Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2007

Dân chủ và tập trung dân chủ

Nguyễn Văn Trần

Phân tích sơ lược về chế độ Dân chủ - Chế độ ở Hà nội ngày nay

Việt Nam từ khi chưa mất độc lập, sau khi độc lập mất, từ sau khi bị chia đôi năm 1954, và sau khi miền Nam mất năm 1975, chưa bao giờ có được một chế độ dân chủ thực sự. Nói thế không có nghĩa là người dân Việt Nam trong quá khứ dài đã không có những cơ hội hưởng được những phúc lợi về vật chất và tinh thần mà ngày nay người ta gọi đó là những quyền của con người hay nhân quyền và quyền công dân.

Từ xưa ở Việt Nam, tinh thần dân chủ hay nếp sống dân chủ thể hiện qua đời sống thực tế xã hội, mà chưa được thể chế hoá như những giá trị hiến định ngày nay. Tinh thần dân chủ hay nếp sống dân chủ ấy, theo cái nhìn ngày nay, đó là một thứ quyền tiêu cực. Nhà vua nhận lãnh mệnh trời để cai trị nên có bổn phận phải tuân mệnh trời mà chăm lo cho phúc lợi của thần dân. Vì làm sai sợ bị trời đánh, do đó mà trong lịch sử quân chủ Việt Nam không có những bạo chúa cực kỳ hun ác như ở Tàu và ở Âu Châu. Còn đảng cộng sản vì không nhận lãnh mệnh của ai hết, nên ngang nhiên gây ra tội ác với dân chúng mà không phải sợ bị trừng phạt. Tinh thần dân chủ việt nam lấy dân làm cái gốc của nước. Gốc có vững thì nước mới yên. Nên dân bản trở thành mực thước giới hạn thiên mệnh.

Ai cũng biết những người chối bỏ chế độ cộng sản ngày nay, họ tranh đấu là để mong thay thế chế độ cộng sản hiện tại bằng một chế độ dân chủ tự do. Bởi dân chủ ở trường hợp Việt Nam ngày mai này không chỉ nhằm chấm dứt chế độ độc tài toàn trị, mà còn có khả năng động viên toàn dân xây dựng lại đất nước, phát triển đất nước, tạo cho Việt Nam có bản lãnh hội nhập vào thế giới và ngăn chặn mọi hiểm họa thường xuyên xâm lấn đất nước từ phương Bắc

I. Dân chủ và dân chủ nào?

Sau 19 năm đổi mới, Việt Nam thu hoạch được một số thành tựu đáng khuyến khích nhưng vẫn chưa đủ để giải quyết những mặt tiêu cực do chưa có mở cửa về chánh trị.

Một số những người tranh đấu dân chủ và cả một số những nhà quan sát Tây phương, và nhất là Huê Kỳ, lấy làm lạc quan cho rằng những thành tựu thủ đắc được do mở cửa kinh tế dần dần sẽ đẩy lùi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào quá khứ. Họ tin tưởng rằng một thành phần trung lưu mới vừa thành hình ở xã hội Việt Nam từ chính sách đổi mới sẽ tác hại không tránh khỏi đến sự tồn vong của chế độ. Theo cách suy luận này thì "Cái xe, cái nhà, đô-la đầy túi, lập tức sau đó là dân chủ!" Nhưng đừng quên rằng thành phần trung lưu mới này không phải được thành hình "bên ngoài đảng, chống lại đảng" mà "xuất hiện cùng với đảng", ở ngay trong đảng, có vai trò lịch sử mới là bảo vệ đảng, phát triển đảng theo đường lối lãnh đạo mới.

Nói theo ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa, họ sẽ là chủ thể mới của lịch sử. Vả lại, theo nhà kinh tế Amertyr Sen (giải Nobel kinh tế) dân chủ không phải là một xa xỉ phẩm, đợi có tiền mới được hưởng, mà dân chủ là yếu tố cần thiết để làm cho đất nước phát triển. Hơn nữa, trên thực tế đối với những nỗ lực tranh đấu dân chủ hoá Việt Nam thì hiện tượng xã hội mới này là trở ngại lớn, sức cản lớn có khả năng phá vở mọi cố gắng cho dân chủ từ nhiều phía hiện nay.

Dân Chủ:

Như đã nói trên đây, Việt Nam chưa có một định chế dân chủ đúng nghĩa theo hiểu biết ngày nay, tuy từ thời quân chủ đã có tinh thần dân chủ qua nếp sống văn hóa dân tộc. Do đó, ngày mai này, khi muốn làm dân chủ, tưởng chúng ta nên tìm về những kinh nghiệm lịch sử của các nền dân chủ Tây phương và Huê Kỳ, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn những vấn đề sẽ đặt ra cho xứ sở chúng ta và giúp chúng ta chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, vì các nền dân chủ ấy giúp chúng ta thấu hiểu được ba ý niệm cơ bản để xây dựng Việt Nam ngày mai này. Đó là những quyền bất khả nhượng, chủ quyền và dân chủ.

Những quyền bất khả nhượng là những quyền tự nhiên của con người mà mọi Nhà Nước không thể tước đoạt của chúng ta và cũng không thể ban phát cho chúng ta, bởi những quyền ấy là sở hữu của chúng ta (1): "Quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần và quyền chống lại áp bức của Nhà Nước".

Các dân tộc Anh, Mỹ, Pháp đã nhân danh những quyền này để làm những cuộc cách mạng của họ.

Chủ quyền quốc gia thuộc toàn dân, nghĩa là người dân tự mình cai trị chính mình.

Dân chủ là sự cai trị bởi dân và vì dân. Dân chủ không phải được định nghĩa bởi nguồn gốc quyền lực, mà do dân chúng bị cai trị có kiểm soát được thường xuyên và hữu hiệu người cầm quyền cai trị mình hay không.

Dân chủ như vậy không gì khác hơn là những định chế do người dân thiết lập ra để thực hiện an ninh trong xã hội và bảo vệ những quyền tự do căn bản của họ. Trong một chế độ dân chủ, Nhà Nước chỉ là một tập hợp những định chế do con người sáng tạo. Do đó, Nhà Nước dân chủ còn được gọi là Nhà Nước-Định chế. Quyền lực cho phép Nhà Nước hành sử chức năng của mình mà không cho phép Nhà Nước có quyền đứng trên xã hội. Bởi trong thể chế dân chủ, chỉ có luật pháp biểu thị chủ quyền quốc gia.

Ở Việt Nam, dưới thời quân chủ, những quyền tự nhiên của con người vẫn được nhà vua tôn trọng và thực thi. Người dân bình thường có quyền tham chánh qua những cuộc thi tuyển chọn nhân tài. Việc học và thi cử hoàn toàn tự do và thường miển phí, dành cho mọi người và còn được khuyến khích. Ở trong làng xã thường có người biết chữ mở trường dạy học. Người học giỏi được xã hội kính trọng. Cho đến đời Minh Mạng, nhà vua vẫn quan tâm lắng nghe ý kiến của dân chúng về việc nước.

Khi xây dựng cho Việt Nam một nền dân chủ thực hữu, về mặt tổ chức lại lãnh thổ, tưởng Việt Nam nên chọn cho mình một thể chế liên bang để thống nhất đất nước trong sự tôn trọng những đặc thù địa phương do lịch sử để lại trên một lãnh thổ có chiều dài hơn 2000 km. Thống nhất trong thể chế liên bang là để điều hoà phát triển.

Thể chế dân chủ và liên bang thực hiện được cho Việt Nam ngày mai này, chắc chắn sẽ đáp ứng được những mong đợi của toàn dân, bởi những giá trị chánh trị ấy hoàn toàn phù hợp với lịch sử và văn hoá dân tộc. Đầu thế kỷ 19, vua Gia Long tổ chức lãnh thổ làm thành nhiều vùng nhằm đáp ứng những đặc tính tâm lý và địa phương khác nhau. Miền Trung gồm 4 doanh, 7 trấn; miền Bắc có 5 nội trấn, 6 ngoại trấn; miền Nam chia làm 5 trấn. Xã thôn Việt Nam trước kia vẫn theo chế độ tự trị. Tất cả những giá trị truyền thống ấy đã không được giữ gìn và phát huy mà còn bị người cộng sản phá huỷ để thay thế bằng thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa cực kỳ phi lý và phi dân tộc.


II. Dân chủ và tập trung dân chủ (2)

Khi nói đến dân chủ, tưởng nên phác họa cơ sở để qua đó người ta có thể có được ý niệm về nền dân chủ ấy. Những hình dung từ thêm vào cho từ "dân chủ" thường không đủ làm toát lên nội dung hay thực chất đích thực của nền dân chủ mà ta muốn đề cập đến.

Tuy nhiên, khi nói dân chủ pháp trị, nhờ từ "pháp trị" giúp ta ý niệm được rằng nền dân chủ ấy được thiết lập và điều hành bằng luật pháp. Pháp trị có nghĩa là luật pháp mới là chủ quyền của toàn dân. Nhà Nước dân chủ không thể đứng trên luật pháp.

Trong những người tranh đấu dân chủ, có một số người thường nói dân chủ đa nguyên (để phân biệt, phản bác lại dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân, v.v...) Cụm từ dân chủ đa nguyên rất gợi hình nên làm cho mọi người tưởng tượng ngay rằng trong nền dân chủ ấy nhiều sự khác biệt đều được tôn trọng. Mà dân chủ nào lại không tôn trọng đặc tính đa nguyên? Nhưng về mặt thể chế, thì đa nguyên lại không giúp hội ý được về cơ sở của nền dân chủ ấy. Như vậy phải chăng những "người dân chủ đa nguyên" muốn đem dân chủ đa nguyên để đối lập, để đối kháng với dân chủ xã hội chủ nghĩa mà thường bị hiểu sai lạc là dân chủ tập trung?

Theo người cộng sản thì về thể chế chánh trị, đại loại, chỉ có hai nền dân chủ hoàn chỉnh và phổ biến hơn hết. Đó là dân chủ tư bản và dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Hai nền dân chủ này được định hình trên hai hình thái kinh tế khác nhau, là kinh tế tư sản và kinh tế tập trung. Như vậy, với người cộng sản, không có dân chủ tập trung mà chỉ có dân chủ xã hội chủ nghĩa và tập trung dân chủ.

Ở Việt Nam, từ sau khi tiếp nhận chiếu thoái vị của hoàng đế Bảo Đại, từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ và từ sau khi chiếm được Miền Nam, thống nhất Việt Nam, nhà cầm quyền Hà Nội thiết lập và xây dựng một thể chế dân chủ duy nhất gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cụm từ "dân chủ xã hội chủ nghĩa" rất rõ nghĩa, bởi nó toát lên được ý nghĩa đó là một nền dân chủ mang "bản chất giai cấp công nhân, do đảng cộng sản lãnh đạo để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động trên cơ sở chủ nghĩa xã hội".

Do đó, vẫn theo người cộng sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa, một mặt thể hiện bản chất của chủ nghĩa xã hội, mặt khác là một trong những động lực quan trọng hướng dẫn "toàn xã hội tiến lên xây dựng thành công" chủ nghĩa xã hội sau khi cướp được chánh quyền.

Khi nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa thì, về phương diện hoạt động và thể chế, dân chủ phải có quan hệ hữu cơ, gắn liền với tập trung, để "chế độ dân chủ kết hợp chặt chẽ với chế độ tập trung". Từ mối liên hệ này, tập trung dân chủ trở thành một nguyên tắc, một đòi hỏi tất yếu trong thể chế của chủ nghĩa xã hội. Đây là "nguyên tắc cốt tử" của đảng cộng sản trong lãnh đạo chính trị đối với xã hội và lãnh đạo Nhà Nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép người cộng sản đảm bảo cho đảng cộng sản có sức mạnh thống nhất về tư tưởng, chánh trị và tổ chức để biểu hiện và khẳng định đó là đảng cầm quyền, tập trung vào tay đảng trọn vẹn quyền lực quốc gia để thực hiện một chế độ cai trị đất nước toàn diện và triệt để. Tập trung dân chủ không chỉ là nguyên tắc của đảng cộng sản, là chỉ đạo hoạt động lãnh đạo và các quan hệ tổ chức của đảng, mà nó còn là nguyên tắc cần thiết, không thể thiếu trong hoạt động quản lý Nhà Nước. Đó cũng là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chánh trị trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, ta phải hiểu cho đúng (theo cộng sản) thì dân chủ xã hội chủ nghĩa phải dẫn tới nguyên tắc tập trung dân chủ. Nó vừa là nguyên tắc chánh trị của đảng cộng sản, vừa là nguyên tắc và cơ chế quản lý của Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Nói rõ hơn, tập trung (dân chủ) là phương thức, là điều kiện, còn dân chủ là cơ sở, là mục đích. Thông qua tập trung mà dân chủ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, được thực hiện và trở thành mục đích của chế độ. Không gắn với tập trung thì dân chủ xã hội chủ nghĩa không có sức mạnh thực tế trong hành động. Tập trung dân chủ chỉ là thẩm quyền quyết định của cá nhân người chỉ huy và của cơ quan lãnh đạo chính trị, theo trật tự chặt chẽ có sự tuân hành từ dưới lên trên.

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tập trung dân chủ là một loại cơ chế thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, bởi đó là nguyên tắc lãnh đạo của đảng cộng sản. Tập trung dân chủ do đó trở thành một hệ thống tập trung quyền lực và phương pháp thi hành quyền lực lên xã hội. Tập trung dân chủ, ở đây, hoàn toàn không phải là một thể chế chánh trị, mà đó không gì khác hơn là một phương pháp thực thi chế độ độc tài toàn trị.

Một đảng cầm quyền độc tài toàn trị như đảng cộng sản Hà Nội ngày nay, nếu không thực hiện được tập trung dân chủ, thì dĩ nhiên không còn là một đảng hành động, mà lập tức sẽ biến thành một thứ tập hợp đầy mâu thuẫn, xung đột. Và từ đó, Nhà Nước sẽ không còn thực quyền quản lý xã hội nữa. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi Hà Nội thẳng tay đàn áp và trù dập tất cả những người có chánh kiến khác với đảng. Dân chủ vì thế mà trở thành một mối hiểm họa sanh tử của chế độ Hà Nội.

III. Tập Trung Dân chủ hay Độc Tài toàn trị

Nói cho rõ và dứt khoát thì chế độ chánh trị ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn là một chế độ độc tài toàn trị. Khi nói đó là một chế độ độc tài toàn trị thì người ta thường hình dung đến chế độ Hitler ở Đức hoặc Stalin ở Liên-Xô trước kia. Theo bà Hannah Arendt (Triết gia Mỹ gốc Đức chuyên nghiên cứu về nền tảng các chế độ độc tài toàn trị) thì chế độ "độc tài toàn trị" là một hệ thống hoàn toàn đặc biệt được khai triển trên sự biến thể những giai cấp xã hội trở thành những tập thể, biến cảnh sát trở thành trung tâm quyền lực và thiết lập một chánh sách đối ngoại nhằm công khai thống trị thế giới. Trong quá trình thực hiện, chế độ độc tài toàn trị nhằm triệt tiêu xã hội cũng như cá nhân. (3)

Nhưng chế độ Hà Nội hiện nay, cũng được gọi là chế độ độc tài toàn trị, lại không hoàn toàn giống chế độ Hitler hay chế độ Stalin bởi trong hai chế độ nầy, người ta thấy rõ Hitler và Stalin là hai người thật sự nắm quyền lực cai trị nước Đức và Liên Xô.

Ở Việt Nam, ai, cơ quan nào là đối tượng của những người đấu tranh đòi dân chủ? Nếu muốn lật đổ chế độ, hay muốn đối thoại thì nhắm vào ai? Trong vừa qua, để lật đổ chế độ độc tài ở Irak, Huê Kỳ và liên minh chỉ nhằm tấn công vào Saddam Hussein. Trong trường hợp Việt Nam ngày nay, chắc chắn người cộng sản cũng khó mà biết được ai, bộ phận nào trong đảng, gồm những ai, nắm quyền lực thật sự và nắm được đến mức độ nào?

Năm 1953, Hồ Chí Minh học bài học Trung Quốc (4) cho tiến hành cuộc thanh lọc nội bộ đảng đẩm máu bằng cải cách ruộng đất, rồi chỉnh đảng. Lúc bấy giờ, đảng Lao động (đảng Cộng sản đổi tên) gồm có lối 740.000 đảng viên. Số đảng viên bị khai trừ, cách chức, thủ tiêu, giết hại lên đến 40% vì bị qui vào thành phần phản động do địch cài lại. Riêng nông dân, trong cải cách ruộng đất, bị Hồ Chí Minh giết hại đến 500.000 người. Trong đó có không biết bao nhiêu người chịu oan ức, người yêu nước đã từng cống hiến tài sản, sanh mạng bản thân cho kháng chiến chống thực dân Pháp, ... Sửa sai và chỉnh huấn xong, vào cuối thập niên 50, một bộ máy quyền lực mới thật sự thành hình tập trung sức mạnh vào Ban tổ chức trung ương Đảng, đưa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chia nhau vai trò chi phối quyền lực Nhà Nước và đẩy ra bên lề vai trò lãnh tụ lịch sử của những người như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, ...

Lê Duẩn cả quyết đưa chiến tranh vào Nam và đã thôn tính được Miền Nam năm 1975. Năm 1973, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành nghị quyết 26 phủ nhận giá trị pháp lý của Hiệp Định Paris, xác định rõ mục tiêu vẫn trước sau như một là tiến chiếm miền Nam và thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa trên cả nước. Chiến tranh dai dẳng chấm dứt đã tạo điều kiện thuận lợi cho Lê Duẩn và Lê Đức Thọ xây dựng chế độ độc tài toàn trị theo kiểu hoàn toàn Hà Nội. Chế độ độc tài toàn trị nầy bắt đầu tiến hành phương thức thực hiện tập trung dân chủ, tức tập trung quyền lực, bằng cách tuần tự triệt tiêu tất cả các lãnh tụ đảng từ thời lập đảng, các đảng viên gia nhập đảng vì nhiệt tình yêu nước dấn thân tranh đấu giành độc lập dân tộc, đến vô hiệu hóa Nhà Nước, các tổ chức quần chúng như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ Giải phóng, các Giáo hội, các Công đoàn, ... sử dụng các tổ chức này làm bình phong, trang trí cho đảng, vô hiệu hóa đảng, dùng bản thân đảng để bảo vệ và nâng cao uy quyền Ban Chấp hành trung ương, vô hiệu hóa Ban Chấp hành trung ương để bảo vệ Bộ Chánh trị, cuối cùng cũng vô hiệu hóa Bộ Chánh trị để chỉ còn lại Tổng bí thư và Ban thường vụ đảng.

Mặt khác, chế độ "độc tài toàn trị" dùng công an kiểm soát mọi người, mọi tổ chức, từ tổ chức quần chúng làm kiểng đến nội bộ đảng ở các cấp. Đồng thời, chính công an cũng được tổ chức phân tán thành nhiều bộ phận hoàn toàn ngăn cách và đan xen với nhau khiến người chỉ huy công an cũng khó mà nắm được toàn bộ guồng máy này. Cho nên trong chế độ toàn trị kiểu Hà Nội, bất cứ ai, từ người dân, lẽ dĩ nhiên, đến bản thân đảng viên công an, ... ở mọi cấp bực đều có thể, bất cứ lúc nào, bị loại trừ, bị thanh trừng, mà không làm sao biết được lý do và do ai quyết định. (5)

Để thấy rõ thứ quyền lực vô hình này, tưởng không gì bằng nhìn vào trường hợp tướng Võ Nguyên Giáp từ nhiều năm qua và đọc bức thư của ông gởi Bộ Chánh Trị đề ngày 03/01/2004 tại Hà Nội.

Tướng Giáp tố cáo Lê Đức Anh, lúc làm Bộ Trưởng Quốc Phòng, đã cho lập Tổng Cục II An Ninh, trực thuộc Bộ Quốc Phòng, để củng cố quyền lực của mình và trù dập, đàn áp các phe cánh khác, trong đó tướng Giáp là mục tiêu chánh.

Theo tướng Giáp, Lê Đức Anh đã ngụy tạo hồ sơ "tình hình hoạt động bè phái trong đảng" (số 541 - Báo cáo của Bộ Chánh Trị tại Hội nghị TW-12 BCH khóa VI) để hãm hại tướng Giáp và một số đảng viên kỳ cựu, có thành tích chiến đấu cao mà không cùng phe cánh với Lê Đức Anh và Đỗ Mười đi theo Bắc Kinh. (6)

Bộ Chánh Trị là cơ quan quyền lực cao nhất vẫn bị Tổng Cục II cho đặt máy nghe lén suốt hơn mười năm. Thế mà từ đại hội VII đến đại hội X, vụ này vi phạm kỷ luật đảng và luật pháp Nhà Nước xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được xử lý đúng mức. Trong lúc đó, ở một nước dân chủ bình thường, không xã hội chủ nghĩa, như nước Huê Kỳ, Tổng thống (T.T.) Nixon cho đặt máy nghe lén đối phương (đảng Dân Chủ) bị mất chức khi nội vụ đổ bể. T.T. Clinton dan díu với gái, bị thưa ra tòa, đã phải hầu tòa và thi hành phán quyết của tòa án. Tổng Thống pháp, ông Jacques Cirac, chỉ thời gian ngắn rời ghế tổng thống, đã phải trình diện trước Tòa án để trả lời về hồ sơ tiền bạc của Đản RPR của ông khi ông làm Thị Trưởng Paris . Ở Hà Nội, đảng viên các cấp tham nhũng, cướp giựt nhân dân giữa ban ngày chỉ bị xử lý nội bộ. Tức vô tội vạ để còn tiếp tục cướp giựt nữa . Đây là sự khác biệt rõ ràng giữa hai nền dân chủ, xã hội chủ nghĩa và không xã hội chủ nghĩa! Và chỉ trong một chế độ dân chủ không xã hội chủ nghĩa, mọi người mới được luật pháp bảo vệ về an toàn bản thân và tài sản. Người cộng sản không thấy được điều này phải chăng vì họ thiếu văn hóa chánh trị?

Chúng tôi nghĩ không phải họ thiếu vắng văn hóa chánh trị, mà đó là thiên chức của đảng cộng sản. Lý thuyết chỉ đạo cộng sản, theo Lenin, là “đảng ta dùng nói dối và bạo lực cướp chánh quyền và bằng mọi giá phải giữ chánh quyền cho đảng”. Khi nắm trọn chánh quyền, đảng ta lấy nhân dân làm đối tượng, cướp tất cả cái gì thuộc về sở hữu của nhân dân .

Đến tuổi già, bắt đầu lo sợ sẽ đến phiên mình, lần lượt sẽ là nạn nhân của thứ "bóng đêm" này, một số cựu công thần của chế độ Hà Nội như Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng, Phan Minh Tánh,Võ văn Kiệt, ... đã lên tiếng cảnh cáo, không sớm thay đổi, đảng sẽ mất quyền lãnh đạo. Mà thật thế, ngày nay do phải mở cửa ra bên ngoài, nhiều đảng viên đã nhận thức được những giá trị phổ quát về dân chủ, nhơn quyền là cần thiết để tổ chức xã hội, xây dựng đất nước phát triển, nên họ đã bắt đầu tranh đấu chống sự độc tài đảng trị ...

Song song với việc chỉnh đốn đảng theo cung cách đặc biệt “Hà Nội” này, lẽ dĩ nhiên, đảng Cộng sản Việt Nam phải kết nạp thêm đảng viên mới để thay thế những người đã lần lượt "ra đi". Và, cứ mỗi lần có một đợt kết nạp thì dân chúng tỏ vẻ vui mừng, bảo nhau "Thế là xã hội lại được sạch sẽ thêm một chút!".

Ở Việt Nam ngày nay, người ta khó mà biết ai thật sự nắm quyền ở Hà Nội. Và nắm quyền đến mức độ nào? Ai nắm công an? Ai nắm quân đội?

Nhà cầm quyền Hà Nội thường cho rằng chế độ của họ là chế độ "do dân vì dân" tức là chế độ dân chủ. Mà chế độ dân chủ thì quyền lực chánh trị là một hệ thống công khai hình thành do xã hội sáng tạo và thực hiện theo một qui trình được xã hội chấp thuận, ở nhiều mức độ khác nhau, bằng nhiều phương thức khác nhau. Đặc tánh của chánh quyền dân chủ là tính công khai và sự tín nhiệm của xã hội có giới hạn đuợc qui định thành văn .

Trái lại, ở Việt Nam, quyền lực tồn tại không cần những yếu tố tất yếu ấy, bởi nó được cấu kết trong bóng tối với những kẻ vô danh chuyên sử dụng bạo lực khủng bố, trù dập, thủ tiêu đồng chí, đồng đảng và mọi người khác ý kiến hoặc chống đối. Lập chánh phủ, bầu quốc hội, đại hội đảng, tất cả chỉ là những thứ hiện tượng do thứ quyền lực bóng tối ấy dựng lên để ẩn núp sau đó mà tồn tại và hoạt động. Ai cũng sợ hãi nó. Nhưng nó cũng nơm nớp một nỗi sợ hãi lớn: sợ hãi sự công khai, tức sợ hãi ánh sáng! Tuy nó nắm trong tay sự toàn trị xã hội mà vẫn sợ phải công khai xuất hiện. Như tòa án do nó giàn dựng lên mà vẫn thường né tránh những phiên xử công khai dưới ánh sáng công lý, thường chọn cách xử kín và kết thúc phiên xử nhanh chóng như tháo chạy.

Năm 1986, để tránh cho chế độ khỏi bị sụp đổ do sự khủng hoảng trầm trọng kéo dài từ cuối thập niên 70, Hà Nội đưa ra chánh sách "đổi mới ". Nhưng Hà Nội vẫn không thể "đổi mới" thật sự được vì nếu phải công khai hóa quyền lực, công bố tài chánh của đảng (thường bằng 1,5 đến 2 lần ngân sách chánh phủ), tài sản của đảng viên, nói thẳng, nói thật với mọi người và để mọi người phê phán về mình thì chẳng khác nào đảng tự treo cổ! Chế độ Hà Nội phải tồn tại cho đến hết quá trình xã hội chủ nghĩa của nó! Đó là thời điểm trước mắt! Để tồn tại, nó phải dựa trên thế đan xen của ba lực lượng: đảng, công an và quân đội. Nhưng phải hiểu "nó tồn tại" đó không phải là bản thân đảng, bản thân công an hay quân đội. Mà "nó" chỉ là hiện tượng quyền lực ẩn sâu trong đảng, trong công an, trong quân đội, trong Nhà Nước, như Đỗ Mười và Lê Đức Anh với đám đàn em cài sâu trong Bộ máy hiện nay, và tài sản quốc gia do đảng làm chủ và sử dụng.

Những người tranh đấu cho dân chủ ngày nay, kể cả những người cộng sản phải thấy đối tượng của mình không ở ngoài Việt Nam, không ở trong dân chúng, không ở trong những quân nhân, không ở trong những nhân sự công an, mà nó ở sâu trong các tổ chức này để giựt giây, điều khiển những tổ chức này theo chiều hướng quyền lợi riêng của nó.

Để làm cho chế độ "độc tài toàn trị" theo kiểu Hà Nội ngày nay sớm sụp đổ, tưởng không có cách nào tốt hơn, hữu hiệu hơn là lôi "NÓ" ra trước ánh sáng. Ánh sáng của thị trường, của thông tin, ngôn luận.

Không thể nói "dân chủ xã hội chủ nghĩa" là dân chủ được bởi, như ta thấy, chế độ xã hội chủ nghĩa thật sự chỉ là "chế độ độc tài toàn trị". Nó còn biến dạng dưới những hình thức khác như "dân chủ nhân dân", ... Còn "dân chủ đa nguyên" tuy không thuộc các hình thức dân chủ kia, nhưng nó không nói lên được nội dung dân chủ một cách hoàn chỉnh, có cơ sở. Nó chỉ đọng lại ở tầng gợi hình mà thôi.

Khi nói một chế độ dân chủ thì phải thấy trong đó người dân phải thật sự tự mình cai trị chính mình.

Vậy chỉ có dân chủ hoặc không có dân chủ mà thôi. Mà dân chủ thì chế độ sẽ tồn tại bền vững. Độc tài cộng sản thì chắc chắn sẽ theo con đường Liên Xô và Đông âu ở những năm 89 và 90. Đó là tất yếu lịch sử!


Ghi chú:
(1) Fitche, "Considérations sur la Révolution française", 1793, Paris.
(2) Nguyễn Tiến Phồn, "Dân chủ và tập trung dân chủ", Khoa Học Xã Hội xuất bản - Hà Nội, 2001.
(3) Hannah Arendt, "Nguồn gốc chế độ độc tài toàn trị" (Les origines du totalitarisme) Paris, 1972.
(4) Trần Lực, "Những bài học về kinh nghiệm Trung Quốc", Hà Nội, 1952.
Pierre BROCHENX, Hồ Chí Minh, du revolutionnaire à l`icône Paris 2003
(5) Xem Diễn Đàn, số 18, tháng 4/ 1998, Paris.
(6) Về vụ tướng Giáp, xem bức thư của Giáp gởi Bộ Chánh Trị và bản báo cáo của BCT tại Hội nghị TW-12 BCH khóa VI.

Không có nhận xét nào: