Thứ Ba, 17 tháng 7, 2007

Vụ Án Cựu Tướng Vang Pao Và Những Người Lãnh Đạo Di Dân Hmong Ở Mỹ

Vào ngày Thứ Năm, 12 tháng 7 năm 2007, tại Thủ Phủ Sacramento của Tiểu Bang California, Hoa Kỳ, có một phiên xủ tại toà án liên bang đã khiến cho hầu như mọi người di dân từ ba nước Việt-Miên-Lào hiện đang sinh sống tại Mỹ đều phải chú ý.

Không riêng gì những người di dân Việt-Miên-Lào, những người Mỹ địa phương và các giới truyền thông của Mỹ cũng chú ý tới phiên toà này. Một trong số 11 bị cáo là Cựu Tướng đầu tiên của Quân Đội Hoàng Gia Lào tên Vang Pao, năm nay 77 tuổi, phải ngồi xe lăn tới hầu toà vì tháng trước đã bị tai biến mạch máu não và phải được cấp cứu ở bệnh viện.

Một điều đáng chú ý nữa là phiên toà này xét xử từng người một trong số 11 bị cáo đã kéo dài gần cả ngày Thứ Năm, và tiếng còi của xe cứu thương đã vang lên tới hai lần vì có thêm 2 bị cáo bị ngất xỉu phải đưa đi cứu cấp tại bệnh viện UC Davis ở Sacramento, trong khi đó các biện lý liên bang và các luật sư biện hộ vẫn còn tranh luận sôi nổi với nhau để xem xét 11 bị cáo này có quá nguy hiểm đến nỗi không được phép thế chân tại ngoại trong khi vụ án được xét xử có thể kéo dài một thời gian nhiều năm hay không.

Chính phủ Mỹ đã cáo buộc 11 người này về tội âm mưu mua một số lớn vũ khí đủ loại trị giá gần mười triệu đô la gồm có súng liên thanh, hoả tiển bắn máy bay, súng phóng lựu, mìn và đủ loại súng nhỏ, cùng với âm mưu vi phạm những Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Acts) của thập niên 1930, là âm mưu chuyên chở số vũ khí này từ nước Mỹ nhập vào nước Lào để nhằm mục đích võ trang lật đổ chính phủ Cộng Sản Lào hiện tại. Các bị cáo có thể bị kết án tù chung thân nếu bị toà án liên bang Mỹ xét thấy có phạm tội.

Một nhân vật trung tâm của vụ án này là ông Harrison Jack, hiện cư ngụ tại Woodland, một cựu sĩ quan Biệt Kích của Quân Đội Mỹ đã từng có một thời gian dài phục vụ tại chiến trường Đông Dương trước năm 1975. Ông Harrison Jack bị cáo buộc về tội làm người trung gian mua bán một số lớn vũ khí với trị giá gần mười triệu đô la giữa những người lãnh đạo di dân Hmong và một người Mỹ được tin tưởng như là một lái buôn vũ khí chuyên nghiệp, thực ra người này chính là một nhân viên mật vụ của liên bang Mỹ giả dạng để điều tra âm mưu của những người lãnh đạo di dân Hmong.

Ngoài ông Mỹ Harrison Jack ra, 10 người bị cáo kia là những lãnh đạo di dân Hmong, gồm có Vang Pao, 77, ở miền Nam Cali; Youa True Vang, 60, ở Sanger; Lo Cha Thao, 34, ở Clovis; Lo Thao 53, ở Sacramento; Chue Lo, 59, ở Stockton; Seng Vue, 68; Hue Vang, 39; Chong Yang Thao, 53; Dang Vang, 48, ở Fresno; Nhia Kao Vang, 48, ở Rancho Cordova.

Trong phiên toà đang nghe tranh luận của các biện lý liên bang và các luật sư biện hộ thì ông Seng Vue, 68 tuổi, đã ngất xỉu, phải được xe cứu thương đưa đi cấp cứu ở bệnh viện UC Davis tại Sacramento. Cách nay ba tuần ông Seng Vue đã bị đột quỵ trong lúc đang ở trong trại tạm giam. Vào lúc đầu phiên toà này, một bị cáo khác tên là Chong Yang Thao, 53 tuổi cũng đã được đưa vào bệnh viện UC Davis khi ông ta bị đột quỵ. Luật sư của ông ta nói là đang chờ kết quả của bệnh viện cho biết mức độ bệnh đột quỵ trầm trọng thế nào. Tháng trước Cựu Tướng Vang Pao cũng đã phải vào bệnh viện vì bị đột quỵ, và ông ta phải ngồi xe lăn khi ra hầu toà.

Trước khi Chánh Án Drozd có phán quyết cho các bị cáo được tại ngoại, thì các biện lý liên bang và các luật sư biện hộ đã tranh luận sôi nổi với nhau trong nhiều tiếng đồng hồ để xem xét các bị cáo có quá nguy hiểm khi được thả ra cho tại ngoại hay không.

Luật Sư John Keker biện hộ cho Cựu Tướng Vang Pao nói là các bị cáo không bao giờ có ý định lật đổ chính phủ Lào hiện tại. Họ chỉ hy vọng bảo vệ được người dân Hmong chống lại những chiến binh CS Lào đang muốn tiêu diệt dân tộc Hmong ở trong nước Lào. Luật Sư Keker cũng tranh luận là CIA đã bí mật đồng ý cho hành động, bởi lẽ cái ý kiến mua những hoả tiển là do nhân viên mật vụ liên bang Mỹ đề nghị.

Biện Lý Liên Bang Robert Twiss nói rằng không có bất cứ một nhân viên CIA nào đã tiếp xúc với các bị cáo. Đây là một hành động không có CIA yểm trợ. Bất cứ lý luận nào của phía luật sư biện hộ để liên hệ CIA vào vụ án là không đúng.

Các Biện Lý Liên Bang đã tranh luận rằng tất cả 11 bị cáo đều nguy hiểm và có khả năng đào tẩu nếu họ được cho đóng thế chân tại ngoại trong lúc toà án xét xử có thể kéo dài một thời gian nhiều năm. Ở các phiên toà trước, các Chánh Án Liên Bang đã quyết định là tất cả 11 bị cáo phải bị giữ trong tù.

Chánh Án Dale Drozd của toà án liên bang Mỹ đã có phán quyết để cho tất cả 11 bị cáo được tại ngoại sau khi nghe các luật sư của các bị cáo tranh luận là họ nên được tự do trong suốt thời gian toà xét xử, bởi vì thực sự họ không gây nguy hiểm gì cho bất cứ ai. Tuy nhiên Cựu Tướng Vang Pao, 77 tuổi và đang bệnh, phải tiếp tục bị quản thúc tại gia ở miền Nam California và ông ta chỉ được phép gặp mặt những thân nhân trong gia đình ông, các bác sĩ chữa bệnh cho ông và các luật sư của ông mà thôi. Người ngoài không được phép tiếp xúc với Cựu Tướng Vang Pao.

Số tiền đóng thế chân tại ngoại cho CựuTướng Vang Pao là một triệu năm trăm ngàn đô la gốm có trị giá căn nhà của ông và của bốn thân nhân trong gia đình ông cùng với của những người bạn ông cộng chung lại. Chánh Án Drozd nói rằng nếu ông Vang Pao vi phạm bất cứ điều kiện nào trong khi tại ngoại, thì tất cả đều bị mất hết mấy căn nhà!!

Những bị cáo còn lại đều được tại ngoại dưới những điều kiện tương tự. Tất cả thân nhân và bạn bè của họ phải gom góp lại gần ba chục căn nhà, một căn chung cư, và một tài khoản tương trợ gia đình với tổng trị giá là bảy triệu năm trăm ngàn đô la để đóng thế chân tại ngoại cho các bị cáo.

Ở bên ngoài toà án liên bang tại Sacramento có một đám đông khoảng chừng một ngàn người di dân Hmong đã reo hò vỗ tay vui mừng sau khi biết được Chánh Án Drozd đã chấp thuận cho các bị cáo được tự do tại ngoại.

Chính bản thân Cựu Tướng Vang Pao, một người luôn được người di dân Hmong xem như một ân nhân, một người cha tinh thần, một anh hùng của dân tộc Hmong, cũng không bao giờ nghĩ rằng vào cuối cuộc đời của mình lại bị bắt ra toà ở một xứ sở tự do vì ông vẫn tin tưởng chính mình là một chiến sĩ luôn đấu tranh giành tự do cho dân tộc Hmong của ông. Tại nước Lào, những hoàn cảnh thảm thương của toàn thể người dân tộc Hmong đã đang bị săn đuổi tận diệt có lẽ vẫn còn rõ nét trong trí nhớ của Cựu Tướng Vang Pao và những người di dân Hmong còn nặng lòng nhớ tới quê nhà của họ.

Khi TT Bush quyết định tấn công Iraq để giải phóng người dân Iraq khỏi sự độc tài của Saddam Hussein, thì đã khiến cho biết bao nhiêu người di dân Việt-Miên-Lào có thêm nhiều hi vọng. Nếu hành động quân sự của Mỹ tại Iraq trong mấy năm vừa qua có đạt tới được những kết quả tốt đẹp sau khi đã nhanh chóng lật đổ chế độ của Saddam Hussein, thì có lẽ sẽ có những hành động tương tự ở nhiều nơi khác nữa. Thế nhưng, những điều xảy ra ở Iraq sau khi chế độ Hussein bị sụp đổ đã không như ý muốn của các chiến lược gia và các nhà thiết kế chính sách của Mỹ!!

Vụ án của Cựu Tướng Vang Pao xảy ra trong tháng 6 năm 2007 ở tiểu bang California đã khiến cho nhiều người Việt-Miên-Lào đang sinh sống tại nước Mỹ quá sửng sốt ngỡ ngàng!!

Sau khi quan sát vụ án với nhiều chi tiết như vừa kể, mặc dù toà án liên bang Mỹ vẫn chưa có kết án, và có thể tất cả 11 bị cáo được chứng minh là vô tội và được toà án liên bang Mỹ tha bổng, nhưng chúng ta có thể học được những điều gì có lợi ích từ một vụ án đượm nhiều màu sắc tưởng tượng tiểu thuyết hoá này?

Trước tiên chúng ta phải tìm hiểu cho biết những Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Acts) trong thập niên 1930 là gì. Thực ra những Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Acts) là một loạt bốn đạo luật được Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận vào những năm 1935, 1936, 1937 và 1939 để nhằm mục đích ngăn ngừa và giới hạn sự tham gia của chính phủ Hoa Kỳ vào các cuộc "Chiến Tranh Ở Hải Ngoại/Foreign Wars" có thể xảy ra. Đây là một đối sách của Quốc Hội Hoa Kỳ khi các nhà làm luật nhận biết rằng sự tham gia của Quân Đội Mỹ vào trận Đệ Nhất Thế Chiến ở Châu Âu là do hệ quả của những món tiền cho vay và các quan hệ mậu dịch với những Đồng Minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu.

1. Đạo Luật năm 1935 nghiêm cấm người Mỹ không được phép chuyên chở những kiện hàng dụng cụ chiến tranh tới các quốc gia hay các nhóm người đang tham chiến và nghiêm cấm công dân Mỹ di chuyển trên những phương tiện chuyên chở của các quốc gia đang tham chiến. Đạo Luật này nhấn mạnh là sẽ bất hợp pháp cho bất cứ ai xuất cảng, hay dự định xuất cảng, từ nước Mỹ tới bất cứ quốc gia nào khác, bất cứ loại vũ khí, đạn dược, hoặc tiến hành thực hiện chiến tranh…

2. Đạo Luật năm 1936 nghiêm cấm việc cho những nước hoặc những nhóm người đang tham chiến vay tiền.

3. Đạo Luật năm 1937 gia tăng phạm vi ảnh hưởng của các đạo luật trước tới lãnh vực của những cuộc nội chiến, và cho phép Tổng Thống Mỹ được giới hạn các thương vụ bán hàng phi-vũ-khí (non-munitions sales) trên căn bản "Tiền-Mặt-Và-Chở Đi/Cash-And-Carry".

4. Đạo Luật năm 1939 nghiêm cấm những chiếc tàu biển của Mỹ chở hàng hoá hoặc hành khách đi tới những hải cảng của những nước đang tham chiến, nhưng lại cho phép những thương vụ bán vũ khí trên căn bản "Tiền-Mặt-Và-Chở- Đi/Cash-And-Carry".

Tóm lại, bốn Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Acts) trong thập niên 1930 do Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết chấp thuận chỉ là những nổ lực để ngăn chặn hoặc giới hạn Chính Phủ Mỹ không được dính líu tới những cuộc "Chiến Tranh Ở Hải Ngoại/Foreign Wars".

Cựu Tướng Vang Pao và những người lãnh đạo di dân Hmong bị cáo buộc vi phạm những Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Acts) khi âm mưu chuyên chở một số lớn vũ khí các loại từ Hoa Kỳ tới Lào và âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh ở đó. Hành động gây chiến tranh của Cựu Tướng Vang Pao trong trường hợp thực hiện được ở Lào thì liệu hành động chiến tranh này có thể lôi cuốn được nước Mỹ tham gia vào cuộc chiến không?

Chúng ta nhớ lại tâm trạng vui mừng hồ hởi của nhiều người di dân Việt-Miên-Lào khi biết được những đạo quân của Mỹ đã tiến vào thành phố thủ đô Baghdad của Iraq quá dễ dàng và nhanh chóng lật đổ chế độ Saddam Hussein. Nhiều người di dân Việt-Miên-Lào lúc đó đã vui mừng liên tưởng tới ngày được trở về quê hương thân yêu của họ. Và đã có không ít người sửa soạn sẵn sàng hành động trở về quê nhà. Trong số đó có lẽ có Cựu Tướng Vang Pao, và những người Việt Nam hăm hở thành lập một chính phủ lâm thời để chờ thời cơ sẽ chóng xảy ra.

Nhưng sau khi chế độ Saddam Hussein bị tiêu diệt thì tình hình thực tế ở Iraq kéo dài tới ngày nay không được tốt đẹp đã khiến cho rất nhiều người mơ trở về quê hương ca khúc khải hoàn phải quá thất vọng. Và khi có tin những người lãnh đạo di dân Hmong cùng với Cựu Tướng Vang Pao bị chính quyền Mỹ bắt bỏ tù về tội âm mưu lật đổ chính phủ cộng sản Lào càng khiến cho họ thêm bàng hoàng cay đắng cho thân phận của mình.

Trong khi tranh luận với các biện lý liên bang Mỹ các luật sư biện hộ cho Cựu Tướng Vang Pao đã nói rõ là CIA đã bí mật đồng ý với hành động của những người lãnh đạo di dân Hmong này qua lời của một nhân viên mật vụ liên bang giả dạng làm một lái buôn vũ khí Mỹ đề nghị mua nhiều hoả tiển của Mỹ.

Chính quyền liên bang Mỹ đã cáo buộc Cưụ Tướng Vang Pao bằng những Đạo Luật Trung Lập (Neutrality Acts) của thập niên 1930, những Đạo Luật chủ yếu là để ngăn câm hoặc giới hạn Chính Phủ Mỹ tránh ra những trường hợp có thể phải can dự vào một cuộc tranh chấp võ trang nào đó đã đang xảy ra hay có thể sẽ xảy ra ở nước ngoài. Như vậy,

Chính quyền Mỹ đã gởi một tín hiệu rõ ràng là không ai được phép giành lấy cái đặc quyền của TT Mỹ và tập đoàn lãnh đạo kỷ nghệ chiến tranh của Mỹ trong vấn đề xuất cảng một loại chiến tranh nào đó và các loại chiến cụ tới một nơi nào đó trên mặt đất này.

Nếu nhận xét một cách khách quan thì với một nhóm người di dân Hmong của Cựu Tướng Vang Pao là những tay Tài Tử-Amateur thì làm sao chuyên chở được một số lượng nhiều loại vũ khí ra khỏi nước Mỹ để nhập vào nước Lào mà khởi động một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc Hmong. Chẳng lẽ những con mắt những cái lỗ tai của Bộ Nội An Mỹ đều bị bịt kín? Vì vậy mà vụ án Cựu Tướng Vang Pao nghe ra như một câu chuyện tiểu thuyết mơ mộng u buồn!

Hơn nữa, thời cuộc thế giới đã đang thay đổi mạnh mẽ, guồng máy CIA hôm nay không thể giống như trong thời 50 năm về trước với những ngân sách dồi dào để nuôi dưỡng những đạo quân biệt kích theo kiểu Vang Pao ở Đông Dương nhằm tiếp sức "Be Bờ" ngăn chặn Làn Sóng Đỏ lan rộng ở Đông Nam Á.

Vào năm 1972 sau khi Henry Kissinger đưa TT Nixon tới Hoa Lục để gặp Chủ Tịch Mao và Thủ Tướng Chu Ân Lai cùng nhau vui vẻ ăn mừng quan hệ Trung-Mỹ đã được bình thường và hứa hẹn càng lúc càng phát triển tốt đẹp, thì nổ lực "Be Bờ" bằng phương tiện quân sự Mỹ đã đến lúc không cần thiết nữa và sự can dự của người Mỹ vào cuộc nội chiến Việt Nam đi dần vào hồi kết cuộc với Hiệp Định Paris 1973.

Vào năm 1976, Chủ Tịch Mao từ trần, Đặng Tiểu Bình lên thay và đã quyết liệt thực hiện các cuộc cải tổ kinh tế của Trung Quốc. Những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đã dẹp qua một bên Tư Tưởng Chủ Nghĩa Mao để mạnh dạn xây dựng Chủ Nghĩa Mậu Dịch Cộng Sản Trung Quốc. Vào năm 1979, Đặng Tiểu Bình là một lãnh tụ của đảng Cộng Sản Trung Quốc đầu tiên tới viếng thăm nước Mỹ và đã được TT Jimmy Carter tiếp đón rất nồng hậu. Trong lịch sử quan hệ ngoại giao của nước Mỹ và các nước Cộng Sản trên thế giới trong thời gian chiến trạnh lạnh có bao giờ chúng ta được thấy các lãnh đạo Cộng Sản tiếp đón một TT Mỹ một cách rất long trọng như Chủ Tịch Mao và Thủ Tướng Chu đã tiếp đón TT Nixon, và ngược lại một TT Mỹ đón tiếp các lãnh đạo Cộng Sản nồng nhiệt như TT Carter đã đón tiếp Đặng Tiểu Bình hay không?

Hệ quả của mối quan hệ càng ngày càng thấm thiết của hai nước Trung-Mỹ, hai nước đã từng trực tiếp đánh nhau ở cuộc chiến Triều Tiên, là cái viễn ảnh của Liên Xô bị cô lập và hình ảnh được nhìn thấy của bức tường Bá Linh bị sụp đổ để cho Tây Đức và Đông Đức được thống nhất trong hoà bình; Khối Cộng Sản Đông Âu bị giải tán, và Liên Bang Xô Viết cuối cùng phải tan rã thành những nước nhỏ độc lập tự do không cộng sản. Lịch sử cho thấy một điều khá trớ trêu mỉa mai là trong khi cả một khối liên bang mang tên Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết đang dần dần biến mất thì có một nước lại hồ hởi đổi cái tên cũ là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thành cái tên mới cho đúng mốt cách mạng vô sản Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!! Cho dù chỉ là một cái tên gọi nghe rất kiêu hãnh, nhưng lại là một cái tên đang bị đặt nằm dưới chiếc bánh xe lịch sử!

Tóm lại, lập trường quyết tâm chống cộng sản của nước Mỹ đã thay đổi hoàn toàn khi người Mỹ nhận thấy nước Mỹ đã thắng trận Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ đã đang thắng trận Chiến Tranh Văn Hoá ở Hoa Lục, ở các nước Đông Âu và Liên Bang Nga, kể cả ở Việt-Miên-Lào nữa. Còn ở trong nước Mỹ, đáng lưu ý nhất là đảng Cộng Sản Mỹ đã bị vô hiệu hoá từ lâu. Đảng Cộng Sản Mỹ đã không thể hoạt động có hiệu quả tối thiểu ở trong một nước tư bản quá độ như nước Mỹ! Hiện nay người Mỹ không chú ý tới Chủ Nghĩa Cộng Sản như ở vào thời kỳ của Thượng Nghị Sĩ Joseph McCarthy với McCarthyism trong thập niên 1950-1960. Những cái gì có liên hệ tới Cộng Sản đều được xem như là những ký ức đau buồn với những tượng đài dựng lên ở hai nơi có những tượng bằng đồng để kỷ niệm người lính Mỹ ở chiến trường Triều Tiên cũng như ở chiến trường Việt Nam, và cả một bức tường ghi tên họ của những người tử trận ở Việt Nam.

Ý thức hệ cộng sản đã trở thành quá khứ, một vấn đề không cần phải quan tâm tới nữa vì trên thực tế tầng lớp ưu tú lãnh đạo cộng sản ở khắp nơi đã đang lột xác trở thành tầng lớp đại tư bản mới và một đại đa số đảng viên cộng sản đã đang lột xác trở thành tầng lớp trung lưu tiểu tư sản mới ở những xã hội vừa được mở ra với những nền kinh tế thị trường nhưng vẫn còn bị kiểm soát bởi sự toàn trị của người cộng sản. Những thí dụ điển hình như là ở Hoa Lục, Việt, Miên, và Lào trong hiện tại. Trong khi tuyệt đại đa số người bình dân ở Hoa Lục, Việt-Miên-Lào phải đang sống cảnh nghèo đói thiếu thốn cơ cực ở các thành phố cũng như ở những vùng nông thôn, thì các tầng lớp ưu tú của đảng cộng sản là những người giàu nhất, và hầu hết các đảng viên cộng sản đều là những tiểu tư sản mới có quyền có tiền có nhà có đất có của trội hơn người dân thường ở trong nước rất nhiều. Như vậy, nước Mỹ đã cải tạo được ý thức hệ cộng sản một cách rất thành công!

Một ý thức hệ mà nước Mỹ đang phải đối phó là Chủ Nghĩa Khủng Bố Quốc Tế (International Terrorism) được những người Hồi Giáo Cực Đoan triển khai ở khắp nơi. Khủng bố là hình thức, là phương tiện bạo lực để đạt mục đích yêu cầu chính trị. Khủng bố không thể là cứu cánh, mục đích cuối cùng. Một khi cho rằng Chủ Nghĩa Khủng Bố như là một cứu cánh, một ý thức hệ, thì phải rất thận trọng để tránh mắc vào cái bẫy của một cuộc chiến tranh ý thức hệ mới không phải là ngẫu nhiên vô tình mà được cố ý gây ra ở khắp nơi bởi vì trận chiến này không có một biên giới quốc gia nào rõ rệt cả.

Ở một nước tư sản với một chế độ độc tài nhưng lại có thể là đồng minh của nước Mỹ trên mặt trận chống Chủ Nghĩa Khủng Bố Quốc Tế, trong khi vấn đề dân quyền nhân quyền là hoàn toàn tuỳ thuộc vào người dân của nước đó tự lo liệu đấu tranh với những người cầm quyền trong nước của họ. Với chiêu bài chống khủng bố quốc tế, những người cầm quyền của một chế độ độc tài dễ dàng chụp lên đầu những người đấu tranh cho dân quyền nhân quyền, những người bất đồng chính kiến, những người chiến đấu cho độc lập tự do của các dân tộc trong nước, bằng những chiếc mũ khủng bố to tướng. Và những trường hợp như thế rất tế nhị và phức tạp để cho nước Mỹ nhạy cảm lên tiếng bênh vực và ủng hộ cho họ. Một thí dụ cụ thể là những người cầm quyền của Việt Nam đã từng bắt giữ một số người Việt tại trong nước khi cáo buộc họ là những kẻ khủng bố.

Sau khi phân tích thời cuộc hiện nay một cách khách quan như vậy, trường hợp của Cựu Tướng Vang Pao và những người lãnh đạo di dân Hmong dễ dàng bị chụp cho những chiếc mũ khủng bố chống chính phủ Lào ở một nước đang có quan hệ ngoại giao bình thường với nước Mỹ. Làm sao nước Mỹ có thể mở miệng mạnh dạn bênh vực cho những kẻ khủng bố chống chính phủ Lào?!

Hiện nay tình hình chính trị ở các nước Trung Quốc, Việt, Miên, và Lào có tới 100 phần trăm cử tri tại các nước đó đi bầu cử Quốc Hội để chọn những người đại diện cho họ. Tuy nhiên, chỉ có chừng 10 phần trăm của số cử tri này có đủ khả năng tự do mua sắm hàng hoá tiêu dùng, trong khi 90 phần trăm còn lại không có đủ tiền để sinh sống hàng ngày. Chừng nào 100 phần trăm cử tri ở các nước Trung Quốc, Việt, Miên, và Lào biết đòi hỏi quyền được có tiền, quyền được tự do mua sắm tiêu dùng thì chừng đó Trung Quốc, Việt, Miên, và Lào là những nước tư sản thực sự tự do và có chừng 50 phần trăm cử tri đi bầu cử Quốc Hội để chọn người thực sự đại diện cho người dân. Mặc dù có 50 phần trăm cử tri đi bầu cử Quốc Hội nhưng lúc đó chính quyền lại thực sự là của người dân.

Câu kết luận, như thế là Cựu Tướng Vang Pao, và những người lãnh đạo di dân Hmong, và cũng có thể còn nhiều người Việt-Miên-Lào khác còn nặng lòng với quê hương Việt-Miên-Lào phải kiên nhẫn chờ đợi cái ngày quê hương của mình trở thành những nước tư sản. Các nổ lực đấu tranh giành lấy tự do, độc lập dân tộc, cơm no áo ấm, bằng võ trang rất dễ bị đồng hoá với bạo lực của chủ nghĩa khủng bố. Cựu Tướng Vang Pao chắc chắn không phải là một lãnh đạo của những kẻ khủng bố.

Bởi vì ở một nước vô sản, toàn dân đều nghèo đói, thì người cầm quyền chuyên chính độc tài. Ngược lại, ở một nước tư sản, toàn dân đều có tiền của và họ có quyền tự do lựa chọn, khiến cho người cầm quyền rất khó có thể toàn quyền cai trị. Người cầm quyền phải biết sửa đổi, nếu không muốn bị thay đổi theo yêu cầu của người dân. Đa số những nước tư sản đều có dân chủ và tôn trọng tự do cá nhân của người dân.

Vấn đề đáng nói tới là những người cầm quyền các nước Trung Quốc, Việt-Miên-Lào hiện nay có sẵn sàng tạo mọi cơ hội đồng đều cho người dân trong nước làm ra tiền hay không. Và người dân trong các nước Trung Quốc, Việt-Miên-Lào phải biết đòi hỏi cái quyền được có tiền của mình .

THUỶ-TRIỀU

Với nhiều thương yêu dành cho người Hmong!
To Hmong People With Much Love!
San Francisco 15/07/2007

Không có nhận xét nào: