Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2007

Việt Nam hãy đi trước Trung quốc

Nguyễn Đại Việt
Viết cho BBC từ San Jose

Lê Thị Công Nhân và thế hệ của cô chỉ có một khát vọng là biến đất nước trở thành một cường quốc.

Đất rộng dân đông không phải là một điều kiện cần và đủ để biến thành một cường quốc kinh tế hoặc trở nên bất khả xâm phạm.

Trung quốc đã từng bị mất nước hai lần, tổng cộng gần 400 năm.

Khoảng cuối thế kỷ thứ 13, vào thời nhà Tống, Hoa lục [1] bị Mông cổ chiếm đóng gần một thế kỷ. Năm 1644, nhà Minh bị người Mãn Châu tiêu diệt và cai trị trong 268 năm.

Đến đầu thế kỷ 20, quốc gia này lại bị Nhật Bản xâm chiếm và đánh bại.

Các nước tấn công đều nhỏ hơn nhiều so với Trung quốc. Họ chiến thắng là vì quân đội tinh nhuệ và hiện đại hơn.

Đặc biệt, các đạo quân của Mông cổ và Nhật Bản đều được trang bị một vũ khí quan trọng, đó là tư tưởng "chinh phục".

Sau thế chiến thứ II, Nhật Bản đưa tư tưởng ấy vào lãnh vực kỹ thuật để phát triển đất nước theo mô hình kinh tế thị trường tự do. Trong 14 năm, từ 1960 đến 1973, người Nhật đã hoàn tất một nền tảng kinh tế vững chắc, và không đầy 7 năm sau đó, họ đã trở thành một siêu cường về kinh tế [2]. Trong khi ấy, hiện tại Trung quốc chỉ là một nước đang phát triển.

Lãnh thổ Việt Nam nhỏ hơn và dân số ít hơn Trung quốc nhưng không có nghĩa là cần phải nghèo và lạc hậu hơn. Việt Nam vẫn có cơ hội và tiềm năng để trở thành một cường quốc kinh tế trước Hoa lục. Nhưng liệu rằng Việt Nam có dám mang tư tưởng đi trước nước láng giềng này không?

Cuộc hành trình tiến đến vị trí cường quốc kinh tế của Trung quốc đầy trắc trở và nhiều mâu thuẫn vì ba nhược điểm lớn. Thứ nhất là vì kiên trì đeo đuổi mô hình "kinh tế thị trường định hướng Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH)", thứ hai là gánh nặng về dân số, và thứ ba là bị thế giới tự do xem là một hiểm họa đối với nền an ninh chung của nhân loại.

Việt Nam không thể lẽo đẽo đi sau trên con đường dẫn đến vực thẳm ấy. Vì quyền lợi của quốc gia và trật tự của toàn vùng Đông Nam Á, Việt Nam bắt buộc phải đi trước Hoa lục và đi theo lộ trình riêng của mình.

Những nghịch lý của "kinh tế thị trường định hướng CNXH" đang hoành hành và đang tạo ra những trở lực, kềm hãm tiềm năng phát triển một cách lành mạnh của nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sự nguy hiểm của mô thức "kinh tế thị trường định hướng CNXH" không phải chỉ dừng lại trong lãnh vực kinh tế mà nó còn di hại đến nhiều thế hệ tương lai vì những bất công và khoảng cách qúa lớn trong xã hội đang làm thui chột tinh thần trách nhiệm của người dân, đồng thời phá vỡ nền tảng đạo đức và luân lý Khổng Mạnh lâu đời mà dân Trung quốc luôn hãnh diện.

''Đơn giản và rẻ tiền''

Những thành qủa của nền kinh tế Trung quốc trong hai thập niên qua không phải là một ngạc nhiên, mà nó chỉ là một sự tăng trưởng tự nhiên. Bởi lẽ, nền kinh tế ấy đã không có cơ hội nào để ngóc đầu dậy trong suốt thời gian xây dựng XHCN.

Kể từ lúc "đổi mới" đến nay, từ 1979, GDP của quốc gia này đã gia tăng hằng năm từ 9% đến 11% và được xếp hạng tư trên thế giới trong năm 2006 với 2.700 tỷ US dollars, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Nhật và Đức.

Tuy nhiên, tính theo GDP per capita và chỉ số HDI [3] thì Trung quốc vẫn còn là một nước nghèo, lạc hậu, và thua xa Nam Hàn, một tiểu quốc về lãnh thổ và dân số nếu so với Hoa lục, nhưng lại là một cường quốc kinh tế và được xếp trong bảng các quốc gia đã phát triển.

Cho đến nay, vốn liếng duy nhất Trung quốc dùng để đầu tư vào nền kinh tế định hướng CNXH chỉ là sức lao động của 1 tỷ 3 người.

Sở dĩ GDP tăng vọt là do năng xuất lao động của người dân thay đổi khi nền kinh tế chuyên chính vô sản bị phế bỏ. Sự kết hợp ngẫu nhiên của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2000 và việc Hoa lục gia nhập WTO một năm sau đó đã mang lại một cơ hội thuận lợi cho quốc gia này.

Trong bối cảnh ấy, các công ty Tây phương nhận thấy lực lượng lao động của Hoa lục có thể giúp họ đạt được mục tiêu cắt giảm gía thành của một số sản phẩm low-tech. Kỹ nghệ gia công của Trung quốc đã thực sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ lúc ấy, và ngày càng có nhiều công ty ngoại quốc đổ xô vào để khai thác nguồn lao động rẻ mạt kia.

Trung quốc gia công cho thế giới từ những món đồ chơi trẻ em cho đến đôi giày chiếc dép, từ áo quần đến cho đến cái đinh con ốc, cộng thêm một số mặt hàng điện tử đơn giản và thiết bị rẻ tiền khác. Hầu như Trung quốc độc quyền về ngành sản xuất đồ chơi. Họ có hơn 10.000 hảng xưỡng và chiếm 75% thị trường thế giới [4]. Một trong những khuyết điểm của nền kinh tế này là khi nào họ nắm được thị trường, thì đó cũng là lúc mà phẩm chất của sản phẩm sắp bắt đầu có vấn đề.

Vấn nạn tham nhũng

Trong khi các cường quốc dùng sản phẩm trí tuệ [5] để phát triển kinh tế thì Trung quốc chỉ dựa vào sức lao động tay chân để gia tăng GDP. Do đó, kinh tế của Hoa lục tuy có tăng trưởng nhưng không thể xem đó là dấu hiệu của sự phát triển so với kinh nghiệm của một số quốc gia đã phát triển.

Ngoài chỉ số HDI và GDP per capita, số lượng sản phẩm trí tuệ hoặc bằng sáng chế cũng được xem như là thước đo dùng đánh gía sự phát triển kinh tế của một nước. Ba khu vực chiếm hơn 90% số lượng bằng phát minh của thế giới là Hoa Kỳ, Âu châu, và Nhật Bản.

Mặc dù có sự gia tăng về số lượng trong những năm gần đây, nhưng phẩm chất của các bằng sáng chế ở Hoa lục vẫn còn rất thấp so với các cường quốc [6]. Theo thống kê năm 2004, cứ mỗi triệu người Nam Hàn thì có khoảng 2.200 đơn xin cấp bằng phát minh so với 51 đơn của Trung quốc [7]. Nam Hàn hiện đang nắm giữ vị trí số một trên thế giới về kỹ thuật đóng tàu và dẫn đầu thế giới về chế tạo và sản xuất DRAM [8].

Một công ty thường xuyên có nhiều sáng kiến và phát minh thì sẽ khó bị cạnh tranh và tạo được thế đứng vững vàng trên thị trường. Một nước càng có nhiều công ty như vậy thì nền tảng kinh tế càng vững bền và tiềm lực phát triển kinh tế của quốc gia ngày càng gia tăng.

Để thúc đẩy việc sáng chế, quyền lợi của người hoặc công ty sở hữu cần được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Bảo vệ quyền phát minh là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh về phẩm chất và giá thành của sản phẩm mà không phải dựa vào "quan hệ". Hơn nữa, cạnh tranh lành mạnh là một trong những điều kiện cần, nhưng chưa đủ, trong tiến trình chuyển mình để trở thành một cường quốc kinh tế.

Trong một môi trường mà "quan hệ" được dùng làm tiên đề cho mọi giao dịch, và uy lực của nó lại có khả năng mang lại lợi nhuận một cách mau chóng thì sản phẩm trí tuệ chắc chắn sẽ không còn môi trường để phát triển.

Nói một cách khác, "quan hệ" đã vô tình giết chết mọi mầm mống sáng tạo. Đó là mâu thuẫn của Hoa lục trong nổ lực để trở thành một cường quốc kinh tế. Không có sản phẩm trí tuệ thì dù lãnh thổ rộng lớn xếp hàng thứ ba và dân số đông nhất thế giới, Trung quốc chỉ có thể làm gia công và mãi mãi nằm trong danh sách các nước đang phát triển.

Đối với Trung quốc, tham nhũng không phải là vấn nạn mà là một điều kiện cần để trị quốc. Nói một cách dễ hiểu hơn, tham nhũng là nguồn nhiên liệu dùng duy trì sự hoạt động của guồng máy quốc gia. Ví dụ, nếu tất cả các hành vi tham nhũng không xảy ra trong một khoảnh khắc nào đó, thì cũng chính trong khoảnh khắc ấy, mọi hoạt động trong xã hội đều bị tê liệt.

Hơn nữa, nếu bất kỳ một cơ chế nào trong guồng máy quốc gia (và xã hội) không thể chạy bằng loại nhiên liệu đó, thì nó cần phải được thay thế, để sự vận hành của guồng máy không bị gián đoạn. Cho dù bộ phận bị thay thế là ông thủ tướng [9] hoặc một chuyên viên mới được đào tạo từ một trường danh tiếng của Tây phương. Trong nền kinh tế định hướng CNXH, nạn tham nhũng không bao giờ giảm bớt hoặc bị tiêu diệt mà nó chỉ biến dạng.

''Phép lạ Đài Loan''

Năm 1949, bị đánh bại ở lục địa, trên đường rút quân ra đảo Đài Loan, Trung hoa Quốc Dân Đảng (Kuomintang) đã mang theo đoàn quân những thành phần trí thức và thương gia xuất sắc nhất lúc bấy giờ [10].

Vì vậy, dù lực lượng chỉ còn khoảng 2 triệu người cộng với 4 triệu dân bản xứ, nhưng nhờ vào những tinh hoa ấy, Tưởng Giới Thạch đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho hòn đảo có diện tích 35.980 cây số vuông và cách bờ biển Đông Nam của Hoa lục chỉ hơn 100 hải lý. Thế giới gọi sự phát triển kinh tế của hòn đảo nhỏ này là một "phép lạ Đài Loan" [11].

Ngược lại, ở lục địa, suốt từ năm 1966 đến 1976, Mao Trạch Đông đã tiêu diệt nguyên cả một thế hệ năng động và sáng tạo qua cuộc cách mạng văn hóa khiến sự phát triển của lục địa bị khựng lại và tạo ra một lổ hổng lớn về sự thiếu hụt nhân tài.

Lỗ hổng này vẫn còn ảnh hưởng đến Trung quốc về nhiều phương diện mãi cho đến ngày hôm nay. Trong khi đó, vì lẫn lộn giữa Đảng và quốc gia, nhầm lẫn giữa Đảng và nhân dân, nên các thế hệ XHCN khó nhìn ra và tiếp nhận những cái tốt đẹp và văn minh của thế giới tự do khi chủ nghĩa CS bị đào thải và lên án.

Chưa nói đến sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật, đa số đều thiếu sáng tạo, thiếu trung thực, và sợ trách nhiệm. Vì những khuyết điểm ấy nên phần đông đã không hội nhập được với phong cách làm việc khoa học của Tây phương. Do vậy, dù là một quốc gia có dân số đông nhất thế giới nhưng hiện nay số lượng chuyên viên của Trung quốc vẫn khan hiếm.

Trong một cuộc nghiên cứu vào năm 2005 của viện McKinsey Global [12], họ đã phỏng vấn 83 nhà chuyên môn ngoại quốc về nghành thuê mướn nhân sự (human resource) ở Trung quốc. Lần thăm dò này cho biết, trong tổng số những ứng viên có bằng cấp thì chỉ có ít hơn 10% là đạt tiêu chuẩn để làm việc cho các công ty ngoại quốc.

Họ là những kỹ sư thông minh và làm việc siêng năng nhưng hầu như đa số đều không có khả năng giải quyết vấn đề (problem solving skill) và không có khã năng suy nghĩ những điều mới lạ (thinking outside the box).

Hiện tại, Hoa lục có khoảng 1.600.000 kỹ sư, nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Thế nhưng, khi so sánh phẩm chất và năng xuất của kỹ sư Trung quốc với kỹ sư của các cường quốc thì con số 1.600.000 kia chỉ còn lại 160.000, ít hơn cả số lượng kỹ sư của Nam Hàn, một quốc gia với dân số chỉ bằng 1/26 của Trung quốc.

Mặt khác, tuy có hơn 1 tỷ 3 dân, nhưng trong số ấy có khoảng 800 triệu người đang sống ở các vùng nông thôn [13] và có mức thu nhập bình quân khoảng hơn 1 đô la mỗi ngày [14]. Trong khi ấy, chỉ hơn một thập niên trở lại đây, Trung quốc đã sản xuất trên 300.000 triệu phú [15] và khoảng 650.000 người bị nhiễm HIV/AIDS [16].

Bên cạnh đó, sự bất ổn trong đời sống người dân ngày càng gia tăng do những bất công trong xã hội mang lại . Riêng trong năm 2003 có khoảng 58.000 vụ biểu tình và xung đột giữa người dân với chính quyền địa phương. Con số này lên đến 87.000 vụ trong năm 2005 .Về giáo dục, trong lứa tuổi từ 15 trở lên, có đến 74% dân nông thôn và khoảng 41% dân thành thị hoặc bị mù chữ hoặc chưa học hết bậc tiểu học [17]

Cường quốc kinh tế

Hoa Kỳ là nước phát minh ra kỹ thuật IC vào năm 1958. Từ đó đến nay, hàng năm các cường quốc kinh tế đã đầu tư nhiều tỷ đô la và chất xám trong việc nghiên cứu, phát triển, và ứng dụng IC vào nhiều lãnh vực khác nhau như điện toán, truyền thông, sản xuất, giao thông, và cả Internet.

Một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, mọi sinh hoạt hàng ngày của con người trong thế kỷ 21 đều có sự hiện diện của kỹ thuật này. Điện thoại di động là một ví dụ điển hình.

Thành công rực rỡ trong kỹ nghệ gia công, Trung quốc có tham vọng đi vào kỹ nghệ hi-tech và họ đang nhắm vào thị trường IC. Về lãnh vực này, tính đến cuối năm 2004, Hoa lục có khoảng 50 nhà máy sản xuất "wafers", 102 xưởng lắp ráp và đóng bao bì
(IC packaging), cùng với 457 trung tâm thiết kế (design house).

Trong đó ngành đóng bao bì chiếm phần lớn tổng số doanh thu của kỹ nghệ IC ở Hoa lục. Mặc dù được sự góp sức của một số chuyên viên Trung quốc từ hải ngoại, nhưng tất cả các thiết bị và kỹ thuật đều do các công ty ngoại quốc cung cấp và hướng dẫn. Dẫu vậy, cho đến nay, nghành IC của Hoa lục cũng chỉ có khả năng sử dụng kỹ thuật (CMOS process) thuộc các thế hệ cũ [18].

Trung quốc chỉ mới thực sự bước vào lãnh vực này từ năm 2000 và hoàn toàn không có khả năng đuổi kịp các cường quốc về kỹ thuật IC nếu không được sự hỗ trợ tích cực của họ. Việc chia sẻ kỹ thuật hiện đại của các nước tự do với Trung quốc là điều khó xảy ra, cho dù việc trao đổi đi kèm với những lợi nhuận khổng lồ.

Thứ nhất là vì lý do cạnh tranh, nên các cường quốc không thể san xẻ với Hoa lục tất cả kinh nghiệm về IC. Có chăng là các kỹ thuật lỗi thời dùng để gia công một số sản phẩm rẻ tiền. Thứ hai, là vì thế đối nghịch của Trung quốc đối với thế giới tự do. Các cường quốc vẫn xem Hoa lục là mối hiểm họa cho nền an ninh của thế giới, nên họ kiểm soát nghiêm ngặt và giới hạn việc cung cấp kỹ thuật hi-tech cho Trung quốc. Chính sách này không những chỉ áp dụng riêng cho nghành IC, mà còn có hiệu lực đối với một số sản phẩm hoặc các kỹ nghệ chiến lược khác. Do vậy, Trung quốc sẽ không thể nhảy vọt từ một nước gia công để trở thành một nước kỹ nghệ tiên tiến trong một thời gian ngắn và trong hoàn cảnh chính trị hiện tại như họ mong muốn.

Vượt qua Trung quốc?

Biên giới trên lục địa của Trung quốc đi ngang qua 14 quốc gia láng giềng [19]. Tất cả đều được gọi là những nước đang phát triển, nghĩa là những nước nghèo và đời sống người dân còn thấp kém.

Tuy là láng giềng, nhưng quan hệ giữa các lân quốc và Trung quốc không mấy tốt đẹp. Các quốc gia này xem Hoa lục là một hiểm họa hơn là một đồng minh, vì Trung quốc chưa bao giờ tỏ ra có thiện ý đối với các nước chung quanh, lại càng không muốn nhìn thấy họ vươn lên, cho dù sự vươn lên ấy sẽ mang lại thịnh vượng và ổn định lâu dài cho toàn vùng.

Một phần tư chiều dài lịch sử của nước Việt cũng mang đầy sẹo và thương tích vì những kinh nghiệm không mấy vui với quốc gia có dân số đông hơn mình 15 lần.

Ngay trong hiện tại, tuy là bạn đồng hành duy nhất của nhau trên lộ trình "socialist reform", nhưng cả hai đều ngầm hiểu rằng, mọi hợp tác chỉ có tính cách giai đoạn, che đậy những chuổi hiềm khích và bất đồng ngấm ngầm kéo dài từ qúa khứ đến hiện tại. Đã yếu lại không có đồng minh, nên Việt Nam thường phải chấp nhận nhiều thiệt thòi trong mọi đàm phán về kinh tế lẫn chính trị với Hoa lục. Để hóa giải những áp lực này, Việt Nam cần phải nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế.

Việt Nam cần nghiên cứu và sử dụng vốn liếng và sản phẩm trí tuệ chung của nhân loại. Mô hình kinh tế thị trường tự do đã thành công trong việc biến nhiều nước trở thành các quốc gia đã phát triển và một số siêu cường trên thế giới. Trong số này có các nước trong vùng như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, và Hồng Kông.

Mô hình kinh tế này vốn đã trải qua một qúa trình dài thử thách lẫn thực nghiệm, đồng thời được mài dũa liên tục bởi sự tiến hóa của con người. Điều này hàm ý rằng, một cách gián tiếp, dân tộc Việt Nam cũng đã đóng góp xương máu cho sự tiến hóa và phát triển của mô thức đó.

Ba nhược điểm lớn của Trung quốc chính là cơ hội để Việt Nam vươn lên và trở thành một cường quốc kinh tế trước quốc gia này. Đây là cơ hội đầu tiên và có thể là duy nhất để vượt qua nước láng giềng kể từ khi lập quốc đến nay. Thế nhưng, người Việt cần phải hiểu rằng, sự vươn lên ấy hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và lựa chọn của họ.

Để thoát khỏi thân phận nhược tiểu kéo dài suốt mấy ngàn năm, Việt Nam phải trang bị cho các thế hệ hiện tại và tương lai về tinh thần trách nhiệm lẫn tư tưởng chinh phục, đây là điều kiện cần và đủ để thay đổi và biến một xứ sở đang phát triển thành một cường quốc kinh tế.

Để mọi người cùng nhau bước vào một vận hội mới, mở ra một tương lai sáng lạn và rực rỡ cho dân tộc, Việt Nam hãy mạnh dạn chấm dứt cuộc thí nghiệm mô hình "kinh tế thị trường định hướng CNXH", tạo một môi trường lành mạnh và thích hợp cho tinh thần trách nhiệm được hồi sinh, biến tư tưởng chinh phục trở thành một nếp văn hóa dân tộc, tất cả những hành động và thay đổi ấy là dấu hiệu khẳng định Việt Nam đang đi trước Trung quốc.


References

[1] Trung Hoa lục địa, tên gọi Trung quốc dưới thời VNCH, gọi tắt là Hoa lục.
[2] Khactu, Dominique N., “Japan Since 1945: The Rise of an Economic Superpower.”, Jan, 1997, Southern Economic Journal.
[3] GDP per capita: Lợi tức mỗi đầu người.
The Human Development Index (HDI): chỉ số phát triển con người.
[4] Chris Buckley, “The patent pitfalls on China's road of clones”, June 2005, International Herald Tribune.
[5] Intellectual Property (IP).
[6] “IPR development in national plan”, Jan. 2007, China Daily.
[7] Mark LaPedus “Updated: Elpida, Hynix shine in DRAM rankings”, Feb. 2007, EETimes. DRAM: Dynamic Random Access Memory - bộ nhớ, dùng trong computer, một ứng dụng của kỹ thuật IC.
[8] Hannah Clark, “China's Patent Power”, Oct. 2006, Forbes.

[9] Elaine Wan, “Rooting Out Corruption In China”, April 1999, The Tech Online Edition. Zhu Rongji, Thủ tướng Trung quốc: “Để tiêu diệt tham nhũng, tôi cần chuẩn bị 10 cỗ quan tài. Chín cái giành cho những kẻ tham nhũng và cái còn lại có thể là của tôi.”
[10], [11] Source: Wikipedia.
[12] McKinsey Global Institute.
[13] US-China Business Council, “China’s Economy”, April 2006.
Năm 2005, lợi tức trung bình ở vùng nông thôn là 406.31 US đô la/năm
[14] Báo cáo 2005 của The National Bureau of Statistics tường thuật bởi
ChinaToday:Trung quốc hiện có khoảng 800 triệu người sống ở vùng nông thôn.
[15] Douglas Wong “Singapore's Millionaires Increase at Fastest Pace in World.”, June 2005, Bloomberg, Singapore.
[16] Office of the State Council Working Committee on AIDS “Progress on Implementing Ungass Declaration of Commitment in China 2005”, Dec. 2005, China.
[17] Maria Manuela Nevada DaCosta and Jianjun Ji, “Rural-Urban Economic Disparities Among China Elderly”, Aug. 2004, University of Wisconsin-Eau Claire.
[18] Zhu Zhongyu, “China’s IC Industry, The Status Quo and Future”,
2005, China Semicondcutor Association, presented at Stanford University.
[19] Afghanistan, Bhutan, India, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Laos, Mongolia, Myanmar, Nepal, North Korea, Pakistan, Russia, Tajikistan, and Vietnam.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2007/08/070822_nguyen_dai_viet_view.shtml

Không có nhận xét nào: