Thứ Hai, 30 tháng 7, 2007

Nguyễn Học Tập: Dân chủ trực tiếp và Dân chủ trung gian

DÂN CHỦ TRỰC TIẾP VÀ DÂN CHỦ TRUNG GIAN ĐIỀU GIẢI
TRONG TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ


NGUYỄN HỌC TẬP

A - Hình ảnh Chính Quyền Dân Chủ, cách chung được các Hiến Pháp Dân Chủ Tự Do phát họa là Vị Nguyên Thủ Quốc Gia (hay Tổng Thống) là người có quyền bổ nhiệm Chính Quyền, trong khi đó Quốc Hội có nhiệm vụ hợp thức hoá cho, nói cách khác là "dân chủ hoá" cho Chính Quyền, bởi lẽ chính Quốc Hội mới là cơ quan dân cử, tiếng nói phát biểu ý kiến và ước vọng của dân.

Khuôn mẫu Chính Quyền như vừa kể là Chính Quyền Đại Nghị Chế Nhị Nguyên (parlementarisme dualiste), chúng ta có thể gặp được trong lịch sử ngay từ thời gian sau Cách Mạng Pháp 1830-1848.

Chính Quyền Đại Nghị Chế Nhị Nguyên như vừa thấy mang hai nguồn tín nhiệm, nói lên sự hiện hữu của hai quyền lực có khả năng hợp thức hoá cho:

- uy quyền quân chủ (được thể hiện qua vai trò của Tổng Thống, thay cho nhà Vua trong quá khứ),

- uy quyền dân chủ đại diện, qua vai trò của Quốc Hội (Burdeau Georges, Droit constitutionel et institutions politiques, Pichon et Durand - Auzias, Paris 1972, 174).

Nhưng rồi sau đó, trong suốt các thế kỷ '800 và '900, nghĩa là sau khi nền quân chủ không còn có nhiều ảnh hưởng nữa, khuôn mẫu tổ chức cơ chế Quốc Gia được thể hiện bằng Quốc Hội và Chính Quyền, là hai cơ quan đồng đẳng như nhau, cơ quan nầy độc lập đối với cơ quan kia.

Từ đó muốn giữ cho mức cân bằng giữa hai cơ quan quyền lực Quốc Gia, các Hiến Pháp giao cho Vị Nguyên Thủ Quốc Gia có quyền giải tán Quốc Hội và bổ nhiệm Chính Phủ (Burdeau Georges, Il regime parlamentare europeo, trad. it., Comunità, Milano 1950, 79s).

Trong suốt lịch trình tiến triển của hai thế kỷ vừa kể, định chế hiến định về tổ chức Chính Quyền của nhiều Quốc Gia có nhiều bước tiến triển, nhưng không đồng đẳng và đồng loạt như nhau, tùy thuộc mỗi Quốc Gia, biến chuyển, từ việc chuyển giao quyền chọn lựa Chính Phủ của Vị Nguyên Thủ Quốc Gia qua tay các nhà lãnh đạo Quốc Hội (Zilemenos Constantin, Naissance e Évolution de la fonction du Premier Ministre dans les régimes parlementaires, Pichon et Durand- Aurias, Paris 1976).

Từ đó chúng ta thấy được khuynh hướng chung của các Quốc Gia Dân Chủ Tây Âu là chuyển giao quyền tuyển chọn Chính Quyền vào tay Quốc Hội (W. Bagehot, The English Constitution, Oxford University, London 1969).

Và rồi như chúng ta biết Quốc Hội là cơ quan dân cử, nên nguyên tắc "quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân" (định nghĩa dân chủ) trong tiến trình thành lập Chính Phủ, dần dần được chuyển giao trong tay nhiều chủ thể khác nhau,

- cho cử tri đoàn nói chung

- hay cho các chính đảng nói riêng, nhứt là đối với những Quốc Gia đa đảng. Hay nói theo ngôn ngữ của Duverger, trong tiến trình thành lập Chính Phủ, các Quốc Gia Tây Âu có thể áp dụng

* "dân chủ trực tiếp" (démocratie immédiate, cử tri đoàn trực tiếp, qua cuộc bầu cử, đứng ra quyết định chọn phe phái nào đứng ra lãnh đạo Quốc Gia)

* hay "dân chủ trung gian điều giải" (démocratie médiate: sau cuộc đầu phiếu, các chính đảng sắp xếp,

- thoả thuận nhau về đướng hướng chính trị,

- chọn ai đứng ra lãnh đạo

- và ai là thành phần nội các, chức vụ nào

- và bao nhiêu nhân vật của mỗi chính đảng, để thành lập Chính Phủ Thoả Hiệp, nếu là Quốc Gia đa đảng) (M. Duverger, Monarchie Republicaine, R. Lafont, Paris 1974, 109 et 281s).

Trong trương hợp áp dụng phương thức " dân chủ trung gian điều giải " của các Quốc Gia đa dạng và đa đảng, cử tri đoàn " chỉ có thể cung cầp số lượng quyền lực tỷ lệ cho các chính đảng, để các chính đảng sau khi thảo luận, bàn cải và sắp xếp thoả thuận với nhau, đứng ra chỉ định ai lãnh đạo hành pháp và thành phần Chính Phủ" (Spagna Musso, Costituzione e struttura del Governo. L'organizzazione del Governo negli stati di democrazia parlamentare, Ricerca C.N.R., Cedam, Padova 1982).

Hành xử như vậy, "dân chủ trung gian điều giải " chỉ định:

- Chính Quyền phải được dân chúng hợp thức hoá (được dân chúng đồng thuận cho bằng quyền lực tỷ lệ cuộc bầu cử),

- quyền lực đó được tập trung vào tay một vị lãnh đạo Hành Pháp để bảo đảm cho nền dân chủ hoạt động được hữu hiệu và hiệu năng trong một Quốc Gia dân chủ đa dạng (hữu hiệu: đạt được mục đích nhằm đến, kịp thời và theo đúng định kỳ dự định; hiệu năng: không phung phí tài nguyên không cần thiết để đạt được mục đích) ( Zagrebelsky Gustavo, Società - Stato costituzionale. Lezioni di dottrina dello Stato degli anni accademici 1986-1987, 1987-1988, Giappichelli, Torino 1988, 17s).

Đặc tính "phải được dân chúng hợp thức hoá " là đặc tính nền tảng của một Chính Quyền Dân Chủ.

- Hay nói theo ngôn từ của Max Weber, là đặc tính của "Nền Quân Chủ Cộng Hoà " (Max Weber, Parlamento r Governo nel nuovo ordinamento della Germania, in Palamento e Governo, a cura di F. Fusillo, Laterza, Bari 1982, 153s).

- Hoặc là đặc tính của "Nền Dân Chủ với Một Nhà Lãnh Đạo" (L. Cavalli, Potere oligarchico e potere personale nella democrazia moderna, inAtti del Convegno su leadership e democrazia, Il Mulino, Bologna 1991, 8s).

Hai đặc tính quyết định vừa kể, tùy theo hoàn cảnh, nhu cầu hữu hiệu và hiệu năng của từng Quốc Gia, được thực thi dưới nhiều phương thức:

* phương thức "dân chủ kỷ thuật " (tecnodemocrazia) , lựa chọn người lãnh đạo tùy khả năng chuyên nghiệp và nhu cầu đòi hỏi của Đất Nước phải đáp ứng kịp thời (Patrono, " Monarchia repubblicana, una formula discutibile, in Dir e soc. 1975, 155s).

* phương thức "dân chủ tham dự " (democrazia parteicipativa), tao điều kiện và trường hợp để dân chúng thực sự tham dự vào việc thiết định chính hướng Quốc Gia, chấm dứt tình trạng "Dân chủ vô dân chúng " (Démocratie sans peuple), hay dân chủ thuyết lý và mỵ dân, dân chủ nhân dân của CS " Đảng cử dân bầu"chẳng hạn (Duverger Maurice, " Democrazia senza popolo", trad. it., Delado libri, Bari 1968),

- phương thức chống lại khuynh hướng "quả đầu chính thể " (oligarchie) của một số chính đảng độc quyền cai tri, như Đức và Ý thời Hitler và Mussolini hay ở một vài xứ dưới chế độ độc tài CS còn sót lại hiện nay (Cavalli L., Potere oligarchico, in Atti del Convegno su Leadership e democrazia, Il Mulino, Bologna 1992, 13s).

-phương thức tạo được một Chính Quyền "vững mạnh và có khả năng" (stabile e in grado di...) thực hiện đường hướng chính trị hoạch định cho đất nước (Galeotti Serio, Il Govern scelto dal popolo. Il Governo di legislatura, Giuffré, Milano 1984, 24s).

Nhưng dù sao đi nữa, các phương thức được duyệt xét trên đối với cấu trúc và hoạt động của Chính Quyền Dân Cử (ex popoli ) đều phải hàm chứa hai yếu tố:

- yếu tố "đa nguyên, đa dạng, nhiều giai cấp" (pluralista) : cho phép chúng ta nhận thức được trong Chính Quyền Dân Chủ phải thể hiện được phương thức hành xử quyền bính và mối tương quan đa diện của dân chúng (M.S. Giannini, I pubblici poteri negli stati pluriclasse, in Riv, trim dir, pubbl., 1979, 389s).

- cấu trúc và hoạt động của Chính Quyền là phương thức và cơ hội của tiến trình "hoà hợp và hội nhập" (unità ed integarzione) các thành phần khác biệt nhau trong cộng đồng Quốc Gia (Smend Rudolf, Costituzione e diritto costituzionale, trad. it., Il Mulino, Bologna 1988, 75s).

B - Mục đích cuối cùng vừa kể của tổ chức Chính Quyền nói riêng và của Đất Nước nói chung, "hoà hợp và hội nhập" (unità ed integrazione) nói lên định hướng của hầu hết các Hiến Pháp Tây Âu, nhứt là Hiến Pháp 1947 Ý Quốc.

Quốc Gia cũng như Chính Quyền được tổ chức nhằm mục đích quy tựu đoàn kết hợp nhứt, từ đa nguyên đa dạng, trong một tiến trình sắp xếp các thành phần và nhu cầu đối nghịch, như là phương thức cần thiết để giữ vững một thể chế trong đó

mỗi thành phần khác nhau được bảo đảm cho vẫn tồn tại sống còn và từ đó cũng cố Quốc Gia được bền vững.

Nói cách khác, trong các thể chế dân chủ của các Quốc Gia Tây Âu đa nguyên và đa dạng về chính trị và xã hội hiện nay, một phần quan trọng của tổ chức Quốc Gia được nhằm bảo đảm cho việc hòa hợp và hội nhập đoàn kết các tổ chức và giai cấp chính trị và xã hội khác nhau, qua tiến trình dân chủ, mọi quyền lực Quốc Gia đều phát xuất từ nền tảng dân chúng ở bên dưới (Zagrebelsky Gustavo, Diritto costituzionale, I. Il sistema delle fonti di diritti, Utet, Torino 1992, 14).

Mục đich của tổ chức Quốc Gia và Chính Quyền Dân Chủ Tây Âu là hòa hợp và hội nhập mọi khác biệt chính trị và xã hội vào cộng đồng dân tộc, cùng sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một thể chế.

Tùy hoàn cảnh, có lúc tổ chức Quốc Gia nhứt là tổ chức cơ chế Chính Quyền được hình thành,

- nhằm đặt nặng trên "khả năng quyết định" của Chính Quyền để đạt được hiệu năng cần thiết,

- hay nhằm đặt nặng trên khả năng "trung gian điều giải" của những người được giao cho chức vụ quản trị Đất Nước (Zagrebelsky, id. 923).

Hai mục đích vừa kể được nhà chính trị học Lijphart Arend goi là

- "dân chủ đa số" (democrazie maggioritarie)

- và " dân chủ đồng thuận" (democrazie consensuali) (Lijphart Arend, Democrazie contemporanee, trad. it., Il Mulino, Bologna 1988, 11s).

* "Dân Chủ Đa Số" hay dân chủ theo khuôn mẫu Westminster là hình thức dân chủ được đại đa số dân chúng phong tước cho, được thực hiện ở những Quốc Gia khá đồng nhứt, không có quá nhiều chính đảng và các chính đảng không cách biệt nhau lắm về quan niệm chính trị, bởi lẽ hai phái tả hữu đều tìm cách xích lại gần trung tâm, càng gần càng tốt để nắm lấy thành phần dân chúng trung gian, "không theo phe phái nào", tạo được đa số và đắc cử (Lijphart Arend, id.).

Trong xã hội như vừa kể việc thành phần thiểu số bị loại ra ngoài Chính Quyền không phải là chuyện "kinh thiên động địa", bởi lẽ thành phần bị loại kỳ nầy, sẽ có cơ hội và khả năng thực sự lên nắm quyền nhiệm kỳ tới.Thành phần thiểu số đối lập trong một xã hội khá đồng nhứt như vừa kể có phương tiện và cơ hội đưa ra chương trình quản trị đất nước hiệu năng và hấp dẫn hơn giới lãnh đạo đương quyền đang chạm phải những khó khăn thực tế cần giải quyết.

Chương trình hiệu năng và hấp dẫn hơn sẽ được dân chúng "đồng thuận" và phong tước cho trong kỳ bỏ phiếu tới.

Dân Chủ Luân Phiên (Alternanzdemokratie) cũng là một đặc tính không thể thiếu của dân chủ là vậy (Schneider - Zeh, Parlamentsrecht und Parlamentspraxis in der Bundesrepublik Deutschland, Berlin- Newyork 1989, 214.

Trái lại nếu phương thức " dân chủ đa số" (democrazie maggioritarie) được áp dụng tuyệt đối, nhứt là thành phần đương quyền cấu kết với một vài chính đảng để tạo ra tình trạng "quyền lực quả đầu chế" (potere oligarchico), các chính đảng đối lập không còn có hy vọng nào hội nhập để trở nên chính đảng đương quyền, dần dần phản ứng của các nỗi tuyệt vọng sẽ biến thành phản ứng bất trung thành với thể chế Quốc Gia mà họ cho là bất công, áp đặt. Các Quốc Gia Cộng Sản độc tài, độc đảng luôn luôn bị dân chúng chống đối là trường hợp điển hình( Lijphart Arend, id, 32s).

Con người chỉ có thể tuân hành quyền lực mà mình xác tín là hữu lý, chính đáng.

Mọi chế độ áp đặt lên đầu lên cổ bằng bạo lực cường quyền lên con người, sớm muộn gì cũng bị con người bực tức, đứng dậy đạp đổ.

Đấng Tạo Hoá đã đặt vào tâm khảm con người lòng ước muốn công chính và tự do, khi Người tạo dựng nên họ. Bản tính nội tại của con người do đó là bản tính ước muốn tự do.

Mọi quyền lực áp đặt, bất công kềm hảm tự do của con người là hành vi đi ngược lại bản tính con người, ngày tàn của nó được tính từng giờ hay từng phút.

Những gì chúng ta vừa đề cập là phương thức "dân chủ đa số", thường được áp dụng ở những Quốc Gia khá thuần nhứt và ít chính đảng, như Anh Quốc chẳng hạn (khuôn mẫu Westminster).

* Hầu hết những Quốc Âu Châu Gia còn lại là những Quốc Gia đa nguyên, đa dạng về phương diện chính trị và xã hội.

Bởi đó, phương thức dân chủ của phần lớn các Quốc Gia Tây Âu khác là "dân chủ trung gian điều giải" (democrazie mediate), như Ý Quốc chẳng hạn.

Áp dụng phương thức "dân chủ trung gian điều giải" là cách áp dụng dân chủ nhằm để đáp ứng lại nhu cầu " hoà hợp và hội nhập " (unione e integrazione) một xã hội và một hệ thống chính trị bị phân hóa bằng nhiều phe nhóm cách biệt (cleavages).

Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cũng như Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức (CHLBD) được các vị soạn thảo viết ra nhằm trao cho tình trạng khác biệt giữa các chính đảng, phe phái chính trị, xã hội, tôn giáo và sắc tộc nhiệm vụ

- "đại diện" ,

- lẫn "hoà hợp và hội nhập" dân chúng Ý và Đức thành một cộng đồng dân tộc, cùng sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một thể chế (định nghĩa Quốc Gia trong Chính Trị Học) (Ridola Paolo, Divieto del mandato imperativo e pluralismo politico, in Studi per Crisafulli, II, 682s).

Với phương thức "dân chủ trung gian điều giải" tổ chức cơ chế Quốc Gia, nhứt là tổ chức Chính Quyền, với vai trò đại diện của các chính đảng, có thể vượt qua các khác biệt chính trị - xã hội đa nguyên đa dạng để quy tựu tất cả dân chúng vào thành một "cộng đồng dân tộc".

Với phương thức "dân chủ trung gian điều giải", việc thành lập Chính Quyền ở Ý, Đức cũng như phần lớn các Chính Quyền Tây Âu không do cử tri đoàn trực tiếp chỉ định qua cuộc bầu cử, như "dân chủ đa số " của khuôn mẫu Westminster (First past the post), mà là do vị Thủ Tướng được Tổng Thống chỉ định tham khảo ý kiến, sắp xếp đường lối và chương trình chính trị cũng như nhân sự trong Nội Các tương lai với sự đồng thuận của các chính đảng, tạo được sự tín nhiệm của các chính đảng đa số trong Quốc Hội, và được chính Tổng Thống "chuẩn y " bằng cách bổ nhiệm:

- "Chính Quyền của nền Cộng Hoà gồm có Thủ Tướng Chính Phủ và các Bộ Trưởng, cùng nhau hợp thành Nội Các.

Tổng Thống Cộng Hoà bổ nhiệm vị Thủ Tướng và theo lời đề nghị của Thủ Tướng bổ nhiệm các Bộ Trưởng" (Điều 92, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

- "Chính Quyền phải được sự tín nhiệm của hai Viện Quốc Hội.

Mỗi Viện Quốc Hội chấp nhận hay thu hồi sự tín nhiệm qua một cuộc bỏ phiếu có lý chứng và bỏ phiếu hài danh (nominale)" (Điều 94, đoạn 1 và 2, id.

- "Chính Quyền Liên Bang gồm có Thủ Tướng Liên Bang và các Bộ Trưởng Liên Bang" (Điều 62, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, CHLBD).

- "Thủ Tướng Liên Bang được Hạ Viện Liên Bang (Bundestag) tuyển chọn, không cần bàn cải, theo lời đề nghị của Tổng Thống Liên Bang".

Ai hội tựu được đa số phiếu thành viên Hạ Viện về phía mình là người được tuyển chọn. Người được tuyển chọn, phải được Tổng Thống Liên Bang bổ nhiệm" (Điều 63, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).

"Dân Chủ Đa Số " (democrazia maggioritaria) hay "Dân Chủ Trung Gian Điều Giải " (democrazia mediata) được áp dụng ở đâu và lúc nào, tùy theo hoàn cảnh xã hội và chính trị của Quốc Gia khá thuần nhứt hay khác biệt, đa nguyên, đa dạng, mà những người có trách nhiệm phải sáng suốt và có ý thức.

Nhưng dù sao đi nữa, tổ chức cơ chế Quốc Gia Dân Chủ không thể nào thiếu yếu tố "Dân Chủ Đồng Thuận" (democrazia consenzuale), khiến cho một vài phe nhóm bám chặt quyền hành tạo ra tình trạng "Quyền Lực Quả Đầu Chế" (potere oligarchico) Đảng Trị, đàn áp tự do, tạo bất mãn và bất trung thành và bất tuân đối với thể chế nơi dân chúng.

Mục đích của tổ chức cơ chế Quốc Gia nói chung và Chính Quyền nói riêng là "hoà hợp và hội nhập" (unità ed integrazione), trong đó mọi thành phần khác biệt về chính trị, xã hội đều được bảo đảm tồn tại và sống còn để cùng nhau xây dựng một cộng đồng dân tộc, cùng sống trên một lãnh thổ, được tổ chức theo một thể chế, thể chế Nhân Bản và Dân Chủ.

Không có nhận xét nào: