Thứ Hai, 16 tháng 7, 2007

Hãy mở lòng ra

Ai có nghe bài hát Miền Trung Mùa Mưa của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chắc cũng xót lòng cho miền Trung gió cát.”… miền Trung mùa mưa, ai có về miền Trung mùa mưa, cơn mưa như bất tận…” nhưng bây chừ miền Trung lại nắng cháy da người, mà mưa lại đang trút xuống miền Nam, cái vòng quay của thời tiết có lẽ chẳng ai chú ý làm gì nếu mấy mươi ngày qua, không có nhiều đoàn người từ nơi nơi kéo về nằm la liệt trong cảnh màn trời chiếu đất, ăn không đủ no,mái không có che dứoi thời tiết mưa rồi lại nắng. Người dân quê khắp mọi miền chẳng khi nào rời khỏi lũy tre làng, thế mà hôm nay, hơn hai chục ngày rồi phải bỏ con trâu, cái cày, lũy tre, bụi mía lên tận Sài gòn, dầm mưa dãi nắng, nông nỗi là vì đâu?


Những ngày gần đây, báo đài khắp nước đưa tin ông chủ tịch công du sang Hoa Kỳ thành công tốt đẹp, nghĩ cũng mừng thầm cho giới lao động, vì chính người viết bài nầy cũng là người lao động chân tay, số phận sinh ra là để làm thuê, gánh mướn thì có việc để mà làm kiếm ăn, là quí lắm rồi, chẳng cứ ông Tây, bà Tàu nào cả, miễn kiếm được cái ăn hơi dễ hơn chút đĩnh là tốt lắm rồi. Cũng nghe được qua các hệ thống thông tin cả trong và ngoài nước về những lời được cho là "mộc mạc" của ông chủ tịch nước “người miền Nam” "Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người". Câu nói rất hay và phù hợp với những công ước mà quốc tế dày công chắt lọc để ban ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền cho bất cứ ai được mang trên mình hai chữ CON NGƯỜI.

Thế nhưng, những ngày nầy,và những ngày từ mấy mươi năm trước,có những người bị kẻ khác tước đoạt cái quyền được sống làm con người, vì sở hữu hợp pháp của họ chỉ sau một chỉ thị, một quyết định, đã không cánh mà bay… về tay người khác, mà những người ấy là ai? Là cán bộ, là “đầy tớ của nhân dân” là những đảng viên cộng sản ở nhiều cấp. Và chuyện không chỉ xảy ra ở một hay vài thôn, xóm, phường xã, mà trên diện rộng cả nước, đâu đâu cũng có. Người cộng sản chọn giai cấp công nông là đội ngũ tiên phong của mình, thì cũng chính người sản hình thành thêm một giai cấp nữa từ trong giới công nông nầy trong quá trình điều hành xã hội. Giai cấp hơn cả vô sản, đó là dân oan. Hôm qua, hôm từ nhiều chục năm trước, họ là nông dân, là công nhân, thì hôm nay, họ được chuyển từ vị trí đó tới vị trí không còn nhà đất ruộng vườn, không còn công ăn việc làm trong cơ xưởng, ra lăn lóc khắp nơi trên quê hương để đi khiếu kiện, ôi cái số phận của con ve, cái kiến.

Sống ở trên đời ai cũng có những ước mơ, rằng ngày mai sẽ hơn được hôm nay, chẳng ai nghĩ tới cái trong tầm tay mình chỉ ngủ một đêm không mơ mộng mà sáng ra trắng tay, khi mình không đỏ đen, cờ bạc chỉ cui cút làm ăn, chẳng thiên tai bão gió để thành đồng không nhà trống, mà chỉ vì các chỉ thị của “đầy tớ mình”. Vậy thì cái quyền ông chủ ở đâu? Người Việt có câu “vắng chủ nhà thì gà bươi bếp”. Không hề vắng chủ nhà, chủ nhà còn gần tám chục triệu đang sống trên lãnh thổ nầy, chỉ trừ ra hơn sáu triệu “đầy tớ” là người lãnh lương từ "quí ông chủ”. Nhưng, có mặt đó mà thiếu cái quyền làm chủ nên phải ra đường, phải lăn lóc, có kẻ phải vào tù chỉ vì trưng ra những bằng cớ rằng, chính mình là “ông chủ” thật là tội nghiệp.

Rồi lại phải thêm một lần “đồng bào hãy về nước để chứng kiến những thành quả mà đảng đã làm được cho dân cho nước”, “đồng bào mình “thiếu thông tin” trong nước nên không hiểu và thông cảm cho chính quyền”. Nếu mà phải về nước để thấy sự phát triển mỗi ngày một đông, thời gian tăng lên cũng là tỷ lệ thuận với số địa phương, số đầu người đang lăn lóc trên đường phố Sài gòn, trước nhà văn phòng Quốc hội II, vì “trắng tay một cách oan ức” để mà thông cảm cho chính quyền đã có những kẻ nhân danh làm cho dân không còn sống nỗi, thì sự “thông cảm” ấy đồng nghĩa với cái gì? Theo thông tin nhà nước tận bên nước Mỹ xa xôi tường thuật về thì có tới cả ngàn người dự buổi tiệc trong niềm hân hoan khôn xiết cùng Chủ tịch; có người vừa chạy vừa thở hỗn hễn mới kịp dự như ông Nguyễn Cao Kỳ, sau đoạn đường dài nửa vòng trái đất. Thời đại thông tin toàn cầu quả có khác, thế mà chỉ cách nhau có vài trăm mét đường, chỉ trong nội hạt, mấy mưoi ngày sau, các “chủ nhân ông” không hề được truyền thông của chính mình nói giúp, viết giúp cho một lời, một chữ? Lại phải biết thông qua bọn đài báo nước ngoài nó thông tin, rằng có một phóng viên báo Việt nam, chụp hình tại hiện trường sau hơn hai chục ngày trôi qua thì bị ai đó, sử dụng chiếc gắn máy mang biển số 52U 46702 chơi anh ta bằng miếng võ biền, tới phù mõ và máu me lai láng, và cũng xin nói rằng chiếc xe bị giữ bởi dân oan, sau khi kẻ gây án tháo chạy "bỏ của chạy lấy người” không hề được báo ta đăng cho một chữ, dù chỉ là trang phụ, hay kề bên những vụ “bắt quả tang vũ trường…” hay "đổi tình lấy điểm" hoặc vụ "giật dây chuyền…” Máu của người phóng viên ấy là “máu của máu Việt Nam” đang đổ ra trên quê hương anh ta trong thời im tiếng súng, giữa thanh thiên bạch nhựt, giữa đám đông người, và giữa một trung tâm "kinh tế,VĂN HÓA của cả nước" và không chỉ riêng người phóng viên ấy, những dân oan nằm lăn lóc vỉa hè, ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt vì mưa mùa nhiệt đới, bữa đói bữa no vì không có đủ tiền, ngay cả lòng từ tâm của những con người cám cảnh cũng bị ngăn chặn, chỉ là hộp cơm, gói mì, mà có kẻ còn dã tâm ngăn chặn, tất cả họ, dù hôm nay đang trôi sông, lạc chợ thì máu ấy cũng là "máu của máu Việt Nam”.


Tôi đang sống chung với đồng bào tôi trên đất nước nầy, có lẽ chẳng cần nói ra thì đồng bào tôi cũng hiểu tôi chẳng có gì để gửi tặng đồng bào còn đang khốn khó trên bước đường khiếu kiện,người dân oan có nỗi khó của riêng họ, là mất nhà mất ruộng, vật vả nắng mưa, kêu không thấu “bề trên”. Cá nhân tôi, cũng như một số anh em khác, có cái khó của riêng mình vì nhiều tháng năm gióng tiếng nói lên cái hiện trạng tương tự. Nhưng, lại có chung một cái khó là chỗ sống luôn bị những kẻ “của dân, do dân và vì dân” làm ra nông nỗi. Tôi cũng chẳng dám nhân danh ai, mà chỉ dám nhân danh cá nhân mình,hiến tặng cho đồng bào tôi đang oan ức vài dòng kêu gọi, gửi tới bất cứ ai dù chỉ còn trong người chút “máu của máu Việt Nam” và ở bất cứ nơi cùng trời cuối đất nào trên trái đất nầy. Từ những vị là chủ chăn hay tín đồ của Thiên Chúa. Từ những vị dày công đạo hạnh tu hành trong các chùa chiền của Đức Phật, những ai dù không mang trong mình một đạo giáo nào thì cũng mang trong mình đạo lý làm người, hãy mở rộng lòng ra giúp đỡ người dân oan trong ngày tháng vật vả với thời gian, với thời tiết, chén cơm, tấm che, gói mì hay lon nước, dù gì họ cũng là những con người mà hôm nay bất hạnh. Và cũng kêu gọi tất cả những ai, có chút quyền hành trong xã hội hôm nay, dù to, dù nhỏ, thì miếng ăn để sống là cái thời khóa biểu ba lần một ngày, hay chuyện sinh hoạt cá nhân, như vệ sinh, như tắm giặt, hãy mỡ rộng lòng ra cho đồng bào được nhờ cậy, dù chỉ một chút thôi, để chén cơm tới đúng người cần, viên thuốc tới tay người bệnh, và tấm lòng tới với tấm lòng. Nhiễu điều phủ lấy giá gương, hay lá lành đùm lá rách, và hôm nay, thực tế lá rách đùm lá nát mà vẫn chưa xong.

Mọi âm mưu ngăn chặn miếng cơm cho người đang đói, viên thuốc cho người đang bịnh, vì bất cứ một thứ quyền hành, chức trách gì đều là phi nhân. Và, những người tự hào rằng mình là giới cầm bút, phản ánh hiện thực xã hội, bức tranh xã hội luôn có mãng tối và mãng sáng của gam màu. Anh đang cúi xuống trang giấy viết gì? Chị đang trước hệ thống phát thanh nói gì? Mà không viết, không nói cho đồng bào một câu, một chữ. Biết đâu rằng, một mai, tôi, anh và chúng ta, ai cũng có thể rơi vào hoàn cảnh dân oan như họ hôm nay, vì mất đất, mất nhà, mất việc, và mất tiếng nói. (Riêng trường hợp anh phóng viên nói ở trên thì mất cả máu).

Thì hôm nay, ngay bây giờ, còn có thể được, hãy mở lòng ra làm tất cả những gì cho đồng bào mình, những kẻ còn đang bất hạnh, để họ được là những con người, được ăn, được nói, và được sống làm một con người ngay chính quê hương thân yêu của họ. Chẳng có ai xúi giục được họ phải bỏ tất cả để lên tận Sài gòn từ những miền quê xa xôi, mà trong túi không nhiều hơn trăm bạc, không ai xúi được họ quên sinh mạng mình để một mình trước mưa gió của trời vào bão táp của đời. Đừng đổ trắc cho ai cả, mà chỉ hỏi lại chính mình đã mở rộng lòng với những người mình gọi là đồng bào ấy. Vì đâu nông nỗi hôm nay? Hãy dang rộng tay, mở rộng lòng khi còn làm được, để chỉ cần không thẹn với lương tâm, không thẹn với lời cửa miệng, và chắc rằng không thẹn với con cháu mai sau.

Xin mạn phép với danh nghĩa một cá nhân nhỏ bé trước đồng loại, đồng bào, thiết tha nói lên lời kêu gọi tới mọi con người, không phân biệt tôn giáo, đẳng cấp, giống nòi, ai có thể giúp được gì cho những số phận hẩm hiu ấy thì hãy nhanh tay, nhanh chân và nhanh miệng phổ biến, với ước mơ dù không chu toàn thì chính họ đang cần được vài bữa trong ngày, để sống. Để kết thúc chút lời quê nầy xin được trích lời ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết: “sống trên đời để làm gì? Là để thương yêu nhau!”.

Du Lam

Không có nhận xét nào: