Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi Ra Đi


Theo tin mới nhận được, cựu Trung tướng Nguyễn Chánh Thi vừa từ trần vào lúc 4:21 chiều ngày 23 tháng 6 tại thành phố Lancaster, Pennsylvania, Hoa Kỳ, hưởng thọ 84 tuổi.

Linh cữu của trung tướng sẽ được hỏa thiêu và an táng theo nghi thức Phật giáo vào ngày mai, thứ ba, 26 tháng 6.

Theo yêu cầu của trung tướng và gia đình, lễ an táng chỉ tổ chức đơn giản trong phạm vi gia đình mà thôi.

Tiểu Sử và Cuộc Đời
Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi

Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi sinh ngày 23 tháng 2 năm 1923 tại Huế, gia nhập vào quân đội năm 1941, bị Nhật Bản bắt làm tù binh năm 1945. Bị Cộng sản bắt giam tại Quảng Ngải năm 1945. Trở lại quân đội năm 1947, tham dự các chiến trận tại Bắc Việt trong đơn vị Nhảy Dù cho đến năm 1954.

Ngày 23 tháng 4 năm 1955 Ông được Trung Tướng Lê Văn Tỵ đưa về làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Sau đó trong chiến dịch Hoàng Diệu, tiểu trừ quân Binh Xuyên tại Đặc Khu Rừng Sát, ông được Tổng Thống Diệm chỉ định làm Chỉ Huy Phó Liên Đoàn Nhảy Dù chỉ huy 3 Tiểu Đoàn 1,5&6 Nhảy Dù tham gia chiến dịch. Đầu tháng 9/1956 ông được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù thay thế Đại Tá Đổ Cao Trí. Khi Liên Đoàn Nhảy Dù được cải danh thành Lữ Đoàn Nhảy Dù ông là vị Tư Lệnh đầu tiên của Lữ Đoàn Nhảy Dù.

Khi làm Tư Lệnh Nhảy Dù, Đại Tá Thi thường quan tâm tới đời sống của Anh Em Binh Sỉ, nhất là các Binh Sỉ độc thân. Hằng ngày ông thường thả bộ từ văn phòng Tư Lệnh đến khu nhà bếp nấu ăn cho các Binh Sỉ độc thân của các đơn vị đồn trú trong căn cứ Hoàng Hoa Thám, tự mình nếm thử thức ăn, quan sát cách thức nấu nướng và vệ sinh sạch sẽ nhà bếp. Ông khuyến cáo các đơn vị hằng ngày phải luôn luân phiên cắt cử các toán kiểm thực, kiểm soát nhà thầu thực phẩm từ lúc đi chợ cho đến khi nấu ăn xong.

Đại Tá Thi cũng thường xuyên thăm viếng, doanh trại của các đơn vị trực thuộc. Ông thường lưu ý đến cách thức tổ chức trong các doanh trại, nhà ngủ, nhà bếp của Binh Sỉ luôn cả “chuồng cọp”. Nếu các “Anh Hùng” bị nhốt do các tội nhậu nhẹt say sưa hay đánh lộn ngoài phố… ông thường ra lệnh thả, ngoài trừ các tội canh gác ngũ gật, và thường giải quyết các việc như vậy bằng khẩu lệnh chứ không cần phải bằng văn thư.

Ngày 11 tháng 11 năm 1960, tham gia đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm thất bại, ông phải lưu vong sang Kampuchia. Sau chính biến 1963 Ông về nước và trở lại Quân Ðội với cấp bậc Thiếu Tướng và được công cử làm Tư Lệnh SÐ1BB rồi làm Tư Lệnh QÐ 1 vào năm 1964.

Ngày 13 tháng 9 năm 1964, Ðại Tá Huỳnh văn Tồn Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh và Trung Tướng Dương văn Ðức Tư Lệnh Quân Ðoàn IV đảo chánh. Tướng Nguyễn văn Thiệu lúc đó đang làm Tham Mưu Trưởng liên quân tại Bộ Tổng Tham Mưu, không có quân trong tay nên phải cầu cứu với Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh về Sài Gòn để phản công. Tướng Thi nhờ vào uy tín và sự quen biết với các vị Tư Lệnh hai Binh Chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cũng như Quân Chủng Không Quân nên ông đã chỉ huy phản công để dẹp đảo chánh thành công rất dễ dàng.

Ngày 19 tháng 2 năm 1965 Thiếu Tướng Lâm Văn Phát và Ðại Tá Phạm Ngọc Thảo lại đem quân và xe tăng vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất. Tướng Nguyễn Khánh phải đào thoát bằng máy bay ra Vũng Tàu. Cuộc đảo chánh nầy cũng lại bị Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Quân Ðoàn I phối hợp cùng Binh Chủng Không Quân dẹp tan, nhân dịp này Tướng Nguyễn Chánh Thi với danh nghiã là Tư Lệnh Quân Ðoàn Giải Phóng Thủ Ðô đã yêu cầu Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu giải nhiệm Tướng Nguyễn Khánh, và ép buộc Tướng Nguyễn Khánh phải xuất ngoại trị bệnh.

Tháng 7 năm 1966, xãy ra vụ biến động miền Trung, Tướng Thi bị bải chức và sống lưu vong ở Mỹ cho đến ngày nay.