Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2007

Thân phận người dân, người lính miền Nam trong vụ kiện chất độc màu da cam

Trong năm 2004 một nhóm người đại diện cho “Nạn nhân chất độc da cam” tại VN đã nộp đơn kiện 37 công ty Mỹ sản xuất hóa chất, cung cấp thuốc khai quang trong đó có chất dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường miền Nam từ năm 1961 đến năm 1971. Vụ kiện được tòa Liên bang New York thụ lý và tháng 3 năm 2005 tại đây, thẩm phán Jack Weinstein đã bác đơn vì không đủ lý lẽ để buộc tội và Luật sư bên nguyên đơn đã kháng cáo phán quyết trên nên đã dẫn đến cuộc điều trần tại tòa phúc thẩm vào ngày 18/6/2007 mới đây và cũng là thời điểm Chủ tịch nhà nước VN Nguyễn Minh Triết có mặt tại Mỹ.

Những người lính VNCH không thấy có trong danh sách hội viên, trong số
những người những công ty sản xuất hóa chất màu da cam bồi thường (Hình:RFA)

Trong chính trường người ta không thể loại bỏ các nghi vấn, phải chăng Bộ chính trị CSVN đã thảo luận, cân nhắc để quyết định chọn thời điểm cho Nguyễn Minh Triết đến nước Mỹ, chỗ dừng chân đầu tiên của ông ta là New York trong khi tòa Đại sứ CSVN nằm tại Washington DC và cũng tại đây ông sẽ hội kiến với Tổng thống Mỹ? Nếu ông Triết hay đúng hơn Bộ Chính trị CSVN nghĩ rằng sự có mặt của ông ta tại New York có thể làm thay đổi quyết định của tòa án hay ít ra cũng lên tiếng trước là CSVN cũng có vấn đề “cần phải quan tâm” chứ không chỉ có nước Mỹ với vấn đề nhân quyền tại VN. Điều này nếu có thể đặt thành vấn đề, nó cũng chỉ xảy ra đối với chính giới Mỹ, ở Lập pháp hay Hành pháp. Riêng Tư pháp không như các ông tưởng, chỉ có VN dưới chế độ CS mới có sự kiện tuy ba cơ chế trong một nước nhưng chỉ là một do đảng cầm quyền chi phối. Cái còn lại để ông Triết có thể làm được là lấy “Nạn nhân chất độc da cam” ra mặc cả để xin nước Mỹ viện trợ nhân đạo hơn là thắng vụ kiện.

Chúng ta đều biết một vụ kiện bình thường ở Mỹ có khi phải mất vài tháng hay cả năm mới có được phán quyết của tòa án. Đằng này Luật sư bên nguyên đơn “Nạn nhân chất độc da cam” đưa ra một loạt các tội danh như: tội ác chiến tranh, diệt chủng, chống nhân loại, làm hại môi trường, làm giàu bất chính ... nếu phải đem ra tranh tụng trước tòa có lẽ phải mất vài chục năm! Trong thập niên 1980, Hội cựu chiến binh Mỹ cũng đã kiện các công ty sản xuất hóa chất và không ai hiểu tòa án Mỹ hơn là người Mỹ nên vấn đề được giải quyết bên ngoài tòa án, tuy năm 1984 các công ty này chi trả cho quỹ Cựu chiến binh 180 triệu nhưng họ không bao giờ nhận sai trái về phần họ để phải bồi thường cho bất cứ một cựu chiến binh nào. Rồi đến Đại Hàn, cựu chiến binh tham chiến tại VN cùng đứng đơn kiện các công ty như Dow Chemical, Monsanto v..v.. Bên nguyên đơn đưa ra tội danh các công ty đã cung cấp cho Không quân Mỹ 20 triệu thùng độc tố sử dụng tại chiến trường VN, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của hơn 300 cựu chiến binh của họ. Tuy được xử thắng kiện tại tòa Đại Hàn nhưng không nghe ai nói đến số tiền các công ty hóa chất của Mỹ có chịu bồi thường hay không.

Trước đây sau khi cưỡng chiếm miền Nam, CSVN cũng lớn tiếng đòi Mỹ bồi thường chiến tranh nhưng trong lịch sử nước Mỹ, chưa hề có một lần phải bồi thường mà chỉ có viện trợ nhân đạo và tái thiết những quốc gia nạn nhân chiến tranh. Vì bao giờ họ cũng tự hào là một cường quốc lãnh đạo thế giới, đứng hàng đầu trong nhiều lãnh vực trong đó đáng kể là khoa học và kỹ thuật. Chắc hẳn họ cũng quan niệm rằng thắng hay thua một trận đánh không hẳn quyết định được một cuộc chiến. Là một quốc gia có một quá trình dân chủ lâu dài, phản ứng của người dân ảnh hưởng đến sách lược của chính quyền, chiến tranh VN đã rơi vào trường hợp đó và những nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng đã nhận ra chiến tranh VN chỉ là một trận đánh mà cuộc chiến nó nằm ở Trung Quốc, ở Liên Sô chứ không ở trên đất nước bé nhỏ này.

Trong khi CSVN thì vẫn cường điệu về chiến thắng của mình khiến cho một số người đâm ra nghi ngờ về lịch sử dân tộc với những chiến thắng trước đây, vì sao cứ mỗi lần đánh thắng giặc phương bắc lại một lần phải đi nghi hòa và nhận sắc phong. Suy cho cùng tổ tiên ta hiểu biết hơn CSVN bây giờ vì không đầy một thập niên sau đó, Mỹ đã dự phần không nhỏ làm cho các nước CS thay nhau sụp đổ và người dân VN dưới sự cai trị của CSVN thay nhau đói đến độ phải chấp nhận điều kiện rút quân từ Campuchia về nước để được bãi bỏ cấm vận và nhận viện trợ nhân đạo của Mỹ và các nước khác trên thế giới.

Thực ra trong Quân đội VNCH trước đây, bên cạnh Phòng 3 (nghiên cứu, huấn luyện và thiết lập kế hoạch hành quân) mỗi Sư đoàn đều có một toán chuyên viên huấn luyện về chiến tranh sinh hóa nhưng chủ yếu là sử dụng thuốc khai quang. Và thuốc khai hoang cũng đã được sử dụng diệt cỏ chung quanh các căn cứ đồn trú, nhất là các căn cứ có thiết lập bãi mìn chung quanh. Tóm lại người lính VNCH và gia đình họ đã tiếp cận, chịu ảnh hưởng với chất da cam không những tại hậu cứ mà còn trong các cuộc hành quân khắp các vùng đã sử dụng thuốc khai quang. Kế tiếp là người dân miền Nam sinh sống ở các khu rậm rạp từ miền đông lẫn miền tây nhất là vùng cao nguyên chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp qua thuốc khai quang từ phi cơ phun xuống.

Trong khi đó Hà Nội trước đây, trong các diễn đàn quốc tế thường không công nhận là đưa quân vào miền Nam nhưng nay “Nạn nhân chất độc da cam” là một tổ chức được khai sinh tại miền Bắc và hội viên không ai khác hơn là bộ đội miền Bắc được đảng và nhà nước công nhận và hỗ trợ nhiều mặt trong khi người dân miền Nam, những người lính VNCH không thấy có trong danh sách hội viên, trong số những người đòi những công ty sản xuất hóa chất màu da cam bồi thường. Điều đó đủ nói lên tuy cuộc chiến đã chấm dứt trên 30 năm nhưng những người cầm quyền trong nước chưa xóa bỏ được hận thù và hãy còn phân biệt đối xử với cựu chiến binh VNCH với người dân miền Nam.

Người Việt hải ngoại đa số bắt đầu làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng, phải làm việc ngày đêm để ổn định cuộc sống nơi xứ người. Dù vậy vẫn luôn hướng về quê hương, chia xẻ những đồng tiền kiếm được cho người thân hãy còn ở lại trong nước, tuy không nhiều nhưng cũng đã nói lên tình cảm của những người hải ngoại luôn hướng về những người trong nước. Sau hơn 30 năm mọi người đã hội nhập, đã bắt kịp nhịp sống của nơi mình định cư, hầu hết có vẻ thoải mái hơn. Người ta không còn bắt gặp hình ảnh người Việt làm bất cứ công việc gì như nhiều thập niên trước đây để kiếm sống. Từ đó họ cũng có được cái nhìn khá thông thoáng về đất nước về đồng bào trong nước. Cụ thể như trong lãnh vực văn học nghệ thuật, sách báo đĩa nhạc trong nước được bày bán nhiều hơn, một hai năm trước đây nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại trình diễn cho dù dưới hình thức nào vẫn bị tẩy chay nhưng bây giờ thì lại khác. Ngoài ra những dịp lễ Tết người Việt hải ngoại về thăm lại nơi mình được sinh ra và lớn lên mỗi năm một nhiều hơn. Cơ hội nhìn thấy tận mắt những người nghèo khó, những trẻ mồ côi, các em bị khuyết tật, ngay cả nạn nhân của thiên tai lũ lụt nên trong nhiều năm qua, hội từ thiện cũng như số tiền quyên góp cũng gia tăng, nhằm giúp đỡ, xoa dịu phần nào sự đau khổ, thiếu thốn của đồng bào trong nước. Chúng ta chỉ có thể làm được từng ấy việc chứ không thể nuôi sống hay làm cho họ giàu lên vì đó là trách nhiệm của những người cầm quyền trong nước.

Qua sự kiện trên cho thấy thái độ người Việt hải ngoại theo thời gian, mỗi ngày một cởi mở cho dù chế độ cầm quyền trong nước đã đẩy họ ra biển, đẩy họ vào các trại tù, làm cho biết bao gia đình bị mất mát, bị đỗ vỡ, bị ô nhục trên con đường đi tìm tự do. Trong cùng một thời gian, những người cầm quyền trong nước đã làm được những gì để đổi lại với sự cởi mở của những người Việt hải ngoại, với số ngoại tệ đồng bào hải ngoại hằng năm gởi về bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp đóng góp vào ngân sách quốc gia. Hay vẫn tiếp tục phân biệt đối xử, tiếp tục giam cầm bắt bớ những tổ chức, những người bất bạo động không cùng chính kiến, tiếp tục chia nhau làm giàu trên mồ hôi nước mắt của công nhân lao động của những người tay lấm chân bùn ở nông thôn?

Trước sự kiện trên, nên chăng các tổ chức hải ngoại trong đó có Tổng hội cựu chiến sĩ, đứng ra làm công việc giống như Hội cựu chiến binh Hoa kỳ, tương tự như Hội nạn nhân chất độc da cam. Các Tổ hợp Luật sư gốc Việt hẳn không từ chối tham gia để lấy lại sự công bằng cho những nạn nhân đã bị phân biệt đối xử, cho những người mà chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm đối với họ.

Vũ Linh
(@VNNB)