Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ và Hoà Thượng Thích Quảng Ðộ
Ai cũng biết đồng bào ta đi biểu tình vốn hiền khô! Họ biết không ai dại gì đánh nhau với công an. Nằm lăn ra ăn vạ cũng vô ích. Vì bên cạnh mỗi người biểu tình đã có sẵn sàng hai anh chị công an đứng bên, tay bịt miệng, tay xốc nách kéo lên xe bít bùng, chỉ cần một tiếng hô là động thủ! Ðồng bào biểu tình cũng biết rằng sớm muộn sẽ tới lúc bị dẹp. Sau khi Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ cùng phái đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tới nói chuyện, ai cũng biết là họ sắp dẹp. Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 cũng chỉ nhắm chống tham nhũng, các sinh viên không nêu lên một đòi hỏi chính trị nào, không khác gì cuộc biểu tình ở Sài Gòn năm nay. Sau khi ông Triệu Tử Dương tới ủy lạo các sinh viên và công nhân biểu tình, Ðặng Tiểu Bình cũng ra lệnh dẹp tan. Cộng Sản Việt Nam không thể chấp nhận cho Phật Giáo có cơ hội hợp nhất với nông dân Việt Nam cùng tranh đấu cho những mục tiêu chung.
Có nhiều email đang gửi khắp nơi cung cấp hình ảnh và video chiếu cảnh Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ tới thăm và ủy lạo những đồng bào biểu tình. Hòa thượng đã nêu lên một sự thật, là khi nào nước Việt Nam chưa được sống tự do dân chủ thì không thể nào chống tham nhũng, bất công được. Những cuộc biểu tình chống tham nhũng có thể biến thành chống độc tài đảng trị, đó là điều mà đảng Cộng Sản lo sợ nhất. Cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người từ hai chục tỉnh và thành phố cho thấy nước Việt Nam đang thay đổi. Không phải chỉ là những nhà trí thức tranh đấu chống chế độ độc tài nữa, chính người dân đã xuống đường, lại thêm các nhà lãnh đạo tôn giáo tới hỗ trợ!
Trong phái đoàn Phật Giáo đến thăm đồng bào biểu tình, không thấy Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ. Có lẽ vì trước khi xuất phát Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, viện trưởng Viện Hóa Ðạo, đã tính trước tất cả các tăng ni sẽ bị bắt giam hết; cho nên để Thượng Tọa Tuệ Sỹ ở lại bên ngoài còn lo công việc tiếp theo! Thầy Tuệ Sỹ là người đã bị chế độ Cộng Sản lên án tử hình, nhờ dư luận thế giới lên tiếng phản đối dữ cho nên mới thoát chết. Trong một bài viết cách đây ba bốn năm, Thầy Tuệ Sỹ vẫn còn nói thẳng thắn: đảng Cộng Sản vẫn chủ trương “triệt tiêu Phật Giáo Việt Nam.”
Trong bài “Văn minh tiểu phẩm,” Thầy Tuệ Sỹ nhắc lại những điều Trường Chinh đã viết trong Ðề Cương Văn Hóa từ năm 1945. Ông Trường Chinh viết rằng phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam thời đó chỉ là một sách lược ru ngủ nhân dân của thực dân Pháp. Với ý kiến đó của Trường Chinh, Thầy Tuệ Sỹ thấy “số phận của Phật Giáo Việt Nam đã được đưa ra trước tòa sơ thẩm của chủ nghĩa duy vật biện chứng.”
Những ai theo dõi lịch sử Phật Giáo Việt Nam đều biết rằng phong trào chấn hưng Phật Giáo nổi lên ở ba miền Bắc, Nam, Trung từ đầu thế kỷ 20 đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền Phật Giáo thống nhất sau này. Nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin coi tất cả các tôn giáo là “thuốc phiện” do giai cấp tư bản dùng để đầu độc nhân dân, cho nên tất nhiên người Cộng Sản muốn phá tất cả các tôn giáo. Ðặc biệt là ở Việt Nam, họ còn một lý do riêng để tìm cách tiêu diệt Phật Giáo dân tộc.
Thượng Tọa Tuệ Sỹ đã phân tích lý do đặc biệt đó trong bài kể trên. Bắt đầu từ ý kiến của Karl Marx bàn về Công Xã Paris, nói rằng trong cuộc cách mạng vô sản giai cấp công nhân phải liên kết với nông dân; sau khi cách mạng thành công thì nông dân là lực lượng bảo thủ, phản động, phải coi là kẻ thù. Cộng Sản Việt Nam đã học thuộc bài đó, đã liên kết và huy động giai cấp nông dân, một lý do vì ở Việt Nam thời đó số công nhân lao động vô sản thực sự còn quá nhỏ. Nhưng, theo Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Hồ Chí Minh đã chủ trương phải “thay đổi não trạng của nông dân Việt Nam” để giữ vững chính quyền vô sản ở miền Bắc và tiến hành chiến tranh ở miền Nam. Thay đổi não trạng nông dân là làm gì? Thượng Tọa Tuệ Sỹ viết, “Ðại bộ phận nông dân Việt Nam mang tín ngưỡng Phật Giáo.” Phật Giáo “đã trở thành một tập tính dân tộc không thể gột rửa dễ dàng bằng vài ba lý luận mập mờ của chủ nghĩa duy vật chống tôn giáo. Do đó, Phật Giáo là một trở lực đáng kể.”
Vì vậy, Thầy Tuệ Sỹ rút ra kết luận, đảng Cộng Sản “muốn chóng thành công trong bước đi lên của giai đoạn quá độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải tiêu diệt Phật Giáo.” Sau năm 1975, Cộng Sản đã “cưỡng bức tăng ni trẻ hoàn tục,” khiến cho nhiều vị tăng ni đã tự thiêu phản đối. Trước phong trào chống đối đó, Thầy Tuệ Sỹ nhận xét, ông Nguyễn Văn Linh đã phải thay đổi, đưa ra lời tuyên bố: “Phật Giáo là chỗ dựa cho người Cộng Sản Việt Nam làm cách mạng.” Ðó là làm theo chủ trương của Lênin, “Ðảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng.” Do đó, theo Thầy Tuệ Sỹ, từ năm 1982 đảng Cộng Sản đã cho xuất hiện “một tổ chức mệnh danh là giáo hội, mà thực chất là một tổ chức chính trị nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc do cán bộ Cộng Sản lãnh đạo.”
Những thủ đoạn chính trị hóa Phật Giáo của đảng Cộng Sản vẫn còn tiếp tục. Thầy Tuệ Sỹ liệt kê những cuộc hội thảo với chuyên đề như “Thiền Trúc Lâm với tư tưởng Hồ Chí Minh” (sic) hoặc “Thiền Trúc Lâm với chính sách đổi mới” của đảng Cộng Sản! Những cuộc hội thảo này do các cán bộ văn hóa tổ chức “để có việc làm”, không tăng sĩ nào tham dự, “không liên can gì đến Phật Giáo.” Mục đích của đảng Cộng Sản chỉ là để làm ra hình ảnh một thứ tư tưởng Hồ Chí Minh! Thầy Tuệ Sỹ kết luận, “Sự gán ghép đạo pháp vào chủ nghĩa xã hội chẳng khác nào buộc con chó nhà và chó sói vào cùng một sợi dây.”
Trên đây là những ý kiến thấy trong bài của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, người hiện là phó viện trưởng và tổng thư ký Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội với hình thức tổ chức pháp lý đã bắt đầu thành lập ở nước ta từ đầu thập niên 1950, và năm 1964 đã có một hiến chương được luật pháp công nhận. Cho tới nay, giáo hội vẫn bị đảng Cộng Sản cấm hoạt động.
Việc Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ xuất hiện trước đoàn người biểu tình trong tuần này cho thấy linh hồn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn còn tinh tấn. Mọi người phải tự hỏi phải chăng lực lượng công an Cộng Sản quá bận rộn trong việc theo dõi, kiểm soát và chuẩn bị đàn áp biểu tình cho nên họ đã “lơ là nhiệm vụ” để cho các vị hòa thượng và thượng tọa, từng người một có thể âm thầm đi tới nơi tụ họp biểu tình? Hay là chính trong đảng Cộng Sản cũng có khuynh hướng muốn để cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chuẩn bị phục hoạt trong thời gian sắp tới? Ðây có thể là một bước lùi của đảng Cộng Sản, sau khi thấy họ đã thất bại về mọi mặt.
Cộng Sản đã chịu nhận chủ nghĩa và chế độ của họ thất bại về mặt kinh tế, điều này đã hiển nhiên. Việc trả lại cho người dân nhiều quyền tự do kinh doanh, việc cho phép các đảng viên làm ăn theo lối tư bản, việc lập thị trường chứng khoán, xin giao thương với tư bản Mỹ, rồi xin gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, là những bước lùi chiến lược của đảng Cộng Sản Việt Nam về mặt kinh tế.
Trong 20 năm đổi mới, tới nay, để bảo vệ độc quyền chính trị, đảng Cộng Sản vẫn bám giữ lấy độc quyền văn hóa, tư tưởng. Nhưng chính các đảng viên Cộng Sản cũng có nhu cầu tâm linh như tất cả mọi người. Phong trào gọi hồn, tìm mộ, cho tới việc đi lễ đền, lễ phủ, tục đồng bóng, cho thấy khi thiếu một tín ngưỡng tâm linh thì các đảng viên Cộng Sản đi theo con đường mê tín. Ngay các lãnh tụ Cộng Sản đến lúc tuổi già cũng đi tìm tín ngưỡng truyền thống, chứ không nghĩ khi chết sẽ “đi theo các cụ Karl Marx và Lenin” như ông Hồ Chí Minh hồi xưa.
Nếu chính các đảng viên Cộng Sản cũng nhận thấy con người không thể sống hoàn toàn vật chất, thì việc phục hồi tín ngưỡng là điều bắt buộc. Chủ trương “triệt tiêu Phật Giáo” của đảng Cộng Sản, như Thượng Tọa Tuệ Sỹ nêu lên, đến lúc phải chính thức chấm dứt. Phật Giáo đã thắng Chủ Nghĩa Cộng Sản và chế độ cộng sản. Trong mấy năm qua, những người Cộng Sản cầm quyền đã phải chấp nhận sống chung với các tôn giáo. Họ chịu mở đường tìm cách giao thiệp với Tòa Thánh Vatican, họ cho phép các tăng sĩ Việt Nam ở trong nước và từ nước ngoài được về nước giảng Phật pháp. Bước sắp tới phải là trả tự do cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phục hồi sinh hoạt.
Nhưng, như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ nói với những đồng bào biểu tình ở Sài Gòn, việc phục hồi một giáo hội thôi chưa đủ. Phục hồi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chỉ có nghĩa là chính quyền công nhận quyền tự do lập hội của mọi người Việt Nam. Nếu không thể ép tất cả các Phật tử phải gia nhập Giáo Hội Phật Giáo mà nhà nước bảo trợ, trả tự do cho mọi người được gia nhập các giáo hội đã có, thì cũng phải công nhận quyền sinh hoạt tự do của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Giáo Hội Cao Ðài, cũng như các Giáo Hội Tin Lành ở nước ta.
Chỉ khi nào các quyền tự do lập hội, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận được tôn trọng và thi hành thì lúc đó những cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam mới thật sự đạt kết quả. Chúng ta có thể coi cuộc biểu tình chống tham nhũng ở Sài Gòn năm nay, do đồng bào tỉnh Tiền Giang khởi xướng, với sự xuất hiện của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, là mở đầu một phong trào vận động dân chủ mới ở nước ta.
Ngô Nhân Dụng
(@Người Việt)
Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2007
Cộng Sản thua, tôn giáo thắng
Cuối cùng, công an Cộng Sản đã bắt các đồng bào biểu tình chống tham nhũng bất công ở Sài Gòn. Ðọc những lá thư mô tả cảnh công an bày binh bố trận bắt người thì phải công nhận là công an ở nước ta làm việc đúng sách vở. Có công an chìm, công an nổi, và những thứ công an nửa nổi nửa chìm, ba chìm bảy nổi! Tất cả sẵn sàng: Ði đầu là súng bắn lựu đạn cay, tiếp đến là xe vòi rồng xịt nước, sau tới đoàn quân ôm súng dài súng ngắn lên đạn sẵn sàng, và lấp ló đằng xa là xe thiết giáp chuẩn bị lăn xích sắt! Chỉ thiếu pháo binh yểm trợ, tàu chiến chĩa nòng súng ứng chiến và máy bay dọa thả bom nữa là đủ cả thủy lục không quân đi dẹp một đám biểu tình đòi đất!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét