Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2007

Hầm chông dưới “miễn thị thực”

“… qua lời họ thì Đảng và nhà nước CSVN vẫn nuôi hận thù với những người Việt Nam ở nước ngoài …”

Nói tiếng Việt chưa phải là người Việt ?

Nhà nước Cộng sản Việt Nam thi hành quy chế “miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài” từ ngày 1/9/2007, nhưng có ai biết “hầm chông” nào núp dưới “tấm thảm” này không ?

Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài tuyên bố trên báo Nhân Dân (29-8-07): “Quyết định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ ngày 17-8-2007 vừa qua là sự khẳng định chủ trương trước sau như một của Ðảng và Nhà nước ta coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện để bà con được hưởng những thuận tiện như công dân Việt Nam khi nhập, xuất cảnh Việt Nam. Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước Việt Nam với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việt Nam là nước đi đầu trên thế giới khi thực hiện sự biệt đãi này”.

Nhưng trong cuộc phỏng vấn của báo Hà Nội Mới (28-8-07), Triệu Văn Thế, Đại tá Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An lại nói những lời hận thù cường điệu: “Nội dung của Qui chế vừa là văn bản hướng dẫn thủ tục cho bà con Việt kiều, đồng thời cũng xác định chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về việc tạo điều kiện dễ dàng thuận lợi cho bà con kiều bào về nước. Chính sách đó dành cho những người gắn bó, có tình cảm với đất nước, dân tộc, không dành cho những phần tử đang có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, suy tôn, treo cờ và mưu toan phục hồi chế độ phản cách mạng trước đây.”

Ông Thế cũng nói thêm: “Những đối tượng thuộc diện không được miễn thị thực là những người không có hộ chiếu hoặc không có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh. Là những người thuộc diện "chưa được nhập cảnh VN" theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh; Vì lý do phòng chống dịch, bệnh; Vi phạm nghiêm trọng luật pháp VN trong lần nhập cảnh trước; Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.”

(Những người thuộc diện bị cấm nhập cảnh VN theo khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Nhập cảnh là các thành phần:

a) Giả mạo giấy tờ, cố ý khai sai sự thật khi làm thủ tục xin nhập cảnh;
b) Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;
c) Vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam trong lần nhập cảnh trước;
d) Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, lý do đặc biệt khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.)

Hai lý do “an ninh quốc gia” và “đặc biệt khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an” là những lý do không thể giải thích bằng luật pháp, nhưng lại cho phép Nhà nước có quyền đối xử tùy ý đối với những người họ không muốn cho nhập cảnh.

Trước đó, ngày 22/8/07, Lữ Phước Sơn thuộc Vụ Công Tác Cộng Đồng Thuộc Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài cũng nói với Đài BBC: “Việc chứng minh nguồn gốc Việt Nam không phải là điều khó khăn đối với kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, nhưng "chủ yếu là có thật tâm với việc về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, du lịch và về với thiện chí, phù hợp với ý nguyện của nhân dân trong nước cũng như của đất nước Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập."

Cởi mà không mở

Ba lời tuyên bố của các ông Bình, Thế và Sơn có trái ngược nhau không ? Trên nguyên tắc là có vì một mặt có vẻ như Cộng sản muốn mở rộng vòng tay đón mọi người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng thực tế không phải như vậy.

Xuyên qua lời họ thì Đảng và nhà nước CSVN vẫn nuôi hận thù với những người Việt Nam ở nước ngoài. Họ vẫn nghi ngờ những người về thăm gia đình, quê hương không thật tâm, thiếu thiện chí trong mỗi lần nhập cảnh nên họ muốn dùng Quy chế miễn thị thực để phân loại xem ai là người sẵn sàng đứng về phía họ.

Trước tiên, họ chỉ bằng lòng cho vào nước những ai họ biết chắc có “gắn bó với tình cảm đất nước, dân tộc” hay “có thật tâm với việc về thăm quê hương, tìm hiểu cơ hội kinh doanh, du lịch và về với thiện chí, phù hợp với ý nguyện của nhân dân trong nước cũng như của đất nước Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập."

Nhưng “gắn bó” với đất nước, dân tộc có phải là “gắn bó” với đảng và nhà nước không và về thăm quê hương, gia đình như thế nào mới không bị coi là “không thật tâm”, “thiếu thiện chí” hay “không phù hợp với ý nguyện của nhân dân trong nước cũng như của đất nước Việt Nam” ?

Đảng CSVN nên cho người Việt ở nước ngoài biết rõ “ý nguyện của nhân dân trong nước” bây giờ là gì ? Đảng và Nhà nước CSVN đã hỏi nhân dân chưa, hay đó mới chỉ là “ý đảng” mà bảo là “ý dân” như đảng vẫn làm từ xưa đến nay ?

Kể từ ngày Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” ra đời (26/3/2004) đến nay người Việt Nam ở nước ngoài đã được Nhà nước đối xử ra sao và đảng CSVN đã làm gì để đoàn kết dân tộc ?

Nhìn chung, đảng CSVN đã hoàn toàn thất bại trong kế hoạch “đỏ hoá” cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại các nước có đông người Việt như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Úc. Hà Nội đã không được người Việt cộng tác tuyên truyền cho chế độ, không để cho báo chí, truyền thông của Việt Nam nhiễm độc. Đặc biệt không có cơ sở thương mại nào của người Việt chịu làm đại diện bán hàng cho Việt Nam.

Quan trọng hơn, chưa có mấy trong số trên 300 ngàn trí thức, chuyên viên người Việt đã đáp lại lời kêu gọi của đảng CSVN về giúp nước. Cũng chỉ có một số rất nhỏ trong số trên 3 triệu người Việt ở nước ngoài đã về làm ăn hay sống ở Việt Nam.

Nói một đàng làm một nẻo

Báo điện tử VietNamNet ngày 2/3//07 trích lời Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều tại Bỉ, người đã về Việt Nam, nói: “Vướng mắc cơ bản chính là rào cản tâm lý mà chưa có cơ chế phù hợp để xoá bỏ. Tôi có cảm tưởng là chưa có quyết tâm chính trị để thực thi Nghị quyết 36".
"Những tưởng sau Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, những vướng mắt trầm kha tồn đọng từ 30 năm nay sẽ được giải toả. Trên thực tế, từ hơn hai năm nay, việc huy động và sử dụng nguồn lực chất xám Việt kiều vẫn không được triển khai, dù chỉ một bước". "Cái hố tách rời do lịch sử để lại vẫn còn chưa được bồi lấp với một tốc độ cần thiết". Và vấn đề chất xám Việt kiều còn là "vấn đề quá nhạy cảm", liên quan đến nhiều cơ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, chưa có cơ quan tổng diện điều động được nhiều bộ, đủ quyền lực, đủ tâm, đủ tầm, đủ ý chí đứng ra gánh vác."

Ông Hưng nói tiếp: "Hiện vẫn chưa thấy có những cơ chế hiệu quả, những hướng dẫn cụ thể cho việc thực hiện, kỳ vọng vẫn còn ở những khẩu hiệu, những trang giấy. Các cơ quan chức năng dường như đã ngừng lại, không quan tâm đúng mức cho vấn đề này nữa. VN vẫn chưa có được một "quyết tâm chính trị đủ lớn" để đề ra những cơ chế mới mang tính đột phá, đẩy lùi những rào cản tâm lý còn tồn đọng cũng như những quan niệm cũ kỹ có thể do hậu quả của lịch sử để lại".

Đó là lời của người trong cuộc hồi tháng 3. Nhưng 5 tháng sau, ngày 20/8, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), Bộ Ngoại giao và Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW.

Theo báo điện tử của Trung ương đảng, tham dự có các đại diện của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số lãnh đạo các cơ quan ban ngành có liên quan ở Trung ương và đại biểu là lãnh đạo Đảng, chính quyền và những người làm công tác ngoại vụ của 14 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.

Báo này viết: “Hội nghị cũng đánh giá công tác tuyên truyền trên lĩnh vực này còn nhiều yếu kém, nhiều địa phương thực hiện thiếu nhất quán, chưa thực sự coi trọng công tác đối với người Việt nam ở nước ngoài, chưa quan tâm đúng mức đến tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi của họ, có lúc, có nơi còn gây nhiều khó khăn phiền hà hoặc thành kiến, hẹp hòi đối với một số bà con việt kiều; có nơi lại quá dễ dãi, mất cảnh giác chưa đấu tranh, ngăn chăn kịp thời với những phần tử phản động lợi dùng danh nghĩa Việt kiều chống đối nhà nước ta.”

Như vậy thì có gì để bảo đảm người Việt ở nước ngoài không hoài nghi về “sự thật thà” của đảng CSVN trong “Quyết định miễn thị thực” ?

Theo Quyết định 135/2007/QĐ-TTg, ngày 17/8/2007, giấy miễn thị thực có giá trị 5 năm và mỗi lần về Việt Nam, người có giấy này được “tạm trú tại Việt Nam không quá 90 ngày cho mỗi lần nhập cảnh.”

Bộ Công an cho biết: “Người nhập cảnh theo quy chế phải thực hiện việc khai báo tạm trú với Công an phường, xã nếu tạm trú tại nhà riêng thân nhân hoặc thông qua chủ cơ sở chứa trọ để thực hiện trình báo tạm trú nếu tạm trú tại khách sạn.”

Trong khi đó, Điều 4 của Quyết định buộc người xin cấp Giấy miễn thị thực phải có:

1. Hộ chiếu nước ngoài hoặc người chưa được cấp hộ chiếu nước ngoài thì phải có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (kèm theo bản sao để cơ quan có thẩm quyền lưu hồ sơ).

2. Một trong những giấy tờ, tài liệu chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc các giấy tờ được cấp trước đây dùng để suy đoán về Quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam.

Triệu Văn Thế, Đại tá Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công An giải thích với báo chí trong nước: “Điều quan trọng bà con phải chứng minh là người Việt Nam thông qua một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; bản sao hoặc bản trích lục Quyết định cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; hộ chiếu Việt Nam (kể cả đã hết giá trị); sổ hộ khẩu; giấy chứng minh nhân dân; giấy khai sinh; thẻ cử tri mới nhất; giấy tờ khác chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả giấy tờ do chế độ cũ cấp như hộ chiếu, thẻ căn cước, bộ giấy khai sinh) hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

“Đặc biệt, Cục QLXNC lưu ý, trong trường hợp không có một trong các loại giấy tờ nêu trên, nhất là với những người đã mất hết các loại giấy tờ, xa quê hương lâu năm thì bà con chỉ cần giấy bảo lãnh của hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc bảo lãnh của công dân Việt Nam đảm bảo đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”

“Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp nếu trong đó có ghi đương sự là người có quốc tịch gốc hoặc gốc Việt Nam cũng được xem là giấy tờ tham khảo để xét cấp giấy miễn thị thực.”

Ông Thế nói thêm: “Đối với người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam phải có giấy kết hôn, giấy khai sinh. Có thể khẳng định, thủ tục cấp giấy miễn thị thực cho bà con đã đơn giản ở mức tối đa.”

(Điều 4 của Quyết định Miễn thị thực viết: Trường hợp không có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì đương sự có thể xuất trình giấy bảo lãnh của Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú hoặc công dân Việt Nam bảo đảm đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.)

Tại sao lại nhiều chuyện như thế ? Chẳng nhẽ một người “nói tiếng Việt, da vàng, mũi tẹt, viết được chữ Việt” mà vẫn cần phải có giấy “chứng minh là người Việt Nam” thì còn chuyện nào khôi hài hơn không ?

Hơn nữa, nếu người này phải cần đến “Giấy bảo lãnh” của một “Hội đoàn của người Việt Nam ở nước đương sự cư trú” hoặc “công dân Việt Nam” bảo đảm thì cái Hội đoàn này, nếu không phải thuộc loại “Việt kiều yêu nước” thì cũng phải thân CSVN. Và người Công dân kia cũng không ai khác là thứ “Công dân của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” có đầy đủ nghĩa vụ phải tuân lệnh nhà nước.

Trong Giấy bảo lãnh, người đứng tên phải khai đầy đủ lý lịch cá nhân và “số giấy chứng minh nhân dân Việt Nam/ số hộ chiếu”. Đối với Hội đoàn, người đại diện của tổ chức phải khai thêm : “Tên Hội đoàn” và “Chức vụ của bản thân trong Hội đoàn”.

Trong khi Giấy Đề nghị Cấp Miễn Thị Thực cũng không khỏi gây thắc mắc cho người xin. Ngoài lý lịch chi tiết, người xin giấy còn phải khai “Địa chỉ thường trú trước khi ra nước ngoài (nếu có)” và Địa chỉ, điện thoại nơi tạm trú khi về Việt Nam để “cho nhà chức trách liên hệ khi cần thiết.”

Triệu Văn Thế, Đại tá Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) - Bộ Công an giải thích tại sao người Việt ở nước ngoài phải cần Giấy Miễn Thị thực: “Sở dĩ phải cấp giấy miễn thị thực là để giúp bà con đi lại được thuận lợi, có giấy này mới lên được máy bay về VN, có giấy này nhà chức trách mới biết người nhập cảnh thuộc diện miễn thị thực để giải quyết các thủ tục nhập cảnh ở cửa khẩu, thủ tục tạm trú ở trong nước.”

Cũng nên biết rằng, Việt Nam Cộng sản hiện chưa nhìn nhận người có song tịch, cũng chưa nhìn nhận người Việt Nam có hộ tịch nước ngoài, nhưng “chưa xin thôi quốc tịch Việt Nam” là người “nước ngoài”.

Do đó, chừng nào một người còn là “người Việt Nam” thì khi vào “không phận Việt Nam” hay “nhập cảnh vào Việt Nam” phải bị chi phối bởi Luật pháp Việt Nam.

Như vậy liệu những tài liệu “Chứng minh là người Việt Nam” có sẽ là sợi giây thòng lọng treo trên đầu người Việt ở nước ngoài không ?

Phạm Trần
30/08/2007

Không có nhận xét nào: