Thứ Ba, 26 tháng 6, 2007

Thuyền, hay chữ và nghĩa




Nguyễn Hồi Thủ
“… hình như Đảng và nhà nước ở Việt Nam đã có chỉ thị phải kiểm duyệt nó, tiêu diệt nó trong những sách chính thức …”

Thuyền về xuôi mái sông Hương,
Hỡi ai tâm sự đôi đường đắng cay
(Ca dao miền Trung)

Có những chữ ngoại lai một khi trở thành tiếng Việt rồi thì nhuần nhuyễn đến độ không ai còn nghĩ nó đến từ tiếng nước ngoài nữa. Khó mà nhận dạng được một gốc tích nào dù gần, xa của nó, nó tròn trịa, trơn tru như một hòn bi. Mà ngay cả chữ hòn bi chẳng hạn, bây giờ số người biết rằng đó là một từ gốc tiếng Pháp ở Việt Nam chắc cũng không phải là nhiều. Còn nếu nói đến chữ Hán trong tiếng Việt thì thôi khỏi bàn. Có một lần tôi thử nhẩm tính những chữ Việt Nam bắt đầu bằng vần kh chẳng hạn thì thấy có lẽ đến 8 trên 10 từ đã là tiếng Hán Việt rồi, mà lại là những từ rất cơ bản như kiểu khát, khách, khám, khoái, khổ, khóc, khốn, không, khu,…

Hồi trẻ, tôi vẫn nghĩ thuyền là một từ tiếng Việt vì thấy nó được ghép với rất nhiều chữ gốc việt như thuyền bè, thuyền chài, thuyền mành, thuyền mủng, thuyền nan, thuyền thúng, rồi đi thuyền, ngồi thuyền, chèo thuyền… Cho đến một lúc lớn hơn, học thơ chữ Hán (thế hệ tôi còn được học một hai tiết tiếng Hán vào những năm đầu trung học ở trường tỉnh, mà ông thầy tài tử của chúng tôi chỉ dạy tiếng Hán qua thơ Đường), tôi mới vỡ lẽ là cái từ nhuần nhuyễn tiếng Việt này cũng như biết bao chữ khác nữa đã là một từ tiếng Hán trước khi trở thành tiếng Hán Việt.

Như trong bài Trường can hành của Thôi Hiệu:
Đình thuyền tạm tá vấn
Hoặc khủng thị đồng hương.
(Dừng thuyền lại xin hỏi
Biết đâu người đồng hương)
Hoặc trong Tây tái sơn hoài cổ của Lưu Vũ Tích:
Vương Tuấn lâu thuyền há Ích châu
Kim lăng vương khí ảm nhiên thâu
(Thuyền lầu Vương Tuấn xuống Ích châu
Tiêu điều vương khí ở Kim lăng)
Rồi: Thuyền kiên pháo lợi (Tàu sắt súng đồng) là thành ngữ các cụ nhà ta dùng để chỉ cái nghề giỏi riêng của người phương Tây, thật ra vì ta thua trận bị đô hộ nên nói thế chứ ngoài nghề đóng tàu sắt và đúc súng đồng họ còn có biết bao nghề khác lúc ấy cũng giỏi hơn ta nữa chứ?

Thế mà lâu lắm sau này, vào cuối những năm 70 và đầu năm 80, khi nghe từ thuyền nhân thì tôi rất lạ tai, đó là một từ đối với tôi thật mới mẻ vì tôi chưa hề nghe qua nó bao giờ. Đọc qua nó bao giờ trước đây trong văn học hay trên báo chí Việt Nam và trong một thời gian khá dài nó đã theo đuổi, ám ảnh tôi như một hệ lụy cùng với những hình ảnh khó quên đi kèm. (Hình ảnh rõ ràng nhất là chiếc tàu Hải Hồng, rồi sau đó là bao nhiêu những thuyền nhỏ ọp ẹp khác, chồng chất lúc nhúc những người mặt mày xanh mướt, hốc hác, bơ phờ, đói khát, bệnh tật, bị cướp, bị hãm hiếp…). Cái gì đang xẩy ra ở Việt Nam? Họ đâu chỉ là những người gốc Hoa, mà cho dù có gốc Hoa đi nữa ? Cái gì đã đẩy họ vào con đường chọn sự ra đi giữa cái chết và cái sống? Thủ Tướng Việt Nam vừa sang Pháp năm 78 mà cái tàu Hải Hồng cũng từ Việt Nam ra khơi năm 78… Biết bao câu hỏi, bao hoang mang trong giai đoạn đó không ai trả lời được.

Tôi loay hoay với mấy quyển từ điển Hán Việt và sách vở cũ tỉ mỉ mở ra thử xem nó đã hiện hữu bao giờ chưa thì đúng là không thấy ở nơi nào có từ thuyền nhân này. Đối với tôi rõ ràng có một cái gì đó không ổn. Cái từ này nó lạ lắm, có vẻ hơi đầu Ngô mình Sở. Bây giờ nghĩ lại, tôi còn lạ hơn nữa là ngoài các từ điển tiếng Việt, tiếng Hán Việt cũ thời ấy tôi không tìm được nó đã đành; ngay cả trong mấy quyển xuất bản gần đây (thậm chí trong quyển gọi là Đại từ điển Tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo in ở Hà Nội) tôi vẫn không hề thấy bóng dáng nó (chỉ có từ thuyền chủ là gần với nó nhất mà thôi). Tôi nghi hình như Đảng và nhà nước ở Việt Nam đã có chỉ thị phải kiểm duyệt nó, tiêu diệt nó trong những sách chính thức. Chỉ có cách suy diễn này là tạm ổn để giải thích tại sao một từ có tính lịch sử quan trọng đến như vậy, có tính thời sự lâu dài đến như vậy, cụ thể và dễ nhớ đến như vậy mà lại bị cấm cửa, cấm sinh tồn, hiện diện.

Tuy đây là hai từ Hán Việt đi với nhau rất hoàn chỉnh nhưng tôi nghi ngay từ đầu nó chỉ là một từ được người ta vội vàng đặt ra để đáp ứng cho một nhu cầu cấp bách: dịch chữ boat people đang ầm ĩ trên đài báo của thế giới lúc bấy giờ, mà chính cái từ tiếng Anh boat people này hình như cũng vậy (tôi không hề tìm thấy nó trong một số từ điển tiếng Anh vào thời đó), hình như nó cũng đã ra đời riêng chỉ để gọi những người trong cái thảm cảnh này mà thôi. Nó như một ngọn lửa chỉ nhoáng một cái mà đã cháy bùng lên trong tất cả các ngôn ngữ và tâm tư con người thời đại đó cái thảm kịch của người Việt ở biển Đông này. Rồi hầu như mọi thứ tiếng khác cũng đều dùng từ tiếng Anh đó để nói về cái thảm cảnh nọ và thậm chí cho đến bây giờ khi nhắc lại thảm cảnh quá khứ này vẫn chỉ là từ tiếng Anh đó, vẫn chỉ là từ tiếng Việt đó, vội vàng sinh ra để đáp ứng tình hình, thời cuộc lúc bấy giờ mà không ngờ lại không hề bị chết yểu.

Sau này từ năm 1980 đến đỉnh cao là năm 1994, báo chí lại dùng một từ tiếng Tây Ban Nha khác, balseros, để nói về thảm cảnh những đợt trong đó 130.000 bè nhân Cuba (Cuban rafter) rời đảo ra đi. Có những người chỉ với một chiếc xăm xe ôtô đã quyết định vượt gần 150 cây số đường biển để đến Miami. Rồi không biết từ bao đời những chiếc pateras (tàu nhỏ không boong) mỏng manh, vá víu, chồng chất những người Phi châu trẻ tuổi, nếu không bị chìm đắm trong lòng Địa Trung Hải thì vẫn tiếp tục đổ họ vào các đảo, các bờ biển của Ý, Tây Ban Nha, của miền nam Âu châu cho đến ngày hôm nay và sẽ còn tiếp tục chưa biết đến bao giờ. Mỗi một từ, mỗi một tên gọi âm vang một thảm cảnh riêng, mang lấy hình ảnh của thời đại và bối cảnh của con người, đẹp đẽ hay bi thương, vui vẻ hay buồn bã. Nói như các nhà ngôn ngữ học thì ngôn từ là một phương tiện, công cụ biểu đạt với bản chất xã hội và thẩm mĩ của nó.

Có lần tôi cũng đã tự hỏi tại sao người ta lại dùng chữ thuyền thay vì chữ tàu, bởi vì vượt biên thường ngày nay người ta dùng tàu hơn là dùng thuyền, vốn là một loại công cụ chuyên chở đường thủy nhỏ hơn và hay dùng ở trong sông ngòi. Nhưng trong thâm tâm tôi hình như vẫn có một cái gì nằm ngủ trong tiềm thức nói với tôi rằng chữ thuyền nhân này không chỉ gần gũi về mặt tình cảm mà cả về lý tính. Điều đó hoá ra vì ai đấy tôi không còn nhớ rõ từng nói với tôi đã lâu sở dĩ ta gọi người Trung Quốc, Minh Hương là người Tàu bởi vì thuở cập bến vào xứ Đàng Trong để xin chúa Nguyễn cho tá túc, họ đến bằng tàu. Tôi chưa biết có ai kiểm chứng được điều này không. Nhưng có điều chắc chắn là cái loại người vượt biên bằng đường biển này đã có một lịch sử lâu đời, từ thời Tống, thời Minh, từ thời Trịnh Hoà đã đóng được những tàu đi biển lớn đi được đến cả những bờ biển Phi châu chứ không phải chờ đến những năm bẩy mươi của thế kỷ trước. Những Người Tàu đi tàu từ miền bắc xuống, người Việt Nam năm 54 di cư vào trong Nam bằng tàu há mồm rồi cũng từ đó năm 75 tung đi khắp thế giới bằng ghe, bằng thuyền, bằng tàu, thì cũng giống nhau lắm. Có thể nói cùng chung một thân phận. Nhưng đối với người Việt Nam hôm nay, người ta không thể gọi họ là Tàu nhân được, lại cũng không gọi được là ghe nhân, cho nên chắc chắn không có chữ gì thích hợp hơn là thuyền nhân để dịch từ boat people rồi. Còn chuyện tại sao người ta không gọi theo kiểu tiếng Việt là người thuyền thay vì thuyền nhân thì điều này vẫn còn là một bí mật đối với tôi. Chắc có lẽ vì sợ nó nôm na, làm mất vẻ trang trọng của “người vượt biên”?

Rồi không hiểu từ bao giờ từ này cũng đã được chấp nhận một cách ổn định, trong tri thức, trong tâm lý, tâm hồn, trong văn học hải ngoại. Nói chung nó đã được bình thường hóa, mất dần đi cái vẻ dị dạng của buổi ban đầu. Năm 1980 tôi được dịp quay về thăm lại Việt Nam sau gần 15 năm ra đi như nàng Kiều. Lúc ấy phong trào vượt biên vẫn còn đang đương độ lắm. Ở trong Nam tôi thường nghe giới thanh niên hay nhắc đến câu tuyên bố đầu lưỡi:

- Nếu đi được thì cái cột đèn nó cũng đi!

Để nói lên cái quyết tâm vượt biên của họ, có chàng còn dùng một câu đượm mầu triết học hơn:

- Có vượt biên thì mới nên người, nên người đứng thẳng được .(Ý muốn nói là Homo erectus, chứ không phải loại đi bằng hai tay hai chân)

Phong trào ra đi rầm rộ có thể nói cũng như đoàn quân xuất trận, đến độ bọn trẻ thời ấy đem một bài hát quân sự “Cùng nhau đi hùng binh” ra để nhái:
Cùng nhau đi vượt biên,
Mười hai cây vàng lá
Cùng nhau xuống Rạch Giá
Ta quyết chí đi Tây
Anh em cùng đinh!

“Cùng đinh” ở đây dĩ nhiên không chỉ nói về mặt vô sản, mà còn nói về mặt tinh thần: là những kẻ cùng đường, mạt lộ, thúc thủ, không nhìn thấy một tương lai nào trong một xã hội mới với mọi giá trị đều bị đảo lộn, đổ nhào. Lúc này khái niệm yêu nước là một khái niệm vô cùng lạc lõng đã vắng bóng từ lâu trên vũ đài. Con người cá thể đa phần chỉ còn chút bám víu gần gũi, cụ thể: gia đình.

Nhiều người ở miền Nam đều biết câu ca dao cũ dùng để gói ghém tình tự đậm đà giữa mẹ và con:
Không gì bằng cơm với cá
Không gì bằng má với con
Có lẽ cũng từ câu trên mà trong dân gian thuở ấy mới sinh ra câu sau này để cho những người trẻ tuổi thổ lộ tâm sự của mình với mẹ già lúc bước chân đi làm thuyền nhân, với tâm trạng của kẻ lâm hành nhất khứ bất phục phản, vì biết mình đang dấn thân vào cõi 50% (sống) - 50% (chết):
Một là má nuôi con, hai là con nuôi cá, ba là con nuôi cả nhà
(Một là nếu con đi không lọt mà bị bắt thì má nuôi con, vì con sẽ đi tù, cải tạo; hai là nếu con đi ra lọt mà không tới được bến bờ nào thì con đành nuôi cá, nghĩa là vào bụng cá giữa biển khơi; nhưng ba là nếu tới được nơi nào đó thì rồi nhất quyết thế nào con cũng sẽ nuôi được cả nhà).

Mà tại sao con lại phải ra đi ? Muốn làm chứng nhân lịch sử của dân tộc, câu trả lời lại trở nên khôi hài rằng:
Chung quy cũng tại vua Hùng,
Sinh ra một lũ khùng khùng điên điên,
Thằng khôn thì đã vượt biên,
Những thằng ở lại điên điên khùng khùng.
Khảo dị:
1. Chung qui chỉ tại vua Hùng
Đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên
Thằng khôn thì đã vượt biên
Thằng ngu ở lại không điên cũng khùng !

2. Bác Hồ chết đúng giờ trùng
Nên bầy con cháu nửa khùng nửa điên
Thằng tỉnh thì đã vượt biên
Những đứa ở lại hổng điên thì khùng !
Chú giải:

- Cũng chỉ vì ở đất này bây giờ chỉ còn toàn những kẻ khùng điên thôi, mà con lại không muốn bị trở thành những kẻ điên điên khùng khùng như họ, nên con đã buộc lòng phải ra đi. Nhưng trong thực tế chưa chắc những kẻ đó đã là khùng điên hẳn đâu, vì người điên thì đâu biết đếm tiền mà cũng chẳng bao giờ thèm đếm tiền, vì vậy cũng lại có câu:
Thằng ngu thì đã vượt biên
Thằng khôn ở lại đếm tiền như điên !
(Và điều này nghiệm lại cho đến bây giờ càng thấy đúng, nhưng chỉ buồn rằng số thằng khôn đang «đếm tiền» tại quê nhà bây giờ lại không phải là tất cả những người ở lại, mà trong số tiền chúng đếm rất nhiều khi lại lẫn tiền của kẻ vượt biên gửi về !).

Lại cũng có lúc người ta đưa ra lý do để giải thích chuyện bỏ nước liều chết ra đi của mình một cách khá tỉnh bơ: chỉ giản dị là vì bị «tụi nó» dí rát quá:
Đồng-chí mà dí đồng-bào
Đồng bào xin chào đồng-chí !
Hay chỉ giản dị vì … đói quá:
Năm điều Bác dạy đã thông
Nhưng vì đói quá tạm mượn ông chiếc xuồng
(Năm điều bác Hồ dạy học-sinh : yêu tổ-quốc, yêu đồng-bào, học tập tốt...)

Hoặc một cách bông đùa hơn:
Vì tại bác Hồ

Một hôm Phạm Văn Đồng hỏi Lê Đức Thọ : «Không hiểu sao bọn dân miền Nam bây giờ bỏ đi di tản nhiều như thế ? » Lê Đức Thọ trả lời : «- Tại Bác Hồ lúc trước không để ý nên viết : « Mười bốn triệu đồng bào trong trái tim tôi , bây giờ tăng lên 60 triệu, chúng nó thấy mình là số không nằm trong tim Bác nên phải tìm cách bỏ đi là hợp lý rồi!».
Về cái điên dại và khôn ngoan thì như thế, còn về chuyện gan dạ và liều lĩnh thì cũng có chuyện vui kể như sau:
Ai gan hơn ai ?

Đài BBC phỏng vấn một người vượt biên bằng mấy cái thùng phi kết lại với nhau thành chiếc bè mong manh:

-Thưa ông, sao ông gan như vậy, ông dám vuợt biển bằng những cái thùng phi mong manh như thế này?

-Tôi chưa gan lắm đâu, những thằng ở lại còn gan hơn tôi nhiều !
Nghĩ ra không phải là không có lý, nhưng những thằng ở lại là ai nhỉ ?

Rồi trong số thuyền nhân ra đi đó, người ta cũng chỉ đoán chừng một con số không chính xác lắm những kẻ trời cho đến được bến bờ, còn những kẻ không may mắn thì không ai có được một số liệu nào cả. Các tổ chức nhân đạo quốc tế một dạo, lúc vạch mặt, tố cáo mấy chính quyền địa phương vùng Đông Nam Á đã thả lỏng cho cướp biển hoành hành như một biện pháp không chính thức nhằm ngăn chặn và làm nhụt chí những thuyền nhân tiềm ẩn ở Việt Nam, có đưa ra con số là từ 500.000 đến 600.000 thuyền nhân đã trở thành nạn nhân bất hạnh mà mồ chôn là đáy đại dương. Nhưng nhiều người bảo con số thật sự còn lớn hơn nhiều. Không biết rồi một ngày nào đó chúng ta có được một cuộc điều tra về vấn đề này để đi đến một con số tương đối chính xác hơn trước khi quá muộn màng để điều tra ?

Ở nước ngoài đôi khi đón những người ở đảo đến nhập cư, chúng tôi còn được nghe những câu về thuyền nhân rầu rĩ hơn:
Galăng tình xù
Anh đi anh để cái dù cho em
Vì trên đảo buồn, mưa nhiều và mù mịt chờ mong cho đến lúc được bốc đi nước thứ ba.

Nhưng cũng có dị bản giải thích cái dù là:
Galăng tình xù
Anh đi anh để cái dù (bầu) cho em!
Than ôi!

Bidong có lít (liste) thì đi ! (chơi chữ giữa bidon, pulau Biđông (tên một đảo ở Đông Nam Á, từng là trại tiếp nhận người vượt biên từ Việt Nam) và lít)
Vượt biên không tới Bi-Đông thì đi bi đát!

Có một điều rất ít ai để ý là rất nhiều người Trung Quốc nghèo khổ ở các tỉnh vùng ven biển (Hải Nam, Phúc Kiến, …) cũng đã lợi dụng “nạn kiều” Việt Nam để đi làm thuyền nhân, tổ chức thâm nhập di dân vào nước Nhật làm dân tị nạn trong thời gian này, nhất là khi phong trào vượt biên lan ra miền Bắc với định hướng là phao số không hoặc Hồng Kông, họ tổ chức ra đi thành từng tàu rất lớn mang theo hàng trăm thuyền nhân; trên tàu chỉ đem một, hai người biết nói tiếng Việt để đứng ra đại diện khi đến nơi, có người chỉ biết nói lơ lớ vài câu tiếng Việt. (Một người bạn Nhật biết nói tiếng Việt đứng ra làm thông dịch trong thời gian này đã kể lại chuyện trên)

Ngày 31-05-2000, Hồng Kông đã đóng cửa trại tị nạn cuối cùng, 137 người còn sót được giúp định cư tại Hoa Kỳ, chấm dứt 25 năm lịch sử thuyền nhân Việt Nam, chấm dứt một thảm cảnh như một nỗi ô nhục còn mãi trên cả dân tộc chúng ta. Nỗi ô nhục này càng hằn lên chúng ta vì bây giờ đào bới lại lịch sử thời đó, nhiều người đã xác định rằng thảm cảnh này thật ra không phải là một sự kiện tình cờ, một tai nạn lịch sử mà là một chủ trương, một chính sách hẳn hoi! (Xin xem bài: “Mấy suy nghĩ về tiền đồ phát triển đất nước Việt Nam trong đầu thế kỷ XXI” của Lê Hồng Hà, một quan chức trong Đảng đã về hưu).

Và cũng để đối chiếu với từ thuyền nhân, hoặc lấy nó làm một hệ quy chiếu mà sau này dần dần người ta đã đặt ra nhiều từ khác. Có một từ ra đời sau từ thuyền nhân, nghe cũng khá khôi hài, là phi cơ nhân. Đó là từ để chỉ những người may mắn hơn nhiều so với thuyền nhân, đã được vượt biên chính thức trong sự an toàn dưới nhiều diện, hoặc ra đi theo kiểu đoàn tụ gia đình, theo dạng con lai, HO… cũng có thể chỉ là người được đi ra ngoài làm công vụ gì đó mà bỏ trốn tị nạn được… Nói chung, cái chính là phương tiện di tản của những người này đều bằng máy bay nên họ được gọi là phi cơ nhân, hoặc nhiều khi chính họ dí dỏm tự vỗ ngực xưng mình như thế để phân biệt với thuyền nhân. (Tiện đây cũng xin nhắc lại để tưởng niệm một loại phi cơ nhân mới, những trẻ em người châu Phi bị chết cóng mà người ta tìm thấy xác ở cầu sau - chỗ gập chân bánh máy bay- của một máy bay chở hành khách như hai em người Guinê ngày 2-08-1999 tại phi trường Bruxelles, và một em khác cũng bám càng phi cơ rồi đã bị rơi xuống ruộng ở Đức. Ngoài ra có một em người Mali đã sống sót được khi máy bay đáp xuống một phi trường Pháp, nhưng cuối cùng lại vẫn bị gửi trả về châu Phi !)

Đến danh từ Phi cơ nhân này là ta nghe đã thấy có cái gì đó có vẻ hơi “tếu” trong chuyện đặt từ rồi. Nhưng sau đó và vẫn còn tồn tại đến bây giờ những từ khác càng ngày càng mang tính tếu nặng nề hơn, mặc dù chúng có ưu điểm là cụ thể và chuyên môn hơn: Du nhân, Lao nhân, Học nhân, Tường nhân, Rừng nhân, Suối nhân, Giả nhân… Những từ sinh sau đẻ muộn này thì cuộc đời của chúng sẽ ra sao, trong tương lại sống được bao nhiêu lâu, có khả năng được chấp nhận đến mức độ nào, bình thường hóa được hay không ? Đó là một chuyện có lẽ chưa ai trả lời được đối với một loạt từ có cùng chung một phạm trù bỏ nước ra đi này.

Nhưng tôi cũng xin giải thích rõ ràng về chúng:

Sau khi phong trào vượt biên chấm dứt, những người mạnh tiền, quen biết, xin được phép làm một chuyến du lịch ra nước ngoài rồi nhân dịp đó mà “dù…” luôn thì theo từ ngữ hiện nay sẽ được gọi là du nhân. (Có lẽ chỉ giản dị là để đỡ rườm rà hơn từ du lịch nhân).

Những người trong diện đi lao động rồi lân la, nấn ná đến lúc hết hạn lại lưu vong, “bộ đội hóa” (trốn lại) luôn thì được gọi là lao nhân (thay vì lao công nhân) thường ở các nước XHCN cũ.

Để chỉ chung các sinh viên đi học rồi bằng cách này cách nọ xin đi làm và chuyển đổi giấy tờ trở thành thường trú ở nước sở tại một cách chính thức thì được gọi là học nhân (Tôi có bàn với một người về chữ này, tôi hỏi tại sao không gọi là lưu nhân- Lưu học sinh mà lưu lại luôn, nhưng người đối thoại với tôi bảo coi chừng từ lưu đây có thể bị người ta dễ hiểu nhầm là từ lưu vẫn đi với manh, vả lại chữ học còn ám chỉ sự khôn ngoan của những người chọn cách vượt biên này và chính sách khôn ngoan của nước muốn lấy chất xám). Nhiều nước như Pháp gần đây đã siết chặt về mặt thủ tục, mặc dù đang áp dụng một chính sách “Tuyển chọn di dân - immigation choisie” với mục đích thu hút chất xám của các nước nghèo, đã trở thành chọn lọc hơn đối với học nhân, vì nhận thấy chuyện đi học đối với rất nhiều thanh thiếu niên các nước nghèo đôi lúc đã không phải là động cơ chính.

Sau khi bức tường Bá Linh bị vỡ (Xây năm 1961 và bắt đầu vỡ năm 1989, cuối năm 1990 thì hoàn toàn bị phá bỏ), ngay những đợt đầu tiên đã cũng có rất nhiều người Việt đi lao động ở Đông Đức chưa về nước, mặc dù đã lấy được tiền “bồi thường” của chính phủ sở tại, lợi dụng khe hở của các bức tường ấy để làm tường nhân. Sau đó lúc các trại tị nạn mọc lên như nấm khắp Tây Đức thì tất cả người Việt ở các nước XHCN Đông Âu cũ, bất cứ diện nào, nếu được, đều đã lợi dụng dịp này tìm cách trốn chạy sang, làm tường nhân để nhập trại. Sau này việc thâm nhập vào Đức càng ngày càng trở nên khó khăn, rất nhiều người đã phải vượt rừng biên giới, nhất là rừng biên giới Đức-Tiệp, lại có người đã phải cởi cả quần áo lội qua sông, suối miền biên giới buốt lạnh vào mùa đông, đặc biệt phía biên giới Đức-Ba-lan, những người xuyên biên giới Đức tìm tự do trong các đô thị ánh sáng văn minh này oái om thay lại bị gọi là rừng nhân, suối nhân. Tiếp đến vì biên giới bị kiểm tra quá ngặt nghèo, lại đến những đợt người phải chui cả vào trong các thùng, cóp xe để vượt biên nên được gọi là ô-tô nhân.

Sau này, để thoát ra khỏi được cái hình chữ S và để thành “…nhân” (nghĩa là để “nên người” như bọn trẻ thời nay hay nói), nhiều người, đàn ông hoặc phụ nữ, nhưng nhiều nhất vẫn là các cô gái, từ các gia đình khá giả hoặc có người thân khá giả ở nước ngoài mà cha mẹ muốn cho xuất ngoại đã phải dùng đến con bài làm hôn thú giả (“đám cưới trắng” như người Pháp gọi) với một người ở nước ngoài, thậm chí có khi phải cược rất nhiều vàng (một thời đã có quy định cả biểu giá). Dù sao cũng chỉ là những đám cưới giả, sang đến nước ngoài rồi thì ai về nhà nấy, nên mấy người này bị gọi là giả nhân (chuyện làm đám cưới giả, lấy vợ lấy chồng giả để đi các nơi, tuy rằng hiện nay đang gặp nhiều quy định khá gắt gao, nhưng vẫn còn tiếp tục khởi sắc và có trường hợp bắt đầu tuy là chuyện giả nhưng sau lại thành thật!).

Song song với những con đường vượt biên kiểu mới này, lối vượt biên cổ điển bằng tàu thỉnh thoảng vẫn còn tiếp diễn (tháng 06/2002 hai chiếc thuyền từ Việt Nam còn đến Phi và Nam Dương, tháng 4/2003 theo tin của AFP từ Sydney 42 thuyền nhân Việt Nam đã được chính phủ Indonesia cho lên một chiếc tàu gỗ chật chội và không an toàn để lên đường sang Úc-Việt Báo, Orange County, 23/04/2003). Nhưng vì các trại tị nạn Á châu đã bị xem như vĩnh viễn đóng cửa và các nước Đông Nam Á, Úc đã có kinh nghiệm và quyết tâm chặn đứng nạn vượt biên để làm nản lòng những thuyền nhân tiềm ẩn đã có những biện pháp cực mạnh. Vì vậy hiện nay vượt biên chỉ còn lại vỏn vẹn mấy con đường chính thức: đi lao động, đi lấy chồng nước ngoài và vài vụ lẻ tẻ do đường dây buôn bán hộ chiếu có thông đồng với các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và chủ yếu để đến một số nước đặc biệt ở đó nghề “trồng cỏ” (cần sa) của người Việt Nam (đa số gốc Hải Phòng) rất phát triển, có thể giúp họ kiếm được tiền nhanh chóng để hoàn số vốn lớn lao đã phải bỏ ra cho bọn buôn người. Dù sao đi nữa, cái giá phải trả cho bọn đưa người, buôn người tại Việt Nam bây giờ đã trở nên đắt đỏ đến độ nhiều người sau khi hết hợp đồng xuất khẩu lao động cũng không kiếm đủ tiền để trả nợ, và tình cảnh này đã đưa họ vào con đường bán thân ở Đài Loan, Nam Hàn, Mã Lai, Nhật Bản… hoặc trốn lại sống một cách bất hợp pháp để tiếp tục lao động cho đủ tiền trả nợ. Điều đau đớn là dù vẫn biết tin về những thảm cảnh của nhiều người đã ra đi, nhưng vì bức xúc bởi hoàn cảnh cuộc sống trong nước, nên phong trào bỏ nước ra đi vẫn không hề giảm xuống mà còn có khả năng trở thành một “định hướng” phát triển kinh tế của thị trường lao động Việt Nam hình thành do chế độ hiện nay.

Người ra đi đến bến bờ vô định đã đau đớn là thế, người ở lại thì sao? Chỉ cần nhắc lại một câu người ở dặn người đi một thuở nào đã xa xôi và ngẫm nghĩ thì thấy tình cảnh bây giờ vẫn chẳng khác là bao, có lẽ còn đau lòng hơn nữa vì đất nước đã hoà bình độc lập hơn 30 năm nay rồi:
Em đi anh nắm cổ tay
Anh dặn câu này em chớ có quên
Đôi ta đã có lời nguyền
Lấy ai thì lấy đừng quên gửi đồ!
Em ơi, lấy ai thì lấy, Đài Loan, Hồng Kông, Đại Hàn, Tàu lục địa… gì cũng được, cứ miễn là đừng quên gửi kiều hối về để cho anh đóng góp nuôi các dã nhân (Có lẽ chỉ giản dị là để đỡ rườm rà hơn từ dã man nhân), nuôi các đại nhân, các đảng nhân mà người trong nước bây giờ lại gọi là các “đại gia” để họ nuôi “con nuôi”, nuôi các “em chân dài”, để họ đánh bạc... !

Một thắc mắc nhỏ cuối cùng của người viết bài này chỉ còn là không biết bao giờ, trời lại làm một trận lăng nhăng và trong một cuộc đổi thay nào đó, thì các loại dã nhân từ Việt Nam sẽ bay đi hết, sống ở nước ngoài, thay vì “hạ cánh an toàn” ngay tại Việt Nam như hiện nay, để cho dân Việt Nam đỡ khổ ? Bởi vì nói như kiểu Việt Nam bây giờ thì bọn này ở bên nhà hiện đang hơi bị đông (nghĩa là ít nhất cũng đang ngồi đầy trong các guồng máy Đảng và Nhà nước). Mặc dù bọn chúng đã gửi con cái đi khắp nơi trên thế giới mua nhà cửa, hàng quán để đầu tư, kinh doanh rồi, nhưng khổ nỗi chúng vẫn còn nấn ná lại chưa muốn đi đâu cả, vì hiện thời đang giữ được trong tay bao nhiêu đặc quyền, đặc lợi và còn đang hốt được khẳm lắm, không chỉ trong công cuộc tham nhũng, rút ruột, mà nhất là trong dịch vụ lành nghề bấy lâu nay gọi là xuất khẩu lao động, nghĩa là bán công nhân, phụ nữ ra nước ngoài để làm khổ sai, lấy chồng, làm ôshin và đủ các ngành nghề khác, kể cả đi làm nô lệ tình dục để cho người mặc tay phỉ nhổ, hành hạ, đánh đập, giết chóc.

Ôi, Mong thay!
Nguyễn Hồi Thủ
Paris ngày 22-02-2006 - sửa chữa và bổ sung ngày 22-02-2007
© Thông Luận 2007

Đọc báo thay Tái bút:

Chuyện đài kỷ-niệm thuyền-nhân vô-danh

Trung-tuần Tháng Sáu, 2006, tờ Bưu-báo ở Jakarta đã có bài nói Cộng-hòa Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam (CXCV) làm áp lực lên nhà cầm quyền Nam-dương, yêu cầu họ đẽo bỏ Đài Tưởng-niệm Galang. Như báo này tiết-lộ thì Hà-nội "cho rằng hàng chữ nổi trên đài có lời lẽ xúc-phạm thanh-danh chế-độ Việt Nam". Trong công-hàm trao đổi với Malaysia, quan-chức chế-độ Cộng-sản cũng kêu là Việt Nam đã bị bôi nhọ. Mấy tháng sau, chính-quyền Kuala Lumpur cũng lại nhượng-bộ Hà-nội và ra lệnh dẹp bỏ Đài kỷ niệm Bidong.

Ở Mã Lai và Phi Luật Tân tình hình cũng tương tự. Chính quyền Việt Nam đòi hỏi các nước trên phá bỏ các đài kỷ niệm của những người di tản, các dấu tích tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam. Nhưng thử hỏi thuyền-nhân đã viết gì mà các vị phải nổi giận đến thế? Ở Galang, Ủy-ban Xây Dựng Đài Tưởng-niệm chỉ đã viết: thuyền-nhân muốn có chỗ hàng năm làm lễ "cầu an cho hương-hồn cả trăm ngàn người đã bỏ mình trên đường đi tìm Tự-do..."; và ở Bidong, là nơi riêng trong năm đầu đã tiếp-nhận 58,000 thành-phần tị-nạn, Ủy-ban chỉ viết muốn "Ghi ơn nhân-dân Malaysia đã mở lòng nhân-từ như sông biển đùm bọc hàng chục vạn người dưng nước lã lúc cùng đường mạt lộ."

Không có nhận xét nào: