Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

Phỏng vấn Võ Văn Kiệt


Roger Mitton – Phan Tường Vi lược dịch

Cựu thủ tướng Việt Nam muốn thúc đẩy để đổi mới nhanh và cũng kêu gọi khoan dung hơn với những người không cùng chính kiến


TP HỒ CHÍ MINH, Việt Nam – Cựu thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt không mấy hài lòng về nhịp độ cải cách ở một quốc gia nơi mà ông đã làm thủ tướng trong sáu năm.

Ông Kiệt là người sáng tạo và xây dựng tiến trình đổi mới (tại Việt Nam - PTV), là một chương trình cải tổ kinh tế đã giúp Việt Nam bước vào hệ thống kinh tế thị trường và cởi mở hơn.

Nhưng ông không vừa lòng vì chính phủ hiện thời dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không tăng nhanh tốc độ tiến trình đổi mới để kịp bước với thế giới trong nhịp toàn cầu hóa ngày nay.

Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho báo The Straits Times hôm đầu tháng này, ông Kiệt nói:

Những công cuộc cải cách đi đúng đường, nhưng không đúng tốc độ.

Tốc độ này này có thể được chấp nhận trong quá khứ khi chúng tôi mới mở đầu sự đổi mới, nhưng bây giờ thì không chấp nhận được khi mà cả đất nước đã đang thay đổi và tiến lên rất nhiều.

Trông tráng kiện và linh hoạt, ông cựu thủ tướng 84 tuổi luôn luôn nói thẳng thừng khi ông cảm nhận những người thừa kế ông mắc phải sai lầm.

Năm ngoái, ông đã nghiêm khắc lên án nặng nề chính phủ cộng sản đương quyền vì đã đóng cửa một trại nuôi hổ tư nhân đã giúp duy trì những giống hổ Indochina đang dần hiếm đi.

Ông cũng đưa ra đề nghị gây nên nhiều tranh luận khi ông cho rằng có lẽ Đảng Cộng Sản nên khoan dung hơn đối với sự chỉ trích của những người bất đồng chính kiến, miễn là những bày tỏ quan điểm đó nằm trong những giới hạn luật pháp.

Và mặc dầu nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh với khoảng 8 phần trăm một năm, sự chỉ trích của ông cho thấy ông cảm nhận còn rất nhiều điều có thể làm được và nên làm.

Trong quan điểm của ông, chính phủ nên tăng tốc sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và nên chống những mặt tiêu cực trong nước thẳng tay hơn chẳng hạn như tệ nạn tham nhũng và lề lối làm việc quan liêu.

Ông đề cao những thường dân đã vạch trần sự hối lộ và ông kêu gọi thành lập những đường dây nóng cho dân chúng gọi vào báo cáo những thủ tục pháp lý bất công và bày tỏ những bất bình của họ với chính quyền.

Ông Kiệt nói: “Quyết tâm chống tham nhũng và tính quan liêu của chính phủ rất cao, nhưng hiệu qủa của nó thì không cao như lòng mong đợi.”

Ông nói thêm: “Thủ tướng Dũng và nội các của ông ta không hoàn hảo.” Tuy vậy, ông bày tỏ lạc quan với sự thận trọng của mình về việc Thủ tướng Dũng sẽ cải tổ nội các trong vài tuần tới, cái ê-kíp mới có lẽ sẽ làm việc hiệu qủa hơn và gia tăng tiến trình cải cách.

Ông Kiệt nhấn mạnh rằng ông ủng hộ việc đưa vào nội các những vị bộ trưởng trẻ trung hơn, hướng về tương lai hơn, để thay thế những người bảo thủ ngoan cố.

Ông cho hay: “Nói chung, tôi ủng hộ cánh trẻ là những người can đảm, có trách nhiệm và biết nhận trách nhiệm cho việc mình làm.”

Ông nhắc đến những nhà kỹ trị trẻ như Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Kỹ nghệ Hoàng Trung Hải.

Cả ba người này có thể sẽ được nâng chức hay các bộ của họ sẽ được gia tăng trọng trách lớn hơn trong cuộc cải tổ nội các sắp tới.

Ông cựu thủ tướng đã từng hướng dẫn sự nghiệp của nhiều nhà lãnh đạo hiện thời, kể luôn cả Thủ tướng Dũng, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và cựu Thủ tướng Phan Văn Khải - tất cả họ đều là người đồng hương miền Nam.

Mặc dầu Thủ tướng Dũng, người sẽ đánh dấu một năm nhậm chức vào thứ Tư này, được đánh gía như đã có những thành công trong năm đầu nhậm chức, ông Kiệt nhận thấy rằng còn quá sớm để lượng gía ông Dũng.

“Tôi không thể nói là tôi bằng lòng hay không bằng lòng với một vài khía cạnh làm việc của Thủ tướng (Dũng - PTV), vì tôi cần thêm thời gian cho đánh gía của mình. Nhưng tôi cảm kích vì sự quyết tâm của ông ta.”

Cùng lúc với cải cách kinh tế xảy ra nhanh hơn, ông Kiệt nói, những lãnh vực khác trong xã hội cần mở rộng ra hơn nữa. Nhưng ông thấy không cần cho phép thêm những đảng phái chính trị khác hoạt động.

“Nếu độc đảng có thể lãnh đạo đất nước và phát triển nền kinh tế, duy trì sự ổn định, đáp ứng được yêu cầu của người dân, thì không cần thiết phải có những đảng mới,” ông nói.

Tuy vậy, ông bày tỏ sự thất vọng rằng trong hệ thống độc đảng, một sự tiến triển được ghi nhận rất ít oi ở Quốc Hội, ngành lập pháp của Việt Nam.

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng rồi, nảy sinh hiện tượng cử tri thờ ơ bầu phiếu phổ biến khắp nơi, mà theo các nhà phân tích đó là hậu qủa của việc giảm bớt những ứng cử viên ngoài đảng và những ứng cử viên độc lập được chọn tranh cử.

Ông Kiệt, người đã chỉ trích tiến trình chọn ứng cử viên quá ngặt nghèo, nói rằng ông hy vọng sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai để bảo đảm sự bầu cử một nền lập pháp vững mạnh hơn.

Ông nói: “Một cách riêng tư, tôi nghĩ Việt Nam nên nâng sự bầu cử lên một cấp cao hơn bởi vì chúng tôi có những điều kiện thuận lợi để làm điều đó.

“Chúng tôi nên có một Quốc Hội có năng lực tri thức và mạnh mẽ hơn.”

Về quan hệ đối ngoại và làm ăn với các siêu cường trên thế giới, ông Kiệt cho rằng Việt Nam đã và đang duy trì một quan hệ tốt đẹp với ông láng giềng khổng lồ phương bắc, Trung Quốc.

Trong qúa khứ, hai nước thường xung đột lẫn nhau và ông Kiệt thừa nhận rằng ngay cả bây giờ vẫn có những vấn đề gai góc cần được giải quyết, đó là tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Đông (South China Sea).

Nói điều đó, ông nhấn mạnh Việt Nam sẽ không bao giờ hợp tác với một quốc gia này để ngăn lại sự hợp tác với một quốc gia khác.


Chúng tôi không phát triển quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bổn để làm trở ngại mối quan hệ với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào, và ngược lại, ông nói.


Cùng lúc mối quan hệ với Hoa Kỳ cải thiện, ông Kiệt vẫn trách cứ Hoa Kỳ về những chỉ trích của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.


Mỗi nước có quan niệm riêng về nhân quyền và dân chủ, và mỗi nước đều có quyền chỉ trích nước khác, kể luôn cả Hoa Kỳ,” ông xác nhận.


Nhưng ông thắc mắc không biết sự trừng phạt của Hoa Thịnh Đốn có thích đáng, trong bối cảnh văn hóa và tình trạng đang phát triển của Việt Nam hiện nay.


“Nói về dân chủ và nhân quyền, chúng tôi có quyền xác định điều gì là thích hợp cho chúng tôi,” ông nói.

Và mặc dầu những chỉ trích (từ phía Hoa Kỳ) và sự mất mát bi thảm người vợ đầu và bốn người con của ông trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông Kiệt đã không biểu lộ lòng thù hận Hoa Kỳ hay người dân Mỹ.


Tóm tắt quan điểm của ông Kiệt

VỀ SỰ LÀM VIỆC CỦA CHÍNH PHỦ HIỆN NAY

“Quyết tâm chống tham nhũng và tính quan liêu của chính phủ rất cao, nhưng hiệu qủa của nó thì không cao như lòng mong đợi. Thủ tướng Dũng và nội các của ông ta không là hoàn hảo.”


VỀ NHỮNG MỐI LIÊN HỆ ĐANG PHÁT TRIỂN VỚI CÁC SIÊU CƯỜNG QUỐC TRÊN THẾ GIỚI

“Chúng tôi không phát triển quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bổn để làm trở ngại mối quan hệ với Trung Quốc hay bất kỳ nước nào, và ngược lại.”

VỀ VIỆC HOA KỲ CHỈ TRÍCH HỒ SƠ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆT NAM

“Nói về dân chủ và nhân quyền, chúng tôi có quyền xác định điều gì là thích hợp cho chúng tôi.”

Không có nhận xét nào: