Thứ Năm, 26 tháng 7, 2007

Người Cày Có Ruộng! Hãy Trả Lại Ruộng Đất Canh Tác Cho Người Dân Cày!

Cái mệnh đề "Người Cày Có Ruộng!" có một ý nghĩa chính xác của nó là "Hãy Trả Lại Ruộng Đất Canh Tác Cho Người Nông Dân Thực Sự Đang Canh Tác!

Lịch sử nông nghiệp tổng quát ở các nước trên thế giới cho thấy ruộng đất canh tác là nguồn sống duy nhất của những người nông dân nghèo. Ruộng đất canh tác được hôm nay là xương máu của những người nông dân nghèo đã đi khẩn hoang. Ruộng đất canh tác được hôm nay là kết quả của những giọt mồ hôi những dòng nước mắt, và đôi khi là sinh mạng của những thân nhân trong những gia đình của người nông dân nghèo trong thời kỳ khai hoang ngày xưa. Ruộng đất canh tác được hôm nay có một số lượng nhiều như vậy không phải là quá dễ dàng trong một thời gian tương đối ngắn và mau chóng để các đại địa chủ thu tóm hết số đất đai vào trong tay của họ. Các cuộc tranh chấp ruộng đất canh tác giữa những đại địa chủ và những người nông dân nghèo đã thường xảy ra với nhiều cảnh tượng máu đổ đầu rơi gông cùm tù đầy ở một thuở xa xưa, và với những hình ảnh võ trang phản kháng, biểu tình chống đối bạo động và bất bạo động của những người nông dân nghèo bị cướp ruộng mất nhà phải nổi lên chống lại đại địa chủ trong nửa thế kỷ vừa qua, sau Thế Chiến Thứ Hai. "Người Cày Có Ruộng" đã là một câu khẩu hiệu vang dội thúc đẩy hầu hết người nông dân Việt Nam nghèo mạnh mẽ cầm lấy những ngọn tầm vông những cây mã tấu đánh lại những đại địa chủ Việt Nam và thực dân Pháp ở Việt Nam để đòi hỏi có được quyền sở hữu ruộng đất canh tác mà sinh sống.

Để ứng phó với tính cách bức thiết của vấn đề ruộng đất canh tác cho người nông dân nghèo, ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương những nước tự do như Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, và Việt Nam Cộng Hoà (trước năm 1975) đều có những chương trình Cải Cách Nông Nghiệp, Phát Triển Nông Thôn, và Luật Người Cày Có Ruộng được thực hiện một cách rất thành công.

Cụ thể là chương trình Người Cày Có Ruộng được Douglas MacArthur thực hiện ở Nhật Bản, Chiang Kai-Shek-Tưởng Giới Thạch thực hiện ở Đài Loan, Syngman Rhee thực hi ện ở Nam Hàn, Nguyễn Văn Thiệu thực hiện ở Việt Nam Cộng Hoà (Miền Nam Việt Nam) trong thời gian 1970-1973; ở Thái Lan vào những 1997-2001; ở Phi Luật Tân vào những năm 1972-1980 qua những công cuộc tái-phân-phối ruộng đất cho đồng đều và xác nhận quyền sở hữu ruộng đất canh tác này căn cứ trên nguyên tắc người nông dân thực sự trực tiếp canh tác trên diện tích ruộng đất đã xác định được quyền làm chủ đất . Giải pháp Người Cày Có Ruộng đã thực sự mang lại những kết quả tốt của sự phát triển nông thôn và ổn định xã hội nông nghiệp.

Riêng ở nước Việt Nam Cộng Hoà (miền Nam Việt Nam) trong những năm 1970- 1973, đã phân phối 3,285,000 mẫu ruộng đất canh tác cho 1,000,000 gia đình nông dân nghèo. Mặc dù trong thời gian này cho tới tháng 4 năm 1975, ở miền Nam vẫn còn xảy ra những cuộc xung đột võ trang giành dân lấn chiếm đất của cả hai phe lâm chiến, nhưng phát triển kinh tế nông thôn của Việt Nam Cộng Hoà đã gia tăng 30% sản lượng nông nghiệp.

Vấn đề tham nhũng đã có xảy ra ở bất cứ một xã hội nào và có được giải quyết dứt khoát một cách thoả đáng hay không. Thí dụ như ở Phi Luật Tân, chính quyền của Tổng thống Marcos đã bị cáo buộc về tội tham nhũng các món tiền đô la viện trợ cho chương trình Người Cày Có Ruộng đã khiến cho chương trình này có tiếng mà không có miếng. Chính vì chương trình Cải Cách Điền Địa không có thực chất, Marcos đã bị thất cử tổng thống Phi và đã bị truy tố trước pháp luật của nước Phi về tội tham nhũng (?)

Theo tài liệu thống kê của Học Viện Nghiên Cứu Phát Triển Nông Thôn-Rural Development Institute thì Miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đang có một hệ thống giao thông cầu đường được các đơn vị công binh Mỹ và công binh VNCH sửa chữa hoàn thiện. Miền Nam Việt Nam có một nền nông nghiệp rất khác với miền Bắc Việt Nam là hơn 80% các hộ nông dân đã được tư sản trung nông hoá hoàn toàn. Phương thức sản xuất nông nghiệp kiểu phong kiến đã bị xoá sạch. Những phương pháp canh tác mới có tiến bộ kỷ thuật đã được áp dụng để gia tăng năng suất.

Sau khi hoàn tất chương trình Người Cày Có Ruộng, nước Việt Nam Cộng Hoà đã có 80% tư sản trung nông hoá và thành phần nông dân này là lực lượng chính của sản xuất nông nghiệp của Miền Nam Việt Nam. Trong số 80% được tư sản trung nông hoá này chắc chắn phải có một số không ít gia đình thân nhân của các đảng viên CSVN.

Ở miền Nam Việt Nam trước 1975 có khoảng 20% là phú nông và tư sản trung nông giàu sở hữu chừng 10% ruộng đất canh tác. Số người nông dân giàu có này ngoài việc canh tác số ruộng đất sau khi đã truất hữu còn lại, họ cũng kinh doanh các dịch vụ cơ khí nông nghiệp, lưu thông nông sản phẩm, chế biến nông sản phẩm trong một môi trường thương nghiệp nông thôn và lao động nông nghiệp rất tự do.

Trình bày sơ lược qua tình hình nông nghiệp của Miền Nam Việt Nam vào thời điểm trước tháng 4 năm 1975 như trên để cho thấy những người CSVN khi vi phạm Hiệp Định Paris 1973 để cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, họ đã cưỡng đoạt một nền nông nghiệp cơ khí hoá khá phát triển với một sản lượng nông nghiệp rất cao trong vùng Đông Nam Á.

Không kể đến những người dân thành thị Miền Bắc Việt Nam đã tròn xoe đôi mắt khi được trông thấy tận mắt những thành phố Miền Nam. Những người nông dân của Miền Bắc Việt Nam, từng quen thuộc với phương thức sản xuất nông nghiệp của các hợp tác xả, các tập đoàn sản xuất nông nghiệp sở hữu tập thể, đã phải ngạc nhiên thích thú khi được biết là người nông dân Miền Nam tự do canh tác ruộng đất của mình, đi cày bằng những con trâu của chính mình, hoặc thuê mướn một xe máy cày lớn, hoặc sở hữu một chiếc xe máy cày nhỏ chế tạo tại Đài Loan hay Nhật Bản. Còn vấn đề lúa giống và phân bón, hay vốn liếng để làm vụ mùa thì có Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp giúp đỡ cho vay.

Tiếc thay tất cả những nguồn lợi ích nêu trên đều bị huỷ hoại trong tay của những người CSVN khi họ cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam. Người CSVN chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp của Miền Nam bằng hình thức hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, người nông dân phải lao động tập thể.

Người CSVN thực hiện công cuộc tập thể hoá nông nghiệp là nhằm ngăn chặn khuynh hướng tự phát tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. Họ đã muốn tạo ra một sự thuần nhất của kinh tế xã hội chủ nghĩa ở cả hai miền Nam-Bắc với hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể.

Người CSVN nhận định: "Chế độ tiểu nông hàng ngày hàng giờ sinh ra chủ nghĩa tư bản" . "Còn chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và lối làm ăn riêng lẻ thì vẫn còn cơ sở vật chất và điều kiện xã hội cho khuynh hướng tư bản chủ nghĩa tự phát nảy nở" .

Người CSVN phải tiến hành tập thể hoá triệt để ruộng đất, tổ chức lại sản xuất theo hình thức lao động tập thể, chặn đứng con đường tư bản chủ nghĩa ở nông thôn. Hơn nữa, phải tập trung sức lao động, tư liệu sản xuất của bần nông và trung nông lại để xây dựng một phương thức sản xuất mới, một sự phân công lao động mới.

Trong khi ấy thực tế ở Miền Nam Việt Nam đã không còn có BẦN NÔNG! Có chăng nó chỉ là tên gọi của một giai cấp ở nông thôn để chỉ rõ thành phần đảng viên

Người CSVN đã áp dụng đường lối giai cấp ở nông thôn: "Dựa hẳn vào bần nông ... đi đến xoá bỏ sự bóc lột kinh tế của phú nông, cải tạo tư tưởng phú nông, ngăn ngừa địa chủ ngóc đầu dậy ...".

Ruộng đất canh tác tập thể hoá được đặt dưới sự quản lý và sử dụng của Ban Quản Trị Hợp Tác Xã, mà ban quản trị chủ yếu được chọn từ những thành phần Bần Cố Nông, là đảng viên CSVN. Như vậy có nghĩa là ruộng đất canh tác của người nông dân Miền Nam Việt Nam đã có được do từ chương trình Người Cày Có Ruộng của TT Thiệu trong những năm 1970-1973 lại bị tập thể hoá đưa vào các tập đoàn sản xuất nông nghiệp.

Lịch sử đã cho thấy những mô hình kinh tế nông nghiệp tập thể hoá tập trung cao độ như chương trình "Chuẩn Bị Đi Vào Chủ Nghĩa Cộng Sản" của Liên Xô, hoặc là chương trình "Bước Đại Nhảy Vọt" của Trung Cộng đã đều bị thất bại thê thảm. Thế mà những người CSVN lại đi bắt chước làm theo y nguyên như thế!!

Sau đây là nguyên văn lời nhận định của Báo Điện Tử Đảng CSVN, cơ quan trung ương của đảng CSVN:

"Mô hình sở hữu tập thể có nhiều sai trái, yếu kém, chậm được phát hiện, sửa chữa. Vì vậy, sau ba năm xác lập mô hình sở hữu tập thể cho thấy: việc tập thể hoá triệt để ruộng đất tất yếu dẫn đến tập thể hoá triệt để sức lao động và các tư liệu sản xuất khác của nông dân. Cách làm đó đã biến nông dân từ người làm chủ ruộng đất trở thành người làm công cho ban quản trị hợp tác xã - những người chưa đủ khả năng và kinh nghiệm quản lý.

Trong phương pháp tiến hành tập thể hoá, nông dân từ chỗ là một lực lượng sản xuất xã hội, một tiềm năng kinh tế to lớn trở thành đối tượng cải tạo, vì vậy đã triệt tiêu tính năng động, sáng tạo của họ trong sản xuất" !!!!!

Trong quá trình tập thể hoá, người CSVN đã coi việc phân biệt lợi ích kinh tế trên đất đai của những gia đình nông dân là không cần thiết, nên dẫn đến tình trạng cắt đất xâm canh và xáo canh diễn ra hết sức phức tạp ở nông thôn Miền Nam Việt Nam.

Việc điều chỉnh ruộng đất theo cách làm như trên, người CSVN đã vi phạm lợi ích của người nông dân ở miền Nam, đặc biệt là những tư sản trung nông - thành phần chính yếu của sản xuất nông sản phẩm ở miền nam. Thành phần trung nông này có vốn, phương tiện lao động và kinh nghiệm sản xuất. Họ tiêu biểu cho lực lượng sản xuất nông nghiệp đã đang phát triển mạnh ở nông thôn miền Nam trước năm 1975.

Người CSVN đã điều chỉnh sở hữu ruộng đất canh tác nhiều lần dẫn đến bình quân, xoá xâm canh, gây ra xáo canh. Họ đã làm cho quá trình sản xuất nông nghiệp và phân công lao động nông nghiệp bị biến động rất lớn. Ở nhiều nơi những người CSVN có chức có quyền chia ruộng đất cho cả những người hoạt động trong các lãnh vực phi-nông-nghiệp. Nói theo luận điệu nguỵ biện gian xảo của người CSVN là "việc họ tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp lại chính là kết quả tiến bộ của quá trình phân công lao động xã hội." Như vậy những người "phi-nông-nghiệp" này là ai mà họ được đảng CSVN chia cho ruộng đất và "việc họ tách ra khỏi sản xuất nông nghiệp lại chính là kết quả tiến bộ của quá trình phân công lao động xã hội." Các chức vụ Thành Uỷ, Tỉnh Uỷ, Huyện Uỷ, Xã Uỷ, Phường Uỷ, Quân Uỷ, các cấp uỷ đủ loại của đảng CSVN là quá trình phân công lao động xã hội của đảng CSVN.Như vậy tính cách chiếm hữu ruộng đất canh tác của người nông dân miền Nam đã xảy ra từ năm 1976 tới nay càng lúc càng thêm phức tạp vì đã có tính chất tham lam nhập nhằng chồng chéo che giấu tài sản của người CSVN.

Những khiếu kiện của người nông dân bị tước đoạt ruộng đất không được giải quyết dứt khoát thoả đáng đã kéo dài quá nhiều năm. Ông Hồ Chí Minh nằm trong lăng mộ kia cũng phải trở mình thở dài ngao ngán, "nếu nước nhà độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì". Và chính ông Hồ cũng đã từng hô vang vang khẩu hiệu "Người Cày Có Ruộng" để vận động nông dân tham gia cuộc chiến tranh chống thực dân.

Chẳng lẽ đối với người CSVN câu khẩu hiệu "Người Cày Có Ruộng" là một lời bịp bợm lừa gạt những người nông dân Việt Nam chất phác suốt đời sống gắn chặt với đất đai ruộng vườn của mình.

"NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG" có nghĩa chính xác là HÃY TRẢ LẠI RUỘNG ĐẤT CANH TÁC CHO NGƯỜI NÔNG DÂN THỰC SỰ ĐANG CANH TÁC!

Và nói theo Tiến Sĩ Đặng Hùng Võ là "Tham Nhũng Đất Đai Là Tham Nhũng Xương Máu Của Nhân Dân Việt Nam".

Những người CSVN hãy nghiêm túc thực hiện nội dung của câu khẩu hiệu "NGƯỜI CÀY CÓ RUỘNG" để người nông dân Việt Nam không cho rằng “những người CSVN cứ oang oang cái miệng nói một câu khẩu hiệu gian xảo bịp bợm”./.

Dr. Tristan Nguyễn, San Francisco 22.7.2007
(@vietvungvinh.com)