Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

VIỆT NAM : BÁO CHÍ, CỘNG ĐỒNG VÀ NGHỊ QUYẾT 36

Tự do Báo chí Không Có nghĩa Tự do Xúc phạm Đến Người khác

Hoa Thịnh Đốn.- “Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này. Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước. Xây dựng thư viện trên mạng Internet để phục vụ cho người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển và đơn giản hoá thủ tục đối với việc gửi sách báo, văn hoá phẩm ra ngoài phục vụ cộng đồng.”

Đó là điểm 6 của Chủ trương và Phương hướng công tác tuyên truyền của Nghị quyết 36-NQ/TW "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài" của đảng Cộng sản Việt Nam công bố ngày 26 tháng 3 năm 2004.

Nhưng hơn 3 năm qua, đảng CSVN đã không thực hiện được kế họach này tại hải ngoại, đặc biệt tại những quốc gia có đông người Việt Nam như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi và Gia Nã Đại. Mạng lưới truyền thông của người Việt tị nạn ở nước ngoài đã thành công chận đứng mọi kế họach tuyên truyền của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngọai giao và Mặt trận Tổ quốc.

Báo chí, truyền thông của người Việt tị nạn còn tiếp tay phổ biến rộng rãi các bài viết chống đảng của các Nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tôn giáo trong nước làm cho bộ máy tuyên truyền của đảng bị co cụm lại, không đủ sức phản bác.

Ở nước ngoài, nếu có ai mượn danh nghĩa “tự do báo chí” để tuyên truyền cho Nhà nước CSVN trong các Cộng đồng người Việt thì lập tức bị lên án vì hành động này xúc phạm đến lý do chạy trốn Cộng sản tìm tự do của người tị nạn.

Ngoài lĩnh vực truyền thông, đảng CSVN cũng hòan tòan thất bại trong kế họach “đỏ hóa” Cộng đồng người Việt tị nạn ở nước ngoài.

Đảng CSVN đã tự cho mình quyền “làm chủ” tất cả mọi người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài khi nói trong Nghị quyết 36: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.”

Nhưng người CSVN quên rằng tuy là người Việt cùng chung dòng máu, chung một tiếng nói và chung một Tổ Quốc nhưng họ có hai lập trường chính trị khác nhau: Người Việt Cộng sản hay thân Cộng và Người Việt không Cộng sản hay chống Cộng. Do đó, thành phần người Việt chống Cộng chẳng có trách nhiệm gì phải làm cái “nhân tố” để “góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.” Vì vậy mà trong các cuộc thăm viếng các nước có đông người Việt tị nạn cư ngụ, nhóm Lãnh đạo cầm quyền Nhà nước Việt Nam đã bị biểu tình chống đối và bị lên án đàn áp tự do, dân chủ và nhân quyền của đồng bào trong nước.

Những cuộc biểu tình của người Việt tị nạn chống Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ (19-23/6/2007) trên suốt 3 chặng dừng chân ở Nữu Ước, Hoa Thịnh Đốn và Orange County (Nam California) là một bằng chứng.

Vì vậy, đảng CSVN đã không được người Việt “không Cộng sản” hợp tác để giúp tăng cường hợp tác với các nước. Khi người Cộng sản kêu gọi “đoàn kết” là họ chỉ muốn “đoàn kết” với người của họ hay chịu thuần phục họ mà thôi.

Người Việt Nam nào chống Cộng sản và chính sách cai trị độc tài của họ thì bị họ gọi là những “phần tử phản động” hay các “thế lực thù địch” chống lại “nhân dân” và “tổ quốc”. Nhưng có ai chống Cộng là chống đồng bào mình và Tổ quốc mình đâu. Đất nước và Dân tộc không là đảng và nhà nước CSVN.

Chỉ có người Cộng sản Việt Nam mới nhập nhằng nói “yêu nước là yêu đảng” hay “yêu nước là yêu xã hội Chủ nghĩa” và tự cho mình quyền lãnh đạo tuyệt đối dù chưa bao giờ được dân ban cho, bằng lá phiếu hay qua trưng cầu ý kiến.

Do đó, tuyệt đại đa số người Việt Nam ở nước ngoài đã không tin vào lời cam kết của đảng ghi trong Nghị quyết 36 như sẽ : “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Thự tế, người Cộng sản chưa hề “xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp” đối với người Việt trong nước, nhất là đối với người Việt sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30-4-1975. Người dân và con cháu họ vẫn bị đối xử là công dân hạng hai trong xã hội trên mọi lĩnh vực, nhất là giáo dục và việc làm. Bi thảm nhất là hòan cảnh của những thương binh và những người bị tàn tật trong cuộc chiến thời Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã bị nhà nước hắt hủi, đẩy ra ngoài lề xã hội và bị từ chối mọi yêu cầu giúp đỡ y tế.

Nhà nước cũng đã dùng võ lực để đàn áp, bắt bỏ tù những người đấu tranh bất bạo động đòi công bằng, dân chủ, tự do, kể cả tự do tôn giáo tín ngưỡng và đòi quyền làm người được tôn trọng. Tấm hình Linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trước phiên tòa ngày 30-3- (2007) đã lột trần cho thế giới thấy Việt Nam có tự do hay không.

Ngay cả các cựu đảng viên dù đã có công với đảng CSVN, như Trung tướng Cộng sản hồi hưu Trần Độ, người đã quay lưng chống đảng vào cuối đời, đã bị Vũ Mão, đại diện đảng sỉ nhục trong lễ tang của ông là một bằng chứng. Tướng Trần Độ qua đời ngày 9-8-2002, hưởng thọ 78 tuổi.

Thậm chí cả những người lính Việt Nam Cộng hòa đã chết chôn tại các Nghĩa trang Quân đội cũng không tránh khỏi bị ngược đãi. Vong linh họ đã bị chà đạp không được nhang khói . Phần mộ nhiều người đã bị bỏ hoang từ sau 1975 và vô số nấm mộ đã bị lấp đất làm nhà “mất tích” !

Riêng Nghĩa trang lớn nhất tại Biên Hòa, mãi tới ngày 27-11- 2006, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, mới có Quyết định (Số: 1568/QĐ-TTg) chuyển quyền quản lý từ Quân khu 7, Bộ Quốc phòng sang Tỉnh Bình Dương, nhưng lại nói là để “sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội.”

Hành động “phóng thích những người đã chết” sau 31 năm của Nguyễn Tấn Dũng có giúp gì vào việc hàn gắn vết thương dân tộc, hay chỉ làm cho thân nhân người chết đắng cay chua xót thêm ?

HỨA CŨNG NHƯ KHÔNG
Đảng CSVN cũng đã không làm như hứa trong Nghị quyết 36 : “Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hoá, nghệ thuật của nước nhà.”

Hay :

“Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hoá nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài.”

Vì vậy mà người Việt ở nước ngoài, trong đó có trên 300 ngàn trí thức, chuyên viên đã không trở về giúp nước. Hà Nội thường khoe nhờ chính sách thông thoáng và chủ trương đòan kết dân tộc mà mỗi năm có trên 500 ngàn người Việt về thăm Quê hương, nhưng đã có mấy người về ở luôn để đóng góp khả năng xây dựng đất nước ?

Nhà nước CSVN cũng đã thất bại trong dự án : “Phát huy khả năng của người Việt Nam ở nước ngoài làm dịch vụ, thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, các quan hệ hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân nước ngoài.”

Tại sao vậy ? Vì đảng CSVN chưa chứng minh được sự thành thật của họ đối với người Việt ở nước ngoài. Họ vẫn chưa thật tâm muốn “Giải quyết có tình, có lý và trên cơ sở đạo lý Việt Nam các vấn đề nhân đạo do lịch sử để lại nhằm thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc” như Nghị quyết 36 minh định.

Ngược lại, nhà nước CSVN vẫn tiếp tục nuôi dưỡng hận thù với những người trước đây đứng khác chiến tuyến với họ. Họ hô hào “hòa hợp” nhưng chống “hòa gỉải”. Họ bằng lòng “hội nhập” với thế giới văn minh nhưng kiên quyết chống “hòa tan”. Họ “Đổi mới” nhưng nhất định không “đổi mầu”, để giữ nguyên màu Đỏ máu của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản của Hồ Chí Minh.

Vì vậy đã có nhiều trí thức, đảng viên cao cấp về hưu không còn cam tâm nhắm mắt trước những sai lầm tiếp tục chồng chất của đảng đã lên tiếng chống lại, đòi thay đổi, đòi dân chủ ,tự do và đòi trừng trị những kẻ lãnh đạo tham nhũng, bóc lột dân để mong cứu nước ra khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu thì lại bị đảng trù dập, trả thù, bôi bẩn.

Như vậy thành công và thất bại của Nghị quyết 36 sau hơn 3 năm thì hành đã rõ trắng, đen. Hình ảnh đen xám của Việt Nam trong bức tranh “đòan kết dân tộc” vẫn như khi chưa có Nghị quyết này.

Do đó, bất cứ hành động nào nhằm tô son điểm phấn cho chế độ CSVN, bất kể đến từ đâu và do ai, cũng chỉ nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ.

Thật đáng tiếc nếu việc làm sai lầm này lại do bàn tay của những người làm Báo, đã nhân danh quyền Tự do Báo chí, để hướng dẫn dư luận trong các Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. -/-

Phạm Trần
(08/07)

Không có nhận xét nào: