Thư gởi
ông Nguyễn Minh Triết
Chủ Tịch Nước CHXHCN Việt Nam.
Đây là thư không niêm thứ 2 mà tôi gởi đến Ông. Trong thư ngày 23/6/2007, tôi có tự giới thiệu rồi nên thư này tôi vào thẳng vấn đề cần nêu lên với ông Chủ Tịch.
Trong bữa ăn tại khách sạn Saint Regis Resort thành phố Dana Point cũng thuộc Quận Cam nhưng cách “thủ đô tị nạn” của chúng tôi khooảng 40 cây số, mà truyền thông trên đất nước của ông tuyệt đối cấm truyền thông tư nhân lại khoe là ông tiếp xúc với kiều bào hải ngoại (!). Lãnh đạo cộng sản Việt Nam gian trá thì cả nước biết, Cộng Đồng chúng tôi tị nạn cộng sản càng biết rõ hơn, và truyền thông lẫn những nhà chính trị thế giới cũng biết, nhưng cũng vừa vừa phải phải thôi chớ trắng trợn như vậy người ta cười ông và “đồng chí” của ông đến thúi đầu ông à!
Xe chở Triết không dám cắm cờ ở Dana Point, Nam California
Cũng trong bữa ăn đó khi nói chuyện với những người có mặt trong phòng ăn mà khoảng một nửa thực khách do ông dẫn theo từ Việt Nam, ông ra vẻ bình tĩnh, lại thêm tí ti nụ cười làm dáng, nhưng thật ra trong thâm tâm ông bối rối lắm. Tôi nói ông bối rối, bằng chứng là cả đoàn xe mà ông dẫn một phái đoàn cấp quốc gia dù là quốc gia cộng sản độc tài, lại không dám cắm lá cờ máu của ông để tránh bị Cộng Đồng tị nạn cộng sản đang dàn chào không nhận ra ông ngồi trên xe nào. Ông bảo Đại Sứ của ông tại xứ này “báo cáo” cho ông biết, “trên thế giới có vị lãnh đạo nào từ quốc gia gốc đến thăm kiều bào của mình tại Hoa Kỳ mà lại sợ kiều bào của mình như ông không”. Trong phần nói chuyện của ông, có đoạn ông nói: “… bà con hải ngoại hãy quên quá khứ mà đoàn kết xây dựng đất nước …”
Nhóm chữ “quên quá khứ” mà ông Chủ Tịch sử dụng, đồng nghĩa với nhóm chữ “khép lại quá khứ” mà hai ông cựu Thủ Tướng cộng sản Võ Văn Kiệt với Phan Văn Khải sử dụng, trong thời gian ông Khải chuẩn bị thăm Hoa Kỳ hồi tháng 6 năm 2005.
Thưa ông Chủ Tịch,
Tôi không hiểu tại sao đến nay là 32 năm sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa, ông và “đồng chí” của ông trong nhóm lãnh đạo cộng sản nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, lại dụ dỗ Cộng Đồng tị nạn cộng sản quên quá khứ đau thương của mình để đoàn kết xây dựng đảng cộng sản của ông vững mạnh mà ông nói là xây dựng đất nước?
Về phần tôi, tôi rất muốn mọi quá khứ trôi vào quên lãng, nhưng không được ông à! Vì cái quá khứ mà ông và các “đồng chí” của ông gây ra trên quê hương Việt Nam, trên thể xác lẫn tâm hồn của mọi người dân Việt, độc ác quá, tàn bạo quá, cay đắng quá! Đây là sự thật khách quan mà các ông không thể nào phủ nhận được. Tôi vẫn hiểu rằng, lịch sử là không thể thay đổi, nhưng có những điều sai trong lịch sử vẫn sửa được trong hiện tại, để có điều kiện hướng đến một tương lai tốt đẹp. Nghĩa là chính ông và các “đồng chí” của ông, phải làm ngược lại những gì mà các ông đã làm sai từ những ngày đầu năm 1975 và sau đó, mà rõ ràng nhất là 6 vấn đề sau đây:
- Vấn đề thứ nhất. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 và những ngày trước đó, hằng chục ngàn thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang trong các Tổng Y Viện và Quân Y Viện, các ông đã vô cùng tàn nhẫn khi quẳng Họ ra ngoài đường sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa, rồi các ông bảo “quên quá khứ” làm sao chúng tôi quên được! Bây giờ các ông có trách nhiệm bồi thường tổn hại vật chất lẫn tinh thần cho Họ. Đó là hành động sửa sai để cùng quên quá khứ.
- Vấn đề thứ hai. Các ông đã cướp đoạt nhà cửa ruộng vườn cùng những tài sản khác của chúng tôi, mà các ông sử dụng nhiều nhóm chữ khác nhau để che đậy cái gian trá lọc lừa của các ông. Tài sản của chúng tôi bị các ông chiếm đoạt, rồi bảo chúng tôi “quên quá khứ” làm sao chúng tôi quên được! Bây giờ các ông phải hoàn trả tất cả những tài sản ấy lại, đồng thời bồi thường thiệt hại đúng mức trên những tài sản ấy. Đó là hành động sửa sai để cùng quên quá khứ.
- Vấn đề thứ ba. Các ông không thông qua một cơ quan luật pháp nào khi bắt giam 222.809 quân nhân viên chức cán bộ Việt Nam Cộng Hòa cũ, đưa vào hơn 200 trại tập trung trong mục đích tẩy não mà các ông gọi là “cải tạo”, và hành hạ tinh thần lẫn thể xác cho đến 17 năm mới thả hằng trăm người cuối cùng, rồi bảo chúng tôi “quên quá khứ” làm sao chúng tôi quên được! Bây giờ các ông phải bồi thường thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho ngần ấy tù nhân chính trị chúng tôi, trong ngần ấy thời gian bị giam giữ. Đó là hành động sửa sai để cùng quên quá khứ!
Vấn đề thứ tư. Chắc ông Thủ Tướng không thể nào quên trong 10 năm đầu kể từ những ngày cuối tháng 4 năm 1975, khi mà những công dân Việt Nam Cộng Hòa cũ không thể sống nổi sự kềm kẹp chính trị, nên đành phải liều chết tìm đường đến bến bờ tự do với cái giá phải trả thật là khủng khiếp! Lúc ấy, các ông gọi chúng tôi là bọn ngụy quân ngụy quyền, bọn phản quốc, bọn ôm chân đế quốc, bọn ăn bơ thừa sữa cặn, bọn đĩ điếm lưu manh rác rưởi của xã hội, ..v..v... Thôi thì các ông dùng tất cả những chữ nghĩa nào mà chửi rủa được là mang ra sử dụng để sỉ vả nhục mạ chúng tôi, rồi bảo chúng tôi “quên quá khứ” làm sao chúng tôi quên được! Bây giờ Bộ Chính Trị của ông phải chánh thức xin lỗi Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn cộng sản tại hải ngoại, và rút lại những lời sỉ nhục đó. Đó là hành động sửa sai để cùng quên quá khứ!
- Vấn đề thứ năm. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của hơn 16.000 người Việt Nam đã tròn bổn phận công dân với quốc gia dân tộc. Tưởng được yên bình vĩnh cửu trong lòng đất nơi đây, nhưng với bản chất vô nhân của các ông đã “thêm một lần tàn sát thi thể Họ” qua hành động đào xới mồ mả, vừa thỏa lòng thù hận của kẻ chiến thắng do bản chất gian trá vi phạm những điều mà các ông đã ký kết, vừa chiếm đoạt đất đai làm tài sản riêng, rồi bảo chúng tôi “quên quá khứ” làm sao chúng tôi quên được! Bây giờ các ông phải hoàn chỉnh lại phần cấu trúc toàn cảnh như lúc các ông tàn phá, kể cả tượng Thương Tiếc. Đó là hành động sửa sai để cùng quên quá khứ!
- Và vấn đề thứ sáu. Ông và các “đồng chí” lãnh đạo của ông, phải trả những quyền căn bản của con người và những quyền được sống tự do cho 83 triệu công dân trên quê hương Việt Nam, mà bản Hiến Pháp của các ông thừa nhận.
Nếu các ông hành động được như vậy, tôi tin rằng Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại sẽ vui lòng khép lại cái quá khứ kinh hoàng đó! Chớ các ông nói theo cái ngôn ngữ mà ông Hà Sĩ Phu gọi là thứ “ngôn ngữ lộn ngược trong xã hội xã hội chủ nghĩa” ngày nay, làm sao Cộng Đồng chúng tôi tin các ông được, nói gì đến cái việc quên quá khứ! Còn nếu ông và các “đồng chí” cùng lãnh đạo với ông vẫn cho rằng, sáu vấn đề nêu trên là các ông không sai, thì đừng bao giờ các ông nghĩ đến bất cứ phương thức nào để cầu mong mà các ông gọi là “vận động” Cộng Đồng tị nạn cộng sản tại hải ngoại quên đi cái quá khứ đắng cay tàn bạo do các ông gây ra.
Xin ông Chủ Tịch vui lòng nghiền ngẫm kỹ sáu vấn đề vừa nêu, rõ ràng là không hề chứa đựng điều gì ngoài sự thật, cũng không chứa đựng những gì mà ông có thể xem tôi mang lòng thù hận cả. Và tôi nhấn mạnh rằng, ở đây tôi đòi lại những gì mà Cộng Đồng tị nạn chúng tôi và 83 triệu dân trong nước đã mất vềchính trị lẫn vật chất, do tính gian trá lọc lừa cướp đoạt của các ông, chớ không phải tôi xin các ông đâu nhé!
Xe chở Triết không dám cắm cờ ở New York
Thưa ông Chủ Tịch,
Dưới đây là tôi ghi lại quan điểm của vài đảng viên cộng sản lão thành mà nay những vấn đề đó vẫn còn nguyên ý nghĩa.
- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Trong buổi họp mật tại Bộ Chính Trị ngày 2/11/2004, sau phần phát biểu ứng khẩu, những vị quyền lực nêu câu hỏi: … Và câu hỏi phụ, Bác là nhà khoa học, đi đó đi đây ở ngoại quốc rất nhiều, vậy điểm yếu của giới khoa học của mình khi giao lưu với quốc tế là gì?
Ông Lê Đăng Doanh trả lời. …Những cán bộ khoa học Việt Nam công tác ở ngoại quốc, rõ ràng là Việt Nam có phát triển, nhưng chỉ là phát triển so với chính mình ở giai đoạn trước đây chớ không có nghĩa là phát triển so với các quốc gia khác, nhưng cũng lộ ra nhược điểm rất lớn: Đó là “cái mũ kim cô” trên đầu. Cho nên lúc nào cũng ngập ngừng, muốn nói mà không dám nói vì sợ đủ điều khi trở về nước. Vừa rồi tôi sang Singapore, ông Viện Trưởng Trường Đại Học Quản Lý hỏi tôi: “Việt Nam của ông có được tự do phát ngôn hay không”. Tôi trả lời: “Tại Việt Nam chúng tôi tự do phát ngôn thì có, nhưng quyền tự do sau khi phát ngôn thì tôi không bảo đảm”. Cái câu hỏi của ông Viện trưởng trường đại học trên đây cho thấy mức độ tự do cởi mở, mức độ trách nhiệm của các nhà khoa học Việt Nam khi ra ngoại quốc, đã làm cho họ trở nên thấp kém so với kiến thức của họ.
- Ông Trần Độ, cựu tướng cộng sản của ông. Trong tập nhật ký Rồng Rắn của ông, khi nói đến những trường hợp điển hình về thối nát, ông viết: “Những điều đó lác đác báo chí có tường thuật, nhưng phải nghe được người dân nói với nhau ở hè phố, ở góc chợ, ở khắp mọi nơi, mới thấy rõ được bức tranh thật của xã hội. Một xã hội mà ta mơ ước và lý tưởng hóa, lại tồn tại trong hiện thực như vậy, thì có thể coi là ta xây dựng được một xã hội tốt đẹp hay chưa?”
Ông nêu câu hỏi: Cuộc cách mạng Việt Nam đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam? Rồi ông tự trả lời: Cứ xem xã hội Việt Nam hiện nay, cuộc sống Việt Nam hiện nay, ai cũng thấy một nét lớn rất là đau lòng, là “tất cả những gì xấu xa, tàn bạo, mà cách mạng đã có lúc xóa bỏ và đập tan, thì nay, chẳng những nó được khôi phục lại hoàn toàn, mà còn khôi phục mạnh hơn, cao hơn, do những người nhân danh làm cách mạng!”
Ông cho rằng: Đảng tự đưa ra điều 4 của Hiến Pháp rồi bắt nhân dân phải chấp nhận sự lãnh đạo duy nhất của đảng. Trong Hiến Pháp có những điều khoản nói về quyền dân chủ của dân, nhưng 3 điều dân chủ căn bản là tự do ngôn luận, tự do bầu cử, và tự do lập hội, thì bị chôn vùi bởi những đạo luật rất ư là phản động với những thủ đoạn bỉ ổi! Với khẩu hiệu “sống theo pháp luật”, nhưng thực tế thì đảng sống trên pháp luật, chỉ có dân đen mới sống trong pháp luật, với lại pháp luật thì trái ngược với Hiến Pháp. Xã hội Việt Nam ngày nay là một xã hội vô pháp luật, mà thành phần đầu tiên gây ra là lãnh đạo đảng. Không thể nào chống tham nhũng được, vì lãnh đạo đảng là độc tài toàn trị, là nguồn gốc của mọi tiêu cực trong xã hội, dẫn đến tình trạng một xã hội phản dân chủ, nếu đảng chống tham nhũng cũng là đảng tự chống đảng sao!
Ông viết tiếp: Từ lâu nay, đảng cộng sản quan niệm xây dựng chủ nghĩa xã hội là mang lại hạnh phúc cho nhân dân, vì vậy chống chủ nghĩa xã hội là chống lại hạnh phúc của nhân dân, và như thế là phản động. Rồi ông tự nêu câu hỏi: Có thật là chủ nghĩa xã hội mang hạnh phúc cho nhân dân không? Hiện thực ở Việt Nam từ năm 1979 về sau, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước đã mang lại kết quả như thế nào? Tại sao đại hội lần thứ 6 đổi mới lại cứu được nhân dân? Tại sao Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn 70 năm mà không thể đứng vững? Các quốc gia vùng Đông Âu theo Liên Xô cũng đều thay đổi, phải chăng là nhân dân các quốc gia đó bất bình với chế độ xã hội chủ nghĩa? Tại sao chỉ có từ các nước xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là từ Việt Nam, đến hằng mấy triệu người bất kể hiểm nguy sống chết khi ra đi tìm đường sống ở các nước khác? Bộ máy tuyên truyền nói là toàn thể nhân dân đã lựa chọn thể chế xã hội chủ nghĩa, nhưng thực chất có ai hỏi ý kiến dân đâu mà nói là dân chọn lựa!
- Tiến sĩ Trần Thiện Tâm. Trong thư đề ngày 1/12/2004, ông nhắc đến ông Trần Đại Sơn, cựu Đại Tá quân đội cộng sản của ông. Trong cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do ngày 15/11/2004, ông Sơn phát biểu: “Việt Nam chúng tôi dưới sự lãnh đạo của cộng sản thì làm gì có pháp luật. Lệnh của Bộ Chính Trị muốn bắt ai thì bắt, muốn tha ai thì tha, muốn xử ai bao nhiêu năm thì ra lệnh cho tòa án xử. Tòa án tại Việt Nam chúng tôi, không bao giờ xử theo luật mà xử theo lệnh của lãnh đạo. Lãnh đạo càng cao càng tham nhũng mạnh, làm gì có người lãnh đạo tử tế. Bây giờ đảng cộng sản Việt Nam nát lắm rồi, đừng để nó nồng lên mũi không ai ngửi được”.
Nhắc đến đây, giáo sư Tâm chợt nhớ đến tiên sinh Hoài Nam Tử có dạy rằng: Đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn, chính là ba đại họa. Những nhà lãnh đạo cao nhất của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta, có đủ ba cái đại họa này, vì vậy mà nó trở thành đại họa cho dân tộc Việt Nam là cái kết quả đương nhiên!
Giáo sư Tâm như tự trách trong nỗi lòng đắng cay chua xót : “Như vậy là chúng ta đã xây dựng một xã hội mà mọi giá trị đều bị đảo lộn: “Tốt thành xấu, xấu thành tốt, có công thành tội, có tội trở thành có công.
Tôi xin hỏi nhỏ ông Chủ Tịch: “Ông nghĩ gì về nhận thức từ những đồng chí của ông mà tôi nêu trên?”
Các ông ấy là những đảng viên nhiều tuổi đảng hơn ông, là những người có bằng cấp ngang ông và cao hơn ông, cũng là những cán bộ hàng lãnh đạo đã cùng ông quyết tâm đánh chiếm “Việt Nam Cộng Hòa” chúng tôi mà các ông gọi là “giải phóng”. Bây giờ những đảng viên ấy nhận ra điều sai lầm không thể tưởng tượng được, thì cuộc đời đã phí vào điều mà các ông ấy “tưởng đi làm cách mạng hóa ra đã đi lộn ngược”. Trong nhật ký Rồng Rắn của ông Trần Độ, sau khi ôn lại chặng đường dài gần hết cuộc đời mà ông “tưởng là làm cách mạng”, tác giả vừa tự trách với nỗi đắng cay vô tả: “Vậy là, chính ta lại xây nên cái mà ta đã đập tan nó ...”.
Xin chào ông Nguyễn Minh Triết, Chủ Tích nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam./.
Houston, 24 tháng 6 năm 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét