Đài BBC được cho biết vào tối hôm nay, 18-7, lực lượng công an đã đến để giải tán đoàn người khiếu kiện ở TP. HCM và đưa xe chở họ về các tỉnh.
Từ gần một tháng qua, người dân từ nhiều tỉnh Nam Bộ trong đó có An Giang và Tiền Giang đã dựng băng rôn và biểu ngữ trước văn phòng Quốc hội tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Buổi tối 18-7, lực lượng công an đã phong tỏa khu vực và sau đó ép hầu hết những người dân còn tụ tập phải lên xe để về lại các tỉnh.
Hiện chưa rõ bao nhiêu người còn ở lại quanh khu vực trước văn phòng Quốc hội.
Từ gần một tháng qua, người dân từ nhiều tỉnh Nam Bộ trong đó có An Giang và Tiền Giang đã dựng băng rôn và biểu ngữ trước văn phòng Quốc hội tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Buổi tối 18-7, lực lượng công an đã phong tỏa khu vực và sau đó ép hầu hết những người dân còn tụ tập phải lên xe để về lại các tỉnh.
Hiện chưa rõ bao nhiêu người còn ở lại quanh khu vực trước văn phòng Quốc hội.
Công an theo dõi khu vực biểu tình(Hình: BBC)
Giải tán
Vào lúc 1h30 sáng 19-7 giờ Việt Nam, khi đài BBC gọi điện cho một nông dân tham gia khiếu kiện, ông cho biết xe chở ông đã đến địa phận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Văn Trân cho biết: “Người ta đã giải tán rồi. Tối nay họ hứa hẹn là bà con cứ về đi, chính quyền địa phương sẽ giải quyết.”
Ông Trân nói thêm ban đầu nhiều người nhất định không về, nhưng “cứ bốn, năm công an, dân phòng xốc một người lên xe, cuối cùng họ cũng làm xong.”
Khi được hỏi là tại hiện trường khi ấy có xảy ra bạo lực hay không, ông Trân trả lời: “Không có chuyện gì.”
Ông nói thêm rằng “lần này quay về, chắc cũng khó lên lần nữa.”
Theo lịch, Quốc hội Việt Nam khóa XII sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên vào ngày thứ Năm 19-7.
‘Công bằng xã hội’
Những người khiếu kiện phản đối điều mà họ gọi là ”tham nhũng” và ”cướp đất” của chính quyền địa phương các cấp đã tụ họp ngày đêm tại TP. HCM bất chấp mưa nắng từ gần một tháng qua.
Hôm thứ Ba 17-7, Hòa thượng bất đồng chính kiến Thích Quảng Độ dẫn đầu một phái đoàn tăng lữ đến thăm địa điểm và có bài phát biểu công khai.
Hoà thượng Thích Quảng Độ, người bị quản chế ở Thanh Minh Thiền viện từ 2001, là phó lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo VN Thống nhất - một tổ chức không được chính phủ Việt Nam chấp nhận.
Trong một diễn biến gây bất ngờ, vị hòa thượng 78 tuổi, qua loa phóng thanh cầm tay, nói ông đến để “chia sẻ nỗi thống khổ, tủi nhục của đồng bào.”
“Giáo hội chúng tôi cũng đã từng khiếu kiện suốt ba mươi năm qua. Cho đến nay đã có cả nghìn bức văn thư khiếu kiện, mà họ không hề phản hồi một văn thư nào, không giải quyết gì cả.”
“Muốn cho tình trạng này không còn xẩy ra nữa, thì chúng ta phải đòi hỏi cho bằng được nhân quyền, công lý và công bằng xã hội. Buộc họ phải trả lại cái quyền sống và quyền làm người cho ta, là vấn đề quan trọng nhất. Muốn như thế, thì phải chấm dứt cái nạn độc quyền cai trị.”
Hòa thượng Thích Quảng Độ kêu gọi: “Ngoài cái trước mắt là vấn đề đòi lại công lý, là tài sản trả lại cho đồng bào. Nhưng sau đó phải đòi lại nhân quyền và dân chủ, tự do. Quan trọng nhất là tự do ngôn luận để người dân được tự do bày tỏ ý kiến của mình, quan điểm của mình đối với những tổ chức cai trị mình.”
Hòa thượng Thích Quảng Độ có mặt tại khu vực dân tập trung khiếu kiện khoảng nửa tiếng đồng hồ trước khi rời khỏi địa điểm này.
Một người đi theo đoàn nói với BBC rằng không có ai làm khó dễ, nhưng có “nhiều người mà chắc là công an” đứng đó quay phim.
‘Không có gì mà ầm ĩ’
Những người dân tụ họp chỉ cách trụ sở công an phường chừng 50 mét và cách trụ sở báo Bảo vệ Pháp luật thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chừng 500 mét.
Tuy nhiên báo này nói với BBC họ không có phóng viên theo dõi.
Trước đó một số ít báo trong đó có Tuổi trẻ và Sài Gòn Giải Phóng đã đưa tin về cuộc biểu tình và việc các quan chức cấp cao Việt Nam đến tìm hiểu và yêu cầu các địa phương giải quyết vấn đề.
Ông Trương Vĩnh Trọng, phó Thủ tướng được trích lời nói rằng: ”Lãnh đạo tỉnh giờ cũng phải như một người thày thuốc, phải biết bắt mạch và bốc thuốc để trị cho đúng bệnh.
”Đừng như trước đây cứ bốc đại thang thuốc… thập toàn đại bổ để rồi tình hình khiếu kiện lại tiếp tục tái diễn như hiện nay.”
Trong khi đó một thứ trưởng Bộ Công an nói rằng ít nhất có hơn 10 người đã được xác định là ”những đối tượng cầm đầu, xúi giục, có liên quan tới các tổ chức phản động ở nước ngoài.”
Khi trả lời BBC, một người biểu tình thừa nhận có sự trợ giúp từ bên ngoài.
“Nếu chúng tôi không có sự hỗ trợ đó, chúng tôi không đủ sức đòi đất.
”Giúp đỡ cho đồng bào như vậy chúng tôi hoan nghênh.”
Xôn xao blog
Trong khi báo chí chính thức đưa tin hạn chế, hàng trăm bức ảnh và lời bình đã xuất hiện trên các nhật ký trên mạng.
Nhiều bạn trẻ tỏ ra thông cảm với những người biểu tình.
”…Chiều nào cũng mưa thê thảm thế này thì họ sống thế nào ngoài vỉa hè đây?,” một người viết nhật ký bình luận sau khi đọc bài trên blog về những khiếu kiện của người dân.
Một số người khác nói họ cũng đã chứng kiến nhưng ‘’sợ” không dám chụp ảnh đưa lên mạng.
Những người quan sát cuộc biểu tình cho BBC biết có ít công an mặc thường phục nhưng có vẻ có nhiều công an ‘chìm’. Chính người nói chuyện điện thoại di động với BBC đã cắt ngang cuộc điện thoại khi có ‘công an tới’. (@BBCVietnamese.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét