Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2007

Tham Nhũng là Đảng, Đảng là Nhà Nước

Đại Hội 5 BCH Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt sau mười ngày họp. Trên website của đảng người ta thấy có 7 chủ đề chính được đưa ra họp bàn. Một trong những đề tài mà đã được đưa ra gần đây là “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.” Nói tóm tắt như Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu trong hôm khai mạc hội nghị là “Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà Nước. Trái lại phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà Nước trong quản lý đất nước và xã hội”. Một thông báo thứ hai là đảng sẽ đưa ra một nghị quyết thừa nhận rằng tham nhũng đang là một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Thủ tục "đầu tiên"

Mới chỉ nghe qua tên hai đề tài người dân đã thấy chán ngấy, bởi lẽ hai chủ đề nói trên đã được các hội nghị Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói lập đi lập lại trong nhiều năm qua. Cũng vẫn là loay hoay phân định vai trò của đảng và nhà nước. Cũng vẫn là đánh tham nhũng. Nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Bởi vì đánh tham nhũng là đánh vào thượng tầng Trung Ương Đảng Việt Cộng. Thông báo đổi mới phương hướng chỉ là trên văn kiện giấy tờ, trong khi Đảng vẫn lãnh đạo, nhà nước vẫn quản lý! Và cụ thể hơn tất cả, Hội Nghị 5 đã chấm dứt với nghị quyết “tăng cường kiểm tra và giám sát của đảng” và “đẩy mạnh sự quản lý của nhà nước” tức là đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn nắm chặt quyền lực tối cao.

Ông Carl Thayer một chuyên gia về Việt Nam tại viện Quốc Phòng Úc đã phân tích “Họ có thể phân tách các nhiệm vụ này trên văn bản và đưa thành luật này luật nọ, tuy nhiên để đưa vào khâu thực hiện thì quả là khó khi mà sự lãnh đạo của đảng vẫn được coi là chủ đạo.” [Carl Thayer - Khó thay đổi chính trị lớn tại VN.Tháng 3/2007]. Khi đề cập đến nguyên nhân đổi mới trong lãnh đạo của đảng CSVN, Bill Hayton ký giả của hệ thống truyền thông BBC cũng đưa ra nhận định “đảng Cộng Sản Việt Nam đang đứng trước các vấn đề chính trị theo sau quyết định đưa đất nước vào quỹ đạo của hệ thống tư bản toàn cầu…. cho nên đang phải thay đổi rất nhiều luật và thông lệ để phù hợp với các quy định của WTO.” Và, “Trước kia các cấp các ngành chủ yếu tuân thủ tuyệt đối các nghị quyết đảng. Nay cấp dưới có nhiều quyền kiểm soát hơn trong quá trình thực hiện chính sách. Điều này không có nghĩa là đảng Cộng sản Việt Nam bỏ bớt quyền lực, mà muốn theo hướng đề ra chính sách, còn thì dành chỗ cho giới chính trị gia chuyên nghiệp mà đa số là đảng viên quản lý đất nước.” [Bill Hayton, Vừa giữ quyền vừa mở cửa ra thế giới, tháng 3/2007]

Nhận định của một số các nhà quan sát và phóng viên quốc tế khi tham gia các hội nghị Trung Ương Đảng Cộng sản với tính cách dự thính lấy tin, đôi khi cũng giúp soi ra một số khía cạnh của vấn đề Việt Nam. Trên hệ thống truyền thông quốc tế BBC vào ngày 11 Tháng 7/ 2007 vừa qua có một bài viết với tựa đề mà cũng là câu hỏi: “Hội nghị TW đổi mới không đổi màu?” đã cho thấy sự băn khoăn của người quan sát “Các Ủy Viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đều thấy được nhu cầu đổi mới của đất nước trên con đường hội nhập quốc tế, cải tổ kinh tế thị trường và cải cách bộ máy đảng và chính quyền. Nhưng từng người vẫn còn e ngại những điều chưa đoán trước, ví dụ về tương lai của bộ máy nếu cải tổ mạnh nữa”; và “Với báo chí cũng vậy. Không ai dám nói cách quản lý báo chí bây giờ còn phù hợp với giai đoạn 'Hậu WTO' nhưng quản lý kiểu mới, hoàn toàn theo luật, thì bộ máy tư tưởng của đảng đương nhiên mất độc quyền…”

Nói khác đi, lập trường của giới lãnh đạo đảng là “trước sau như một”, biết rằng cần thay đổi, nhưng thay đổi làm sao để giữ nguyên quyền lực của đảng. Điều này được khẳng định bởi cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc phỏng vấn với phóng viên của đài RFA ngày 25 Tháng 6 năm 2007. Ông Kiệt đơn giản nhắc lại lời của Nguyễn Minh Triết đã nói lên trong chuyến đi Mỹ: “Nếu một đảng có thể lãnh đạo đất nước, phát triển kinh tế, duy trì ổn định và làm người dân hài lòng, thì không cần có thêm đảng mới."

Trong suốt quá trình “đổi mới” của đảng Cộng Sản Việt Nam từ Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Lê đức Anh, đến Nông Đức Mạnh, tham nhũng đã được khẳng dịnh là quốc nạn, nhưng cuối cùng thì quốc nạn vẫn còn đó, cùng lúc với tài sản của các vị lãnh đạo này ngày càng thêm kếch xù. Tham nhũng vì thế là một vấn nạn không thể giải quyết dưới chế độ hiện hành. Cho nên đại hội 5 có thảo luận và kết luận về tham nhũng như thế nào, người dân ai cũng hiểu rằng đó chỉ là hình thức trên văn bản mà thôi, bởi vì tham nhũng lớn thì vẫn được bao che. Thật là một cái vòng luẩn quẩn: không có gốc lớn thì không thể tham nhũng lớn. Mà đánh vào gốc lớn thì còn gì là đảng!

Không kể những vụ trước đây các tham nhũng gộc bị đưa lên báo chí nhưng sau đó vẫn được tiếp tục thăng chức, làm to. Một trường hợp gần đây, vụ án PMU 18 tham nhũng lấy hàng triệu đô la đi cá độ là một điển hình. Qua đó ông Bùi Tiến Dũng nguyên Tổng giám đốc PMU 18 đã chơi cá độ bóng đá nhiều lần tổng cộng là 2.6 triệu đôla Mỹ, nhưng nay thì qua truyền thông nhà nước người dân được biết Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã đưa ra cáo trạng truy tố 9 bị can với các tội danh liên quan “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc” và “chạy án” nhưng không thấy nhắc đến tội danh tham nhũng. Riêng công an Việt Nam thì đưa ra kết luận bản án với tổng số tiền cá độ của ông Bùi Tiến Dũng là 760.000 đô la thay vì hàng triệu đô la như tin đã đưa ra trước đó.

Thành ra, nếu có nói tham nhũng là đảng và đảng là nhà nước thì không có gì là xa sự thật.

Việt Khanh
(Tâm Thức Việt Nam)

Không có nhận xét nào: