“… đối với quốc tế, có vẻ là nhà nước CSVN đang trở thành dân oan để ra LHQ xin khiếu kiện vì bị cướp mất Trường Sa …”
Trung Quốc lấn át Biển Đông từ 1949
Tất nhiên là bực bội chứ. Chuyện hải quân Trung Quốc bắn giết dân mình thì ai mà không bực bội. Tuy nhiên, không phải dân mình ai cũng biết những chuyện đau lòng này, vì hơn 600 báo đài nhà nước không được phép nói tới. Cho nên, sóng gió Biển Đông trở thành chuyện trong nước hầu hết không ai bận tâm, vì hầu hết không biết tới. Kể cả thành phần gọi là sinh viên, những người tương lai sẽ nắm vận mệnh đất nước VN, cũng bị nhà nước Hà Nội bịt miệng, bịt tai về các vấn đề biển đông.
Nhưng về phía Trung Quốc thì sao? Nếu bạn theo dõi các cuộc thảo luận trên các mạng của tuổi trẻ Trung Quốc, bạn sẽ kinh ngạc khi thấy rằng chính phủ CSTQ đang làm cho họ tin rằng phần nhiều Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Và có vẻ như Bắc Kinh đang chuẩn bị cho các thế hệ tương lai của Trung Quốc sẽ làm chủ thực sự vùng Biển Đông. Và đối với quốc tế, có vẻ là nhà nước CSVN đang trở thành dân oan để ra LHQ xin khiếu kiện vì bị cướp mất Trường Sa.
Bản tin Đài BBC ngày 20-7-2007 đã trình bày vấn đề theo hướng những người VN quan tâm, khi ghi nhận tình hình tàu hải quân Trung Quốc hôm 9/7/2007 đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách TP Sài Gòn 350km. Các nguồn tin quân sự cho hay một thuyền của Việt Nam đã chìm trong vụ tấn công nay. Một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương. BBC sau đó phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, và được Giáo Sư trả lời:
"Các sĩ quan hải quân Việt Nam nói các tàu của Trung Quốc đã có hành động gây hấn một thời gian nay… Đây rõ ràng là biến cố thứ hai trong vòng ba tháng vừa qua. Nó cho thấy các tàu của Trung Quốc ngày càng hoạt động mạnh hơn đẩy thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trở về. Tôi không nghĩ rằng đây là chiến lược mới của Trung Quốc, thế nhưng những quan chức quân sự của Việt Nam mà tôi có dịp nói chuyện cho biết từ năm ngoái đến năm nay, mỗi khi có tàu đánh cá hay tàu hải quân của Việt Nam vào khu vực tranh chấp thì họ sẽ phải đương đầu với sự đe dọa của Trung Quốc…"
Có một điều ai cũng biết rằng bất kỳ sự xáo trộn nào trong vùng này đều sẽ dễ dàng làm các nhà đầu tư bỏ chạy. Và chuyện này đã xảy ra với hãng dầu BP. Giáo Sư Thayer nói với BBC:
"…Chính phủ VN thì bây giờ đang rất muốn tập đoàn dầu lửa Anh Quốc tiếp tục triển khai công việc thăm dò, thế nhưng việc Trung Quốc phản đối khiến cho BP đã phải ngừng dự án…"
Tất nhiên là hầu hết những người Việt Nam biết chuyện đều bực bội. Bạn dễ dàng đọc những lời phẫn nộ đó ở rất nhiều trang web Việt ngữ trên thế giới. Điều này dễ hiểu, vì người Việt mình tự nhiên phải bênh vực chủ quyền các đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Nhưng thấy rõ là Trung Quốc không nhượng bộ tí nào cho VN ở vùng Biển Đông. Bản tin trên tờ Energy Tribune ngày 23-7-2007, tựa đề "Exploring the Troubled Waters of the Spratly Islands" (Thăm Dò Vùng Biển Sóng Gió của Đảo Trường Sa) được nhà phân tích Lee Geng ghi như sau, với ngôn ngữ có vẻ như bênh vực Bắc Kinh:
"…PetroChina, công ty hàng đầu Trung Quốc, đã trì hoãn khảo sát dữ kiện địa chấn ở vũng cạn Huaguang Trough nơi Trường Sa để bày tỏ thiện chí với VN. Trong khi TQ kêu gọi khai thác chung vùng đảo đang tranh chấp, TQ cũng đang tự tài trợ khảo sát vài blocks nằm trùng với các blocks mà VN đòi chủ quyền.
Hồi tháng 4, Bộ Ngoại Giao TQ phản đối quyết định VN khai thác các mỏ khí đốt Hải Thạch và Mộc Tinh và xây 1 ống dẫn cho dự án, tố cáo VN xâm phạm chủ quyền và quyền cai trị hành chánh của TQ nơi đó. VN bất chấp phản đối, cho là mỏ khí này nằm trong thềm lục địa và vùng riêng của VN.
"Chuyện có thể tệ hại đi vào năm tới, khi PetroChina bắt đầu khoan giếng thăm dò dầu ở vùng Huaguang Trough. Công ty đã hợp đồng một dàn khoan nước sâu từ công ty Mỹ Transocean để sẽ khoan giếng Huaguang 1 vào cuối tháng 3-2008. Địa điểm dự kiến nằm khoảng 230 kilomét phía nam của Sanya thuộc tỉnh Hainan, Trung Quốc, và cách 240 kilômét phía đông của Đà nẵng, VN. PetroChina muốn khoan mũi dầu này sau khi khảo sát địa chấn cho thấy có 10 bọc dầu ở vùng Huaguang, trong đó có 6 bọc dầu vượt xa 100 kilomét."
Nghĩa là, sang năm 2008 sẽ còn sóng gió nữa. Sẽ còn gay cấn nơi vùng đảo quanh đó. Nhưng chúng ta không nên tin chính xác rằng nơi đó nằm 230 kilômét cách Sanya, vì Trung Quốc lúc nào cũng muốn chứng tỏ rằng các vùng này gần lãnh thổ TQ hơn là lãnh thổ VN.
Điều cần chú ý đặc biệt là trong khi công ty dầu Anh Quốc BP chạy khỏi VN, thì công ty dầu Hoa Kỳ Transocean chạy sang ký hợp đồng kiếm dầu cho Hoa Lục. Tại sao thế? Có phải Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ đã rỉ tai cho các hãng dầu Mỹ là nên rời bỏ VN để chơi với TQ có lợi hơn?
Đặc biệt cần chú ý nữa là nằm dưới vùng Huaguang của Trường Sa được tin là có 10 túi dầu, trong đó có 6 túi dầu rộng xa hơn 100 kilômét, nghĩa là sẽ nằm rất gần với Đà Nẵng. Cũng có nghĩa là khi chuyện khai thác dầu tiến hành, ngư dân Việt Nam sẽ còn khổ sở với các tàu chiến Trung Quốc canh gác vùng khai thác dầu mới này (nếu, giả thiết rằng Việt Nam không chịu khai thác chung vùng này, và cứ tranh chấp, đòi đưa ra LHQ để làm dân oan khiếu kiện).
Thêm nữa, có vẻ như chúng ta đoán ra lý do vì sao nhiều tháng trước xảy ra các hiện tượng loang dầu bể Đông. Bí hiểm, từng tấn dầu trôi lềnh bềnh ngoài Thái Bình Dương - hóa ra, có lẽ là đàn anh Trung Quốc lúc đó bí mật thăm dò các mỏ dầu quanh Trường Sa.
Trời ạ, cả dân tộc VN mình sẽ trở thành dân oan cả đấy, kéo đi khiếu kiện là vừa. Bởi vì Trung Quốc đang bày trò giựt mất Trường Sa đấy. Chờ tới sang năm 2008 là sẽ thấy rõ hơn. Mà lúc đó, có nổ súng thì thế giới lại tưởng đàn em CSVN bắn pháo mừng Thế Vận Bắc Kinh 2008 của đàn anh Trung Quốc.
Trần Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét