“… Thiếu hiểu biết, thiếu đầu óc nên gây ra một loạt điều “quá”: đơn giản quá, nôn nóng quá, vội vàng quá, chủ quan quá, hăng hái quá, tự tin quá, lạc quan quá…”
Từ gần 20 năm qua, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã có nhiều bài viết bàn về vấn đề dân chủ hóa và cải tổ chính trị. Vì những tư tưởng này, ông nhiều lần gặp khó dễ với chính quyền, sau khi di tù về vẫn bị thẩm vấn và một thời gian bị quản chế tại gia.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Lê Quỳnh, ông Hà Sĩ Phu cho biết những suy nghĩ mới nhất của mình về công cuộc dân chủ hóa xã hội, mà theo ông, dân trí là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Hà Sĩ Phu: Nếu tính từ bài Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ năm 1988 (gần 2 năm trước khi khối Liên xô và Đông Âu sụp đổ) thì đến nay đã gần tròn 20 năm. Về cơ bản tư tưởng của tôi không có gì thay đổi, trái lại tôi thấy ngày càng được thực tế chứng minh và được nhiều tác giả trong và ngoài nước đồng tình.
Tôi muốn xã hội thanh toán được điều ngộ nhận rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết khoa học nhưng bị người ta thực hiện sai. Thực chất của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ là một khát vọng đẹp đẽ nhưng ảo tưởng, phi khoa học, chống lại quy luật tự nhiên, như một cô gái đẹp nhưng ngớ ngẩn nên chỉ đáng để người ta lợi dụng. Sức lôi cuốn nhất thời của nó đã đem lại những sức mạnh tạm thời nhưng sau đó để lại những di họa nặng nề. Di hoạ về kinh tế thì có thể sửa, nhưng di hoạ về chính trị và văn hoá thì dai dẳng hơn nhiều. Ở các nước Cộng sản châu Á thì việc từ bỏ chủ nghĩa ấy rất khó khăn vì mảnh đất phong kiến lạc hậu mới tương xứng với chủ nghĩa Mác.
Những nhận xét và dự đoán của tôi về thái độ ứng xử của đảng Cộng sản và diễn biến sắp tới của xã hội, những nhận định về dân trí và tính cách dân tộc, về những nguỵ biện, về thái độ của Hoa Kỳ…cũng ngày càng được thực tế chứng minh.
Tuy vậy, cách diễn đạt của tôi lúc đầu còn đôi chút rụt rè, ngoại giao, càng về sau càng rõ rệt và dứt khoát hơn. Riêng ý nghĩ về lối thoát cho xã hội thì chỉ mấy năm gần đây mới hình thành rõ rệt.
BBC: Nội dung căn bản trong các bài viết của ông là về vấn đề dân chủ hóa. Từ đó đến nay, dân chủ, như cái sự mong muốn ấy, vẫn chưa thành hiện thực. Có thể lý giải vì sao?
Như trên tôi vừa nói, cái nhìn duy lý khiến cho tôi ngay từ đầu đã tiên liệu tất cả những khó khăn lâu dài. Cuộc giằng co về dân chủ ở Việt Nam nhùng nhằng lâu dài và sẽ không có người thắng kẻ bại một cách rành mạch. Những luận điểm căn bản lý giải về tình trạng này tôi đã bộc lộ trong 2 bức thư trao đổi với các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng năm 2000 (Chỉ vì 2 bức thư này mà tôi bị nhà nước Cộng sản khởi tố tội phản quốc!).
Ngay từ cái nhìn đầu tiên về cục diện đấu tranh dân chủ ấy tôi đã không chờ đợi một thắng lợi gần và to lớn nào, nên tôi không hề ngạc nhiên khi những hoạt động dân chủ bột phát năm 2006, và bị khựng lại trong năm 2007. Có thể suốt thời gian 7-8 năm qua nhiều người cho cái nhìn của tôi là bi quan, nhưng sau sự thật năm 2007 vừa rồi mới bắt đầu nghĩ lại, bắt đầu xét lại sự lạc quan tếu của mình.
BBC: Ông có thể cho biết rõ hơn những khó khăn lâu dài mà ông tiên liệu là gì?
Nhận định của tôi về đặc điểm cuộc đấu tranh dân chủ hoá ở Việt nam dựa trên sự phân tích khách quan về:
- đặc điểm của Đảng Cộng sản khi đã cầm quyền: đảng cộng sản khi đang đấu tranh với tư cách người bị trị, chống áp bức là một đảng cộng sản khác. Khi đã thành một đảng cầm quyền, tính cách của đảng cộng sản nó khác hẳn.
- đặc điểm của dân trí và tâm lý dân tộc: tôi coi dân trí mới là nền móng sâu xa của cách mạng xã hội, mà dân trí không thể ngày một ngày hai thay đổi được.
- đặc điểm của giai đoạn lịch sử đã qua và cục diện thế giới hiện nay.
Vừa dựa trên những đặc điểm ấy, vừa hiểu dân trí mới là cơ sở của mọi cách mạng xã hội nên tôi xem công cuộc dân chủ hóa không thể nhanh được. Một cuộc dân chủ hoá để đổi đời một dân tộc không thể là chuyện “tốc chiến tốc thắng” như đánh ngoại xâm được.
BBC: Nhiều người hỏi tại sao các nước Cộng sản Đông Âu có thể chuyển đổi nhanh chóng bằng những cuộc cách mạng màu, trong khi ở Việt Nam không thể?
Điểm khác trước tiên vẫn là Dân trí, trước khi bị Cộng sản hoá họ đã là những nước Tư bản trung bình hoặc khá ở châu Âu, đã có những cơ sở dân chủ nhất định.
Điểm thứ hai : Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, do Liên xô mà họ bị cưỡng bách vào con đường Cộng sản, còn Cộng sản Việt nam là do người Việt tự dựng ra và được hai cuộc chiến tranh giúp nó bắt rễ vào khá sâu.
Điểm thứ ba ta vẫn gọi là đặc điểm châu Á, hơn thế còn là “châu Á Việt nam” với truyền thống Phong kiến và Nho giáo nặng nề. Đảng CS Việt Nam khôn ngoan hơn các Đảng CS kia nhiều.
Điểm thứ tư là vị trí ở cạnh nước CS khổng lồ Trung Hoa là một ràng buộc không nhỏ.
Điểm cuối cùng: Ngay ở các nước Đông Âu, điển hình của sự hạ bệ chủ nghĩa Cộng sản một cách nhanh chóng và êm thấm , quá khứ Cộng sản vẫn tiếp tục gây phức tạp và nhức nhối. Tôi xin trích lời của tác giả Lê Diễn Đức viết trên trang Đàn Chim Việt nhân lễ tưởng nhớ các nạn nhân bị đàn áp chính trị dưới chế độ Stalin ngày 08/08/2007:
“Thế nhưng, vấn đề thanh toán quá khứ cộng sản không đơn giản, nếu không nói là vô cùng phức tạp. Không phải cứ có một chính phủ dân chủ là có thể trả thù và tận diệt cộng sản như những người chống Cộng và mang nặng hận thù (dù chính đáng) với cộng sản suy nghĩ một cách đơn giản và hô hào bạt mạng. Xoá bỏ chế độ cộng sản không đồng nghĩa với tận diệt những người cộng sản!”
-“Vấn đề thanh toán quá khứ cộng sản tại Nga và Đông Âu, đã sau 18 năm, vẫn chưa thể kết thúc và luôn là đề tài nhức nhối”
Phong trào phản kháng
BBC: Những khó khăn mà ông đã nói là những khó khăn khách quan, nhưng có những lý do về phía chủ quan những người đấu tranh cho dân chủ hay không?
Có chứ. Nếu những người hoạt động dân chủ mong muốn hoạt động của mình đạt đến kết quả thì phải thật sự bình tĩnh, nghiêm khắc và cầu thị để tìm cho ra những điều mình còn yếu kém hoặc sai lầm. Tự ái quá thì chẳng ai dám góp ý cho mình, tự ái là tự hại mình đấy.
Ta đều biết muốn làm nên sự nghiệp thì chủ quan con người cần cả 3 yếu tố NHÂN , TRÍ và DŨNG, nhưng có lẽ buổi đầu ta quá quan tâm đế cái DŨNG (để vượt qua nỗi sợ) cái NHÂN (để có tấm lòng vì sự nghiệp chung) mà không chú ý đến chữ TRÍ, trong khi đây mới là yếu tố quan trọng số 1 quyết định thành bại. Thiếu hiểu biết, thiếu đầu óc nên gây ra một loạt điều “quá”: đơn giản quá, nôn nóng quá, vội vàng quá, chủ quan quá, hăng hái quá , tự tin quá, lạc quan quá…
Quá tin vào những chân lý sơ đẳng, tổng quát, chung chung như lòng tin vào sự tất thắng của quy luật, của thời đại, của thế giới văn minh, của nhân dân, của chính nghĩa, của tấm lòng, của thế hệ trẻ , tin rằng chính trị sẽ phải biến đổi theo kinh tế…vân vân… và dùng nó làm hành trang để đi vào một trận “đấu quyền anh” thì sẽ thành thằng hề, hoặc thành vật hy sinh. Chân lý của cuộc sống, cuộc đấu tranh sinh tồn rắc rối hơn nhiều, cụ thể hơn nhiều, oái oăm hơn nhiều, cay nghiệt hơn nhiều, đầy những ngoại lệ.
Muốn thắng phải “tri bỉ tri kỷ” , tự coi mình là thánh tướng và khinh địch như kẻ ngu dốt, như kẻ sắp chết là điều kỵ nhất trong binh thư. Có thể tuyên truyền, nhưng bị chính những điều mình tuyên truyền quay lại đánh lừa mình, ru ngủ mình thì thật khôi hài.
BBC: Nếu chính quyền trong nước nghe ông nói như vậy, có thể sẽ vỗ tay vì thấy phe bên kia “yếu kém” quá. Trong khi các nhóm gọi là đấu tranh dân chủ có thể nghĩ ông đang đề cao đối phương. Ông trả lời thế nào?
Vâng, ý anh rất hay, sự ngoắt ngoéo là chỗ đó. Hai bức thư tôi viết trao đổi với ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng chính là nằm trong tinh thần như thế. Trong thư, tôi cho rằng nếu không cẩn thận, sự cai trị của mấy ông cộng sản còn lâu dài lắm. Đấy, hai lá thư ấy có thể xem là có “ích lợi” cho Đảng, dội gáo nước lạnh vào phong trào dân chủ. Nhưng xin thưa rằng vì hai lá thư đó mà tôi bị Đảng ghép tội phản quốc, may mà có sự đấu tranh từ bên ngòai giúp đỡ. Điều đó chứng tỏ sự phân tích ấy đúng với thực tiễn và bị đảng xem là nguy hiểm vì nó nhìn vào thực tế, nguy hiểm cho người lãnh đạo hơn là những cái nhìn dễ dãi, lạc quan tếu.
Vì duy lý nên về lý luận-nhận thức tôi thường rất triệt để, nhưng trở về thực tiễn bao giờ cũng phức tạp hơn nhiều nên không thể cực đoan, không nên quá đà, quá đà sẽ phải lùi lại, là điều cần tránh.
Tôi đã khuyến cáo điều trên trong một số bài viết với bút danh “Người quan sát” và một số thư riêng gửi cụ Hoàng Minh Chính khi cụ đi Hoa kỳ chữa bệnh. Điều này thật vô cùng tế nhị vì làm sao dọn cái mặt bàn mà không làm đổ bình hoa, trong đó có những bông hoa rất đẹp và trong trắng. Nhưng chính vì nâng niu bình hoa đẹp mà phải dọn cái mặt bàn, không thì uổng. Tự phê phán, rút kinh nghiệm không thể đồng nghĩa với việc hạ thấp những kết quả, hạ thấp những tấm gương đáng quý.
Trong một bài viết của mình, nhà báo Đoàn Giao Thuỷ có nhắc đến ý kiến của tôi về 3 điều quá đà làm mất tỷ lệ cân bằng hợp lý:
- quá sống với thế giới ảo Internet mà đánh giá sai hiện thực đời sống.
- quá dựa vào và chờ đón sự động viên, hỗ trợ của quốc tế và bè bạn bên ngoài mà làm mất tính chủ động sàng lọc và tự lực, tự chủ của mình ở trong nước.
- quá ỷ vào sức mạnh của niềm tin tôn giáo mà quên rằng ở Việt Nam đời sống thế tục vẫn là chính yếu, quên điều này hoặc muốn làm khác đi là thất bại.
Hiện nay đáng mừng là đã có nhiều bài nhận xét về phong trào dân chủ, là đề tài trước đây thường phải né tránh vì nói khác đi là bị “nện” ngay.
BBC: Quanh phong trào, hay những nỗ lực, đứng ngòai và đối lập đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, theo ông có thể phân chia thành mấy lực lượng?
Tôi chỉ dám nói về tình hình ở trong nước. Nhận diện cụ thể từng nhân vật, từng xu hướng là việc không đơn giản vì không dễ gì có đủ thông tin để biết rõ ngọn nguồn. Tuy vậy biểu kiến thì ở trong nước đại thể có thể phân thành ba xu hướng : xu hướng đối lập chính thức, xu hướng cải cách ôn hoà và xu hướng uyển chuyển trung gian.
Xu hướng đối lập chính thức thường có tổ chức chính thức, có tuyên ngôn, có người đứng đầu và có mối liên hệ mật thiết với bên ngoài. (Trong đối lập chính thức lại chia thành những cường độ khác nhau). Xu hướng cải cách ôn hoà coi trọng tính hợp pháp và tính hướng nội. Xu hướng uyển chuyển thì không tự định hình gì cả, có điểm gần nhóm cải cách, có điểm lại gần nhóm đối lập. Cả ba xu hướng này đều có thể có anh “Cuội” xen vào.
BBC: Và ông thuộc xu hướng nào?
Tôi chỉ đóng vai “Người quan sát” như đã xưng danh trong một số bức thư và bài viết.
BBC: Trong một bài nói chuyện, ông Lê Hồng Hà có nhấn mạnh tính chất “Tự vỡ” của chính thể Cộng sản. Quan điểm này thuộc xu hướng nào, ông có chia sẻ với quan điểm này không?
Nói “Tự vỡ” cũng giống như nói “Bị quy luật đào thải”, “Bị Thời đại đào thải”. Tôi hoàn toàn đồng ý, vì năm 1995, trong bài Chia tay Ý thức hệ tôi cũng đã viết : “Một hệ tư tưởng như thế, trong thế giới Văn minh Tin học chẳng cần ai đánh cũng tự tan rã”.
Nhận định ấy là cơ sở của xu hướng Cải cách ôn hoà. Nhưng khi nhấn mạnh tính quy luật mà quên vai trò tích cực của con người thì chính là không hiểu quy luật. Về xã hội, quy luật chỉ có nghĩa khi thông qua hoạt động của chính con người. Nói “Tự vỡ” có nghĩa là do tính quy luật mà nhất định sẽ có những hoàn cảnh, những điều kiện, những sự phân hoá, những con người, những lực lượng đứng lên phá vỡ nó, chứ sự “Tự vỡ” có phải từ trên trời rơi xuống được đâu?
BBC: Vẫn nói về những người bất đồng chính kiến, thì giữa các nhóm có sự liên kết, hợp tác hay không? Một nhận xét thường gặp là phong trào phản kháng ở Việt Nam không có thủ lĩnh lãnh đạo, bị phân tán. Ông có đồng ý hay không?
Thực tế đúng với nhận xét ấy. Ai cũng biết nếu thống nhất được trong một tổ chức thì sẽ rất mạnh, nhưng điều ấy chỉ có được trong những điều kiện lịch sử nhất định mà nay không có. Hiện nay quá nhiều người rập rình muốn thành thủ lĩnh nhưng điều ấy không phải tự muốn hoặc tự công kênh nhau lên mà được.
Tuy vậy, đối với công cuộc vận động dân chủ thì đa nguyên, đa chiều, đa xu hướng cũng là điều bình thường, chẳng những bình thường mà còn cần thiết. Phong trào dân chủ cần rất nhiều binh chủng, cần hợp đồng chứ không cần hợp nhất. Trong một vài trường hợp gắn liền lại với nhau còn là sai lầm, sai sách, gây khó cho nhau. (Ví dụ lúc đầu không nên chính trị hóa sự đấu tranh của dân oan đòi dân sinh). Một nhóm trong nước với điều kiện còn phải hết sức giữ gìn sao có thể công khai hợp nhất với một nhóm bên ngoài hoàn toàn tự do, muốn nói gì thì nói?
Sự liên kết quá sớm, quá vội vã cũng không tốt, nhưng điều đáng lo hơn là lo cho sự phân ly: làm sao không vì những khác biệt nhỏ như xuất xứ, hoàn cảnh, cách làm… mà làm hại đến mục tiêu lớn là dân chủ hóa và phát triển đất nước. Đối với người Việt điều này khó lắm chứ không phải dễ, có thể nói đây là điểm yếu nhất của người Việt mình, trí đoản nên không nén được tiểu khí, hiếu thắng và khó bao dung. Tấm gương ủng hộ nhau trong khác biệt của cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đáng để ta cùng nhau soi mình hàng ngày.
Một điều nữa là quy luật chính trị nhiều khi rất oan nghiệt, thắng lợi chưa chắc đã thuộc về người có tư tưởng đúng, cũng chưa chắc thuộc về người có tham vọng to, cũng không chắc đã ở người có tấm lòng cao cả, mà sẽ thuộc về ai hành xử đúng quy luật, tổ chức được lực lượng, vận động được quần chúng, và trụ vững được trong thực tế để kéo được mọi nguồn sức mạnh về phía mình. Nếu những người chân chính phạm sai lầm thì thắng lợi rất có thể về tay một kẻ cơ hội.
Viễn cảnh
BBC: Ông đánh giá cao cụ Phan Châu Trinh. Ở trong nước gần đây cũng rộ lên xu hướng đánh giá rất cao nhân vật này. Theo ông, những tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh có ích gì cho vấn đề dân chủ hóa hiện nay?
Nhân vật Phan Châu Trinh đương nhiên là một anh hùng dân tộc, mọi người đều chỉ ngợi khen. Nhưng đi vào phân tích thì sự khen ấy cũng khác nhau lắm. Lâu nay người ta thường hay so sánh ba nhân vật cùng thời: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh. Tâm lý dân tộc mình khi bị áp bức thì muốn dùng bạo lực để giải quyết. Mà cụ Phan Châu Trinh không chủ trương bạo lực, nên thường người ta ít nói tới cụ, chỉ bảo công lao cụ là đề cao dân trí, duy tân, vân vân. Chứ tư tưởng dân chủ của cụ ít được nói tới.
Gần đây trong nước, các tổ chức của đảng cộng sản cũng đề cao Phan Châu Trinh nhưng theo góc cạnh thế này: coi cụ là người yêu nước, nhưng rất tiếc cụ đã gặp được cụ Hồ thế mà không đi theo, vì thế rất tiếc là đứng “thấp hơn” cụ Hồ.
Tôi và nhiều người thì xem cụ Phan Châu Trinh cao hơn các cụ khác một bậc. Cụ nhìn thấy gốc rễ vấn đề dân chủ là nhân quyền, là dân trí chứ không phải là chuyện giành chính quyền. Nếu không nâng được mấy cái kia thì giành chính quyền trong một lúc cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Theo tôi, Phan Châu Trinh là nhà dân chủ đầu tiên và con đường mà cụ khởi xướng rất thích hợp cho giai đọan hiện nay.
BBC: Tức là phải chăng đầu tiên cần xây dựng một “xã hội công dân” trước khi có những thay đổi sâu rộng hơn về chính trị?
Đúng thế. Phải thay đổi cái nền trước, còn thay đổi chính trị là cái sau cùng.
BBC: Nhưng lấy ví dụ các vụ “ngồi lỳ” của những người dân khiếu kiện thời gian vừa qua. Những người ấy có thể dân trí không cao lắm, nhưng họ cảm thấy có bất công với họ. Và chẳng biết khi nào cái xã hội công dân kia mới ra đời, trong khi những điều khiến họ bất bình thì đang hiển hiện trước mặt.
Tất nhiên phải có nền dân chủ tốt thì những mâu thuẫn xã hội mới được giải quyết triệt để. Nhưng để đòi cái đó thì còn lâu lắm. Theo tôi lúc đầu chưa nên trang bị nhận thức chính trị hay ngọn cờ dân chủ cho họ ngay. Nếu chỉ là đấu tranh vì dân sinh, thì các vị chính quyền không thể đàn áp được. Nhưng nếu lồng chính trị vào, đó là làm mồi cho chính quyền đàn áp. Ít nhất trong thời gian đầu, theo tôi, không nên chính trị hóa các cuộc đấu tranh dân sinh ấy.
BBC: Ông nghĩ gì về viễn cảnh dân chủ hóa ở Việt Nam trong tương lai. Dân chủ ở Việt Nam sẽ đi theo xu hướng, mô hình nào?
Trước hết, việc dân chủ hoá ở Việt Nam cũng không ra khỏi quy luật chung ở Việt Nam. Do bản tính thực dụng và khả năng thích nghi, khả năng nhạy cảm, khả năng đồng hoá , khả năng lợi dụng, khả năng chế biến, khả năng nguỵ biện, khả năng luồn lách, khả năng sinh tồn rất cao nên tất cả những quy luật chung của thế giới, mọi thành tựu hiện đại của thế giới nhất định sẽ vào Việt Nam, nhưng cũng nhất định sẽ bị Việt Nam hoá.
Điều ấy không chống quy luật mà là một dạng cụ thể của quy luật. Nó là một thứ hợp chất không có tên định sẵn, nên anh bảo tôi gọi tên cho nó thì tôi đành chịu. Nếu nghĩ rằng khi hoà nhập vào thế giới văn minh thì thế giới họ không để cho nhập nhằng như thế nữa thì chỉ đúng một phần, Việt Nam đều có cách: vẫn theo đấy mà vẫn không theo. Người cầm quyền cũng thế mà dân cũng thế. Kiểu đó hơi giống kiểu Tàu nhưng khôn vặt hơn và tài tình hơn.
BBC: Nếu đúng như vậy thì thật đáng bi quan quá chăng?
Đặc điểm ấy có thể làm ta khó chịu nhưng không có gì phải tuyệt vọng. Nếu biết nương theo quy luật ấy, ta vẫn có thể đưa vào trong cái “ hợp chất không tên” ấy những phẩm chất mới, phẩm chất tốt với liều lượng thích hợp. Nếu những yếu tố tốt tạo được áp lực thì vẫn làm cho cái tổng thể tốt lên một phần nào đó, trái lại, nếu người tiên tiến mà lại thoái chí thì kết quả sẽ xấu hơn rất nhiều và rất có thể có đột biến xấu.
Tôi nghĩ phải kiên trì nhích từng bước, không “ăn tham” được, không ngại khó được, không liều mạng làm ào một trận mà xong được đâu.
Trong một bức thư lấy tên “Người quan sát” tôi ví đây như trận đấu quyền anh chỉ có thắng thua bằng tính điểm chứ không thế có cú “knock out” nào hết và không có trận cuối cùng. Khi đã không có gì rành mạch thì giả thiết có một biến cố gì lớn xảy ra cũng sẽ bị vô hiệu hóa để trở về cái ổn định rất đậm đà bản sắc dân tộc thôi.
Trên tinh thần ấy nhiều anh em chúng tôi tìm đến con đường Xã hội Dân chủ Phan Châu Trinh, đó là một yếu tố mở (chứ không phải một định hướng khép kín), có lẽ dễ đưa vào trong khối “hợp chất không tên” này nhất, và tạo tiền đề tiếp tục đi xa hơn.
Hà Sĩ Phu
Nguồn: BBC, Tiếng Việt, ngày 22/8/2007
Từ gần 20 năm qua, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã có nhiều bài viết bàn về vấn đề dân chủ hóa và cải tổ chính trị. Vì những tư tưởng này, ông nhiều lần gặp khó dễ với chính quyền, sau khi di tù về vẫn bị thẩm vấn và một thời gian bị quản chế tại gia.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Lê Quỳnh, ông Hà Sĩ Phu cho biết những suy nghĩ mới nhất của mình về công cuộc dân chủ hóa xã hội, mà theo ông, dân trí là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Hà Sĩ Phu: Nếu tính từ bài Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ năm 1988 (gần 2 năm trước khi khối Liên xô và Đông Âu sụp đổ) thì đến nay đã gần tròn 20 năm. Về cơ bản tư tưởng của tôi không có gì thay đổi, trái lại tôi thấy ngày càng được thực tế chứng minh và được nhiều tác giả trong và ngoài nước đồng tình.
Tôi muốn xã hội thanh toán được điều ngộ nhận rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết khoa học nhưng bị người ta thực hiện sai. Thực chất của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ là một khát vọng đẹp đẽ nhưng ảo tưởng, phi khoa học, chống lại quy luật tự nhiên, như một cô gái đẹp nhưng ngớ ngẩn nên chỉ đáng để người ta lợi dụng. Sức lôi cuốn nhất thời của nó đã đem lại những sức mạnh tạm thời nhưng sau đó để lại những di họa nặng nề. Di hoạ về kinh tế thì có thể sửa, nhưng di hoạ về chính trị và văn hoá thì dai dẳng hơn nhiều. Ở các nước Cộng sản châu Á thì việc từ bỏ chủ nghĩa ấy rất khó khăn vì mảnh đất phong kiến lạc hậu mới tương xứng với chủ nghĩa Mác.
Những nhận xét và dự đoán của tôi về thái độ ứng xử của đảng Cộng sản và diễn biến sắp tới của xã hội, những nhận định về dân trí và tính cách dân tộc, về những nguỵ biện, về thái độ của Hoa Kỳ…cũng ngày càng được thực tế chứng minh.
Tuy vậy, cách diễn đạt của tôi lúc đầu còn đôi chút rụt rè, ngoại giao, càng về sau càng rõ rệt và dứt khoát hơn. Riêng ý nghĩ về lối thoát cho xã hội thì chỉ mấy năm gần đây mới hình thành rõ rệt.
BBC: Nội dung căn bản trong các bài viết của ông là về vấn đề dân chủ hóa. Từ đó đến nay, dân chủ, như cái sự mong muốn ấy, vẫn chưa thành hiện thực. Có thể lý giải vì sao?
Như trên tôi vừa nói, cái nhìn duy lý khiến cho tôi ngay từ đầu đã tiên liệu tất cả những khó khăn lâu dài. Cuộc giằng co về dân chủ ở Việt Nam nhùng nhằng lâu dài và sẽ không có người thắng kẻ bại một cách rành mạch. Những luận điểm căn bản lý giải về tình trạng này tôi đã bộc lộ trong 2 bức thư trao đổi với các ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng năm 2000 (Chỉ vì 2 bức thư này mà tôi bị nhà nước Cộng sản khởi tố tội phản quốc!).
Ngay từ cái nhìn đầu tiên về cục diện đấu tranh dân chủ ấy tôi đã không chờ đợi một thắng lợi gần và to lớn nào, nên tôi không hề ngạc nhiên khi những hoạt động dân chủ bột phát năm 2006, và bị khựng lại trong năm 2007. Có thể suốt thời gian 7-8 năm qua nhiều người cho cái nhìn của tôi là bi quan, nhưng sau sự thật năm 2007 vừa rồi mới bắt đầu nghĩ lại, bắt đầu xét lại sự lạc quan tếu của mình.
BBC: Ông có thể cho biết rõ hơn những khó khăn lâu dài mà ông tiên liệu là gì?
Nhận định của tôi về đặc điểm cuộc đấu tranh dân chủ hoá ở Việt nam dựa trên sự phân tích khách quan về:
- đặc điểm của Đảng Cộng sản khi đã cầm quyền: đảng cộng sản khi đang đấu tranh với tư cách người bị trị, chống áp bức là một đảng cộng sản khác. Khi đã thành một đảng cầm quyền, tính cách của đảng cộng sản nó khác hẳn.
- đặc điểm của dân trí và tâm lý dân tộc: tôi coi dân trí mới là nền móng sâu xa của cách mạng xã hội, mà dân trí không thể ngày một ngày hai thay đổi được.
- đặc điểm của giai đoạn lịch sử đã qua và cục diện thế giới hiện nay.
Vừa dựa trên những đặc điểm ấy, vừa hiểu dân trí mới là cơ sở của mọi cách mạng xã hội nên tôi xem công cuộc dân chủ hóa không thể nhanh được. Một cuộc dân chủ hoá để đổi đời một dân tộc không thể là chuyện “tốc chiến tốc thắng” như đánh ngoại xâm được.
BBC: Nhiều người hỏi tại sao các nước Cộng sản Đông Âu có thể chuyển đổi nhanh chóng bằng những cuộc cách mạng màu, trong khi ở Việt Nam không thể?
Điểm khác trước tiên vẫn là Dân trí, trước khi bị Cộng sản hoá họ đã là những nước Tư bản trung bình hoặc khá ở châu Âu, đã có những cơ sở dân chủ nhất định.
Điểm thứ hai : Sau chiến tranh thế giới thứ Hai, do Liên xô mà họ bị cưỡng bách vào con đường Cộng sản, còn Cộng sản Việt nam là do người Việt tự dựng ra và được hai cuộc chiến tranh giúp nó bắt rễ vào khá sâu.
Điểm thứ ba ta vẫn gọi là đặc điểm châu Á, hơn thế còn là “châu Á Việt nam” với truyền thống Phong kiến và Nho giáo nặng nề. Đảng CS Việt Nam khôn ngoan hơn các Đảng CS kia nhiều.
Điểm thứ tư là vị trí ở cạnh nước CS khổng lồ Trung Hoa là một ràng buộc không nhỏ.
Điểm cuối cùng: Ngay ở các nước Đông Âu, điển hình của sự hạ bệ chủ nghĩa Cộng sản một cách nhanh chóng và êm thấm , quá khứ Cộng sản vẫn tiếp tục gây phức tạp và nhức nhối. Tôi xin trích lời của tác giả Lê Diễn Đức viết trên trang Đàn Chim Việt nhân lễ tưởng nhớ các nạn nhân bị đàn áp chính trị dưới chế độ Stalin ngày 08/08/2007:
“Thế nhưng, vấn đề thanh toán quá khứ cộng sản không đơn giản, nếu không nói là vô cùng phức tạp. Không phải cứ có một chính phủ dân chủ là có thể trả thù và tận diệt cộng sản như những người chống Cộng và mang nặng hận thù (dù chính đáng) với cộng sản suy nghĩ một cách đơn giản và hô hào bạt mạng. Xoá bỏ chế độ cộng sản không đồng nghĩa với tận diệt những người cộng sản!”
-“Vấn đề thanh toán quá khứ cộng sản tại Nga và Đông Âu, đã sau 18 năm, vẫn chưa thể kết thúc và luôn là đề tài nhức nhối”
Phong trào phản kháng
BBC: Những khó khăn mà ông đã nói là những khó khăn khách quan, nhưng có những lý do về phía chủ quan những người đấu tranh cho dân chủ hay không?
Có chứ. Nếu những người hoạt động dân chủ mong muốn hoạt động của mình đạt đến kết quả thì phải thật sự bình tĩnh, nghiêm khắc và cầu thị để tìm cho ra những điều mình còn yếu kém hoặc sai lầm. Tự ái quá thì chẳng ai dám góp ý cho mình, tự ái là tự hại mình đấy.
Ta đều biết muốn làm nên sự nghiệp thì chủ quan con người cần cả 3 yếu tố NHÂN , TRÍ và DŨNG, nhưng có lẽ buổi đầu ta quá quan tâm đế cái DŨNG (để vượt qua nỗi sợ) cái NHÂN (để có tấm lòng vì sự nghiệp chung) mà không chú ý đến chữ TRÍ, trong khi đây mới là yếu tố quan trọng số 1 quyết định thành bại. Thiếu hiểu biết, thiếu đầu óc nên gây ra một loạt điều “quá”: đơn giản quá, nôn nóng quá, vội vàng quá, chủ quan quá, hăng hái quá , tự tin quá, lạc quan quá…
Quá tin vào những chân lý sơ đẳng, tổng quát, chung chung như lòng tin vào sự tất thắng của quy luật, của thời đại, của thế giới văn minh, của nhân dân, của chính nghĩa, của tấm lòng, của thế hệ trẻ , tin rằng chính trị sẽ phải biến đổi theo kinh tế…vân vân… và dùng nó làm hành trang để đi vào một trận “đấu quyền anh” thì sẽ thành thằng hề, hoặc thành vật hy sinh. Chân lý của cuộc sống, cuộc đấu tranh sinh tồn rắc rối hơn nhiều, cụ thể hơn nhiều, oái oăm hơn nhiều, cay nghiệt hơn nhiều, đầy những ngoại lệ.
Muốn thắng phải “tri bỉ tri kỷ” , tự coi mình là thánh tướng và khinh địch như kẻ ngu dốt, như kẻ sắp chết là điều kỵ nhất trong binh thư. Có thể tuyên truyền, nhưng bị chính những điều mình tuyên truyền quay lại đánh lừa mình, ru ngủ mình thì thật khôi hài.
BBC: Nếu chính quyền trong nước nghe ông nói như vậy, có thể sẽ vỗ tay vì thấy phe bên kia “yếu kém” quá. Trong khi các nhóm gọi là đấu tranh dân chủ có thể nghĩ ông đang đề cao đối phương. Ông trả lời thế nào?
Vâng, ý anh rất hay, sự ngoắt ngoéo là chỗ đó. Hai bức thư tôi viết trao đổi với ông Đỗ Mạnh Tri và Nguyễn Gia Kiểng chính là nằm trong tinh thần như thế. Trong thư, tôi cho rằng nếu không cẩn thận, sự cai trị của mấy ông cộng sản còn lâu dài lắm. Đấy, hai lá thư ấy có thể xem là có “ích lợi” cho Đảng, dội gáo nước lạnh vào phong trào dân chủ. Nhưng xin thưa rằng vì hai lá thư đó mà tôi bị Đảng ghép tội phản quốc, may mà có sự đấu tranh từ bên ngòai giúp đỡ. Điều đó chứng tỏ sự phân tích ấy đúng với thực tiễn và bị đảng xem là nguy hiểm vì nó nhìn vào thực tế, nguy hiểm cho người lãnh đạo hơn là những cái nhìn dễ dãi, lạc quan tếu.
Vì duy lý nên về lý luận-nhận thức tôi thường rất triệt để, nhưng trở về thực tiễn bao giờ cũng phức tạp hơn nhiều nên không thể cực đoan, không nên quá đà, quá đà sẽ phải lùi lại, là điều cần tránh.
Tôi đã khuyến cáo điều trên trong một số bài viết với bút danh “Người quan sát” và một số thư riêng gửi cụ Hoàng Minh Chính khi cụ đi Hoa kỳ chữa bệnh. Điều này thật vô cùng tế nhị vì làm sao dọn cái mặt bàn mà không làm đổ bình hoa, trong đó có những bông hoa rất đẹp và trong trắng. Nhưng chính vì nâng niu bình hoa đẹp mà phải dọn cái mặt bàn, không thì uổng. Tự phê phán, rút kinh nghiệm không thể đồng nghĩa với việc hạ thấp những kết quả, hạ thấp những tấm gương đáng quý.
Trong một bài viết của mình, nhà báo Đoàn Giao Thuỷ có nhắc đến ý kiến của tôi về 3 điều quá đà làm mất tỷ lệ cân bằng hợp lý:
- quá sống với thế giới ảo Internet mà đánh giá sai hiện thực đời sống.
- quá dựa vào và chờ đón sự động viên, hỗ trợ của quốc tế và bè bạn bên ngoài mà làm mất tính chủ động sàng lọc và tự lực, tự chủ của mình ở trong nước.
- quá ỷ vào sức mạnh của niềm tin tôn giáo mà quên rằng ở Việt Nam đời sống thế tục vẫn là chính yếu, quên điều này hoặc muốn làm khác đi là thất bại.
Hiện nay đáng mừng là đã có nhiều bài nhận xét về phong trào dân chủ, là đề tài trước đây thường phải né tránh vì nói khác đi là bị “nện” ngay.
BBC: Quanh phong trào, hay những nỗ lực, đứng ngòai và đối lập đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, theo ông có thể phân chia thành mấy lực lượng?
Tôi chỉ dám nói về tình hình ở trong nước. Nhận diện cụ thể từng nhân vật, từng xu hướng là việc không đơn giản vì không dễ gì có đủ thông tin để biết rõ ngọn nguồn. Tuy vậy biểu kiến thì ở trong nước đại thể có thể phân thành ba xu hướng : xu hướng đối lập chính thức, xu hướng cải cách ôn hoà và xu hướng uyển chuyển trung gian.
Xu hướng đối lập chính thức thường có tổ chức chính thức, có tuyên ngôn, có người đứng đầu và có mối liên hệ mật thiết với bên ngoài. (Trong đối lập chính thức lại chia thành những cường độ khác nhau). Xu hướng cải cách ôn hoà coi trọng tính hợp pháp và tính hướng nội. Xu hướng uyển chuyển thì không tự định hình gì cả, có điểm gần nhóm cải cách, có điểm lại gần nhóm đối lập. Cả ba xu hướng này đều có thể có anh “Cuội” xen vào.
BBC: Và ông thuộc xu hướng nào?
Tôi chỉ đóng vai “Người quan sát” như đã xưng danh trong một số bức thư và bài viết.
BBC: Trong một bài nói chuyện, ông Lê Hồng Hà có nhấn mạnh tính chất “Tự vỡ” của chính thể Cộng sản. Quan điểm này thuộc xu hướng nào, ông có chia sẻ với quan điểm này không?
Nói “Tự vỡ” cũng giống như nói “Bị quy luật đào thải”, “Bị Thời đại đào thải”. Tôi hoàn toàn đồng ý, vì năm 1995, trong bài Chia tay Ý thức hệ tôi cũng đã viết : “Một hệ tư tưởng như thế, trong thế giới Văn minh Tin học chẳng cần ai đánh cũng tự tan rã”.
Nhận định ấy là cơ sở của xu hướng Cải cách ôn hoà. Nhưng khi nhấn mạnh tính quy luật mà quên vai trò tích cực của con người thì chính là không hiểu quy luật. Về xã hội, quy luật chỉ có nghĩa khi thông qua hoạt động của chính con người. Nói “Tự vỡ” có nghĩa là do tính quy luật mà nhất định sẽ có những hoàn cảnh, những điều kiện, những sự phân hoá, những con người, những lực lượng đứng lên phá vỡ nó, chứ sự “Tự vỡ” có phải từ trên trời rơi xuống được đâu?
BBC: Vẫn nói về những người bất đồng chính kiến, thì giữa các nhóm có sự liên kết, hợp tác hay không? Một nhận xét thường gặp là phong trào phản kháng ở Việt Nam không có thủ lĩnh lãnh đạo, bị phân tán. Ông có đồng ý hay không?
Thực tế đúng với nhận xét ấy. Ai cũng biết nếu thống nhất được trong một tổ chức thì sẽ rất mạnh, nhưng điều ấy chỉ có được trong những điều kiện lịch sử nhất định mà nay không có. Hiện nay quá nhiều người rập rình muốn thành thủ lĩnh nhưng điều ấy không phải tự muốn hoặc tự công kênh nhau lên mà được.
Tuy vậy, đối với công cuộc vận động dân chủ thì đa nguyên, đa chiều, đa xu hướng cũng là điều bình thường, chẳng những bình thường mà còn cần thiết. Phong trào dân chủ cần rất nhiều binh chủng, cần hợp đồng chứ không cần hợp nhất. Trong một vài trường hợp gắn liền lại với nhau còn là sai lầm, sai sách, gây khó cho nhau. (Ví dụ lúc đầu không nên chính trị hóa sự đấu tranh của dân oan đòi dân sinh). Một nhóm trong nước với điều kiện còn phải hết sức giữ gìn sao có thể công khai hợp nhất với một nhóm bên ngoài hoàn toàn tự do, muốn nói gì thì nói?
Sự liên kết quá sớm, quá vội vã cũng không tốt, nhưng điều đáng lo hơn là lo cho sự phân ly: làm sao không vì những khác biệt nhỏ như xuất xứ, hoàn cảnh, cách làm… mà làm hại đến mục tiêu lớn là dân chủ hóa và phát triển đất nước. Đối với người Việt điều này khó lắm chứ không phải dễ, có thể nói đây là điểm yếu nhất của người Việt mình, trí đoản nên không nén được tiểu khí, hiếu thắng và khó bao dung. Tấm gương ủng hộ nhau trong khác biệt của cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đáng để ta cùng nhau soi mình hàng ngày.
Một điều nữa là quy luật chính trị nhiều khi rất oan nghiệt, thắng lợi chưa chắc đã thuộc về người có tư tưởng đúng, cũng chưa chắc thuộc về người có tham vọng to, cũng không chắc đã ở người có tấm lòng cao cả, mà sẽ thuộc về ai hành xử đúng quy luật, tổ chức được lực lượng, vận động được quần chúng, và trụ vững được trong thực tế để kéo được mọi nguồn sức mạnh về phía mình. Nếu những người chân chính phạm sai lầm thì thắng lợi rất có thể về tay một kẻ cơ hội.
Viễn cảnh
BBC: Ông đánh giá cao cụ Phan Châu Trinh. Ở trong nước gần đây cũng rộ lên xu hướng đánh giá rất cao nhân vật này. Theo ông, những tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh có ích gì cho vấn đề dân chủ hóa hiện nay?
Nhân vật Phan Châu Trinh đương nhiên là một anh hùng dân tộc, mọi người đều chỉ ngợi khen. Nhưng đi vào phân tích thì sự khen ấy cũng khác nhau lắm. Lâu nay người ta thường hay so sánh ba nhân vật cùng thời: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh. Tâm lý dân tộc mình khi bị áp bức thì muốn dùng bạo lực để giải quyết. Mà cụ Phan Châu Trinh không chủ trương bạo lực, nên thường người ta ít nói tới cụ, chỉ bảo công lao cụ là đề cao dân trí, duy tân, vân vân. Chứ tư tưởng dân chủ của cụ ít được nói tới.
Gần đây trong nước, các tổ chức của đảng cộng sản cũng đề cao Phan Châu Trinh nhưng theo góc cạnh thế này: coi cụ là người yêu nước, nhưng rất tiếc cụ đã gặp được cụ Hồ thế mà không đi theo, vì thế rất tiếc là đứng “thấp hơn” cụ Hồ.
Tôi và nhiều người thì xem cụ Phan Châu Trinh cao hơn các cụ khác một bậc. Cụ nhìn thấy gốc rễ vấn đề dân chủ là nhân quyền, là dân trí chứ không phải là chuyện giành chính quyền. Nếu không nâng được mấy cái kia thì giành chính quyền trong một lúc cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Theo tôi, Phan Châu Trinh là nhà dân chủ đầu tiên và con đường mà cụ khởi xướng rất thích hợp cho giai đọan hiện nay.
BBC: Tức là phải chăng đầu tiên cần xây dựng một “xã hội công dân” trước khi có những thay đổi sâu rộng hơn về chính trị?
Đúng thế. Phải thay đổi cái nền trước, còn thay đổi chính trị là cái sau cùng.
BBC: Nhưng lấy ví dụ các vụ “ngồi lỳ” của những người dân khiếu kiện thời gian vừa qua. Những người ấy có thể dân trí không cao lắm, nhưng họ cảm thấy có bất công với họ. Và chẳng biết khi nào cái xã hội công dân kia mới ra đời, trong khi những điều khiến họ bất bình thì đang hiển hiện trước mặt.
Tất nhiên phải có nền dân chủ tốt thì những mâu thuẫn xã hội mới được giải quyết triệt để. Nhưng để đòi cái đó thì còn lâu lắm. Theo tôi lúc đầu chưa nên trang bị nhận thức chính trị hay ngọn cờ dân chủ cho họ ngay. Nếu chỉ là đấu tranh vì dân sinh, thì các vị chính quyền không thể đàn áp được. Nhưng nếu lồng chính trị vào, đó là làm mồi cho chính quyền đàn áp. Ít nhất trong thời gian đầu, theo tôi, không nên chính trị hóa các cuộc đấu tranh dân sinh ấy.
BBC: Ông nghĩ gì về viễn cảnh dân chủ hóa ở Việt Nam trong tương lai. Dân chủ ở Việt Nam sẽ đi theo xu hướng, mô hình nào?
Trước hết, việc dân chủ hoá ở Việt Nam cũng không ra khỏi quy luật chung ở Việt Nam. Do bản tính thực dụng và khả năng thích nghi, khả năng nhạy cảm, khả năng đồng hoá , khả năng lợi dụng, khả năng chế biến, khả năng nguỵ biện, khả năng luồn lách, khả năng sinh tồn rất cao nên tất cả những quy luật chung của thế giới, mọi thành tựu hiện đại của thế giới nhất định sẽ vào Việt Nam, nhưng cũng nhất định sẽ bị Việt Nam hoá.
Điều ấy không chống quy luật mà là một dạng cụ thể của quy luật. Nó là một thứ hợp chất không có tên định sẵn, nên anh bảo tôi gọi tên cho nó thì tôi đành chịu. Nếu nghĩ rằng khi hoà nhập vào thế giới văn minh thì thế giới họ không để cho nhập nhằng như thế nữa thì chỉ đúng một phần, Việt Nam đều có cách: vẫn theo đấy mà vẫn không theo. Người cầm quyền cũng thế mà dân cũng thế. Kiểu đó hơi giống kiểu Tàu nhưng khôn vặt hơn và tài tình hơn.
BBC: Nếu đúng như vậy thì thật đáng bi quan quá chăng?
Đặc điểm ấy có thể làm ta khó chịu nhưng không có gì phải tuyệt vọng. Nếu biết nương theo quy luật ấy, ta vẫn có thể đưa vào trong cái “ hợp chất không tên” ấy những phẩm chất mới, phẩm chất tốt với liều lượng thích hợp. Nếu những yếu tố tốt tạo được áp lực thì vẫn làm cho cái tổng thể tốt lên một phần nào đó, trái lại, nếu người tiên tiến mà lại thoái chí thì kết quả sẽ xấu hơn rất nhiều và rất có thể có đột biến xấu.
Tôi nghĩ phải kiên trì nhích từng bước, không “ăn tham” được, không ngại khó được, không liều mạng làm ào một trận mà xong được đâu.
Trong một bức thư lấy tên “Người quan sát” tôi ví đây như trận đấu quyền anh chỉ có thắng thua bằng tính điểm chứ không thế có cú “knock out” nào hết và không có trận cuối cùng. Khi đã không có gì rành mạch thì giả thiết có một biến cố gì lớn xảy ra cũng sẽ bị vô hiệu hóa để trở về cái ổn định rất đậm đà bản sắc dân tộc thôi.
Trên tinh thần ấy nhiều anh em chúng tôi tìm đến con đường Xã hội Dân chủ Phan Châu Trinh, đó là một yếu tố mở (chứ không phải một định hướng khép kín), có lẽ dễ đưa vào trong khối “hợp chất không tên” này nhất, và tạo tiền đề tiếp tục đi xa hơn.
Hà Sĩ Phu
Nguồn: BBC, Tiếng Việt, ngày 22/8/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét