại trừ đài CNN và hãng tin AP (Associated Press) đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông Triết, sau cuộc họp với Tổng thống Bush.

Trong hai cuộc phỏng vấn này, ông Triết đã lặp lại quan điểm Việt Nam không cần phải thay đổi về lập trường nhân quyền và dân chủ tự do vì mỗi nước có luật lệ, lịch sử và tập quán đối xử với công dân cuả họ riêng.

Có một chi tiết ‘ngoại giao’ đáng chú ý là chính phía Việt Nam đã yêu cầu Toà Bạch Ốc bỏ phần trả lời báo chí, sau khi ông Triết và Tổng thống Bush kết thúc lời phát biểu sau cuộc họp riêng dài 30 phút cuả họ. Các nhà báo có mặt dự đoán ông Triết “ngại” trả lời các câu hỏi về nhân quyền cà các vụ đán áp trong nước.

Còn việc như báo Nhân Dân hy vọng “chuyến thăm cuả Chủ tịch nước sẽ chuyển thông điệp hòa hợp dân tộc tới cộng đồng Việt kiều một cách mạnh mẽ và cụ thể hơn.” thì hoàn toàn thảm bại vì ông Triết đi đến đâu cũng bị những người biều tình chống đối đuổi theo đến đó, từ Nữu Ước đến Hoa Thịnh Đốn và sang California, chặng dừng chân cuối cùng cuả ông Triết.

Sự phủ nhận này còn được chứng minh bằng những biểu ngữ lên án chế độ đàn áp dân chủ, nhân quyền. Ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng tại tòa án Huế ngày 30-3- 07 và những tấm hình ông Triết bị gạch mặt hình chữ X cũng được người biểu tình mang theo.

HAI NGÀY NGỘT NGẠT

Thứ ba, trong thời gian ngót 2 ngày cuả ông Triết tại thủ đô nước Mỹ, ngoài việc đọc bài diễn văn kêu gọi đầu tư tại Phòng Thương mại Mỹ và chứng kiến việc ký kết các Thoả hiệp hợp tác Thương mại, ông Triết có hai cuộc gặp quan trọng: Chiều ngày 21-6 gặp các Lãnh tụ Quốc hội cuả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, và trưa ngày 22/6 vào Toà Bạch Ốc gặp Tổng thống Bush.

Theo thông lệ thì khi gặp các lãnh tụ Quốc hội, khách thường được tiếp như một người thân quý cuả cơ quan lập pháp và các lãnh tụ cũng được nghe những lời cảm ơn cuả khách về sự ủng hộ cuả Quốc hội đồi với những quan hệ ngọai giao và kinh tế giữa hai nước.

Riêng Việt Nam thì nếu không được Quốc hội thông qua đạo luật bình thường quan hệ kinh tế giữa hai nước thì Việt Nam chưa được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO, như đã xảy ra hồi đầu năm 2007.

Nhưng cuộc viếng thăm Quốc hội cuả ông Triết lại không bình thường như trông đợi. Hai lãnh tụ, Chủ tịch Hạ viện Bà Dân biểu Nancy Pelosi và Lãnh tụ khối đa số Thượng viện, Nghị sĩ Dân chủ Harry Reid, và Nghị sĩ Mitch McConnell, Lãnh tụ phe thiểu số Cộng hòa tại Thương viện đã nói cho ông Triết nghe đầy tai về những than phiền và quan tâm cuả các đồng viện cuả họ về những vụ bắt bớ và đàn áp dân chủ, nhân quyền và hạn chế các quyền tự do cuả Việt Nam trong thời gian gần đây.

Chủ tịch Nancy Pelosi nói với báo chí: “Dân chủ ở Việt Nam và liên lạc Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là hai vấn đề hàng đầu trong cuộc thảo luận.” (Democracy in Vietnam and the U.S.-Vietnam trade relationship were two issues at the top of the agenda.)

Trước lúc ông Triết bước vào Quốc hội, nhóm Dân biểu quan tâm đến Việt Nam mà phần đông thuộc đảng Cộng hòa như Frank Wolf (Virginia), Chris Smith (New Jersey), Tom Davis (Virginia), Ed Roy (California) và Bà Zoe Lofgren (Dân chủ, California) đã họp báo lên án Việt Nam vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và đòi Việt Nam phải thả ngay lập tức và vô điều kiện những người tù chính trị và tôn giáo.

Vài ngày trước khi ông Triết đến Mỹ, các nhà lập pháp này cũng đã viết thư cho Bộ Ngọai giao, Tổng thống Bush và đề nghị với các Lãnh tụ Quốc hội rằng Việt Nam phải bị đặt trở lại danh sách các nước “đáng quan tâm” (Countries of Particular Cerncern, CPC) nếu Việt Nam tiếp tục giam giữ các tù nhân lương tâm và không giữ lời cam kết tôn trọng dân chủ, nhân quyền và tự do, nhất là quyền tự do tôn giáo.

Một Dự luật có nội dung như thế đã được Bà Dân biểu Zoe Lofgren đệ nạp tại Hạ Viện.

Riêng Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Hagel, tiểu bang Nebraska thì nói rằng các vụ bắt người bất đồng chính kiến cuả Việt Nam là hành động không thể làm ngơ và là việc đáng quan tâm cuả nước Mỹ. Ông yêu cầu Tổng thống Bush nói cho Nguyễn Minh Triết biết như thế.

Sự việc thì như vậy nhưng báo chí Hà Nội chỉ đưa tin rất “đại khái chủ nghĩa” về cuộc gặp gỡ không “xuôi buồm thuận gió” cuả ông Triết tại Quốc hội. Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) viết : “Tại cuộc gặp và trao đổi ý kiến với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi ở trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất và mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ trên nền tảng sâu rộng, hiệu quả và vững chắc vì những lợi ích chiến lược lâu dài chung cuả cả hai nước và hai dân tộc….”

“…Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cho rằng việc hai bên còn tồn tại một số ý kiến khác nhau về quan niệm và phương thức đảm bảo quyền con người là điều bình thường do hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa và tập quán khác nhau. Sự khác biệt này là rất nhỏ so với lợi ích chung và tiềm năng hợp tác rộng lớn giữa hai nước….”

“Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi bày tỏ tin tưởng chuyến thăm này sẽ góp phần định hình rõ hơn mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. …Thượng nghị sĩ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện bày tỏ ủng hộ quan điểm về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định sẽ góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới.”

Đến sự việc diễn ra tại Tòa Bạch Ốc hôm 22/6/07 thì báo chí Việt Nam đã xác nhận thêm lần nữa điều mà họ vẫn thường phủ nhận là họ đã được lệnh chỉ thông tin những gì có lợi cho nhà nước.

Tuyên bố chính thức cuả Tổng thống Bush, sau cuộc họp riêng, được Tòa Bạch Ốc phổ biến viết rằng ông đã: “Giải thích với Chủ tịch (Nguyễn Minh Triết) rằng chúng ta muốn có những liên lạc tốt đẹp với Việt Nam. Và chúng ta cũng đã đạt được những liên lạc tốt đẹp về kinh tế. Chúng ta đã ký kết một Thoả hiệp khung về Thương mại và Đầu tư. Và tôi rất lấy làm cảm kích về sự phát triển cuả nền kinh tế Việt Nam.”

“Tôi cũng nói rất rõ rằng, để giúp cho sự giao hảo phát triển sâu rộng hơn, điều quan trọng cho tình hữu nghị cuả chúng ta là phải có sự quan tâm mạnh mẽ về nhân quyền, tự do và dân chủ. Tôi đã giải thích sự tin tưởng mãnh liệt cuả tôi rằng xã hội chỉ có thể giầu mạnh khi người dân được cho phép phát biểu tự do và thờ phượng tự do.”

(I explained to the President we want to have good relations with Vietnam. And we've got good economic relations. We signed a Trade and Investment Framework Agreement. And I was impressed by the growing Vietnamese economy.

I also made it very clear that in order for relations to grow deeper that it's important for our friends to have a strong commitment to human rights and freedom and democracy. I explained my strong belief that societies are enriched when people are allowed to express themselves freely or worship freely.)

Để trả lời về điểm này, Nguyễn Minh Triết đáp lại, qua thông dịch viên, vẫn theo bản tin cuả Tòa Bạch Ốc: “Tổng thống và tôi đã có sự trao đổi quan điểm thằng thắn và cởi mở về những vấn đề có thể chúng ta còn khác nhau, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến tôn giáo và quyền con người. Mục đích cuả chúng ta là chúng ta nên tăng cường trao đổi với nhau để có sự hiểu biết lẫn nhau tốt đẹp hơn. Và chúng tôi cũng quyết tâm không để cho những khác biệt ảnh hưởng đến trên tất cả, vấn đề quyền lợi rộng lớn hơn.”

(Mr. President and I also had direct and open exchange of views on a matter that we may different [sic], especially on matters related to religion and human rights. And our approach is that we would increase our dialogue in order to have a better understanding of each other. And we are also determined not to let those differences afflict our overall, larger interest.)

Các hãng tin quốc tế Mỹ AP (Associated Press), AFP cuả Pháp (Agent France Press) và Reuters cuả Anh và các Đài phát thanh quốc tế có mặt tại Tòa Bạch Ốc hôm 22/6/07 đều tường thuật trung thực lời tuyên bố cuả ông Bush và ông Triết.

Riêng chỉ có các phóng viên cuả phía Việt Nam thì dường như bị hỏng tai hết cả, hay không hiểu tiếng Mỹ, nên họ chỉ viết về điều ông Triết nói.

Tỉ dụ như thông tín viên Anh Tuấn cuả báo điện tử VietNamnettuy có mặt tại Tòa Bạch Ốc nhưng đã không điếm xỉa gì đến những điều Tổng thống Bush nói về nhân quyền và tự do. Anh Tuấn gửi tin về Hà Nội: “Đề cập tới những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết, ông và Tổng thống Bush "đã trao đổi thẳng thắn và chân tình về những vấn đề hai bên còn nhiều khác biệt, nhất là vấn đề tôn giáo và dân chủ".

Phóng viên đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) cũng “giả câm, giả điếc” trước câu nói rành mạch cuả Tổng thống Bush. Đài này cũng chỉ chủ ý tường thuật câu đáp lời cuả ông Triết: “ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn sự đón tiếp chân tình cuả Tổng thống và sự mến khách cuả nhân dân Hoa Kỳ trong 4 ngày vừa qua. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng phát biểu với báo giới, cho biết: Ông và Tổng thống Bush đã trao đổi nhiều vấn đề còn có nhận thức khác nhau, nhất là về tôn giáo và nhân quyền. Hai bên thống nhất cách tiếp cận là cần tăng cường đối thoại để hiểu biết lẫn nhau, quyết tâm không vì khác biệt này để ảnh hưởng đến mối quan hệ to lớn cuả hai nước.”

Hai tỉ dụ này đã đại diện cho cách tường thuật về cuộc gặp Bush-Triết trên toàn thể báo in và điện tử cuả Việt Nam.

XUYÊN TẠC TIN TỨC

Thứ tư, ngoài phần tin tức một chiều, hãng Thông tấn xã Việt Nam và báo Vietnamnet còn làm trò cười cho thiên hạ khi hai cơ quan này đăng tin mà không giải thích để người đọc có cảm tưởng như là hai báo Wall Street Journal và Washington Post đã “tự ý” đăng trang trọng trên báo cuả họ về hình ảnh Việt Nam và Thư gửi nhân dân Mỹ cuả Nguyễn Minh Triết trong thời gian thăm Mỹ.

Trên số báo ra ngày 21-6-07, VietNamNet viết: “Ngày 20/6/2007, nhân thời điểm Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang ở thăm chính thức Mỹ, báo Wall Street Journal- nhật báo kinh tế uy tín hàng đầu nước Mỹ, đã đăng một phụ trương đặc biệt về VN gồm 4 trang, tập trung giới thiệu hình ảnh mới cuả VN.”

“Nổi bật trong các bài viết là hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay Tổng thống Mỹ Bush chụp tại Hà Nội nhân dịp APEC 2006, hình ảnh tháp rùa Hồ Gươm...”

“Việt Nam được giới thiệu là ngôi sao mới đang lên cuả châu Á với những thành tựu mới về kinh tế, sự thay đổi vị thế trên trường quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, thu hút sự chú ý cuả các nhà đầu tư nước ngoài, các ưu đãi đầu tư cuả Việt Nam, việc Việt Nam đang hợp tác với Microsoft về bảo vệ bản quyền, các sân golf cuả Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách...”

“Phụ trương này được đăng trên ấn bản phát hành toàn cầu cuả Wall Street Journal (WSJ) với tổng số lượng phát hành khoảng 2,2 triệu bản, trong đó ở châu Âu là khoảng hơn 114 nghìn bản, châu Á - Thái Bình Dương khoảng 80 nghìn, riêng tại Mỹ gần 2 triệu bản.”

“Đây là lần đầu tiên WSJ đăng phụ trương về Việt Nam. Phụ trương này do Công ty 2B Media cuả Việt Nam và Công ty Partner Concepts tại Mỹ phối hợp thực hiện….”

Phụ trang này có nhiều bài viết để quảng cáo về một nước Việt Nam mới từ trang 13 đến trang 15. Nhưng VNNET lại quên phứa đi điểm quan trọng là Phụ trang này được Wall Street Journal đề rõ ràng ngay trên đầu là “Special Advertising Section”, có nghĩa là trang Quảng cáo có trả tiền.

VNNET giả bộ như không biết nên không viết rõ như thế nên có thể gây hiểu lầm cho người theo dõi rằng tờ Wall Street Journal đã tự ý làm như thế để ca tụng Việt Nam nhân chuyền thăm Mỹ cuả Nguyễn Minh Triết.

Đến ngày 22-6, đúng vào ngày có cuộc gặp giữa Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Bush thì Thông tấn xã Việt Nam lại diễn lại trò đánh lừa dư luận bằng bản tin: “Hà Nội (TTXVN) - Báo "Bưu điện Oasinhtơn"(Washington Post) , tờ báo có số phát hành lớn nhất ở Mỹ, ngày 21/6 đã đăng bức thư có chữ ký cuả Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”

“Đăng kèm bức thư này là ảnh Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bắt tay Tổng thống Mỹ George Bush, phía sau là bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng cuả Việt Nam và bức ảnh Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đang đứng xem Tổng thống Bush gẩy đàn bầu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2006….”

“…Bức thư cuả Chủ tịch Nguyễn Minh Triết viết: "Mặc dù hai nước cách xa nhau về địa lý, nhưng Việt Nam và Hoa Kỳ có lịch sử quan hệ gần như ngay từ khi nước Mỹ ra đời.

….Quan hệ giữa hai nước chúng ta đã trải qua một quá khứ thăng trầm và đáng buồn. Ngày nay, vì cả lợi ích trước mắt và lâu dài cuả hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực cùng nhau xây dựng một chương mới trong lịch sử giữa hai nước. Với Việt Nam, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ luôn luôn là một đối tác quan trọng và cam kết hợp tác nhiều mặt cuả chúng tôi là chắc chắn….”

Lá thư cuả ông Triết được đăng nguyên trang 19, phần A, không đề “Special Advertising” (Quảng cáo đặc biệt), giống như Lá thư, đăng cùng ngày (22-8-07) trên trang 7 cuả báo Washington Times, cuả một số cộng đồng người Việt ở Mỹ và các tổ chức đấu tranh Dân chủ-Tự do trong nước gửi Tổng thống Bush yêu cầu ông áp lực với Nguyễn Minh Triết trả tự do cho những tù nhân lương tâm và buộc Việt Nam phải tôn trọng dân chủ, nhân quyền và các quyền tự do cuả người dân.

Cả hai Thư ngỏ này đều phải trả tiền cho tờ báo nhận đăng. Một nhân viên phòng quảng cáo cuả tờ Washington Post xác nhận Thư cuả ông Triết đã do Tòa Đại sứ Cộng sản Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn đem đến tòa soạn đăng có lệ phí.

Đối với nhiều độc giả, nhất là người dân ở Việt Nam thì không thể biết thư cuả ông Triết cũng như Phụ trương đăng trên báo Wall Street Journal là phải trả tiền. Giá tối thiểu cuả mỗi trang báo như thế là 100 ngàn Mỹ kim, nếu không có sự trợ giúp lấy giá đặc biệt cuả tờ báo.

CON MỒI NGUYỄN CAO KỲ

Nếu bài nói chuyện cuả ông Triết ở Nữu Ước đã không nói đúng sự thật về các vụ đàn áp những người bất đồng chính kiến trong nước thì chặng dừng chân chót cuả ôngTriết ở Nam California lại gây chia rẽ thêm người Việt Nam khi ông Triết sử dụng con bài hết thời Nguyễn Cao Kỳ để quảng cáo cho chế độ.

Ông Triết nói tại buổi tiệc tiếp tân: "Đến đây, tôi thực sự xúc động được gặp bà con, trong không khí cởi mở, thân mật như thế này. Anh Nguyễn Cao Kỳ đang ở Việt Nam nhưng khi nghe chuyến thăm cuả Đoàn có cuộc gặp gỡ ở đây đã bay về Mỹ và có mặt ở đây hôm nay.”

“Điều đó nói lên cái gì? Điều đó nói lên rằng chúng ta là người Việt Nam, dù quá khứ thế nào đi nữa, bây giờ hãy yêu thương nhau, đoàn kết với nhau vì chúng ta cùng một mẹ hiền Việt Nam, cùng hướng về Việt Nam. Có phải như vậy không?" (VNNET, 23-6-07)

Theo tường thuật cuả thôngtín viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thì có khoảng 1.000 “bà con kiều bào tại bang California và nhiều địa phương khác ở Hoa Kỳ” tham dự buổi tiếp tân, nhưng không nói rõ có bao nhiêu trong số này là người cuả Hà Nội hay thân chế độ.

TTXVN tường thuật: “Tại buổi chiêu đãi và gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu ý kiến quan trọng gửi đến toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ nói riêng và hơn ba triệu người Việt Nam ở nước ngoài nói chung….”

"Chúng ta là người Việt Nam”, ông Triết nói, “ bây giờ hãy thương yêu nhau, hãy đoàn kết bởi vì chúng ta cùng một mẹ hiền Việt Nam. Trong gia đình, bạn bè có lúc cũng còn giận nhau, chúng ta hãy gác lại tất cả để đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh hùng cường, sánh vai cùng bạn bè thế giới. Với ý chí, bản lĩnh Việt Nam và sự đoàn kết, thống nhất cuả mỗi người Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Nếu ai đó còn ngần ngại, hãy nói với họ rằng mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng vòng tay đón nhận tất cả những người con cuả mình về với Tổ quốc... Không có lý do gì để những ngần ngại này làm ảnh hưởng tới khối đoàn kết, ảnh hưởng tới nhiệm vụ xây dựng đất nước".

“Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Ðảng và Nhà nước Việt Nam không bao giờ thành kiến đối với những người còn có ý kiến khác biệt, trái lại luôn mong tất cả bà con người Việt Nam ở ngoài nước đều có nhiệt tình, thiện ý xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, vững mạnh.”

"Do những thông tin chưa đầy đủ, một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài chưa có dịp về quê hương để tận mắt chứng kiến những đổi thay nhanh chóng, tiến bộ đáng mừng cuả đất nước... Chúng ta phải làm sao thông cảm với nhau, chia sẻ với nhau và hướng đến một mục tiêu chung nhất là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh".

Được Tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco, Trần Tuấn Anh mời, Nguyễn Cao Kỳ đáp lễ : “ Bài nói cuả Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gây xúc động lớn đối với tôi.

Tôi trước đây đã từng đứng ở bên kia đấu trường với Chủ tịch. Những gì tôi được nghe hôm nay được xuất phát từ tình cảm, trái tim cuả một người dân Việt. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên và có thể nói rất cảm động. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói về dân tộc, về đất nước. Tôi nghĩ, tôi không thể nói thêm gì hơn là tôi hoàn toàn chấp nhận tiếng nói cuả một dân tộc, một người Việt Nam.

Dù muốn dù không, đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt đối với người Mỹ, tôi là một thứ biểu tượng cuả một bộ phận khác bên này cuả người Việt. Vì vậy, sự hiện diện cuả tôi ngày hôm nay, sau khi trở về Việt Nam, tôi muốn nói với đồng bào Việt Nam, đặc biệt những người từng dưới sự chỉ huy cuả tôi là: Ngày hôm nay, mọi bất hòa đã chấm dứt.

Ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm sự kiện này nhân dịp Chủ tịch nước đến Mỹ, cùng nhìn về tương lai. Ở đây không có vấn đề Quốc - Cộng. Ở đây chỉ có vấn đề Việt Nam và dân tộc Việt.

Tôi muốn nhắn lời cảm ơn chân thành đến anh em trong nước 3 năm nay đã đón tiếp tôi. Tôi biết ơn những lời nói từ tâm hồn một người lãnh đạo cuả đất nước Việt Nam, một sự nâng niu gắn bó dân tộc. Xin cám ơn mọi người và xin cám ơn Chủ tịch, một người yêu nước". (VNNET, 23-6-07)

Phóng viên Việt Ân cuả báo Quân đội Nhân dân viết khác một chút:“ Tiến sĩ Trần Tuấn Anh mời ông Nguyễn Cao Kỳ phát biểu. Vui cùng mọi người, ông lại nghẹn ngào:

“Kính thưa ngài Chủ tịch nước, bài nói cuả ngài gây nên sự ngạc nhiên lớn. Bởi vì không giáo điều, mà là lời cuả một con dân đất Việt. Thật cảm động… Từ Việt Nam sang dự cuộc gặp mặt này chỉ để nói rằng tôi đã 78 tuổi, ngày càng nhận thấy những người từng theo tôi và chịu sự chỉ huy cuả tôi trước đây, nay hãy sống trong tình yêu thương, tận tụy xây dựng non sông, đất nước.”

Nguyễn Cao Kỳ, từ 3 năm qua đã quên mình từng một thời lấy tư cách lãnh đạo quân đội, đẩy không biết bao nhiêu chiến sĩ quân lực VNCH vào cõi chết để chống xâm lăng Cộng sản từ miền Bắc. Sau khi được Hà Nội cho phép quay về Việt Nam làm ăn, sinh sống, ông Kỳ đã có những lời nói “quy hàng” và “tung hô” chế độ Cộng sản làm đau lòng thân nhân cuả những người đã hy sinh cho tổ quốc và đồng đội còn sống sót, đang sống vất vưởng ở Việt Nam.

Với những lời nói ca tụng Nguyễn Minh Triết và chế độ Cộng sản ở California hôm 23/6/07, Nguyễn Cao Kỳ đã tự tay cắt bỏ chút nhân cách nhỏ nhoi còn sót lại trong con người ông ta mà không biết đã tự chui đầu vào dây thòng lọng.

Nhưng vấn đề Quốc-Cộng lại chưa bị xóa tan như ông Kỳ nghĩ mà càng rõ rệt và xa cách nhau hơn, sau chuyến thăm Mỹ cuả Nguyễn Minh Triết.

Phạm Trần
25/06/07

Không có nhận xét nào: