Thứ Năm, 19 tháng 7, 2007

Dân oan khiếu kiện: bắt đầu một cuộc sụp đổ?

Ngày thứ 22 rồi! Dân oan khiếu kiện đã lên Sài gòn, đã ra Hà nội, trải bạt, che nylon, dãi nắng dầm mưa khắc khoải đợi chờ nhà nước và quốc hội giải quyết bao nỗi uẩn ức chất chồng từ nhiều năm tháng, trong những vụ xử lý vấn đề bồi thường tài sản, do nhà nước thu mua một cách độc tài, độc đoán đất đai của họ.

Ngay trong những ngày đầu của Cách mạng Pháp, 14 juillet 1789, dầu phải giải quyết, tổ chức, sắp xếp bao nhiêu việc quan trọng trong một quốc gia vừa thay đổi chánh thể, các nhà cách mạng Pháp vẫn nghiêm chỉnh thực hiện và bảo vệ các nguyên tắc căn bản về Nhân quyền và Dân quyền. Thí dụ:

Điều 10 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp, về tự do tư tưởng: “Không ai có gì phải lo sợ đến những quan điểm của mình”. (Nul ne doit être inquiété en raison de ses opinions) hay:

Điều 17, cũng của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Dân quyền ấy, giải rất rõ về “Phần bồi thường đúng mức và tiên khởi trong trường hợp bị truất hữu tài sản”. (L’exigence d’une indemnité juste et préalable en cas de privatisation d’une propriété).

Buồn thay! Ngày nay, ở Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) hai nguyên tắc tối thiểu vềNhân quyền và Dân quyền nêu trên đang bị chà đạp. Người dân của CHXHCNVN từ lâu đã bị tước đoạt quyền phát biểu ý kiến, nên không ai dám nói ra quan điểm của mình.

Nhưng, hơn ba tuần lễ nay, cả ngàn người đã và đang nằm vạ biểu tình ở Sài Gòn, ở Hà Nội để khiếu kiện, họ kêu gọi đích danh thủ thướng Nguyễn Tấn Dũng phải xử lý về những đàn áp của nhà cầm quyền đang trắng trợn cưỡng đoạt tài sản của người dân.

Những người đại diện nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội ở các địa phương nhân dịp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), đã mượn chiêu bài phát triển, kiến thiết kinh tế, nhân danh xây dựng, quy hoạch đất nước, thu mua nhà, đất, ruộng nương,.. rồi bồi thường dưới giá thị trường, không nghĩ gì về công sức khai thác, về mức lợi tức thâu hoạch của người dân “khổ chủ”, để rồi liền đó, người của Nhà nước bán lại cho tư bản ngoại quốc đang đầu tư, cần xây dựng nhà máy, với giá gấp cao gấp mấy mươi lần, gấp mấy trăm lần so với giá mua. Bị lường gạt trắng trợn, quá uất ức, dân oan bắt buộc phải khăn gói lên Sài Gòn, ra Hà Nội khiếu nại với Trung Ương, nhờ giải quyết, mà có được ai đoái hoài và giải quyết gì đâu!

Vào tháng tư năm 1975, ở trận đánh Xuân Lộc, không quân Việt Nam Cộng Hòa sử dụng một quả bom gọi là "bom hút áp lực" (Bombe à dépression), CBU-55B. Quả bom này nặng khoảng 700 ki lô mà lính Mỹ thường gọi là bom “hái hoa đồng nội” (les faucheuses des pâquerettes). Bom được thả bằng dù, có khả năng hút hết dưỡng khí (oxygène) trong một bán kính 500 thước tây, nghĩa là trong đường kính 1 cây số, không một sinh vật nào sống được.

Đảng cộng sản (ĐCS) Hà Nội hiện nay như là những trái bom CBU được thả xuống đất nước Việt Nam - không cần dù - đang hút hết đời sống chính trị, xã hội và kinh tế.

Để phòng ngửa “phản ứng phụ”, ĐCSVN ra nghiêm lịnh, cấm phát biểu “ý kiến linh tinh”, cấm làm ăn ngoài vòng cương toả của Đảng, cấm báo chí tư nhân. Đảng mua đất của dân theo giá đảng định, đảng bán lại cho Tây cho Tàu theo giá Đảng muốn. Như vậy, thử hỏi, có phải đảng cộng sản là những trái bom CBU đang hút sạch không khí chính trị cùng sinh hoạt xã hội kinh tế của Việt Nam không ?

Dân oan biểu tình nằm vạ ở ngay trung tâm Sài Gòn, ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng của thủ đô Hà Nội, nên bộ máy công an không dám đàn áp mạnh? Kinh nghiệm bắt người trước sự chứng kiến của bà dân biểu Mỹ, kinh nghiệm bịt mồm Linh mục Nguyễn Văn Lý trước Toà án đã làm trò cười cho thế giới văn minh, đã khiến cộng đồng Việt Nam hải ngoại tức giận thêm, “rượt” Nguyễn Minh Triết cùng phái đoàn “cái bang” của Hà Nội phải chui lòn cửa hậu Nhà Trắng (White House).

Nên ngày nay, công an được lịnh len lỏi trong hàng ngũ người biểu tình, rình rập, tìm chụp cho được người xúi dục, hướng dẫn... đồng thời bắt những ai dám ủng hộ, dám tiếp tế dân oan.

Cộng sản áp dụng chiến thuật bao vây và biệt lập đoàn người biểu tình, khiến họ thiếu ăn, thiếu uống, lần hồi kiệt lực, họ sẽ nản lòng bỏ cuộc, ra về? Các cuộc biểu tình tự động giải tán? Bấy giờ “ở trển” đề nghị trả phân nửa giá biểu dân đòi, ví dụ dân oan đòi 10 đồng thì đảng sẽ chỉ trả 5 đồng thôi? Quá mỏi mệt, quá đuối sức, người “dân khổ chủ” đành chịu lép “của đổ hốt lại ” và “có còn hơn không”!... Vậy là mọi việc êm xuôi. Rồi sau đó, chánh quyền địa phương sẽ âm thầm “hốt” mấy kẻ cứng đầu đưa đi “an trí” hoặc “thủ tiêu”, như vụ “dân oan” trước đây ở Thái Bình (sau vụ Thái Bình, ngày nay không còn nhân chứng cũ nữa!). Ngắn cổ, bé miệng, người dân thua thiệt dài dài!

Những năm tháng trước đây dân oan luôn bị thiệt thòi, bởi họ đấu tranh đòi công bằng chỉ riêng cho quyền lợi của chính họ, vì họ chưa có quan niệm đấu tranh chính trị. Nhưng ngày nay, dân đã biết đi kiện rồi, họ không sợ nữa. Chế độ xã hội chủ nghĩa không thể ru mãi cho dân mê ngủ, không còn sợ công an nữa. Sự bất mãn đã bùng lên, rồi sẽ có dịp bùng to thêm. Đáng lý nhà cầm quyền Ba Đình phải có quyết định giải quyết, và giài quyết nhanh - nếu họ còn chút nhơn tánh - vì người dân khiếu kiện đang trong tình trạng thiếu vệ sinh, đói khát…

Suốt hơn 3 tuần lễ nay, giòng nước ô nhiễm cộng sản vẫn lặng lẽ trôi, Trung ương Đảng bận lo họp thay đổi dân sự, các quan “đại biểu” hăng say tranh cãi… giành ghế, toàn thể “đỉnh cao” của quốc hội bóp trán tìm “lý luận câu giờ” để xiết chặt thêm “bù lon” cho chiếc ghế. Ông Nông vốn kém mà tưởng mình Mạnh, muốn bắt chước Hồ Cẩm Đào ôm luôn cái ghế Chủ tịch nước, nhưng vì trót là họ Nông nên ông “nông” cả võ lẫn văn. Bây giờ lại có người đề nghị: ông Triết chuyên “lòn cửa hậu”, tài này đáng được kiêm Tổng thư ký Đảng? Về phần ông Nguyễn Tấn Dũng cũng rất ngon lành vì được thêm hai ông Phó thủ tướng Tây du… học.

Thế là thiên hạ xầm xì, đoán… mò rằng, với tình hình nhân sự mới này, quý đồng chí Nam Bộ sẽ giải quyết hay hơn. Nhưng… hai ông Nam Bộ có hay, có biết dân oan biểu tình kỳ này có dân Tiền Giang và có cả Bình Dương nữa? Dân oan bắt loa gọi lớn “tên” ông Thủ tướng Nam bộ chịu chơi, hỏi tại sao đã 22 ngày rồi mà ngài vẫn ngoảnh mặt làm ngơ?

Còn chần chờ gì nữa, dẹp quách cái đảng cộng sản ô nhiễm ù lì, thủ cựu, như Boris Yeltsin làm dạo nào cho được việc. Làm được như vậy, quí ngài sẽ đường hoàng đi vào lịch sử bằng cổng chánh!

Tại sao phải loay hoay thay người, đổi người chỉ với các đảng viên cộng sản? Tại sao không bắt chước gương Tổng thống Sarkozy của Pháp, xử dụng những nhân vật có tài ngoài đảng cầm quyền của mình? Ông Sarkozy dùng cả người của đảng đối lập (Đảng Xã hội). Trong chính phủ Pháp hiện nay, có các ông Bernard Kouchner làm ngoại trưởng, Jean Pierre Jouyet Thứ trưởng Âu Châu Vụ, Besson Thứ trưởng Vụ Kế hoạch, … toàn là những người của Đảng Xã hội. Tổng thống Sarkozy cũng đề nghị ông Dominique Strauss-Kahn giữ ghế Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (người của Đảng Xã hội, cựu ứng cử/ứng cử viên Tổng thống Pháp).

Người tốt sẽ làm việc tốt. Những Nguyễn Văn Đài, Lê thị Công Nhân có thể sẽ là những vị có khả năng giải quyết nạn khiếu kiện đất đai, nhà cửa, vì họ từng là những luật sư theo dõi các vụ việc kiện cáo này.

Đảng cầm quyền có dám nhờ những người ngoài Đảng làm việc không? Tổng thống George W. Bush cũng sử dụng ông Baker để tiếp tục việc làm ở Iraq. Không có gì xấu hổ cả. Cứ mời đối lập vào làm việc đi. Cứ cho các Đảng đối lập làm việc đi. Nhờ Phật Giáo Thống nhất làm môi giới giải quyết bất đồng giữa nhà cầm quyền cộng sản với người dân về vấn đề nhà đất, vì các Thầy có uy tín.

Đây là lần đầu tiên trong một chế độ cộng sản thực hiện cuộc cải cách ruộng đất không thành công. Đoạt đất điền chủ giao cho nông dân (đợt 1 thành công). Tước quyền sở hữu nông dân đưa vào hợp tác xã hóa (đợt 2 thành công); Lần này tước đất nông dân đem bán cho khách hàng đầu tư mở kỹ nghệ không thành công. Vì Đảng cộng sản không còn đại diện giới nông dân, và, cũng như Đảng không còn đại diện giới công nhân nữa!


Cơn lốc công nhân và dân chủ 2006

Năm 2006 đã bắt đầu bằng những cuôc biểu tình kéo dài cả tháng giêng của công nhân các xí nghiệp tư, và cả công nhân các xí nghiệp nhà nước. Lần đầu tiên ở nước CHXHCN Việt Nam có những cuộc đình công to lớn như vậy. Công đoàn nhà nước đáng lý binh vực, bảo vệ quyền lợi công nhân, lại đứng về phe chủ nhân, binh vực quyền lợi của chủ nhân ngoại quốc và đàn áp công nhân lao động Việt Nam. Tin đồn cho hay, khoảng 300 người bị bắt đến ngày nay vẫn biệt tin.

Rồi Nhóm Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ ra đời; rồi Đảng Thăng Tiến ra mắt; rồi Đảng Dân Chủ phục hoạt; tiếp theo là Phong Trào Công Nông, rồi một Công Đoàn độc lập cũng đã được thành lập...

Hàng loạt những bài phát biểu chính kiến của các nhà đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền, Dân chủ được tung ra... Hàng ngàn chữ ký, hàng ngàn người hưởng ứng đứng ra đòi “Nhà cầm quyền hãy trả quyền phát biểu, quyền ngôn luận, quyền tư tưởng, quyền tín ngưỡng lại cho người dân”.

Ở hải ngoại, ngoài cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản với những phản ứng cố hữu, đấu tranh đòi ĐCSVN độc tài trả lại quyền tự quyết, trả lại tự do và công bằng cho dân tộc Việt Nam, một số sinh viên Việt kiều du học cùng một số không ít Việt kiều của CHXHCNVN đồng loạt đứng lên thành một Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ trong và ngoài nước, công khai tranh đấu đòi dân chủ hóa Việt Nam sớm, hầu phát triển hữu hiệu, theo đuổi kịp khoa học, mới mong đem lại sự giàu mạnh cho đất nước.

Năm 2006 thật sự là một năm nhiều đòi hỏi sôi nổi về dân chủ ở Việt Nam. Có thể nói đó là một năm của “trăm hoa dân chủ” đua nở trên toàn cõi Việt Nam. Các nhà đối kháng đấu tranh Dân Chủ ở Việt Nam không còn sợ sệt nữa, họ đối kháng công khai, bất chấp mọi sự đàn áp thô bạo của Công An, họ ngang nhiên chịu đựng tất cả các thủ đoạn hành hung như bóp cổ, bịt miệng hay những trận đòn dùi cui. Và năm 2007 “trăm hoa Dân chủ” lại tiếp tục nở rộ, đẹp hơn, muôn màu, muôn sắc, nông dân mất nhà mất đất, cha Lý bị bịt mồm (ta nên vinh danh tên công an đã cố tình tuyên truyền cái mặt thật của các ông chủ của anh ta).


Đảng CS Việt Nam mất định hướng

Nhắc lại chuyện xưa, nhưng không lâu lắm:

Năm 1975, miền Nam sụp đổ quá nhanh, nhà cầm quyền miền Bắc và ĐCSVN say men chiến thắng, đầu óc quay cuồng nên u mê áp dụng một chính sách sắt máu và hận thù nhằm trừng phạt dân chúng miền Nam. Chủ trương này đã đưa cả nước Việt Nam đi lùi vào bóng tối nhân loại thay vì thực sự thể hiện đoàn kết toàn dân, xây dựng đất nước.

Ngày hôm nay, nhờ tình thế đẩy đưa, trong tíc tắc, bỗng may mắn thoát khỏi danh sách CPC; được tổ chức APEC; gia nhập WTO; kẻ đi gặp Đức Giáo Hoàng, người Mỹ du thăm ông Bush… và xin được người ta hứa cho tí tiền đầu tư, những người cầm quyền Hà Nội và ĐCSVN đang tìm thế quốc tế mong duy trì chế độ, không còn dựa vào thuyết Mác-Lê nữa. Họ hy vọng với thế “lăng ba vi bộ” này có thể đối phó với “kinh tế thị trường, với tư bản chủ nghĩa, với dân chủ hoá” đang hung hãn tấn công thành lũy cuối cùng của Mác-Lê. Nhưng những người cộng sản ở Hà Nội vẫn sợ, họ luôn luôn bị ám ảnh: sợ rằng nếu chịu lắng tai nghe lẽ phải, tôn trọng tiếng nói nhân quyền, trả quyền công dân lại cho dân sẽ đưa họ đến con đường cùng, bị bức tử ngay lập tức? Nên bằng mọi cách, họ phải duy trì cho kỳ được chế độ độc đảng, độc tài toàn trị như hiện nay!

Thật là mù quáng, khi đã vào WTO, là vào một tổ chức có phương pháp quản lý thị trường theo khoa học. Tư bản chủ nghĩa tự nó là một khoa học về tư hữu. Báo chí là cơ quan thông tin cần thiết cho phát trìển. Thiếu tự do báo chí là thiếu thông tin về thị trường, tức không theo sát được thị hiếu của khách hàng. Bịt miệng người, bịt miệng báo chí, thì sẽ lùi vào bóng tối vì thiếu thông tin kinh tế xã hội là thiếu thông tin thị hiếu, thông tin thị trường, thông tin tiếp thị (marketing).

Chính trị chỉ là quan niệm của một nhóm hay một đảng phái nhằm hướng dẫn quốc gia trong sinh hoạt kinh tế với mục đích đem lại phúc lợi cho toàn dân. Đảng Cộng sản Việt Nam phải hiểu là vai trò độc quyền chính trị ngày nay là lỗi thời, lạc hậu. Tư tưởng, lý thuyết của một đảng phái chỉ là tư tưởng của một nhóm mà thôi.

Ngày nay nếu Việt Nam muốn chấp nhận luật chơi chung của thế giới, muốn sống còn và được vươn lên ngang hàng với các nước, không có cách nào khác hơn là phải thay đổi cơ chế, từ bỏ độc tài, đi vào con đường dân chủ thật sự

Kinh tế thị trường là cạnh tranh. Không còn độc quyền nữa. Và chỉ có cạnh tranh mới đem lại sáng tạo, thực tiễn, hàng có phẩm chất cao, giá rẻ, có người tiêu thụ nhiều, đem lợi nhuận lại cho người sản xuất.

Đảng phái cũng thế, đảng phái cũng chỉ là những món hàng cạnh tranh nhau, đảng phái nào có một chương trình đem lại phúc lợi mà không hao tốn xương máu nhiều, ít lãng phí cho toàn dân Việt Nam, đảng ấy sẽ được dân tín nhiệm bầu cho cầm quyền. Trong thị truờng chính trị cạnh tranh ngày nay, không còn là thời gian tranh tối tranh sáng để các đảng độc ác dùng tay che mắt dân, dùng lời mỵ dân, kêu gọi dân hy sinh, tiêu thổ kháng chiến, hoặc dùng chánh sách khủng bố, cắt cổ, mổ bụng dồn trấu, nấu phở, thả trôi sông như thời xa xưa nữa.

Dân chúng Việt Nam ngày nay cũng đã khác hơn thời thuộc Pháp. Sau trên 60 năm bị cộng sản Hà Nội lường gạt, người dân Việt Nam đã học quá nhiều điều đáng giá rồi!

Ngày nay nhân dân Việt Nam cần những đảng phái, đoàn thể, cần những nhà lãnh đạo chính trị với những chương trình minh bạch, trong sáng, với phương cách làm việc cụ thể, khoa học.

Dân chủ hóa chế độ để có một thể chế đa nguyên, một nền chính trị đa đảng, đảng cầm quyền được đảng đối lập kiểm soát. Người dân có quyền phát biểu, phán xét và có cả quyền khởi tố nhà nước nếu nhà nước không thực thi những quy định luật pháp. Chỉ có luật pháp là đứng trên tất cả, trên nhà nước, trên cả đảng cầm quyền.


Chính thống do nhân dân

Ngày nay ĐCS cầm quyền tại Việt Nam đang đứng trước cơn lốc dân chủ hóa, kinh tế thị trường hóa, hoàn cầu hóa, nên người ta có cảm tưởng như ĐCSVN đang bị khủng hoảng lý lịch nên phải đi tìm tính chính thống bằng cách ra nghị quyết bắt cán bộ, đảng viên học tập tác phong Hồ Chí Minh, sau khi thấy tư tưởng Hồ Chí Minh không còn hiệu lực nữa. Đảng phải họp hành để đổi nhân sự, và nghiên cứu lại lý luận. Nào là phe Nam bộ, nào là phải thêm phó thủ tướng… Thật đúng là phường chèo!

Muốn có tính chính thống, ĐCSVN phải chứng minh với nhân dân Việt Nam là một đảng cầm quyền thực sự có hiệu năng, biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân, do dân, vì dân, bằng cách đứng ra tổ chức bầu cử tự do, có quốc tế kiểm soát. Có tự do lập đảng, lập đoàn thể chánh trị, có đối lập. Bỏ điều 4 Hiến Pháp 92, tu chính luật bầu cử tự do.

Thế nhưng, ngày nay,

Trong nước, ĐCSVN vẫn tiếp tục đàn áp nhân dân để không ai có quyền đặt lại “vai trò cầm quyền của ĐCS”. Còn ngoài nước, dùng ngoại giao o bế mong thế giới nhìn nhận vai trò cầm quyền của mình. Tất cả chỉ là trò tiếp tục đối trá với nhân dân mà thôi.

ĐCSVN nên hiểu và nhớ nằm lòng là tính chính thống cũng như lý lịch của ngưới cầm quyền, phải do nhân dân Việt Nam, và chỉ nhân dân Việt Nam mới có quyền ban cho mà thôi: bằng trưng cầu dân ý; bằng phổ thông đầu phiếu.

Chỉ có nhân dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam mới ban cho cái chính thống và nhìn nhận “cái lý lịch và cái quyền được cầm quyền” cho người cầm quyền ở Việt Nam.

Tổng thống W. Bush, doanh nhân Mỹ, Liên hiệp Ậu Châu, Đức Giáo Hoàng, 11 tỷ dollars đầu tư, hai ông phó thủ tướng, cả hai chức vị Chủ tịch nước và Tổng thư ký Đảng… và cả Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không đem lại chính thống và lý lịch cho những người cầm quyền vì ĐCS là kẻ cướp chính quyền và giữ chính quyền bằng bạo lực !

Hãy bắt đầu tiến trình dân chủ hóa đất nước bằng cách trao trả quyền tự quyết lại cho nhân dân Việt Nam. Dân phải thật sự làm chủ.

Hãy chấp nhận dân chủ hóa như điều kiện để tiến đến hòa giải giữa nhà cầm quyền hiện nay với nhân dân.

Có hòa giải mới có ổn định, có ổn định mới có phát triển kinh tế.

Thế giới của WTO chỉ đầu tư vào những nước có ổn định và có luật lệ minh bạch, có một công đoàn độc lập, để thương lượng với các chủ nhân tư bản, trên thuận dưới hòa. Nhà nước chỉ là ông trọng tài. Đừng quên rằng 11 tỷ dollars được hứa chỉ là lời hứa của các anh tư bản.

Tôi cả quyết khi nào còn có tình trạng công an trị, dùi cui trị, thì Việt nam sẽ không làm sao có phát triển kinh tế thật sự và bền vững được! Việc tập đoàn dầu khí BP và tập đoàn đoàn tài chánh Merrill Lynch của Hoa Kỳ vừa tuyên bố rút khỏi Việt Nam (trong tháng 6 và 7/2007) mới chỉ là những tín hiệu báo động ban đầu cho nền kinh tế thiếu độ tin cậy và đầy bất trắc của Việt Nam.

Phan Văn Song

Không có nhận xét nào: