Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2007

Lm Ðinh Xuân Minh: Hãy liên đới với dân oan, những người bị bóc lột! Hãy là một người Samaritô nhân hậu

"Đứng trước tinh thần đấu tranh đang sôi xục của người dân oan trong nước, xin được chia sẻ nỗi thống khổ với người dân oan bằng tinh thần, để tỏ lòng liên đới với đồng bào trong nước bị bạo quyền bất lương CSVN bóc lột“.

Gần đây, có khá nhiều bài viết, trong đó có cả qúi Giám Mục, Linh Mục nhắc đến dụ ngôn người Samaritô. Ðây là một sự ngẫu nhiên, khi dụ ngôn này được toàn thể giáo hữu của Giáo Hội hoàn vũ nghe trong ngày Chúa Nhật thứ 15, năm C, khi tiếng kêu gào của người dân oan trong nước đang làm chấn động lương tâm thế giới.

Vì đứng trước tình hình hiện nay của người dân oan đang biểu tình, đến từ 19 tỉnh miền Nam. Họ đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, họ đang dầm mưa dãi nắng trước trụ sở Văn Phòng Quốc hội 2, 194 đường Hoàng Văn Thụ, Phường 10, quận Phú Nhuận, Sài gòn, và tại công viên Mai Xuân Thuợng, Hà Nội, để đòi lại quyền sở hữu đất đai mà đã bị kẻ cướp bóc lột, nhân danh nhà nước, đầy tớ nhân dân, hợp thức hóa cướp bóc „chủ nhà“. Ðây là kiểu cướp ngày của Quan! Chúng ta phải làm gì? Ðâu là định hướng cho hành động của chúng ta trước thảm cảnh này?

Dụ ngôn người Samaritô (Luca 10, 15-37) là Kim Chỉ Nam để tất cả chúng ta, không phân biệt tôn giáo, và nhất là ngươi Tiến Hữu cần phải noi theo, vì đây là lời giáo huấn của Chúa Giêsu nhắn nhủ và đòi hỏi chúng ta: „Hãy đi, và làm y như vậy (giống như người Samaritô)!“ Vậy dụ ngôn người Samaritô như thế nào? (Luca 10, 15-37)

Ðể trả lời cho nhà giáo luật: "Ai là người thân cận của con?“ (Luca 10, 29), Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này, mà Ngài đi ngay vào vấn đề, kể cho ông ta nghe một dụ ngôn rất có giá trị thực tiễn, đó là dụ ngôn người Samaritô nhân hậu.

Chủ yếu trong dụ ngôn này xoay quanh người bị cướp bóc, bị đánh trù dập đang nằm vệ đường, máu me chảy đầy người. Ba người đi ngang qua. Người thứ nhất là một vị Tư tế, người thứ hai là thầy cả Lê-vi. Cả hai đi bộ. Và người thứ ba là người Samaritô, cưỡi ngựa đi ngang qua. Cả ba người dều nhìn thấy chung một cảnh tượng.

· Người thứ nhất là vị tư tế (priest). Vị tư tế có thể dịch ra trong ngôn ngữ ngày nay, đó là những vị Linh Mục, những vị tu sĩ, những người chuyên lo phục vụ trong nhà thờ.

· Người thứ hai là người thầy Lêvi. Người Lê-vi được chia ra làm hai dòng họ. Lê-vi thuộc dòng dõi Aaron thì là những thầy cả (2 Moisen 28, 1). Dòng họ Lê-vi này được vua Ðavít cân nhắc lên làm nhân viên cai quản đền thờ hoặc làm chánh án (1 Sách Lịch sử 16, 37-42). Ðây là dòng họ cao sang quyền qúi mà Chúa Giêsu nhắc đến. Vì Ngài muốn nhấn mạnh đến vai trò địa vị sang trọng của họ trong xã hội.

· Người thứ ba, đó là người Samaritô: Người xứ Samari là người ngoại giáo, là kẻ thù không đội trời chung với dân tộc Do thái, là kẻ thù truyền kiếp của người Do Thái.

Ba người này đều cùng trên đường từ Giêrusalem đến thành Jericho. Dọc đường, cả ba người này đều nhìn thấy tình huống nghiêm trọng của người bị đánh đập cướp bóc. Anh ta bị trọng thương nửa sống nửa chết nằm vệ đường. Người bị cướp bọc đang „khẩn trương“ cần sự giúp đỡ của người khác. Nguyên nhân tại sao, ba người cùng nhìn thấy một cảnh tượng, nhưng có hai phản ứng khác nhau?

· Vị Tư tế và thẩm phán Lê-vi là những người qúi phái, nên dù nhìn thấy hoàn cảnh đau thương khẩn trương này, họ cũng không động lòng để ra tay nghĩa hiệp. Và vì luật phép không cho các thầy tư tế này được tiếp xúc với máu me, vì họ sợ bị ô uế, không xứng đáng dâng của lễ vật trước bàn thờ thiên nhan Chúa. Vì những lý do đó, cả hai ngoản mặt làm ngơ và tiếp tục đi, dù đó là người đồng bào ruột thịt của mình.

· Ngược lại, người Samaritô, người ngoại đạo, đang „ngựa phi ngựa phi đường xa“, đang để đầu óc thưởng thức quanh cảnh và đang để tâm trí lo làm ăn và có lẽ cũng rất bận. Nhưng khi đi ngang qua, anh ta đã nhanh nhẹ dừng ngựa, nhanh nhẩu tới người bị cướp bóc mà băng bó vết thương, vì anh ta „động lòng thương“ (Luca 10,33). Như vậy, động lực „động lòng thương“ đã dẫn đến hành động của anh ta. Ðã vậy, khi chăm sóc xong, anh ta còn đưa người bị cướp bóc bị hành hung này về quán trọ, tốn bao nhiêu tiền anh ta cũng chịu hoàn trả, khi anh trở lại.

Một người „ngoại đạo“, một người đang bận đi xa, một người khác chủng tộc, nhưng khi nhìn thấy cảnh đau thương này, anh ta cũng đã vượt qua mọi thành kiến, mọi sự khó khăn trong lòng. Anh ta đã:

· vượt qua luật lệ cấm liên hệ với hai dân tộc thù hằn: Do Thái và Samari

· cứu người hoạn nạn. Cứu người trọng hơn, cao hơn mọi giới luật, giới răn luật pháp. (Viết tới đây, tôi chợt nghĩ đến việc có chức sắc Việt Nam cáo buộc Lm Nguyễn Văn Lý tội không vâng lời. Cứu người hoạn nạn bị cướp bóc, vừa về tài sản ruộng đất, vừa về tài sản tinh thần như mọi giá trị linh thiêng quyền thuộc về con người. Việc nào quan trọng hơn? Nếu vị GM khuyên cấm người thừa tác viên của mình không được đi cứu người đau khổn hoạn nạn, thì chính GM đó phải được đặt lại vấn đề. Vị GM đó đứng về phía kẻ cướp hay đứng vế phía nạn nhân của kẻ cướp?! Vị đó bênh vực cho LẼ PHẢI hay khống chế bào chữa dung túng cho sự gian ác?? Vị đó phục vụ cho „Giáo Hội thánh thiện, duy nhất và tông truyền“ hay phục vu cho giáo hội quốc doanh?)

· không quản ngại lo sợ có thể liên lụy đến bản thân

· không sợ tốn kém

· dù đang bận rộn công việc, nhưng cũng dành thời gian để chăm sóc người bị nạn….

· cử chỉ cứu người, cần con người dũng cảm, có cái tâm thiện, có trái tim đã luôn sẵng sàn thương yêu con người.

· cứu nguời vượt qua ranh giới và biên giới chủng tộc. Người Samari cứu người Do Thái. (Vì thế, không quốc gia nào viện cớ đàn áp con người, để bào chữa trốn tránh sự hành hung của mình để cho rằng, không quốc gia nào khác được „xâm phạm chủ quyền nội bộ quốc gia“. Ðó là chuyện nội bộ, chúng tôi (muốn đàn áp trù dập ai, đó là quyền của chúng tôi?)

· Giới răn yêu chúa và thương người không thể tách biệt được. Nếu nói yêu Chúa, Ðấng chúng ta không nhìn thấy, mà không thương người thân cận của mình, thì nói yêu Chúa đâu có thật! (Luca 10, 25-27). Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ có tình yêu được kể công chuộc tội trước toà phán xét của Chúa, để hưởng “đời sống đời đời làm gia nghiệp” (Luca 10, 25).

Qua cử chỉ nghĩa hiệp của người Samaritô, chúng ta rút ra được kết luận gì, mà Chúa Giêsu muốn chỉ dạy chúng ta phải noi theo? Qủa thật! Người Samaritô hành xử đúng như tục ngữ ca dao cha ông chúng ta khuyên dạy: Hãy "cứu người như chữa lửa“!

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến hằng trăm ngàn người Việt Nam vượt biển, mà ngày nay họ được gọi là "Boat Poeple“. Họ được tầu hàng hải ngoại cứu vớt. Tôi nhớ đến con tầu Cap Anamur (Ðức Quốc), nhớ đến trên 10.000 đồng hương chúng ta được con tầu này cứu vớt, mà chính tôi cũng là một nạn nhân đang hấp hối trước cơn tử thần của sóng gió bảo táp. Chúng ta được cứu vớt trước hiểm họa của bão tố, của đói khát. Họ cứu vớt chúng ta khỏi bàn tay hải tặc. Mà trước đó, họ cũng không hỏi chúng ta là ai, chúng ta có là người „thân cận“ của họ không? Liệu chúng ta là người Mỹ, ngưòi Pháp, người Ðức, người Tầu…?? Những người cứu vớt chúng ta, họ cũng không cùng chung một chủng tộc, mầu da, tiếng nói như chúng ta. Và có lẽ họ cũng không cùng chung một tín ngưỡng, nhưng họ thực thi giống như trong dụ ngôn người Samaritô nhân hậu: Nhìn thấy cảnh hoạn nạn là xoắn tay áo ra tay cứu chữa, mà không cần biết người đó là ai. Cứu người như vậy có phạm luật không, tốn kém bao nhiêu??? Một cử chỉ nhân hậu đầy nhân nghĩa!

Thư của TGM Ngô Quang Kiệt: "Nhớ mang theo trái tim“, dựa trên bài phúc am tin mừng của Chúa Nhật 15, thánh sử Luca 10, 25-37. Dầu là một giáo sĩ cao cấp trong Giáo Hội, GM Kiệt luôn nhắn nhở mọi người, đặt biệt hàng ngũ tư tế, phải "nhớ mang theo ba trái tim“ như một động năng ra tay làm nghĩa cử cao đẹp như người samari: trái tim NHẬY BÉN, trái tim QUAN TÂM và nhớ mang theo trái tim CHUNG THỦY. Và để những trái tim đó đúng trở thành là một TRÁI TIM ÐÁNG TIN ÐÁNG CẬY VÀ ÐÁNG NHỚ, thì phải thể hiện qua việc làm. Một việc làm cụ thể, bằng hơn ngàn lời nói buông!

Có nhà triệu phú ngưòi Mỹ, đến thành Kulkata bên Ấn độ, để chính tận mắt xem viêc làm phục vụ của mẹ Têrêsa. Khi thấy mẹ đang chăm sóc người bệnh hoạn, toàn người đầy nghẻ lở máu mủ, xông mùi tanh hôi, rất khó ngửi. Nhà triệu phú thấy vậy bộc phát:
„Có cho tôi bạc triệu, tôi cũng không làm“. Mẹ Têrêsa trả lời: "Tôi cũng giống ông. Ai cho tôi bạc triệu, để tôi làm việc này, tôi cũng không làm được“.

Nhưng mẹ Têrêsa đã làm, và làm được để chứng minh đức tin của mình, vì đức tin mà không có việc làm, là đức tin chết. Mẹ Têrêsa không nói nhưng làm nhiều. Trước khi mẹ chết, mẹ không để lại cho nhân loại một tác phẩm tuyệt tác nào về nhân đức BÁC ÁI và PHỤC VỤ. Nhưng khi mẹ chết, thì cả thế giới ngưỡng mộ và kính phục mẹ là một vĩ nhân thời đại, là chứng nhân cho dụ ngôn người Samatirô nhân hậu.

Nếu lời nói mà không đi đôi với việc làm, dễ làm cho chúng ta bị mang theo thêm dòng họ NGUYỄN VĂN LINH (NÓI VÀ LỪA!).

"Ai làm cho một trong những người hèn mọn,
là làm cho chính ta!“ (Mátheô 25, 40).

Như vậy, hành động giúp đỡ cho người hoạn nạn, có giá trị cả tirệu bạc. Nói thì dễ, nhưng thực thi lời nói mình mới khó. Hành động đánh giá và minh chứng lời nói!
Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy bắt chước người xứ Samari nhân hậu. Hãy lên đường hành động với trái tim! Hãy LIÊN ÐỚI với những người yếu hèn, những người thấp cổ bé họng, những người bị cướp bóc!

Người DÂN OAN hiện nay không đang rơi vào trong chính hoàn cảnh này!? Còn chờ đợi xem có được phép không bênh vực không, chăm sóc không? Còn chờ đợi xem người dân oan đó thuộc tôn giáo nào, chủng tộc nào? Hay vì tôi là một GM, Linh mục sáng giá không dám đụng vào những chuyện „bẩn thỉu“ để sợ bị lây oan, bị ô uế, không xứng đáng dâng của lễ nữa????

Ấy vậy! Ðứng trước nạn cảnh này, thế mà Ban Biên tập của Website: CÔNG GIÁO VIỆT NAM, trong bài: Tâm tình chia sẻ của BBT, CGVN, mới đưa lên mạng vào trung tuần tháng bảy 2007, đưa ra những dẫn chứng để biện luận cho "phong thái bình chân như vại“ của mình, của ai? Của người trong Ban Biên Tập? Người đó là ai? Hành xử trong bóng tối có giống kiểu ném đá dấu tay không? Biện chứng tư cách thụ động về cảnh khiếu kiện hiện nay như sau:

"6. Về những vấn đề khác mà Quí vị đang rất quan tâm như: Khiếu kiện đất đai tại VN, việc bác ái xã hội, việc xin tiền xây cất ..., những hiểu lầm tai hại vẫn còn tiếp tục lây lan...! Chúng tôi xin chia sẻ một ít thông tin với hy vọng đem lại chút ich lợi chung:

Cách đây vài chục năm, từ khi việc tranh chấp đất đai xuất hiện, chúng tôi đã chứng kiến một chuyện: Cha bạn của chúng tôi, hai tay cầm hai phong bì giơ lên để "khoe" với chúng tôi khi gặp gỡ, hai phong bì khá giống nhau về hình thức lẫn nội dung, cái nào cũng có ít tiền bên trong và ghi vài chữ với ý chỉ cầu nguyện bên ngoài! Nhưng sự khác nhau của hai phong bì này đã được Cha bạn giải thích: Một phong bì xin khấn để đòi lại được mảnh đất đối diện nhà thờ (được nhà nước trao cho ngưới khác), còn phong bì kia cũng xin khấn để không phải trả lại chính miếng đất vừa nêu. Câu chuyện như đùa này đã ám ảnh chúng tôi ... cho tới ngày những thông tin đã công khai cho biết khoảng 1.200.000 người trong cả nước có nhu cầu khiếu kiện về đất đai... thì chúng tôi thực sự đã bật khóc ...!

Hầu như mọi nơi : giáo phận, giáo xứ, dòng tu... đều là nạn nhân của rất nhiều bất công, bất hợp lý có liên quan đến đất đai, bất động sản trong suốt bao năm qua và rất ít hy vọng được giải quyết ...“

Nhận định đánh giá tâm thư này của BBT, CGVN như sau:
· Kiểu thông tin này, chẳng mang ích lợi gì chung cả! Chỉ khuyên mọi người nằn gốc cây sung!
· Ít ra, BBT cũng đã nhìn ra là bạo quyền CSVN hiện nay rất thô bạo, bất nhân, bất tài, bất chánh chẳng giải quyết gì được.
· Đưa ra tình huồng éo le. Mục đích: „Thôi em đành chịu để bị bóc lột“, thay vì có lời khuyên khôn ngoan chân chính.
· Chưa nhận định rõ, đâu là nạn nhân, đâu là tội nhân. Ðâu là người bị bóc lột và đâu là kẻ cướp.
· Nên dung túng cho hành động cướp bóc của bạo quyền ăn cướp -CSVN-!
· Nếu có hai phong bì giống nhau về hình thức. Nhưng nội dung của hai phong bì khác nhau. Ðó là điểm cần chú ý và quan tâm! Một phong bì khấn đòi lại được mảnh đất „được (bị) nhà nước trao cho người khác“, (phải nói là bị, chứ không nói là „được“) còn phong bì kia cũng khấn để khỏi phải trả chính miếng đất vừa nêu trên“. Vậy trong trường hợp này, ai là NẠN NHÂN và ai là TÒNG PHẠM? Vì kẻ cướp và tòng phạm của kẻ cướp đến vị Linh Mục xin khấn để của ăn cắp được, được hợp thức hóa thành của riêng tư, vì thế vị Linh Mục này gặp cảnh phải „bật khóc“? Vị linh mục này có đứng về lẽ phải và sự công bằng không? Có nhắc nhở khuyên bảo cho người xin khấn này rằng, anh là TÒNG PHẠM không? Với 1.200.000 nạn nhân bị cướp bóc lột tài sản, thì trong đó cũng có ít nhất 1.200.000 tòng phạm và chính phạm nhân. Trong nước hiện nay, đang có 1.200.000 „cảnh bật khóc“, mà không có lý lẽ hành động chính đáng, để rồi chỉ ngồi than phận trách mạng? Ðạo lý để đâu? Dụ ngôn Samarito nhân hậu? Lời chỉ bảo của Chúa đâu hết rồi?

· Qua thư tâm tình trên của BBT, CGVN, chúng ta cũng đánh gía được "tư thế và kiêm định“ việc làm hiện nay trong nước: Linh Mục nào dấn thân bênh vực cho nạn nhân bị cướp lột, thì vị Linh Mục đó phải về hưu non! Ai ra lệnh này của giáo phận Sài gòn? Nạn nhân của người bênh vực cho dân oan còn đó, đã phải về hưu non, với lời răn đe: "Ðây chỉ lành một hình phạt nhẹ đấy! Bằng không, tôi đã treo chén cha rồi!“ Nếu một giáo hội như thế, thì giáo hội đó đứng về bên nào? Về NẠN NHÂN hay đứng về bên TỘI NHÂN và TÒNG PHẠM?! Bị đồng hóa, a dua, tòng phạm với sự gian ác dối trá lường gạt!? Ai có thẩm quyền ra quyết định này?

Hoà Thựợng Thích Không Tánh, HT Thích Thiện Minh, HT Thích Thiện Lễ, HT Thích Giác Lượng, Ðại Ðức Thích Minh Huệ, đại đức Thích Viên Hỷ, Ðại đức Thích Ðồng Minh và Ðại lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã và đang làm nhân chứng, thự thi cho dụ ngôn người Samaritô nhân từ. Người "ngoại đạo“ (ngoài đạo), chiếu theo góc cạnh của người Thiên Chúa Giáo, đang thực thi dụ ngôn người Samaritô nhân hậu.

Không lẽ chỉ có người “ngoại giáo“ bênh vực cho DÂN OAN, liên đới với DÂN OAN, bênh vực cho lẽ phải, dấn thân cho sự công chính!!!? Còn các vị TƯ TẾ, và LÊ-VI vẫn ngoãnh mặt làm ngơ trước cảnh màn trời chiếu đất của người dân oan bị bóc lột?
Trời cao có thấu cho lòng con DÂN OAN!

Lm Gioan Baotixita Ðinh Xuân Minh

Không có nhận xét nào: