Thứ Ba, 17 tháng 7, 2007

Không được mù, điếc, câm trước thông điệp nghiêm khắc và khẩn cấp của dân oan

Kính gửi quý vị đại biểu quốc hội kháo XII

Quốc hội khoá XII sắp họp kỳ đầu tiên.


Đó là lý do chúng tôi có tới 5 lá thư liên tục gửi tới các vị đại diện dân – đã được đảng chọn một cách rất “thành công” theo cách đảng cứ cử, dân buộc phải bầu.


Những lá thư này được viết ra ngay sau khi có kết quả bầu cử, nhưng cố ý gửi muộn vào dịp quý vị sắp họp để quý vị có thêm một số thông tin, dù trái chiều, nhưng đảm bảo khách quan và không ai phản bác nổi.


Còn đây là thư thứ 6, được viết ngoài dự định, khi thấy dân oan từ nhiều tỉnh tập trung về Sài Gòn và Hà Nội biểu tình trong nhiều ngày - như một thông điệp - vừa khẩn cấp lại vừa nghiêm khắc - gửi cho truyền thông Việt Nam và Quốc hội khoá XII của nước CHXHCN Việt Nam.


Báo chí trong nước dẫu bị đảng khống chế vẫn đưa ra những kết luận về quốc hội khoá trước: 90% ghế bị đảng viên chiếm lĩnh; tỷ lệ “đầy tớ” của dân chui vào hàng ngũ những người “đại diện ông chủ” lên tới quá bán hoặc 70%, tỷ lệ “nghị gật” cũng tương tự... Về đại thể, như vậy là dân đã nuôi một quốc hội của đảng, do đảng và vì đảng, nếu nói quá một chút là “nuôi o­ng tay áo. Trong chế độ phong kiến dẫu đã thối nát cùng cực vẫn có nhiều ông quan thanh liêm, cương trực. Chính do vậy, nhiều vị đại biểu quốc hội khoá trước đã được dân tin yêu và kính trọng khi họ dám chất vấn sự lộng quyền của công chức (gồm 100% đảng viên) và dám đòi đưa những điều có lợi cho quyền dân chủ và tự do vào các luật.


Lần này, trừ vài tờ báo vô liêm sỉ, sẽ không có chuyện báo chí rùm beng tung hô kỳ họp đầu tiên của quốc hội khoá XII. Dân chúng không những dửng dưng như lần trước mà còn lũ lượt kéo về thủ đô và Sài Gòn biểu tình phản đối bọn “đầy tớ” lộng hành. Họ gửi một thông điệp khẩn cấp và nghiêm khắc cho báo chí và cho quốc hội khoá mới.


Thông điệp cho báo chí trong nước

Báo chí Việt Nam được ĐCSVN coi là “nơi phổ biến chủ trương của đảng, đồng thời là diễn đàn của nhân dân”. Khốn nỗi, khi “ý đảng” đã một đường, “lòng dân” lại một nẻo, thử hỏi, làm sao báo chí nước ta làm nổi cả hai chức năng trái khoáy nói trên? Có lần nào những lời phẫn nộ của dân oan được báo chí đăng tải?

Hàng ngàn dân oan nghèo khổ ở các địa phương liệu có thích thú gì khi kéo lên các thành phố giá sinh đắt đỏ để “du lịch” bất đắc dĩ dài ngày, để ăn đường, ngủ chợ? Họ trưng cờ, biểu ngữ, cắm lều, trải chiếu nơi vỉa hè, dưới nắng gắt, mưa dầm; ngày ngày họ diễu hành khắp phố xá là muốn báo chí biết đến, đưa tin, tạo áp lực với chính quyền tham nhũng, hành dân.


Vậy báo chí Việt Nam đã làm được gì cho đồng bào?

Nhân dịp được nghỉ hè, chúng tôi đã tìm cách qua mặt các loại công an (nổi và chìm) tiếp xúc với đồng bào, chụp hình, ghi lại lời nói, ghi lại nỗi phẫn uất và cả nước mắt của những người bị tước đoạt. Do vậy, tư liệu của chúng tôi không chỉ lấy từ truyền thông hải ngoại – như BBC hay RFA, RFI... mà còn là tư liệu trực tiếp thu được.

Đã có người dùng các từ “điếc”, “mù” và “câm” để chỉ thái độ của báo chí nước ta. Có sai không và quá đáng? Chúng tôi đủ tư cách và bằng chứng để trả lời: Hoàn toàn không sai, không oan, không quá đáng. Đồng bào đi khiếu kiện mới là đối tượng bị oan sai do chính sách của đảng. Nỗi oan này đã tới mức quá đáng. Báo chí, nếu còn chút tự trọng thì không nên uốn cong ngòi bút để về hùa với bọn công an “chống dân” vu oan thêm nữa cho đồng bào.


Đồng bào đi kêu oan gồm những thành phần nào?


- Họ là nhân dân Việt nam: Vậy thì họ có tờ báo tên gọi Nhân Dân. Sao cái tờ báo này cứ “điếc”, “mù” và “câm”, không đưa tin cho họ lấy nửa câu?


- Họ buộc phải vào các đoàn thể, để rốt cuộc bị thu gom vào cái gọi là Mặt trận Tổ Quốc. Vậy tờ báo Đại Đoàn Kết có bổn phận bênh vực họ. Sao báo này cứ “điếc”, “mù” và “câm” suốt cả tháng nay?


- Họ chủ yếu là nông dân mất đất. Vậy thì họ có đoàn thể là Hội Nông Dân và tờ báo của Hội này. Các báo về Nông Nghiệp ở nước ta không thiếu. Sao chúng cứ “điếc”, “mù” và “câm”?


- Họ là những người lao động. Thế thì họ có tờ Lao Động và Người Lao Động và những tờ khác. Sao những tờ báo này cứ “điếc”, “mù” và “câm”?


- Họ là những công dân đủ lứa tuổi - từ cụ già 80 và người 20 tuổi. Thế thì có những tờ báo về danh nghĩa phải bênh vực họ. Vậy các báo Người Cao Tuổi, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong... cứ lặn đâu hết? Hay là cũng “điếc”, “mù” và “câm”?


- Trong số họ có cả dân nghèo, phụ nữ, cựu chiến binh. Vậy các tờ báo tương ứng đang ở đâu mà cứ như “điếc”, “mù” và “câm”?

...


Liệu có tờ báo nào là nơi để họ tỏ nỗi oan, nỗi ức, chớ chưa cần nói đó là “diễn đàn” của họ? Nếu không, thì đây là vết nhơ rất lớn sẽ được ghi vào lịch sử báo chí Việt Nam, dưới sự bóp nghẹt của đảng CSVN. Các ông, bà tổng biên tập - đều là đảng viên ĐCS VN – có trách nhiệm và chịu món nợ rất lớn.


May mắn, cho tới nay chưa có tờ báo đốn mạt nào quy kết các cuộc biểu tình của dân oan là do sự “kích động” của “bọn phản động” và các “thế lực thù địch” từ xa vạn dặm. Nguyên nhân làm cho dân oan phẫn nộ vùng lên chẳng ở đâu xa, mà chính là cái luật phản động có tên là Luật Đất Đai như cái gông trên cổ nông dân.


Thông điệp cho quốc hội khoá XII

Dân oan tụ tập biểu tình dài ngày và quyết liệt tại trụ sở quốc hội, đưa đơn ghi rõ “gửi quốc hội”, thế thì đây là thông điệp quá minh bạch, quá khẩn cấp và nghiêm khắc gửi trực tiếp cho những người vỗ ngực nhận là đại diện cho quyền dân. Liệu sẽ có chuyện “mù”, “điếc” và “câm” ở các ông nghị đại diện dân?


Chính đây là lý do để chúng tôi có bức thư thứ 6 này gửi các vị đại biểu quốc hội XII.


Quốc hội khoá XII sắp khai mạc, nhưng nó không thể khai mạc sớm hơn cuộc họp của ban chấp hành trung ương ĐCSVN là nơi đang chuẩn bị nhân sự cấp cao của đất nước cho cái quốc hội này “sáng suốt lựa chọn”.


Có thể lấy hình mẫu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã “sáng suốt bầu chọn” hai vị phó chủ tịch trong một danh sách do đảng giới thiệu gồm có... hai ứng cử viên là Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Văn Khôi. Thành tích và năng lực được giới thiệu chủ yếu là... “thành uỷ viên” (!).


Chuyện xảy ra hôm qua tại kỳ họp của hội đồng nhân dân Hà Nội. Các vị đại biểu của hội đồng đều do “đảng cứ chọn, dân phải bầu”. Tuy nhiên, các vị này được trào lưu dân chủ giáo dục cộng với sự trơ tráo quá mức của đảng nên các vị đã có hành động “chống đảng” bằng cách kiên quyết đề nghị thêm ông Vũ Văn Hậu vào vào danh sách ứng cử. Đảng đã đối phó hữu hiệu bằng cách chỉ thị cho ông Hậu (đảng viên)... xin rút. Danh sách vẫn chỉ có 2. Một tỷ lệ khá lớn các vị đại biểu vẫn tiếp tục “chống đảng”, thể hiện ở kết quả bầu: ông Nguyễn Văn Khôi được 78/84 (trên 86%) phiếu, ông Vũ Hồng Khanh chỉ được 54% phiếu (tuy “thoát chết” nhưng ông này chắc không khỏi buồn và đảng của ông chắc không khỏi lo).


Chắc chắn là bác Nguyễn Phú Trọng (danh nghĩa là chủ tịch quốc hội, nhưng không ai dám quên bác còn là uỷ viên bộ chính trị) sẽ rất cung kính “thưa, gửi” các vị đại biểu quốc hội để các vị mát dạ, hả lòng. Nhưng đó chỉ là những “lời nói” của đảng. Ngay sau đó là “việc làm” của đảng – và lập tức các vị đại biểu quốc hội trở về đúng vị trí bù nhìn của mình khi họ được kính mời “suy nghĩ sâu sắc và cân nhắc kỹ lưỡng” để bầu nhân sự cao cấp.


Đã từng xảy ra tới n lần khi quốc hội bầu các chức vụ cao thì danh sách ứng cử chỉ có một tên (cho mỗi chức vụ). Các ông nghị cứ tha hồ “cân nhắc”, tha hồ “lựa chọn”, tha hồ “vận dụng trí tuệ” và “đề cao trách nhiệm bản thân”... Rồi cuối cùng là nhiệt liệt hoan hô kết quả bầu cử. Điều này được quán triệt tới tận cấp tỉnh (ví dụ ở Hà Nội, vừa nêu trên), cấp huyện và thậm chí cả cấp cơ sở.


Màn kịch nhàm chán cứ việc diễn, năm này qua năm khác, khoá này qua khoá khác. Nhưng lần này các vị đại biểu quốc hội khoá XII đã biết chắc một điều: Dân oan các tỉnh đang biểu tình đông người, dài ngày ở ngay thủ đô và Sài Gòn, ngay trước trụ sở quốc hội. Để xem, liệu có vị đại biểu nào còn có cột sống lưng, biểu hiện bằng dám nêu vấn đề (dù sẽ chẳng đi đến đâu). Hay lại cũng “mù”, “điếc” và “câm” và vô cảm?


Chúng ta hãy theo dõi kỳ họp để có kết luận.

Không có nhận xét nào: