Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

Ðộc tài là chất độc

Mạng lưới Express ở Việt Nam đăng lại một bản tin hàng ngày theo báo Dân Trí. Một người lái xe “đi công tác” từ thành phố Vinh, Nghệ An, đi tới thị trấn Hưng Nguyên. Xe đang chạy thì gặp cảnh sát công lộ ngăn lại. Tài xế Tăng Hồng Hà đạp thắng, xe chưa kịp ngừng thì anh bị một viên đại úy “tổ tuần tra giao thông” dùng gậy đập vào đầu. Trán chảy máu, người chao đảo, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trưởng chi công an huyện Hưng Nguyên nhận là thuộc cấp đã làm sai, phải bị kiểm điểm. Nhưng viên đại úy thì không nhận tội, nói rằng anh chỉ đưa cây gậy lên làm dấu hiệu cho xe ngừng, vô tình gây thương tích. Ý nói: Người lái xe tự đập đầu vào cây gậy của cảnh sát! Có tin được không? Nếu ai tin lời ông Nguyễn Minh Triết nói rằng, nước Việt Nam có tự do dân chủ, thì mới tin anh đại úy cảnh sát này.

Tại sao một anh cảnh sát lưu thông lại hung dữ, đánh bể đầu người ta như vậy? Nếu hỏi ông Nguyễn Minh Triết, ông sẽ trả lời rằng, anh đại úy cảnh sát này “hành động theo ý riêng,” và một hành động như vậy chắc chắn “không phải là điều tốt.” Và ông Triết sẽ hứa chính phủ Việt Nam “sẽ có biện pháp thích hợp để xử lý.” Ông có thể còn nói thêm, “Ðây là một lỗi lầm của nhân viên thừa hành chứ chính sách của chính phủ không chủ trương làm như thế.”

Chúng ta có thể đoán ông Nguyễn Minh Triết sẽ nói vậy, vì đó là những lời ông nói khi giải thích về hành động một công an bịt miệng Linh Mục Nguyễn Văn Lý giữa phiên tòa ở Huế. Nhưng chúng tôi đề nghị ông Nguyễn Minh Triết đừng dùng biện pháp nào “xử lý” ông công an bịt miệng. Vì ông ta chỉ hành động một cách máy móc, theo phản ứng tự nhiên, không kịp suy nghĩ gì cả. Cả đời ông ta đã được huấn luyện để làm công việc đó. Bắt tội ông ta là oan! Còn viên đại úy cảnh sát tuần tra giao thông thì đáng phạt thật. Ðánh bể đầu người ta, không lẽ bỏ qua? Nhưng nếu định truy tố anh ta thì nên điều tra thật kỹ lưỡng. Hãy hỏi tại sao anh ta lại có hành động hung dữ đối với người dân như thế? Có phải cha mẹ anh dạy con như thế hay không? Hay là khi đến trường bị thầy, cô giáo đầu độc, sinh ra tính ác? Có phải anh bị bà xã cằn nhằn, sinh ra nóng nảy hay chăng? Hay là chính cái chế độ sử dụng những người như anh đã tạo nên thói quen coi thường sinh mạng người dân, tự coi họ có quyền hành hạ người dân một cách thản nhiên như vậy?

Những hành động của viên đại úy cảnh sát lưu thông hay viên công an bịt miệng người giữa tòa tuy xảy ra trong những hoàn cảnh khác nhau rất nhiều nhưng đều cùng diễn tả một tình trạng xã hội Việt Nam. Ðó là tình trạng một xã hội sống dưới chế độ độc tài quá lâu năm. Chế độ đó dựa trên guồng máy công an cảnh sát cho nên trao cho những giới chức này rất nhiều quyền hành. Tất cả các chế độ độc tài đều phải dựa trên guồng máy công an, mật vụ. Phải chia quyền lợi cho quý vị này, vì họ là những giường cột nâng đỡ chế độ, là lá chắn bảo vệ chế độ, là những người lính xung phong tấn công vũ bão khi có ai dám đứng lên chỉ trích, phê bình chế độ.

Những người cảnh sát, công an có hành động hung bạo chỉ là một triệu chứng dễ thấy nhất về tính chất cực độc của một nhà nước độc tài. Ðộc tài là một thứ chất độc. Nó độc hại vô cùng. Nó phải dùng bạo lực để bắt dân vâng lời, nếu không thì không người dân nào chịu sống làm nô lệ mãi. Khi vua quan chuyên dùng bạo lực để khép dân chúng trong vòng “ổn định” của nhà nước, thì cả xã hội cũng bắt chước theo. Cả xã hội sống trong bạo lực, sống bằng bạo lực. Quý vị có đọc những truyện ngắn và những vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp thì hiểu. Tại sao trong đó có nhiều người hành động một cách tàn ác, bất nhân với những thái độ thản nhiên, hờ hững như vậy? Ở đâu mà có những bác sĩ chuyên phá thai ở bệnh viện để lấy xác phôi thai đem về nuôi lợn bán? Ở đâu có cảnh cô con chờ bố nằm ngủ thì cầm búa bổ lên đầu bố? Vì xã hội đã sống thản nhiên với tội ác như vậy từ lâu. Con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng, học trò giết thầy. Tất cả các quy tắc “đạo đức cũ” xóa bỏ hết. Chỉ cần hết lòng trung thành với đảng, tuyệt đối theo đúng chính sách, thằng nọ tố cáo thằng kia làm sai lời lãnh tụ, đó là “đạo đức cách mạng” mà ông Hồ Chí Minh vẫn dạy đảng viên của ông.

Nhưng bạo lực riêng thôi chưa đủ độc hại. Những ông Bokassa, Idi Amin chuyên dùng bạo lực, ách độc tài không trụ được bao lâu. Những chế độ của Hitler, Pol Pot không phải chỉ dùng bạo lực. Họ còn một guồng máy tuyên truyền để kéo dài chế độ nữa. Nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn viết trong bài diễn văn gửi cho Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển, khi ông được trao giải Nobel về văn chương năm 1970, nhưng không được đi lãnh: “Chúng ta đừng quên rằng bạo lực không bao giờ đứng một mình, nó không bao giờ tồn tại được nếu đứng một mình. Nó phải liên kết với dối trá.”

Hai guồng máy đó dựa vào nhau mà sống. Solzhenitsyn giải thích thêm: “Bạo lực tìm thấy chỗ trú ẩn duy nhất của nó là gian dối. Sự dối trá tìm được bạo lực là chỗ nâng đỡ duy nhất. Bất cứ kẻ nào coi bạo lực là phương tiện thì cũng đều lấy gian dối làm quy tắc sống.”

Một người đã sống trong “trại học tập cải tạo” của Stalin nhiều năm, rồi phải sống trong một xã hội Liên Xô hơn nửa đời người, nghẹt thở dưới ách kiểm soát tinh vi của công an mật vụ và của guồng máy tuyên truyền ngụy tạo dối trá trâng tráo, cho nên Solzhenitsyn đã nhìn thấu mối tương quan giữa gian trá và bạo lực như thế. Ông Hồ Chí Minh đã học tập, giác ngộ và nhập cảng toàn thể hai bộ máy bạo lực và dối trá đó vào nước ta. Và đảng Cộng Sản Việt Nam bảo rằng họ đời đời biết ơn ông ấy.

Solzhenitsyn giải thích rằng, chế độ độc tài “không cần phải luôn luôn bóp cổ, xiết họng người ta.” Họ chỉ cần bắt người dân vâng theo những lời giả trá, chỉ cần đồng lõa với dối trá, như vậy là đủ “ổn định” xã hội rồi.

Nhưng khi người dân tập sống chung với sự giả trá cả một đời, người ta sẽ mất thói quen sống lương thiện. Trẻ em lớn lên trong xã hội như vậy, sẽ không phân biệt được thiện và ác. Hãy đọc năm lời dạy của Hồ Chí Minh dành cho nhi đồng. Có câu nào khuyên các em phải sống thật thà, phải kính yêu cha mẹ hay không? Ðó là những thứ “đạo đức cũ,” mà ông Hồ coi là “đứng ngược đầu” khi so sánh với đạo đức cách mạng của ông.

Cho nên một chế độ độc tài sẽ đầu độc cả xã hội. Một nhà văn châu Mỹ La tinh, Mario Vargas Llosa, cũng diễn tả ý đó. Ông nói, “Chế độ độc tài làm nhiễm độc tất cả những thứ mà nó nắm trong tay; từ các định chế chính trị cho tới mối tương quan giữa cha và con.” Những cuốn tiểu thuyết của Llosa mô tả xã hội nơi ông sống, trong những giai đoạn họ phải chịu đựng chế độ độc tài. Trước đây 20 năm, Llaso là một tiếng nói lẻ loi ở Peru, khi ông kêu gọi phải bảo vệ quyền tư hữu và tự do kinh doanh. Vị tổng thống thời đó, Alan Garcia nhất định theo Chủ Nghĩa Xã Hội, quyết định phải quốc hữu hóa các ngân hàng. Năm 1990 ông Llaso ra ứng cử tổng thống, nhưng may mắn thua ông Alberto Fujimori. Nhờ không trúng cử, Llaso tiếp tục viết, bây giờ ông nhất định chỉ làm một nhà văn để được nói sự thật. Bộ tiểu thuyết bốn cuốn “Trò Truyện Trong Giáo Ðường” của ông kể những câu chuyện về đời sống hàng ngày của những người dân bình thường. Ông muốn mô tả “cái chế độ độc tài nó không phải chỉ tự giới hạn trong việc kiểm soát sách báo hay cấm người dân không được sinh hoạt chính trị. Không! Chế độ độc tài nó tạo ra cả một hệ thống để thấm nhập vào tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống con người.”

Ngày nay, ông tổng thống cũ Alan Garcia trở lại chấp chánh sau khi ông Fujimori bị tố cáo quá độc tài, bị lật đổ, phải sống lưu vong. Llaso nhận xét: “Bây giờ, ông Garcia đang cai trị lần nữa, nhưng chính ông Garcia ngày xưa đó lại đang là một người cổ vũ mạnh nhất cho một nền kinh tế tư bản ở Peru! Buồn cười không?”

Llosa đã sống lưu vong trong nhiều năm, và ông có dịp so sánh cuộc sống tự do khác với đời sống dưới chế độ độc tài. Trong một cuốn tiểu thuyết khác, “Bữa Tiệc Của Con Dê,” có đoạn ông viết về cái thú vui khi một người sống tự do. “Nó sướng lắm. Cái tách cà phê đó, hay cái ly rượu rum đó đều có vị ngon hơn, hít một hơi khói thuốc hay bơi trong đại dương giữa một ngày nóng bức, cái cuốn phim mình coi chiều Thứ Bảy hay điệu nhạc nghe trên radio, tất cả mọi thứ đem lại cho mình một thú vui êm ái trong thân thể và trong tinh thần, khi mình được hưởng cái thứ mà nhà độc tài Trujillo đã lấy mất của người dân Dominican trước đây 31 năm: tự do!”

Không cần nói nhiều, chúng ta hiểu được những điều mà Solzhenitsyn hay Llaso diễn tả. Một chế độ độc tài là một thứ chất độc. Nó xâm nhập cơ thể và đầu óc mọi người dân sống trong đó. Thử hít thở không khí tự do đi, người ta có thể cảm thấy sống dưới chế độ độc tài nó độc hại thế nào.

Anh đại úy cảnh sát giao thông đập vỡ đầu anh tài xế Tăng Hồng Hà, anh ấy hành động đúng theo thói quen của một người xưa nay vẫn được trao toàn quyền sinh sát trong phạm vi hoạt động của mình. Thằng nào ông bảo không vâng lời ngay thì ông đánh bỏ mẹ nó đi! Nền văn minh xã hội chủ nghĩa đã tạo nên thái độ và cung cách hành sử đó. Anh công an bóp miệng ông thầy tu cũng vậy. Anh phản ứng rất tự nhiên khi thấy người nằm trong bàn tay quản lý của mình bỗng dưng to tiếng. Ở một tòa án bình thường, một quốc gia bình thường, người cảnh sát sẽ chờ quan tòa đập chày và lên tiếng cảnh cáo, rồi ra lệnh đưa “bị cáo” ra khỏi tòa khi gây ồn ào. Nhưng Việt Nam không phải là một xã hội bình thường. Người dân đã sống trong chế độ độc tài hơn nửa thế kỷ, anh công an tự nhiên thấy công việc của mình là phải thò tay bị miệng! Anh ta không có ý định xấu. Cái chế độ bao trùm lên xã hội đã tạo cho anh lối phản ứng vũ phu và thiếu văn minh như vậy! Ông Nguyễn Minh Triết đừng có phạt anh ta. Hành động của anh là tiêu biểu cho cả chế độ Stalin nít mà ông Hồ Chí Minh đã đem từ Nga về nước ta. Có buộc tội ai, phải trở về từ ông Hồ.

Chất độc do một chế độ độc tài đem tiêm nhiễm vào trong xã hội chỉ được giải đi khi nào không còn chế độ độc tài đó nữa. Khi nào người dân được phép nói sự thật, nói thẳng, không lo tự kiểm duyệt; khi đó xã hội sẽ bắt đầu thay đổi. Người công an sẽ khác. Người cảnh sát giao thông cũng sẽ khác. Rồi trẻ em sẽ được học những nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Những giá trị tạo nên các xã hội an lành, lương thiện hơn. Chính vì biết như vậy cho nên những ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Văn Lý, Trịnh Vũ Bình, Nguyễn Văn Ðài, bà Lê Thị Công Nhân v.v... cứ mỏi miệng yêu dầu đảng cộng sản cho người dân Việt được sống tự do hơn.

Ngô Nhân Dụng
(@NguoiVietOnline)

Không có nhận xét nào: