Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

Quyết Nghị của Quốc hội Châu Âu về vấn đề Việt Nam

« ... cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam phải đưa tới những cải tiến cụ thể tại Việt Nam... »

QUỐC HỘI CHÂU ÂU,

- chiếu theo các Nghị Quyết trước đây về vấn đề Việt Nam,
- chiếu theo lời tuyên bố của Chủ tịch Liên hiêp Châu Âu ngày 15.5.2007 trước sự kết án các nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam,
- chiếu theo Hiệp ước Hợp tác năm 1995 giữa Liên hiệp Châu Âu và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
- chiếu theo Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982,
- chiếu theo điều 115, chương 5, Quy chế Liên hiệp Châu Âu

A. Vì rằng, từ tháng 3 năm 2007, hơn 15 nhà bất đồng chính kiến bị kết án tù nặng nề và bị quản chế,

B. Vì rằng, cuộc đàn áp này xẩy ra sau một năm 2006 cởi mở chính trị, làm phát sinh những đảng phái độc lập và dân chủ, nhiều người Việt Nam (trí thức, luật sư, nhà báo, nghệ sĩ, tu sĩ, công dân) biểu kiến sự quan tâm cho dân chủ nên đã có vô số lời kêu gọi cho dân chủ,

C. Vì rằng, kiến nghị đòi hỏi dân chủ tung ra trên Mạng thiên dân chủ và cải cách 8406 với 118 chữ ký những người cốt cán, đánh dấu bước khởi đầu một phong trào cho dân chủ thực sự trên mạng truyền thông Internet,

D. Vì rằng, sự khoan nhượng của chế độ Việt Nam đối với sự sôi sục của giới ly khai dân chủ làm dấy lên những niềm hy vọng và giúp cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được vào Tổ chức Thương mại Thế giới, được rút tên khỏi danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo (CPC), và được Hạ viện Hoa Kỳ ban cho quy chế quan hệ thương mại bình thường và vĩnh viễn,

E. Vì rằng, dù có những lời kêu gọi thường trực và kiên trì của cộng đồng quốc tế, Đức Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang (87 tuổi) và người phụ tá ngài, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ (79 tuổi), người được Giải Người Bảo vệ Nhân quyền của Sáng hội Rafto năm 2006, vẫn bị giam giữ không xét xử tại chùa viện từ năm 1982, với lý do duy nhất hai ngài là người quyết tâm bênh vực cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ ; vì rằng, các thành viên của những Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các tỉnh, mà Giáo hội thiết lập trong 20 tỉnh nghèo để cứu trợ cho những kẻ cơ hàn, trở thành nạn nhân bị sách nhiễu, bị thẩm vấn, bị thị uy và đe dọa thường trực, chỉ vì lý do các Ban Đại diện này đứng trong hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất,

F. Vì rằng, sự công nhận các phong trào tôn giáo thông qua quy chế đăng ký còn quá ít ỏi và bất bình đẳng, với ví dụ 50 giáo hội Tin lành tại gia được công nhận trong số 4000 giáo hội đã đăng ký, và rằng các giáo hội được công nhận này lại phải xin gia hạn mỗi năm,

G. Vì rằng, tháng 2 năm 2007, cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo của 200 giáo phẩm Phật giáo Khmers Kroms bị đàn áp bằng bạo lực tại tỉnh Sóc Trang, ngày 10 tháng 5 sau đó, năm Tăng sĩ trong họ bị kết án từ 2 đến 4 năm tù vì tội "phá rối trật tự công cộng", và rằng ngoài những cuộc đàn áp tôn giáo, người Khmers kroms còn bị cưỡng bức đồng hóa,

H. Vì rằng, các dân tộc ít người miền thượng du Bắc Việt và Cao nguyên Trung phần luôn luôn là nạn nhân bị phân biệt đối xử, bị tịch thu đất đai và bị vi phạm quyền tự do tôn giáo, rằng chỉ có 38 nhóm tôn giáo được công nhận tại vùng Tây Bắc, và các tổ chức phi chính phủ độc lập cũng như các nhà báo không được tự do đến các vùng cao nguyên để chứng kiến thực trạng của những người Thượng hồi hương từ Cam Bốt,

I. Vì rằng, tất cả những nhà bất đồng chính kiến bị bắt từ tháng 3.2007 căn cứ vào sự vi phạm cơ bản điều luật "an ninh quốc gia", như "tuyên truyền chống phá CHXHCNVN" (điều 88 Bộ luật Hình sự), hay âm mưu "lật đổ chính quyền" (điều 79) ; rằng những cáo buộc vi phạm "an ninh quốc gia" này đã bị Ủy ban Nhân quyền LHQ, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm Bất bao dung tôn giáo và Tổ hành động chống bắt bớ trái phép của LHQ đánh giá trái chống với luật pháp quốc tế, và đã yêu sách hủy bỏ hay sửa đổi điều luật "an ninh quốc gia" ấy,

J. Vì rằng, Việt Nam được hưởng sự tài trợ của Liên hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên của Liên hiệp Châu Âu trong khuôn khổ "Chiến lược phát triển hệ thống pháp lý" cũng như "Chiến lược cải cách tư pháp",

K. Vì rằng, Việt Nam tiếp tục tổ chức các phiên tòa nhưng chẳng tôn trọng sự suy đoán vô tội, quyền bào chữa hay tính độc lập của các thẩm phán, như đã cho thấy qua các phiên xử linh mục Nguyễn Văn Lý (30.3.2007), Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ((11.5.2007),

L. Vì rằng, việc bãi bỏ Nghị định 31/CP năm 1997 về "quản chế hành chính" không thể làm quên đi việc khăng khăng áp dụng Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 về "Xử lý vi phạm hành chính", pháp lệnh mở rộng các khả năng giam giữ không xét xử những người bất đồng chính kiến và tái hồi phương pháp cổ hủ và độc địa đưa các nhà bất đồng chính kiến vào bệnh viện tâm thần, mà nạn nhân là nữ luật sư Bùi Thị Kim Thành, bị giam từ tháng 11.2006 vì bà đã bênh vực cho quyền lợi dân oan ở nông thôn,

M. Vì rằng, Liên hiệp Châu Âu là đối tác doanh thương quan trọng nhất của Việt Nam, và Việt Nam đã được hưởng Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Liên Âu,

N. Vì rằng, tháng 3.2007, Hội đồng Châu Âu đã gia tăng 30% tài trợ cho Việt Nam trong thời khóa 2007-2013 (304 triệu Euros), mà một phần lớn dành cho việc cai quản quốc gia và nhân quyền,

QUỐC HỘI CHÂU ÂU

1. biểu tỏ sự lo lắng sâu xa trước đợt sóng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam;

2. do vậy yêu sách trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho mọi cá nhân bị giam giữ vì lý do duy nhất là họ sử dụng ôn hòa và chính đáng các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo, trong số này có linh mục Nguyễn Văn Lý (8 năm tù), Nguyễn Phong (6 năm tù), Nguyễn Bình Thành (5 năm tù), các luật sư Nguyễn Văn Đài (5 năm tù) - đều là thành viên của Blog Trang nhà thiên dân chủ và cải cách 8406 - và Lê Thị Công Nhân (4 năm tù), phát ngôn nhân Đảng Thăng tiến, Trần Quốc Hiền (5 năm tù), đại diện Hiệp hội Công Nông Việt Nam, chủ tịch đảng Dân chủ Nhân dân, Lê Nguyên Sang (5 năm tù), Nguyễn Bắc Truyển (4 năm tù), Huỳnh Nguyên Đạo (3 năm tù), cũng như các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Dương Thị Tròn (6 năm tù), Lê Văn Sóc (6 năm tù), Nguyễn Văn Thủy (5 năm tù), Nguyễn Văn Thọ (4 năm tù), Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ và Bùi Thị Kim Thành;

3. yêu cầu chính phủ (Việt Nam) chấm dứt mọi hình thức đàn áp những cá nhân sử dụng các quyền của họ về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do hội họp, chiếu theo các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền ; lập lại lời kêu gọi của Quốc hội Châu Âu yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cấp tốc cải tổ những điều quy định liên quan đến điều luật an ninh quốc gia để hoặc hủy bỏ hoặc tuân thủ theo luật pháp quốc tế;

4. yêu cầu Việt Nam thực hiện các cải cách chính trị và thể chế để thiết lập nền dân chủ và một Nhà nước thực sự pháp quyền, bắt đầu bằng việc thiết lập chế độ đa đảng, một nền báo chí tự do và những công đoàn tự do;

5. yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo và khôi phục quy chế pháp lý cho tất cả các cộng đồng tôn giáo, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất;

6. thỉnh mời chính phủ Việt Nam chấm dứt việc phân biệt đối xử với cộng đồng người Thượng;

7. chào mừng việc bãi bỏ Nghị định 31/CP như bước đầu cải tổ tư pháp và yêu cầu chính phủ Việt Nam loại trừ mọi hình thức giam giữ mà không được pháp lý che chở, đặc biệt là Pháp lệnh mang số 44 năm 2002;

8. yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi những khuyến cáo của LHQ, đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền LHQ trong phần kết luận năm 2002, bãi bỏ những pháp chế của Việt Nam trái chống với nhân quyền và bảo đảm thực sự các quyền cơ bản cho mọi công dân Việt Nam, chiếu theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị và Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa;

9. nhắc nhở rằng cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam phải đưa tới những cải tiến cụ thể tại Việt Nam ; thỉnh mời Hội đồng Châu Âu và Ủy hội Châu Âu phải định giá lại chính sách hợp tác với Việt Nam, căn cứ trên điều 1 trong Hiệp ước Hợp tác năm 1995, đặt cuộc hợp tác trên sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và các quyền cơ bản;
10. Ủy nhiệm Chủ tịch Quốc hội Âu châu chuyển giao Quyết Nghị này đến Hội đồng Âu châu, Ủy hội Âu Châu, cũng như đến các Chính phủ thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, Tổng Thư ký LHQ, Cao ủy Nhân quyền LHQ và Chính phủ và Quốc hội Việt Nam.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam dịch từ bản Pháp ngữ
Nguồn: Thông cáo báo chí của Uỷ Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam

Không có nhận xét nào: