Thứ Ba, 24 tháng 7, 2007

Nhận thức rõ việc dập tắt khiếu kiện

Nguyễn Quang
Gửi đến BBC từ Paris

Khi lần đầu ra nước ngoài tôi mới được nghe là có vụ biểu tình ở Thái Bình với lời bình luận: “Nhà nước thật giỏi vì đã giữ kín chuyện, nếu không thì… cả nước đã loạn rồi”. Lúc đó tôi rất đồng tình với cách hành động “đúng đắn” đó của Nhà nước.

Nhưng vài tháng sau khi suy nghĩ lại câu “nếu không thì … cả nước đã loạn rồi” tôi chợt nhận ra là: thực chất thì cả nước ta đã đều có mầm mống “loạn”, cũng đều là Thái Bình cả, nhưng không “liều” bằng Thái Bình hay do không được biết tin từ Thái Bình mà thôi.

Và thành công của Nhà nước chỉ là việc ngăn chặn thông tin từ Thái Bình đi khắp nơi để không bị loạn. Nếu ai đó khen bạn là: “Nhà anh thật giỏi, lửa cháy ở bếp thế mà dập được không để nó lan đến mấy quả bom ở góc nhà!”, bạn mừng hay lo?

Trở lại với vụ giải tán khiếu kiện vừa qua, tôi thấy cách thức Nhà nước ta xử sự tương tự như việc dập lửa vậy. Mọi việc được mô tả như một ngọn lửa nhỏ vừa được dập tắt, không có gì nghiêm trọng cả. Họ đang cố tình lờ đi những trái bom.

Nguồn gốc khiếu kiện

Các vụ khiếu kiện xuất phát chủ yếu từ những tranh chấp trong giải toả đất đai, đây là vấn đề chung của tất cả các nước trong giai đoạn công nghiệp hoá, không loại trừ nước nào. Bên cạnh đó có cả tranh chấp trong cấp phát đất định cư, tranh chấp đất đai giữa những cá nhân mà cách giải quyết của chính quyền đã khiến cho nhiều người khiếu kiện cảm thấy bất công.

Nhìn vào một số biểu ngữ chúng ta thấy đây là những vụ việc kéo dài, có những vụ cả chục năm. Người dân đã từng khiếu kiện ở cấp địa phương nhiều lần nhưng họ vẫn cho rằng chưa thoả đáng, nhiều đơn thư phản ánh việc chính quyền không trả lời đơn từ của họ trong nhiều năm.

Không chỉ ở trong Nam, tại Hà Nội, đường Mai Xuân Thưởng từ cả chục năm nay đã có người khiếu kiện. Việc người dân khiếu kiện nhiều năm như vậy khiến ta phải đặt câu hỏi về năng lực giải quyết vấn đề đất đai của địa phương đến đâu. Rất nhiều cán bộ bị nêu đích danh là tham nhũng đất đai, tôi không thể tìm hiểu và quy kết ai nhưng việc có những cán bộ thực sự đã tham nhũng là điều chắc chắn. Tham nhũng đất đai, điển hình như vụ Đồ Sơn, không phải là ngoại lệ ở nước ta.

Một đặc điểm nữa là sự tự tung tự tác của các quan chức địa phương khiến người dân bất bình. Các quan chức ít khi bị chất vấn hay phải giải trình trước cử tri, và chưa có trường hợp nào bị bãi nhiệm bởi HĐND cả. Quyền giám sát của cử tri không được tôn trọng, người dân không cảm thấy quyền làm chủ của mình. Chính vì không có cơ hội đối thoại ngang hàng, có quyền giám sát và bãi nhiệm (thông qua HĐND) các quan chức địa phương khiến cho dân phải cầu cứu cấp cao hơn, lên Trung ương và Thủ tướng chính phủ.

Trong suốt quá trình khiếu kiện ít khi nào những giải trình của bà con được đưa lên mặt báo và được phổ biến rộng rãi đến công luận. Tại sao không mời những vị chủ tịch, bí thư có tên trong các biểu ngữ kia lên báo (địa phương) để giải trình? Sự thờ ơ của báo chí, của công luận khiến cho người khiếu kiện có cảm giác bị bỏ rơi, cô độc, bị dồn vào đường cùng dẫn đến những giải pháp nhiều khi cực đoan.

Như vậy có thể xác định những nguyên nhân chính của việc biểu tình vượt cấp dài ngày như vừa qua là: Sự yếu kém về năng lực hành chính của chính quyền địa phương trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp ; Tham nhũng đất đai của một số cán bộ địa phương ; Thiếu dân chủ trong hoạt động giám sát chính quyền của cử tri và các cơ quan dân cử; sự thờ ơ, bỏ rơi người khiếu kiện của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận địa phương.

Sự xúi giục của bên ngoài như nhà nước vẫn thường nói, nếu có, cũng chỉ góp phần rất nhỏ. Có ai trong số các bạn có ai tình nguyện rời nhà cửa, gia đình mình ra hè phố ngủ chỉ một đêm thôi không vì nghe những lời xúi giục của những phần tử bên ngoài hay vì vài trăm nghìn?

Chỉ có những bức xúc bị dồn nén đến đường cùng thì người dân mới chọn giải pháp như vậy. Cứ cái gì cũng đổ hết cho ‘phản động’ chỉ để nhằm che giấu những ung nhọt trong chính quyền không phải là cách giải quyết vấn đề triệt để và lâu dài.

Tính hợp pháp của biểu tình

Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình (điều 69). Cho đến nay chưa có Luật biểu tình nhưng cũng không thể tước bỏ quyền Hiến định này. Việc làm luật là trách nhiệm của của Quốc hội mà dân không có nghĩa vụ phải chờ để thực hiện quyền. Nhưng có một điều ai cũng thống nhất là phải biểu tình trong hoà bình, không bạo lực thì người dân đã hoàn toàn tuân thủ.

Việc khiếu kiện vượt cấp là không đúng quy định pháp lý, nhưng ở đây phải đặt trong hoàn cảnh là người dân đã đi khiếu kiện rất lâu tại địa phương và không có kết quả. Đây thực chất là lời kêu gọi sự quan tâm của cấp Trung ương tới việc giải quyết khiếu kiện tại địa phương. Một ví dụ ở nước Pháp gần đây là khi sinh viên biểu tình chống luật lao động mới thì đích thân Tổng thống phải gặp trực tiếp đại diện sinh viên để đối thoại.

Ở nước ta cũng không ngoại lệ, nhiều vụ việc được xin ý kiến vượt cấp lên Thủ tướng và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, ví dụ như vụ nuôi hổ ở Bình Dương, …

Những vụ như thế này vai trò của báo chí và công luận mang tính quyết định.
Cơ quan Quốc hội cũng không phải là nơi giải quyết khiếu kiện nhưng cũng có thể là nơi chia sẻ, giảng giải cho người dân về đường lối, chính sách, lên tiếng kêu gọi các cơ quan chức năng khác, các chính quyền địa phương tập trung giải quyết vấn đề. Không một đại biểu nào đứng ra phát biểu, do vậy mà người dân đã “tặng” Quốc hội bài thơ sau:

Quốc hội ! Quốc hội ư ?
Sao mà vắng lặng ?
Để dân khiếu kiện chờ
Cơ quan gì giống bãi tha ma
Không thấy một bóng hình cán bộ
Trách nhiệm đâu, lòng bác ái đâu ?
Sao lại nỡ đoạn tình nhân loại ?
Máu chảy ruột mềm người xưa nói
Quốc hội sao đành ngoảnh mặt làm ngơ

Nếu việc biểu tình của người dân là hợp pháp, hợp lý thì việc giúp đỡ vật chất cho họ-như nhiều người qua đường đưa nước, đưa mỳ gói, thậm chí đưa tiền- có phải là hợp tình không ?

Vai trò của báo chí

Tất cả chúng ta phải công nhận rằng truyền thông đóng một vai trò rất lớn trong việc biểu tình này. Vai trò gì? Vai trò làm cho người dân cả nước không biết đến hoặc tỏ ra dửng dưng và thờ ơ trước vụ biểu tình bằng cách không đưa tin một cách kịp thời và đầy đủ.

Tất cả các tờ báo trong nước đã im tiếng. Hệ thống báo chí của ta với hơn 600 đầu báo cư xử như là một cơ quan nhà nước chứ không phải là một cơ quan thông tin của nhân dân.

Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận trong sự việc này đó là truyền thông trên Internet, một thứ TRUYỀN THÔNG SONG SONG. Chúng ta có được những tấm ảnh chụp vụ biểu tình nhờ có những trang blog mà các bạn trẻ ở Sài Gòn đã chụp được và gởi lên. Những thông tin phản ánh trên các trang blog, trên các diễn đàn trong và ngoài nước đã có những tác động đáng kể.

Thế nhưng so sánh về mức độ thông tin thì nó vẫn còn thua xa sự quan tâm của người Việt Nam trước trận đấu lịch sử Việt Nam-Iraq.

Những người biểu tình đã “thua” trong vấn đề truyền thông. Nhưng biết làm sao được khi mà mọi cuộc phỏng vấn, quay phim, chụp hình đều phải thực hiện một cách lén lút dưới áp lực của các cơ quan an ninh.

Hành động của chính quyền

Cách giải tán biểu tình có thể nói là êm thấm, không gây bạo lực theo một số lời kể. Nhưng đối mặt với một số thông tin cho rằng có đàn áp, có dùng hơi cay, tôi không hiểu tại sao chính quyền lại không sử dụng những bằng chứng rõ rệt nhất: những hình ảnh, tư liệu về quá trình giải quyết vụ việc,… để đưa ra công luận cho mọi người cùng xem?

Từ trước đến nay nhiều thành phố lớn đã tổ chức khá nhiều vụ cưỡng chế nhà, về cơ bản thì cũng như những vụ việc này (tranh chấp về giá đền bù). Có vụ làm suốt cả dãy phố, chắc chắn có gây cản trở giao thông, nhưng tất cả đều làm ban ngày chứ chưa bao giờ cưỡng chế vào…nửa đêm cả.

Nhiều tờ báo sau hai chục ngày im lặng cũng đã có bài viết nói việc giải toả đã diễn ra tốt đẹp như tờ Tuổi trẻ, Thanh niên,…và phản đối những vu cáo từ bên ngoài. Tiếc thay vẫn không có một bức ảnh nào. Hay vì trời tối quá?

Đừng quy dân là địch

Nếu nhìn lại những nguyên nhân chính của vụ việc vừa qua thì chúng ta thấy hai nguyên nhân đầu thuộc về năng lực của chính quyền, hai nguyên nhân sau thuộc về lỗi hệ thống (chính trị).

Bên cạnh việc nâng cao năng lực của chính quyền, giái pháp cấp bách và lâu dài là nâng cao tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của nhà nước, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trả lại vai trò truyền thông (thay vì tuyên truyền) của báo chí. Những việc dù khó đến mấy, cả đối nội cũng như đối ngoại, nếu đưa ra công luận thì cũng sẽ đều tìm được giải pháp. Đưa ra công luận sẽ làm sáng tỏ những sai phạm (nếu có) của người bị tố cáo, giúp sớm giải quyết vụ việc.

Trong trường hợp ngược lại, công luận sẽ là người ủng hộ những biện pháp cưỡng chế của chính quyền. Một khi đã dựa vào nhân dân thì không ai có thể chống lại được.

Thái độ ứng xử với dân cũng cần phải xem lại, không thể coi thường dân như những người thiếu suy xét đến độ ai bảo gì cũng nghe, thế là khinh dân (như bài của chị Tạ Phong Tần phân tích). Nhận thức đúng hạn chế, khuyết điểm của Nhà nước, của chế độ mới là cầu thị, là nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề, không nên nhìn đâu cũng ra kẻ thù, cũng ra các thế lực thù địch.

Càng không nên coi thường những bức xúc của dân dù ở bất kỳ mức độ nào, coi họ là thiểu số, là đi ngược với trào lưu chung của xã hội mà từ đó cho mình cái quyền tự dẹp bỏ như kẻ địch. Phân hoá, đánh động quần chúng, tạo cảm giác xa lánh, coi thường người khiếu kiện cũng như tạo cảm giác thương hại đều là những hành động đáng lên án.

Sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai chắc chắn sẽ gặp những vấn đề phức tạp khác mà vụ khiếu kiện vừa rồi chỉ là một liều thuốc thử đối với hệ thống chính trị. Giải pháp triệt để và bền vững là đẩy mạnh tiến trình dân chủ, tự do ngôn luận một cách cấp thiết ngay từ bây giờ. Nếu không, hậu quả sẽ khó lường trước được.

Bài của Nguyễn Quang, với sự cộng tác của Hoàng Xuân Ba từ TPHCM. X-cafe là diễn đàn của một số thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước (bao gồm cả du học và Việt kiều) tách ra từ diễn đàn ddth.com từ năm 2005 do có bàn luận các đề tài chính trị - xã hội của Việt Nam. Độc giả của X-cafevn.org chủ yếu đến từ Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Không có nhận xét nào: