Thứ Hai, 23 tháng 7, 2007

BƯỚC CHÂN RA KHỎI NỀN CHÍNH TRỊ CÀM RÀM: HĐGMVN đang được và thua những gì?


* Trước trận tuyến người dân thuộc 19 tỉnh thành trên toàn quốc đổ về Saigon và Hà Nội khiếu kiện
Các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới, từ truyền thanh, truyền hình, báo chí, mạng lưới, báo điện tử cho tới các điện thư đều lên tiếng xin mọi người, nhất là các nhà lãnh đạo tôn giáo, các đoàn thể, các tổ chức lên tiếng yểm trợ những người dân khốn khổ thấp cổ bé miệng này. Tất cả các phương tiện truyền thông này làm việc cật lực hơn ba tuần lễ yểm trợ công cuộc khiếu kiện này. Nhiều nhà hảo tâm gửi tiền về giúp đỡ các đồng bào khiếu kiện khốn khổ, trong đó các em sinh viên trong THSV Nam Cali quyên góp từ túi tiền nhỏ bé của các em được 5.000 MK. Riêng chúng tôi đã trích ra 1/3 số tiền bán sách Vụ án Lm Nguyễn Văn Lý trong các buổi lễ Ra Mắt tại Cali và Texas gửi về và được Linh mục Phan Văn Lợi ủng hộ cho đồng bào khiếu kiện.

Cảm kích nhất là tin tức mới nhất loan báo phái đoàn Phật giáo Thống Nhất do đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ dẫn đầu đến uỷ lạo động bào khiếu kiện tại Quốc Hội II, Saigon với số tiền 300 triệu đồng VN. Vị Hòa Thượng xuất hiện tại hiện trường được nhiều người sánh ví như vị Bồ Tát hiền thục và nhân hậu, nhưng không kém phần can trường trong lúc ngài đang bị quản chế. Đây là hình ảnh lịch sử và sáng giá nhất của cuộc đấu tranh khiếu kiện của đồng bào miền Tây trong giai đoạn hiện nay. Hình ảnh ngài cầm loa ủy lạo đồng bào khốn khổ là bài giảng cảm kích và hùng hồn nhất của Giáo hội Phật giáo Thống Nhất. Tiếng nói của ngài giờ đây có sức thuyết phục hơn bất cứ tiếng nói nào từ nay trở đi.

Tự nhiên hình ảnh này đẩy đưa mọi người nghĩ ngay tới và so sánh thái độ và lối hành xử của các nhà lãnh đạo Công giáo, đặc biệt là Hồng Y Phạm Minh Mẫn tại Saigon và Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt tại Hà Nội, trước tình cảnh khốn khổ của các người dân khốn khổ từ khắp nơi đều đổ về khiếu kiện. Điều đắng cay và chua xót nhất là ngay Chúa Nhật vừa rồi nhiều linh mục và nhất là TGM Kiệt giảng một bài về bài Tin Mừng “Người Samaritanô nhân hậu” thật xuất sắc, thì không ai nhìn thấy Hồng Y Mẫn hoặc TGM Kiệt ra thăm các nạn nhân khốn nạn và chỉ cần bưng cho vài cụ già chỉ một ly nước.

Ngay đầu tuần này một số tín hữu Công giáo gồm trên một trăm linh mục và giáo dân gửi thư thỉnh nguyện xin quý giám mục của chúng ta quan tâm cứu giúp các nạn nhân khiếu kiện. Như trong bài viết tuần vừa qua, tôi chỉ xin quý ngài hãy bắt chước Mẹ Têrêsa Calcutta, gạt sang một bên mọi tính toán, mọi so đo, mọi sợ sệt và chỉ nhìn ra nơi những nạn nhân đáng thương đó là khuôn mặt Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện ở đó để quý ngài can đảm đến yêu thương và phục vụ Ngài. Nhưng rồi tất cả đều vô vọng và im lìm cho tới khi chính quyền đến đàn áp và dẹp tan cuộc biểu tình này. Mọi chuyện quý ngài có muốn làm nữa cũng đều trở thành muộn màng rồi. Và trước mắt toàn dân, quý ngài đã trở thành những kẻ phản chứng Tin Mừng của Chúa Giêsu mà quý ngài từng rao giảng. Những lời rao giảng và truyền đạo của các ngài sẽ trở thành kịch cỡm với nhiều người. Quý ngài rao giảng những gì quý ngài không sống. Trong lúc Chúa Giêsu đứng về phiá những người dân khốn khổ thì các nhà lãnh đạo của chúng ta đang đứng về phía nào? Phải chăng như Bút Trẻ viết:

“Khôn ngoan là Hội Đồng Giam (=Giám)
Mục là chỉ ngó, không tham gia vào.?

Chưa bao giờ người dân Việt Nam đánh mất niềm tin nơi quý ngài như bây giờ, nhất là sau các biến cố Đức mẹ Sầu Bị bị CS đập phá và vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng, quý ngài vẫn giữ thái im lặng.

Trước đây quý ngài và những người hậu vệ quý ngài đổ lỗi cho linh mục Nguyễn Văn Lý có “vấn đề,” có “nghịch lý,” “có vợ,” làm chính trị, do đó quý ngài im lặng, nhưng bây giờ đứng trước các đồng bào bị oan ức, bị đè nén, quý ngài vẫn giữ thái độ bàng quang, trong đó có cả các tín đồ của quý ngài. Nếu quý ngài không lên tiếng yểm trợ được vì mắc quai, hoặc có “vần đề” thì ít ra các đồng bào nạn nhân cũng mong chờ nơi quý ngài một lời uỷ lạo hoặc phép lành của Chúa, hoặc một chai nước lạnh, nhưng quý ngài vẫn cố thủ trong “pháo đài” kẻo sợ văng miểng.

Làm sao người dân ngày nay, nhất là các giới cầm bút, các nhà trí thức tại hải ngoại không nghi ngờ quý ngài đã bị vướng vào vòng cương tỏa của đám quốc doanh và lũ ma vương CS? Các tín hữu công chính và thiết tha với tiền đồ Giáo hội làm sao không khỏi đau lòng và nản chí khi thấy hàng giáo phẩm chạy theo lối sống thế tục và cường quyền hơn là chạy theo Chúa và Tin Mừng của Ngài. Giới trẻ đã lung lay niềm tin trước các sức công phá của lối sống vô thần, hưởng thụ, làm sao không dễ dàng xa rời đạo khi thấy Giáo hội Hoa Kỳ đang liên tục bán nhà thờ, bán cơ sở tôn giáo để bồi thường cho các nạn nhân bị một số linh mục lạm dụng tình dục, trong lúc tại VN nhiều giám mục và linh mục cũng sa vào cạm bẫy vật chất, thoái hóa và cầu an, do đó đánh mất đảm lực và sức sống tâm linh của hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội.

Với đà này, càng ngày xã hội và đất nước càng đương đầu với nhiều biến động xã hội và chính trị phức tạp và điên đảo, và đương nhiên kéo theo luôn Giáo hội phải nhập cuộc. Nếu các nhà lãnh đạo Giáo hội hiện nay không rút tỉa được những bài học thương đau vừa qua và nhìn ra những viễn tượng mới để tìm cách nhập cuộc và đương đầu, chắc chắn Giáo hội lại mất mát rất nhiều uy thế, cũng như đem lại rất nhiều đổ vỡ cho công việc truyền đạo tại Việt Nam. Một trong những biện pháp quan trọng là quý ngài phải tìm cách mau chân rút chân ra khỏi vòng vây quốc doanh đang chụp lên đầu nhiều nhà lãnh đạo trong Giáo hội. Muốn thế, quý ngài phải trở về sống với tâm đạo, sống với nền tu đức vững chãi, trong đó đời sống cầu nguyện và tận hiệp với Chúa là chính yếu, là nền tảng. Vận mệnh của Giáo hội và Đất nước đang nằm trong tầm tay và ý chí của quý ngài có muốn trở lại như thế không? Lối sống nào cũng đều phải trả giá cả. Quý ngài muốn trả giá như Chúa Giêsu hay như Giuđa? Không có con đường thứ ba dành cho quý ngài là những người đã được Chúa Giêsu và Giáo hội tấn phong và ban cho đủ mọi thứ quyền để chăn dắt đoàn dân của Ngài tiến về miền Đất Hứa.

* Phản đối là điều tốt, nhưng chuyển hoá còn tốt hơn
Phần thứ hai của cuốn sách nổi danh “God’ s Politics” đứng đầu danh sách bán chạy nhất suốt 8 tuần lễ tại Hoa Kỳ của Jim Wallis mang tựa đề: "Bước chân ra khỏi nền chính trị càm ràm” (politics of complaint), bắt đầu với chương sách đề cập về “Phản đối là điều tốt; Chuyển đổi còn thiện hảo hơn.” Nội dung chương sách bàn về việc ông đề nghị một chương trình sáu điểm thay thế cho quyết định đánh chiếm Iraq của chính quyền Tổng thống Bush. Chương trình ông đề nghị đưa ra hơi trễ. Và từ đây ông rút ra được những bài học quan trọng.

Bài học đầu tiên ông ghi nhận được chính là: Nói “không” là điều tốt, nhưng nếu đưa ra được điều chuyển hoá còn tốt hơn thế. Phản kháng chưa đủ, cần thiết phải đưa ra một phương thức hoán đổi thiện hảo hơn. Kế hoạch ông và các nhà lãnh đạo tôn giáo đưa ra muộn màng với thời điểm.

Bài học thứ hai chính là: Thời điểm khó khăn và đen tối nhất đích thị là thời điểm chúng ta phải ôm ấp và nuôi dưỡng các mối giây liên hệ, nhắc nhớ cho chúng ta rằng quà tặng đời sống rất quý trọng và thánh thiện. Từ đây chúng ta mới đánh giá chính xác được thế nào là chiến tranh và hòa bình, công bình và bất công, giầu và nghèo.

Phản kháng là điều tương đối dễ, nhưng đưa ra các chuyển đổi, hoán đổi, biến đổi đòi hỏi nhiều thách thức và công lao hơn phản đối. Chuyển hoá đòi hỏi chúng ta phải làm việc nhiều hơn, sáng tạo hơn và gan liều hơn. Mục tiêu của việc phản kháng hữu hiệu và biến đổi cần phải soi chiếu cho xã hội nhìn thấy nhu cầu phải thay đổi, phải cải tiến. Nói cách khác, phản kháng cần phải đi theo hướng xây dựng để đạt tới kiến tạo thành công hơn là phá hủy. Phản kháng không phải là một loại chính trị càm ràm, nhưng chính yếu phải chứng tỏ được cả hai lãnh vực biến đổi cá nhân và xã hội. Làm thế nào phản kháng thôi thúc và mời gọi mọi người cống hiến sức lực và đời sống của họ cho một điều gì đó cao cả hơn chính họ. Sức mạnh của phản kháng không phải là sự giận dữ, nhưng chính yếu là lời mời gọi. Như vậy những điều phản kháng xây dựng và sáng chiếu này là những gì khiến mọi người cần phải đưa ra bàn thảo để tìm ra giải pháp biến đổi.

Những người phản kháng phải là những người đem ra được những điều hứa hẹn, những triển vọng tốt đẹp hơn. Những gì họ phản đối không phải chỉ là phản bác các điều sai trái, nhưng hơn thế họ phải giúp đỡ tìm ra những thay đổi tốt đẹp hơn. Họ cống hiến cho xã hội một tầm nhìn mới, một viễn ảnh mới cho tương lai. Đó là cách thức của các ngôn sứ đã thể hiện trong Kinh Thánh. Quý ngài khởi đầu bằng những phê phán, những lên án, nhưng lại kết thúc bằng những hy vọng biến đổi. Các ngôn sứ trong Kinh Thánh không bao giờ đơn thuần càm ràm, nhưng quý ngài đưa ra một viễn ảnh về một thế giới mới.

Theo Jim Wallis, yếu tố tâm linh, tu đức trong tất cả mọi sự phải trở thành trọng yếu, thách thức, nhất là đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo. Gạt bỏ ra ngoài yếu tố tâm linh này, còn gì là mầu sắc của tôn giáo nữa. Khi đó các nhà là lãnh đạo tôn giáo không còn mang theo trong mình trái tim tâm đạo, trái tim thiên linh, lúc đó chiếc áo tu trì trở thành kịch cỡm, giả hình, gian dối, che đậy, ghê tởm. Nếu không nhìn ra vẻ thánh thiện trong đời sống, trong mỗi con người, và bao trùm mọi cố gắng phải tranh đấu cho công bình và thái hòa, quả thực các nhà lãnh đạo tôn giáo của chúng ta đã và đang đánh mất chính nghĩa và đã bị tha hóa rồi. Quý ngài không còn là những nhà lãnh đạo của Vương quốc Thiên Linh, nhưng là các đồ đệ của vương quốc trần gian. Chúa Giêsu trước khi trao quyền lãnh đạo Giáo hội cho Phêrô, Ngài đã đòi ông phải xác tín ba lần là ông phải đặt tình yêu thiên linh lên trên hết mọi sự.

Chỉ có những ai ôm ấp nền thần học và tu đức nghiêm chỉnh mới có thể đích thực được gọi là nhà lãnh đạo của Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài, ngoài ra chỉ là những nhà lãnh đạo được Giáo hội thuê mướn, làm công. Nhiều tu sĩ và các nhà lãnh đạo tôn giáo ngày nay tại Việt Nam chạy theo con đường làm công, thuê mướn, với sự chấp thuận của bọn ma vương CS. Không phải không có một số vị vận động, chạy chọt cả với giáo quyền và chính quyền để được leo lên chức giám mục. Không phải không có phe nhóm để được thăng quan tiến chức. Những ai không được lòng nhóm linh mục quốc doanh, dù có đạo đức và tài năng cũng khó có thể ngoi lên được chức vụ nào “coi được.”

Mỗi chúng ta, nhất là những nhà lãnh đạo phải nhìn ra được những ai bị đời bỏ quên, ruồng rẫy, chà đạp chính là những người đang mang hình ảnh Chúa Kitô và có một giá trị linh thánh để chúng ta đến yêu thương và phục vụ Ngài ở đó, nhất là những ai đang là nạn nhân của những kẻ đàn áp hiện nay. Chúng ta hãy nhớ rằng đây là bổn phận, là trách vụ của tôn giáo và chúng ta phải tuân hành giới luật yêu thương của Ngài. Chúng ta phải vâng lời Ngài. Ngài hiện diện đặc biệt nơi các nạn nhân khốn khổ này khi Ngài công bố: “Những gì anh em làm cho một người rốt bét này, chính là anh em làm cho Ta.”

Trước hoàn cảnh tang thương của các đồng bào khiếu kiện vừa qua, tôi biết nhiều vị giám mục đạo đức và có tư cách muốn đến thăm hỏi và giúp đỡ, nhưng rồi nằm trong vòng kìm kẹp của đám quốc doanh và tay sai của chúng, quý ngài

“cũng liều nhắm mắt đưa chân,
để xem Con Tạo (Thiên Chúa) xoay vần đến đâu!”
(Nguyễn Du)

hơn là vâng lời Thiên Chúa. Vì chức tước, vì địa vị, vì quyền lợi, vì an thân, quý ngài đã đi nghịch đường với các Thánh Tông đồ: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? (Cv 4:18)

Chúng ta không thể thỏa mãn với những đơn thuần phản đối hoặc phàn nàn trước những việc làm sai trái của các cấp lãnh đạo chúng ta. Hay hơn thế, chúng ta phải làm việc vất vả hơn, sáng tạo hơn, cầu nguyện nhiều hơn để đưa ra những viễn ảnh mới, những công việc có tính chất ngôn sứ khai đường, có kế hoạch phù hợp cho một giai đoạn mới, một thời đại mới của kỷ nguyên 21, chứ không luẩn quẩn với tầm hiểu biết và kiến thức có nhiều phần lỗi thời, lạc hậu của các kỷ nguyên trước đây. Chúng ta phải chứng tỏ chúng ta có khả năng cống hiến những hoán đổi thiện hảo hơn, hữu hiệu hơn. Ngoài những kiến thức, những kỹ thuật của thời mới, điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải trở về học hỏi Kinh Thánh, đó là một kho tàng minh triết luôn luôn mới mẻ và phong phú, không bao giờ chúng ta khai quật được hết các lẽ minh triết tại đây. Chính Thánh Thần Chúa sẽ chỉ dẫn cho chúng ta tại kho tàng vĩ đại này. Công đồng Vaticanô II cũng là một kho tàng vĩ đại Thánh Thần Chúa hướng dẫn Giáo hội ban bố cho chính mình và thế giới đường lối tiến lên. Không dựa vào những nguồn lực siêu việt và trổi vượt này, quả thực nền chính trị càm ràm sẽ trở thành vô vọng và tai họa.

Một số nhà lãnh đạo Công giáo, một số cây viết gồm có giáo sĩ và giáo dân chỉ đi theo hướng càm ràm, chữa tội, vuốt mặt và nguyền rủa những ai phản đối mình, hầu như đều không hiểu ra được thiện tâm của những người đối nghịch với mình. Đã có những lần chúng tôi đưa ra đề nghị cho linh mục Trần Công Nghị đề nhờ cái loa Vietcatholic chuyển đến mọi người thiện chí của chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo hãy tìm ra những khu đất đứng chung để mọi người đều có thể đến gặp mặt nhau và đối thoại, để tìm ra lối thoát cho những bế tắc càng ngày càng đè nặng lên Giáo hội, nhưng những đề nghị của chúng tôi và của biết bao người thiện chí khác gửi kiến nghị lên các giám mục, tất cả hầu như đều không nhận được câu trả lời.

Đã đến thời điểm các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đi theo truyền thống giáo sĩ trị và chụp mũ, cần phải hướng đến những viễn ảnh mới, tầm nhìn mới để đem đến những hoán đổi mới cho Giáo hội và Đất nước. Các nhà lãnh đạo của chúng ta thay vì đi theo đường lối cai trị loại trừ những ai bất đồng quan điểm với mình, xin quý ngài hãy quy tụ được mọi thành phần Dân Chúa, nhất là thành phần giáo dân có nhiều kiến thức và khả năng trong các lãnh vực trần thế hơn quý ngài. Họ là tài nguyên của Giáo hội đã từng bị bỏ hoang và phung phí trong suốt quá trình vừa qua. Xin đừng coi họ như những con người chống đối, phá hoại, nhưng hãy nhìn nơi họ là những con người dám hy sinh quả cảm cho chính nghĩa Giáo hội và Đất nước, chứ không phải là những người cầu vinh, tức những người chỉ làm được công việc bợ đỡ, ton hót, phỉnh gạt và loại trừ những ai có thực tài đức hơn mình và công chính hơn mình.

Xin quý ngài hãy quan tâm nhiều hơn đến một đường lối cai trị nhắm tới hoán đổi, canh tân, đổi mới nhiều hơn, vì kể từ nay Giáo hội càng ngày càng phải đương đầu với muôn ngàn thử thách, khó khăn và chống đối. Chính nền chính trị chuyển hoá này, sẽ mang đến nghị lực và nhiều khả năng có thể hóa giải được nhiều chống đối và giam hãm Giáo hội. Không thay đổi kịp thời, Giáo hội sẽ càng ngày sẽ bị đẩy lui vào thế thụ động, thế bị tấn cống, thế bị co cụm, thế nằm ngoài vòng đấu tranh cho công ích của dân tộc. Lúc đó làm sao quý ngài và các tay chân của quý ngài cứ lẽo đẽo đi theo sau cải chính hết tin này đến tin khác, hết đỡ đòn này đến đòn khác, hết minh oan tội này đến tội khác, hết chụp mũ người này đến người khác.

Tiến về phía trước với tầm nhìn lạc quan, với viễn ảnh tươi mới sẽ đem lại lợi ích và lợi thế cho Giáo hội hơn là vẫn dậm chân tại chỗ để trở thành nạn nhân của các dư luận lên án Giáo hội bợ đỡ chính quyền CS như hiện nay, để đem tai họa đến cho dân đen. Không còn con đường nào thiện hảo và hữu hiệu hơn là trở về con đường các ngôn sứ đã bước đi trong Kinh Thánh. Trước tiên Quý Ngài lên tiếng chỉ trích các bất công xã hội, nhưng sau đó quý Ngài đưa ra một mô hình xã hội mới không những có thể thi hành được, nhưng hơn thế, đó là lời hứa, là giao ước của Thiên Chúa.

Làm thế nào quý ngài trở thành hiện thân của Chúa Giêsu Thánh Thể, không phải chỉ bên bàn thánh trong giáo đường, nhưng là Chúa Giêsu của đường về Emmau khích lệ các môn đệ bạc nhược, đào tẩu; trong quán trọ Emmau bẻ bánh cho các ông ăn; trên bờ bồ Tibêria nướng cá và bánh cho các ông ăn điểm tâm? Hàng giáo phẩm của chúng ta cần thay đổi nhãn quan về Thánh Thể, thay vì chỉ chú hết tâm vào nghi thức truyền phép Thánh Thể trên bàn thờ và thờ phượng Ngài ở đó, quý ngài cần phải mang theo Chúa Giêsu Thánh Thể của đường thập giá, của đồi Calvê, của nẻo đường và quán trọ Emmau, trong phòng Tiệc Ly để ban bình an và Thánh Thần cho các môn đệ…, vào đời sống, vào lối sống, vào mục vụ của mình. Mẹ Têrêsa và dòng Thừa sai Bác Ái đang là những người sống với Chúa Giêsu Thánh Thể thực tiễn và hữu hiệu nhất hiện nay trong Giáo hội. Không thể hiện được lối sống Thánh Thể và mục vụ Thánh Thể như thế, quả thực Giáo hội chúng ta sống theo hình thức, theo lý thuyết, theo thói quen và thật nghèo nàn sức sống Thần Khí. Giáo hội đang thua hơn là được giữa lòng dân tộc Việt Nam hôm nay.

* Kết Luận
Để kết luận cho bài viết này, thay vì trưng dẫn lời của một Ngôn sứ trong Kinh Thánh để minh họa cho những gì tôi vừa trình bầy, tôi xin gửi tới quý bạn đọc một tấm gương của một ngôn sứ thời đại: Mẹ Têrêsa Calcutta, một Phản chứng của thời đại. Mẹ là người sống Tin Mừng của Chúa Giêsu một cách thiết thực nhất và hiệu quả nhất, giữa một Giáo hội, nhiều người rao giảng Tin Mừng suông hơn là sống Tin Mừng và làm chứng tá cho Tin Mừng cứu độ. Sau đây là một phần trong cuốn “Mẹ Têrêsa, Sứ mệnh thiên linh” sắp được ấn hành.

Trong Lời Mở Đầu cuốn Mother Teresa, Essential Writings, Jean Maalouf nhắc lại nguyện ước của Mẹ Têrêsa xin tình nguyện làm cây bút chì nhỏ trong bàn tay Chúa và thực sự Chúa đã sử dụng đời sống của Mẹ để viết ra một cuốn Tin Mừng sống động trong thời đại chúng ta. Và chính khi để ánh sáng của Chúa chiếu sáng trong đời sống và hoạt động của Mẹ, Mẹ đã trở thành ánh sáng cho muôn dân.

Và quả thực giữa thời đại tiên tiến của chúng ta, Mẹ Têrêsa không đi rao giảng Tin Mừng như các nhà truyền giáo, hoặc đứng trên bục rao giảng Tin Mừng như các linh mục hay các mục sư, nhưng bằng đời sống và hoạt động thừa sai bác ái của Mẹ, Mẹ không còn phải là một người đi rao giảng Tin Mừng nữa, nhưng chính Mẹ được Chúa sử dụng trở thành cuốn Tin Mừng sống động cho mọi người, mọi tôn giáo, mọi dân tộc trên thế giới tìm đọc. Con người của thời đại hôm nay tin vào tiếng nói của đời sống hơn là tiếng nói rao giảng suông, tin vào chứng tá của cuộc đời hơn là những lời nói đơn điệu lý thuyết.

Mỗi thời đại Thiên Chúa ban hành một loại Kinh Thánh. Trong thời Cựu Ước, Ngài dùng các tổ phụ, các vua chúa, các tiên tri viết ra lịch sử dân Do Thái là Dân riêng của Ngài và các giáo huấn Ngài dậy dỗ. Vào thời Tân Ước, Ngài sử dụng chính Người Con yêu quý của Ngài và các môn đệ viết lên cuốn Tin Mừng cho thế giới. Và hai ngàn năm sau, vào thời đại tiên tiến của chúng ta, Ngài sử dụng Mẹ Têrêsa viết cuốn Tin Mừng một cách sống động hơn bằng chính đời sống thánh thiện và các hoạt động bác ái của Mẹ. Cuốn Tin Mừng mới này không còn nằm im lìm trong sách báo, trong thư viện, trong nhà thờ, trong những lời rao giảng suông, nhưng trở thành sống động khi đi vào các hẻm hóc của cuộc sống, đi vào các nẻo đường khắp năm châu bằng những bước chân thừa sai bác ái của Mẹ, của các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái và của các cộng sự viên thuộc nhiều quốc tịch trên thế giới. Chính những bước chân thừa sai nhỏ bé này đã biến đổi tầm nhìn của thế giới về đạo đức, về nhân phẩm con người, về công bình xã hội và về hoà bình thế giới.

Hoàng Quý

Không có nhận xét nào: